Hỏi đáp Y học: Chứng loãng xươngThính giả Mỹ An, hiện cư ngụ tại bang California, có câu hỏi như sau:
"Tôi là Mỹ An, 68 tuổi. Tôi bị loãng xương. Trước kia bác sĩ cho tôi uống Actonel, một tuần một viên, phải uống vào buổi sáng lúc đói bụng. Nhưng tôi bị đau bao tử nên tôi chịu không được. Bây giờ bác sĩ đổi cho tôi sang loại Ibandronate 150 mg. Vì thuốc này cũng phải uống vào lúc bụng đói, tôi bị đau bao tử, cho nên tôi muốn hỏi bác sĩ là liệu tôi có thể ăn một chút gì rồi tôi uống được không ạ? Và nếu uống thuốc này lâu thì có bị phản ứng phụ gì không ạ?"
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải để lắng nghe giải đáp của bác sỉTrả lời thính giả hỏi về thuốc ibandronate chữa bệnh loãng xương.
Chúng ta đã bàn tổng quát về bệnh này trong một câu trả lời gần đây. Chỉ xin tóm tắt vài điểm:
• Bệnh loãng xương là một bệnh về biến dưỡng luỹ tiến (progressive metabolic disease), trong đó mật độ xương giảm xuống quá thấp.
• Mật độ chất khoáng trong xương, hay gọi ngắn là “mật độ xương” (bone mineral density, BMD) có nghĩa là lượng xương trong một đơn vị diện tích hoặc thể tích xương.
• Mật độ này giảm thì cơ cấu (structure) của xương yếu đi, sức chịu đựng của chúng giảm đi, và xương dễ bị gãy mặc dù bị chấn thương không đáng kể lắm, nhất là gãy ở các đốt sống vùng ngực (thoracic spine), vùng eo lưng (lumbar spine), xương háng (hip fracture), và xương cỗ tay (wrist fracture).Ở người già gãy xương khớp háng (hip fracture) dễ gây tật nguyền, phải bất động lâu và khả năng gây tử vong cao.
Thuốc ibandronate (Boniva) là một thứ thuốc được FDA chấp thuận dùng ngừa và chữa bệnh loãng xương cho người sau thời tắt kinh (postmenopausal women).
Xương chúng ta là một bộ phận sống động, va thay đổi liên tục theo thời gian và theo nhu cầu cơ thể. Có những tế bào xương gọi là osteoclast có nhiệm vụ phá huỷ xương cũ bỏ đi và thải calcium (vôi) vào dòng máu, và những tế bào xương gọi là osteoblast phụ trách xây dựng xương mới, dùng calcium lấy trong dòng máu. Thuốc làm giảm tốc độ cơ thể phá huỷ, làm tiêu xương (giảm hoạt động của các tế bào osteoclast).
Thuốc cũng được FDA công nhận là làm giảm gãy xương cột sống (spine fracture). Thuốc viên Ibandronate 150mg chỉ cần uống một tháng một lần, hoặc chích tĩnh mạch (IV) 3 tháng một lần, do đó có thể giúp những cho bệnh nhân bị xót ruột lúc uống 2 thứ thuốc loãng xương khác, bệnh nhân hay dễ quên nếu phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, hay mỗi tuần. Hai thuốc kia là Fosamax (alendronate), Actonel (risedronate), hai thuốc này được công nhận là có khả năng làm giảm gãy xương sống và xương những nơi khác.
Thuốc ibandronate lúc uống chỉ được hấp thụ rất ít (chừng 5/1000) vào cơ thể người bệnh (low bioavailability). Nếu có thức ăn, thuốc khác trong bao tử, sự hấp thụ của thuốc này lại càng giảm xuống thấp hơn nữa, thuốc không vào được máu người bệnh, và lại càng mất hiệu nghiệm của viên thuốc. Do đó người ta quy định là thuốc phải uống lúc sáng sớm, bụng đói, chỉ uống bằng một ly nước lã (nước lạnh, ‘plain water”,không được dùng mineral water ), trong tư thế đứng hoặc ngồi thẳng lưng, và trong một giờ đồng hồ sau đó không được ăn uống gì khác (cũng như không được ngồi, nằm xuống để tránh thuốc trào ngược lên thực quản).
Nếu bệnh nhân không chịu được thuốc uống, biện pháp kế tiếp là chích tĩnh mạch (IV) 3 tháng một lần.
Biến chứng: Theo FDA, các biến chứng (side efects) sau đây có thể xảy ra: đau lưng, xót vùng thực quản (giữa ngực)[heartburn], đau bao tử, đau tay chân, tình trạng giống như bị cảm cúm (flu-like illness).
Trong một số trường hợp hiếm, các bisphosphonate có thể gây hoại tử xương hàm (osteonecrosis of the jaw). Nếu bệnh nhân định nhờ nha sĩ giải phẫu, nhổ răng, cần cho nha sĩ biết mình đang dùng bisphosphonate.
Những người bị những chứng sau đây không được dùng thuốc ibandronate này :
• thực quản không bình thường
• không đứng hoặc ngồi thẳng 60 phút
• mức calcium máu quá thấp
• dị ứng với các chất trong viên thuốc
Cuộc nói chuyện này hoàn toàn chỉ mục đích thông tin, bệnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
(Hien V. Ho, MD, FAAP)
Ngày 5 tháng 1 năm 2013
Source: VOA