logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 08/12/2014 lúc 12:56:33(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
UserPostedImage
I. Một trường hợp tội nghiệp
Thưa quý bạn, cách đây mấy hôm, tôi nhận được điện thoại của một vị độc giả ở Úc cho biết, ở Bến Tre có hai vợ chồng rất nghèo, người chồng tên Nguyễn Minh Hiền, 30 tuổi, làm nghề mài dao kéo dạo; người vợ tên Nguyễn Ngọc Thanh, cũng 30 tuổi. (Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, cùng ở trong xóm, cùng số phận nghèo, yêu thương nhau từ khi còn ít tuổi do Thanh bị sốt tê liệt từ hồi còn nhỏ, cánh tay bên phải xuội lơ, cánh tay bên trái chỉ hơi giơ ngang lên được như một cô bé tàn tật nên Hiền rất thương, lớn lên – năm 24 tuổi – anh nhất định lấy Thanh làm vợ). Hiền đi mài dao, bị điện cao thế giựt, cháy như cục than, cụt hai tay và chân bên phải, hai mông cũng cháy không còn mảnh thịt. Bệnh viện Bến Tre không có khoa bỏng nên chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn.
Suốt hai tháng rưỡi, họ cứu chữa anh Hiền thoát chết nhưng chẳng may cho anh, lúc bệnh chưa bình phục thì anh bị một thằng tâm thần nằm phòng gần đấy cầm dao chạy sang đâm anh hai nhát vào bụng và ngực rồi cắt cổ anh, máu tuôn như suối. Vị độc giả cho số điện thoại và địa chỉ của chị Thanh vợ anh Hiền, dặn tôi ráng thu xếp công việc, xuống gấp xem tình hình ra sao, bà với người cháu và mấy bà bạn sẽ gửi số tiền là 620 đô Úc, tức hơn 11 triệu rưỡi tiền Việt, tôi xuống dưới đó nếu thấy đúng như thế thì giúp vợ chồng anh Hiền 5 triệu đồng, số còn lại sẽ giúp cô Lê Ánh Tuyết ở Gò Vấp (con của ông tướng Lê Văn Hưng “tử thủ An Lộc” ngày trước, rất nghèo, bà mẹ bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường gần 10 năm nay không có tiền chữa trị), hai chị em Xuân và Tiên ở Rạch Giá không có chân tay, và chị Nguyễn Thị Tho ở Đồng Nai, nhà nghèo xơ xác, phải nuôi 4 đứa cháu ngoại còn bé lít nhít, do bố tụi nó đi làm rừng, đạp phải mìn, chết; mẹ tụi nó đi mua bán ve chai, đạp phải dây kẽm gai gỉ sét, bị phong đòn gánh, chết, bỏ lại mấy đứa nhỏ cho bà ngoại.
Hôm thứ Năm, 27/11vừa rồi, tôi xuống dưới. Trước khi đi, tôi gọi điện thoại cho chị Thanh hỏi thăm đường sá. Chị nói khi sắp đến ngã tư Tân Thành thì kêu điện thoại cho chị, chị sẽ nhờ ông cậu đem xe Honda ra đón, chứ đường từ Tân Thành vào nhà chị ở huyện Châu Thành tuy chỉ khoảng 10 cây số nhưng lối vô trong xóm ngoắt ngoéo, phải qua hàng chục cây cầu nhỏ xíu, nếu đi xe ôm thì họ cũng không thể tìm được.
Trong khi ngồi trên xe đò, tôi thắc mắc không hiểu tại sao anh Hiền đi mài dao lại bị điện cao thế giựt? Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy không có khoa chữa bệnh tâm thần, tại sao lại có thằng tâm thần ở đấy mà đâm anh Hiền ghê gớm như thế? Nó bao nhiêu tuổi, người tỉnh nào? Lúc nói chuyện điện thoại với vị độc giả bên Úc, tôi có hỏi nhưng bà nói bà cũng không biết, chỉ nghe người bạn ở Bến Tre gửi email qua kể lại vậy thôi.
Tôi xuống tới nơi. Đúng là đường vào nhà anh Hiền nhỏ tí và quá ngoắt ngoéo. Cành lá hai bên cứ chạm vào mặt và chốc chốc lại gặp một chiếc cầu bắc qua mương, tôi sợ người cậu của anh Hiền cũng đã lớn tuổi, ốm nhom theo kiểu ông già nhà quê, nếu ông không vững tay, đâm nhào xuống mương thì không biết làm sao. Nói vậy thôi chứ người nhà quê tính rất cẩn thận, khi đã chở mình là họ cố gắng, không để mình ngã.
Tới nơi. Căn nhà nho nhỏ mái lợp tôn, xây bằng gạch, nhưng còn để mộc chưa có tiền tô. Anh Hiền ốm nhom ốm nhách, ở trần, nằm thu lu như người chết rồi trên chiếc võng vải, chỉ mặc chiếc quần xà-lỏn, thân hình đầy sẹo và da nhiều chỗ cháy còn đen thui lui. Hai cẳng tay anh bị cụt ở khoảng giữa khuỷu tay và cổ tay, chân bên phải cũng bị cụt phía dưới đầu gối. Chiếc chân và hai tay cụt giơ lên trông khẳng khiu như cành cây khô. Anh giải thích với tôi rằng nằm bệnh suốt mấy tháng nay không ngồi dậy được nên những chỗ cụt đớ ra, cứng ngắc như que củi. Giọng anh rất nhỏ và khàn, tôi phải cố gắng mới nghe được.
Chị Thanh ứa nước mắt, sờ lên chỗ cổ anh, giải thích rằng chỗ cuống họng anh bị nó cắt chưa lành nên giọng anh đổi khác như vậy.
Tôi để ý thấy trong lúc chuyện trò, chi luôn luôn xoa những chỗ sẹo mới bắt đầu ăn da non chắc ngứa lắm cho anh bằng tay trái của chị chứ tay mặt thì buông thõng, hình như không cử động được. Tôi hỏi, nghe nói chị bị tật ở cánh tay mặt từ nhỏ? Chị chùi nước mắt cũng bằng tay trái, trả lời: “Dạ, hồi nhỏ con bị sốt tê liệt. Hai đứa chơi với nhau, ảnh thương con lắm, luôn luôn binh vực con. Lớn lên, ảnh nhứt định cưới con làm vợ. Cả xóm ai cũng bảo con có phước. Những lúc con gội đầu, chỉ có một tay hổng xối được nước ảnh cũng gội giùm. Không ngờ…” Chị khóc và kể rằng anh Hiền làm nghề mài dao kéo dạo, ở quê mỗi con dao được 3 ngàn đồng, mỗi ngày cũng kiếm được đôi ba chục ngàn đồng, còn chị lúc rảnh thì phụ với má chồng bán rau cỏ lặt vặt ở cái chợ nhỏ ngoài lề đường. Bữa 12 tháng 06 âm lịch, tức 08 tháng 07 dương lịch 2014 vừa rồi, anh Hiền đạp xe đạp đi mài dao dạo.
Qua bên An Hiệp, có bà cụ người quen nhờ anh leo lên mái nhà sửa giùm cây cột ăng-ten tivi. Anh vừa mới mở cái chốt cây cột ăng-ten thì bị điện cao thế giựt, cháy như cây đuốc… Tôi hỏi: “Chắc nhà lầu mấy tầng cao lắm nên mới bị điện giật như vậy?”. Chị nói: “Dạ không, nhà trệt, mái tôn bình thường vậy thôi, dây điện còn cao lắm không hiểu sao lại bị giựt như thế. Nó cháy dữ dội đến mức lủng cả mái tôn. Ảnh kêu lớn, có chú đó nhanh trí, chú leo lên, cởi áo lót tay cho không bị điện giựt rồi kéo ảnh ra khỏi cây ăng-ten. Mấy nhà sư trong chùa gần đấy cũng chạy tới, leo lên dập lửa cháy trên mình ảnh rồi đỡ ảnh xuống…”. “Thế còn chuyện thằng tâm thần, sao lại có nó trong Khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy? Nó bao nhiêu tuổi, người ở đâu?”. “Dạ thưa nó 41 tuổi, nhà ở Quận 9 trên Sài Gòn. Nó bị tâm thần, mở nắp xối chiếc bình thủy nước sôi lên mình. Người nhà đem vô bịnh viện chiều hôm trước nhưng giấu không khai nó bị tâm thần nên bác sĩ không biết. Sáng hôm sau, lúc lên cơn nó xách dao qua đâm anh Hiền”. “Dao ở đâu mà nó có?”. “Dạ thưa trong phòng nó nằm có bà đó đưa thân nhơn về nhà, bỏ quên con dao Thái Lan bổ trái cây trên mặt tủ ngay chỗ đầu giường của nó”. “Sao nó lại đâm một mình anh Hiền chứ không đâm người khác?”. “Dạ thưa tại anh Hiền nằm giường ngoài cùng ngay chỗ cửa vô. Ảnh nằm phòng số 2 đầu dẫy, nó nằm phòng số 7 cuối dẫy cách cũng khá xa chớ không phải gần. Lúc con nghe tiếng kêu um xùm: “Thằng điên cầm dao đấy! Thằng điên cầm dao đấy!”, ai cũng lo chạy về phòng có thân nhơn mình, đóng cửa lại.
Cả các bác sĩ với y tá cũng chạy. Con hoảng quá vội vàng đóng cửa, nhưng vừa mới đóng được một cánh thì nó xông vô, ảnh nằm ngay phía ngoài nên nó đâm ảnh hai nhát, một nhát vô bụng, một nhát vô ngực rồi cắt cổ ảnh ngay chỗ cuống họng. Con nhào vô giựt tay nó ra nhưng con chỉ có tay trái, yếu lắm không làm gì nổi. May mà con dao Thái Lan cũng lụt, nó cắt không đứt cuống họng, chắc đứt động mạch gì đó, máu phun có vòi. Cả tầng lầu 4 náo loạn. Ngay lúc đó hai người bảo vệ chạy vô, họ khóa tay nó, lấy được con dao rồi dẫn nó đi. Chính tay bác sĩ trưởng khoa giải phẫu cho ảnh hết hơn 5 tiếng đồng hồ. Ảnh chữa bị bỏng hết 2 tháng rưỡi cộng thêm 12 ngày chữa các chỗ bị đâm, tổng cộng là gần 3 tháng. Ảnh chưa lành hẳn nhưng các phòng đông quá nên được cho về…”. “Rồi từ đó đến nay có ai giúp đỡ gì không?”.
“Dạ thưa gia đình nhà chủ cây ăng-ten ở bên An Hiệp có giúp tiền viện phí và tiền thuốc men phần chữa bỏng hết 30 triệu đồng, còn gia đình thằng tâm thần cũng thanh toán viện phí, thuốc men về phần bị đâm hết 20 triệu đồng. Xã cũng cử người đến ủy lạo và kêu gọi bà con giúp đỡ, người cho 5 ngàn, người cho 10 ngàn, vì ở đây dân chúng nghèo lắm. Con chưa biết ảnh khỏi rồi sau này sẽ sống ra sao…”.
UserPostedImage
Thưa quý bạn, tôi đã hiểu rõ tất cả nên giúp vợ chồng anh Hiền 5 triệu đồng theo lời dặn của vị độc giả ở bên Úc, và hy vọng sẽ còn được giúp anh chị ấy với cháu bé Nguyễn Minh Nhật, 5 tuổi, con của anh chị ấy thêm nữa. Theo tôi nghĩ, ở trong Nam có câu: “Chết còn sướng hơn” và nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng có câu: “Người chết chưa chôn”. Trường hợp của vợ chồng anh Minh Hiền đúng là “Người chết chưa chôn” và “Chết còn sướng hơn”.
Nếu quý bạn có lòng thương xót, muốn giúp đỡ vợ chồng anh ấy, có thể gửi trực tiếp về địa chỉ: Nguyễn Ngọc Thanh, 357A ấp Thạnh Hưng, xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. ĐT: 01666 573 650.
Hoặc gửi theo tên thật và địa chỉ của Đoàn Dự: Phạm Huy Kỳ, 31/17 Nguyễn Văn Lạc, phường 21, quận Bình Thạnh, TP.HCM. ĐT: 38401414.
Chắc chắn tiền của quý bạn sẽ đến tay anh chị ấy. Xin trân trọng cám ơn.
II. Kiếp nghèo
Ngót 20 năm ròng, chị chọn nghề mưu sinh không giống ai, đó là giả trai để chạy xe ôm, kiếm từng đồng nuôi mẹ già, anh trai và em gái bị bệnh tâm thần. Mải miết thư vậy, chị quên thời xuân sắc dần dần trôi qua, chẳng dám lấy chồng vì thương mẹ, thương anh, thương em. Trong khi mưu sinh, chị đã gặp và giúp đỡ nhiều thân phận nghèo khó hoặc lầm lỡ, đáng thương…
Chị tên là Tống Thị Ngọc Hường, 44 tuổi, cư ngụ tại số 5/4 đường Lương Ngọc Quyến, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Căn nhà cấp 4 mấy mẹ con chị tá túc lụp xụp, nằm trong ngõ hẻm. Bao nhiêu năm nay chị là trụ cột của gia đình. Lo việc kiếm ăn, chị giống như một người đàn ông đúng nghĩa chứ không còn là một phụ nữ hóa trang thành đàn ông để chạy xe cho đỡ bị bắt nạt. Còn khi về nhà, chị tất bật với những công việc của một phụ nữ: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc thuốc men cho mẹ, cho em. Bà mẹ thì mù lòa, đứa em gái bị tâm thần, ngay đến tắm rửa cho em chị cũng phải làm chứ không nói đến những lúc nó lên cơn, la hét, ngồi nói lảm nhảm hoặc chửi bới bâng quơ hàng xóm láng giềng.
Riêng người anh thì cũng tâm thần nhưng đỡ hơn được một chút, có thể chập chững đi bán vé số. Mỗi ngày anh cầm đúng 20 tấm vé số, tức giá vốn chưa tới 200 ngàn đồng, đi lang thang, gặp ai thì giơ trước mặt người ta chứ cũng chẳng biết mời mua. Suốt bao nhiêu năm, cả cái thành phố Đà Nẵng này gần như đều biết anh là người tâm thần, nên họ mua giùm rồi nhét tiền vào chiếc túi dết cũ kỹ đeo trước ngực anh. Cứ bán hết 20 tấm vé số, trên tay không còn tấm nào để bán nữa thì anh về. Vậy là anh được lời 10%, tức 20 ngàn đồng, hôm sau lại đi bán nữa. Chẳng ai nỡ mua vé của anh mà không trả tiền. Có khi họ còn thương tình nhét vào túi dết của anh thêm một hai ngàn và anh cũng chẳng biết cám ơn.
Có người hỏi chị Hường rằng anh Tất bán “được” như vậy, chẳng hôm nào ế mà sao không lấy nhiều hơn, bữa nào cũng cứ đúng 20 tấm? Chị Hường nói không dám lấy nhiều, 20 tấm giá vốn đã là 180 ngàn đồng rồi, mất còn chịu được chứ hơn lỡ mất thì lấy tiền đâu. Kể ra chị Hường cũng khôn, ít ít thì không ai tham lam lừa đảo chứ nhiều họ sẽ chiếm mất dễ dàng.
Bao nhiêu năm giả trai chạy xe ôm
Chi Tống Thị Ngọc Hường cho biết, gia đình chị vốn là dân ngụ cư, từ Quảng Nam ra Đà Nẵng mưu sinh. Tai ương liên tiếp đổ lên cái gia đình nghèo khó đó. Cách đây 25 năm, chị 19 tuổi, mẹ chị là bà Nguyễn Thị Tốt ngả bệnh rồi bị mù cả hai mắt, mấy chị em đưa mẹ đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi, gia đình đã nghèo lại càng nghèo hơn vì lý do đó. Chị có một người anh trai nhưng bị bệnh tâm thần nhẹ, đi bán vé số mỗi ngày kiếm được chút đỉnh không đủ ăn cho cá nhân anh. Đứa em gái cũng bị tâm thần,
thỉnh thoảng lên cơn la hét, đập phá đồ đạc hoặc chửi bới hàng xóm, song chẳng ai thèm chấp. Mọi gánh gặng dồn lên vai chị. Khởi đầu, chị làm việc vặt ở chợ Đống Đa. Ai thuê phụ gì thì làm nấy, tích góp dần dần rồi cũng mua được một chiếc xe đạp cà tàng. Có xe đạp, chị dùng để chở hàng mướn. Chị rất khỏe, thân hình mạnh mẽ giống như đàn ông, lại mau mắn và cẩn thận, các bà hàng quen ai muốn chở gì cứ bảo chị là xong ngay, chị sẽ chở tới tận nơi không cần phải quan tâm nên ai cũng thích.
Tính nết người Trung vốn xẻn nhặt, chỉ mấy năm sau, từ chiếc xe đạp chị dành dụm mua được một chiếc xe máy cũ, dùng để chở hàng được nhiều và nhanh chóng hơn thay cho xe đạp. Dần dần, có những bà bán hàng hay bà đi chợ tiện đấy kêu chị “chở người” thay vì chở hàng, nên chị trở thành một con dao pha, muốn chở người hay chở hàng đều sẵn sàng đảm nhận. Lâu dần, chị rút kinh nghiệm, chở người thì tương đối nhẹ, đỡ hư xe và được trả tiền khá hơn chở hàng, do đó chị quyết định làm nghề “xe ôm” giống như đàn ông, sẽ ra “đứng đường” chở khách.
Bình thường, đàn ông con trai làm nghề xe ôm còn gặp khó khăn huống chi chị là phận gái, lại là người phụ nữ đầu tiên chạy xe ôm chuyên nghiệp tại Đà Nẵng, nên cũng có phần mặc cảm, chẳng thà cải trang giống như đàn ông cho đỡ bị mọi người để ý.
Sau khi suy nghĩ, chị Hường nghĩ ra cách mặc chiếc áo jacket rất “bụi”, đi giày da “khủng”, tóc bới lên cao, cột phía trên đầu bằng sợi dây vải giống như một võ sĩ Nhật. Những người quen thì biết chị là nữ, còn các xe ôm đàn ông tưởng chị là một tay thuộc loại “gồ ghề” nào đó mới xuất hiện, chẳng ai dám hoạnh họe hoặc tranh khách với chị.
Mỗi ngày chị Hường kiếm được khoảng 100 – 150 ngàn đồng, hôm nào ít cũng cỡ 7 – 8 chục ngàn. Số tiền này chị chắt bóp, nuôi mẹ, nuôi anh và em, nhưng cũng dành dụm để phòng khi trong nhà có người đau yếu. Cái mà chị lo nhất là chính mình bị bệnh, không chạy xe được thì lấy gì nuôi mẹ mù lòa và người anh với đứa em gái chỉ biết trông cậy vào mình.
Lòng tốt của người phụ nữ nghèo
Chị Hường cao lớn, khỏe mạnh. Chị kể, có một lần, trong một đêm mưa phùn cách đây mấy năm, chị chở một vị khách về nhà theo lối Khu công nghiệp Hòa Khánh. Khi đã đưa vị khách tới nhà, lúc trở về ngang qua Khu công nghiệp, chị thấy có hai thanh niên đang nắm tóc, lôi kéo một cô gái trông còn ít tuổi lên chiếc xe dựng bên lề đường. Cô gái vừa khóc vừa chống cự, nhất định không chịu lên. Chúng đấm đá, tát vào mặt cô lia lịa. Cô ôm đầu, cố gỡ tay chúng: “Buông tôi ra. Tôi làm công nhân, không làm điếm!…”. Chúng lại đánh nữa và mắng: “Làm điếm hồi nào? Người ta dạy cho mày mát-xa chứ có ai bắt mày làm điếm? Mày không chịu làm, bỏ trốn, tụi tao lấy tiền đâu mà trả cho họ?”. “Tôi không cầm của họ một đồng nào cả, ai nhận tiền thì lo mà trả, buông tôi ra!…”. “Này buông này! Này trả này! Trả cái con mẹ nhà mày. Tụi ông nện cho mày chết!…”. Họ ra sức mà nện. Cứ mặt và đầu mà đánh tới tấp.
Chứng kiến bấy nhiêu đó chị đủ hiểu. Chị dựng xe, khóa lại, rồi mở yên xe, lấy chiếc khóa có sợi dây xích khá lớn chị vẫn cất trong đó dùng làm võ khí tự vệ để phòng trường hợp cần đến. Chị vung sợi dây xích, quát lớn: “Buông người ta ra! Đồ khốn nạn bắt nạt phụ nữ, tao đập một cái thì tụi bay chết cha luôn…”. Một thằng còn lóng ngóng chưa biết nên buông hay không, chị quật một cú lên ngang lưng nó, ấy là chị quật đầu không có chiếc ống khóa chứ nếu đầu có ống khóa thì nó nát thịt. Nó kêu ối một tiếng rồi buông cô gái ra: “Con mụ điên, con mụ điên, chạy đi mày ơi…”. Hai đứa hè nhau lấy xe, chở nhau bỏ chạy.
Buổi tối hôm ấy, cô gái không biết đi đâu nên chị chở về nhà mình tạm trú. Hỏi chuyện, té ra cô gái cũng là người Quảng Nam, nhà nghèo nên ra Đà Nẵng kiếm việc làm rồi bị hai thằng ma cô lừa gạt, đưa vào một tiệm massage “phục vụ” khách. Thấy mụ chủ chỉ bảo cho các cô gái cách kích dục khách bằng tay, bằng miệng rất ghê tởm, cô sợ quá bèn bỏ trốn, định tới Khu công nghiệp xin làm công nhân. Hai thằng ma cô đi tìm, bắt được, định lôi về trao trả cho tiệm chủ massage.
Chị nói: “Bữa nay em ở lại đây, nhà còn cơm nguội, ăn đỡ chén cơm nguội, sáng mai chị đưa em vô Khu công nghiệp, xin cho em vô làm, họ đang cần người. Nhưng nhớ ở yên trong đó đừng đi ra ngoài. Khu công nghiệp có bảo vệ canh gác, bọn chúng không làm gì được đâu. Nếu cần ra ngoài thì đi với bạn hoặc kêu điện thoại cho chị biết, chị sẽ tới chở em đi”. “Dạ, em cám ơn chị”.
Hiện nay, cô gái đã có chồng, vẫn làm công nhân trong Khu công nghiệp, và có một đứa con trai còn nhỏ. Thỉnh thoảng, khi rảnh cô vẫn bế con, do chồng chở tới thăm gia đình chị Hường, và cô gọi mẹ chị Hường là má nuôi. Như vậy, chị Hương lại có thêm một đứa em nuôi.
Những chuyện chị Hường chạy xe ôm gặp các cô gái đứng đường vẫy khách thì nhiều vô kể. Có những cô thuộc loại “phế phẩm”, kiếm không được khách, đói khát, nghe nói chị Hường là gái giả trai, bề ngoài trông bậm trợn nhưng rất tốt bụng, nên họ tìm đến chỗ chị đậu xe ở gần khu chợ, nhờ chị dẫn tới Trung tâm Phục hồi nhân phẩm, chị Hường rất sẵn lòng giúp đỡ. Cũng có những cô gái lầm lỡ, không chồng mà chửa nhưng muốn giữ kín, chị Hường chở “miễn phí” họ tới trung tâm bảo trợ xã hội của các sơ hay các cha mặc dầu chị không phải là người Công giáo. Và cũng từ đó, hiện nay chị vẫn chạy xe ôm nhưng có khá nhiều em nuôi, đa số đều là những người sa cơ lỡ bước…
III. Kiếp người chuyển giới
Tại Việt Nam hiện nay, danh từ “hot girl” vốn được ưu ái dành cho các thiếu nữ có ngoại hình xinh đẹp, có tài năng nào đó nổi bật và được mọi người yêu mến. Vì vậy, trong xã hội @, “hot girl” là trào lưu được nhiều cô gái trẻ hướng tới để xây dựng hình ảnh “rất được hâm mộ” cho bản thân mình. Tuy nhiên, mỹ từ “hot girl” cũng bị lạm dụng, nhiều cô muốn trở thành “hot girl” bằng bất cứ cách nào dù bị tai tiếng…
Ngày 30/09/2014, anh Nguyễn Văn Hiếu (21 tuổi, ngụ ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) bị chuyển đến công an quận Hai Bà Trưng để tiếp tục bị điều tra về tội mua bán trái phép ma túy.
Được biết, Nguyễn Văn Hiếu chính là “hot girl” chuyển giới Trâm Anh mới nổi tiếng trên mạng internet trong thời gian vừa qua. Nhân vật này tham gia cuộc thi người mẫu Vietnam Next top Model và cuộc thi Vietnam Idol, mới lọt qua vòng sơ khảo thì được một cơ sở thẩm mỹ giúp đỡ giải phẫu hoàn toàn miễn phí. Gương mặt Trâm Anh trở thành xinh đẹp, rất thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
UserPostedImage
Trước đó, khuya ngày 29/09/2014, tại khu vực trước cửa nhà số 223 Bạch Mai, Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Hữu Đạt (19 tuổi, ngụ ở Thanh Oai, Hà Nội) bị bắt vì có hành vi mua bán ma túy. Qua kiểm tra, tổ công an phường thu giữ của Hiếu một gói ni-lông nhỏ, trong đó có 10 viên ma túy tổng hợp, mỗi viên nhỏ xíu nặng khoảng 2,5 gr.
Bị đưa về phường, Hiếu khai cỡ 0 giờ ngày 29/09, Hiếu cùng Đạt đi ăn đêm thì có người quen gọi điện thoại nhờ mua hộ 10 viên thuốc lắc. Hiếu đồng ý và liên lạc bằng điện thoai, mua của một người khác 10 viên ma túy tổng hợp (uống vào thì phê và “lắc” lung tung nên gọi là thuốc lắc) với giá 2 triệu đồng, sẽ bán lại với giá 2,5 triệu. Nhận “hàng” xong, Hiếu dùng xe máy chở Nguyễn Hữu Đạt tới địa chỉ 223 Bạch Mai để giao hàng thì bị công an phường Cầu Dền kiểm tra, bắt giữ.
Mặc dầu biết Nguyễn Văn Hiếu, tức “hot girl” Trâm Anh mang giới tính nam, nhưng khi đến gặp Hiếu, các phóng viên đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu dàng của Hiếu. Nước da trắng mịn, dáng cao, thân hình thon thả, đặc biệt là gương mặt hết sức hoàn hảo với đường nét thanh tú, giọng nói trong trẻo, không ai có thể nghĩ Hiếu vốn từng là một người nam.
Hiếu tâm sự, mình là anh cả trong gia đình có ba anh em trai. Hai đứa em bình thường, riêng Hiếu thì bộc lộ giới tính đặc biệt từ nhỏ. Hiếu thích để tóc như con gái, thích mặc quần áo con gái, đi học chỉ chơi với các bạn gái chứ không chơi với bạn trai. Bố mẹ Hiếu đã từng nhiều lần đốt quần áo của đứa con khác thường này, đồng thời đánh mắng, giáo dục, nhưng “trời sinh ra như vậy thì đành phải chịu”. Cấm đoán không được, bố mẹ Hiếu đành chấp nhận để mặc đứa con chẳng may mang giới tính thứ 3.
Lên trung học, Hiếu bắt đầu để tóc dài óng ả và gia nhập Ruby, câu lạc bộ những người mẫu chuyển giới, chuyên biểu diễn thời trang tại các quán bar. Học hết lớp 12, Hiếu thi đậu vào trường nghệ thuật với chuyên ngành Múa dân gian. Tuy nhiên, chưa học hết năm thứ hai thì Hiếu bỏ dở để đi làm các công việc tự do có thể kiếm ra tiền mặc dầu rất ít, như trở lại làm người mẫu biểu diễn thời trang tại các quán bar. Khi công việc này không còn được ưa chuộng, Hiếu chuyển sang làm nhân viên cho quán karaoke rồi dancer tại các vũ trường.
Bước ngoặt khiến Hiếu trở thành một người nổi tiếng với cái tên Trâm Anh khi tham gia cuộc thi người mẫu Vietnam Next Top Model 2010, và mới đây, cuộc thi Vietnam Idol 2014. Tuy chỉ mới lọt qua vòng sơ khảo nhưng sự góp mặt của những người thuộc giới tính thứ 3 như Hiếu đã thu hút sự quan tâm của cánh truyền thông. Hiếu cho biết, sau cuộc thi sơ khảo Vietnam Idol, một cơ sở thẩm mỹ đã tới gặp Hiếu, đề nghị giải phẫu chuyển giới miễn phí cho Hiếu với điều kiện sau khi giải phẫu, Hiếu phải làm đại diện quảng bá hình ảnh độc quyền cho cơ sở thẩm mỹ nói trên trong thời hạn 5 năm. Hiếu mừng hết lớn và
đồng ý ký hợp đồng ngay lập tức.
UserPostedImage
Đầu năm 2014, Hiếu được giải phẫu thẩm mỹ gương mặt. Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng hơn hai tiếng đồng hồ. Ba tháng sau, với sự kiêng khem và thuốc men nghiêm ngặt, Hiếu đã có một gương mặt khả ái, hoàn toàn xinh đẹp. Công nghệ lăng xê của cơ sở thẩm mỹ khiến cái tên “hot girl Trâm Anh” của Hiếu trở thành nổl tiếng trong cộng đồng mạng Facebook. Hiếu có hàng chục ngàn fans hâm mộ. Vào Google, chỉ cần gõ mấy chữ “hot girl Trâm Anh”, trong vòng 0,18 giây đồng hồ là đã có tới 630.000 kết quả xuất hiện với những mỹ từ như “Trâm Anh, hot girl chuyển giới đẹp ngỡ ngàng…”, “Cuộc lột xác cực kỳ hoàn hảo của chàng trai chuyển giới”, v.v…
Tuy nhiên, việc trở thành một “hot girl” không làm thay đổi cuộc sống của Hiếu. Theo hợp đồng đã ký kết, Hiếu phải xóa tất cả những hình ảnh đăng trên Facebook trước khi được phẫu thuật thẩm mỹ, bàn giao các hình ảnh này cho nhà tài trợ quản lý. Hiếu cũng không được tự ý đăng hình ảnh, thân thế (status) của mình trên Facebook, muốn đăng nội dung gì phải được đại diện nhà tài trợ kiểm duyệt, v.v…
Hiếu tâm sự, nhà tài trợ chỉ giải phẫu chuyển giới với mục đích quảng cáo, còn “đương sự” thì vẫn phải tự lo lấy cuộc sống của mình. Mặc dầu đã cam kết với nhà tài trợ không được làm bất cứ công việc gì ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của một “hot girl” đang được lăng-xê trên các phương tiện truyền thông, nhưng Hiếu vẫn phải quay lại làm dancer để kiếm sống và để có tiền mua thuốc men hoặc hormone tiêm chích hằng tuần.
Cuộc sống của một “hot girl” được nhà tài trợ dựng lên với mục đích quảng cáo thương mại là một cuộc sống hai mặt. Trên các trang báo mạng, “Trâm Anh hot girl” xinh đẹp, ăn diện thời trang, bát phố, shopping, nhưng đó chỉ là cuộc sống ảo. Đời sống thật của Trâm Anh vẫn diễn ra hằng đêm tại các vũ trường, quán bar, nơi các hot girl chuyển giới phải trình diễn những vũ điệu bốc lửa, mệt nhọc trong môi trường chỉ có nhạc, ánh sáng và các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, như vậy hot girl nào không cắn thuốc hoặc “chơi” ma túy mới là lạ.
UserPostedImage
Những người thuộc giới tính thứ 3 như Trâm Anh Nguyễn Văn Hiếu thường lấy lý do dùng ma túy để quên đời, quên đi cảm giác cô đơn, trống trải với nỗi buồn sâu thẳm không có lối thoát. Họ cho rằng đối với những người có giới tính thứ 3 thì cơ hội để tìm việc làm như người bình thường là rất khó khăn. “Hot girl Trâm Anh” cũng vậy, ban đầu là “cắn thuốc”, bập vào thuốc, sau đó trở thành tội phạm buôn bán ma túy lúc nào không hay.
Trâm Anh thanh minh rằng chỉ vì cả nể nên mua “thuốc lắc” giùm cho người quen. Nhưng tiền chênh lệch mặc dầu chỉ 500 ngàn/10 viên thuốc thì Trâm Anh không nhắc đến. Than ôi, trời sinh ra con người, trời lại sinh ra những thân phận thuộc giới tính thứ 3 khốn khổ đầy bế tắc thì biết làm sao! 10 viên thuốc lắc nhỏ xíu với 500 ngàn đồng tiền lời, nên tha hay nên trừng phạt họ?
Đoàn Dự ghi chép

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.163 giây.