Mũ FlyViz trên đỉnh có gắn caméra
Inria, Esiea, InsaNhìn được mọi vật xung quanh, nhìn được ở đằng sau lưng mà không cần phải quay đầu lại, điều này hoàn toàn là hiện thực với mũ FlyViz, do Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ số của Pháp thực hiện.
Ruồi là một trong số hiếm động vật có khả năng nhìn được 360 độ. Con người giờ đây cũng có khả năng này với mũ FlyViz. Công cụ này đang trong quá trình thử nghiệm. Ông Anatole Lécuyer, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu khoa học số - UNRIA, cho biết :
« Sản phẩm mà chúng tôi giới thiệu cho phép mở rộng tầm nhìn của con người và có thể nhìn thấy mọi vật ở xung quanh, với góc nhìn 360 độ. Đây là một công cụ thử nghiệm để phục vụ các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về sự phức tạp của cách nhìn mới hoặc khả năng cảm nhận thị giác. Đương nhiên, công nghệ này sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực quan sát, theo dõi, với khả năng phát hiện sớm những nguy hiểm tiềm tàng. Ví dụ hỗ trợ cho lực lượng cứu hỏa, cứu hộ trong tình trạng khẩn cấp, để có thể xác định vị trí các mối nguy hiểm. Đây là một thí nghiệm duy nhất, mở rộng tầm nhìn của con người. Đương nhiên, công nghệ này cũng có thể được ứng dụng trong lĩnh vực giải trí ».
Mũ FlyViz kết hợp nhiều loại công nghệ : Camera, mũ, máy tính xách tay và kính che mắt được gắn nhiều màn hình nhỏ.
« Thực ra, có một camera có góc độ nhìn cực rộng được đặt ở trên đỉnh mũ. Hình ảnh thu được sẽ được xử lý và các hình ảnh này được chiếu trên các màn hình nhỏ đặt phía trước mắt của bạn. Đây là một dạng kỹ thuật được sử dụng trong lĩnh vực đồ bản. Thực ra, các hình ảnh đó được tính toán, điều chỉnh lại, đó không phải là những hình ảnh thực như người ta cảm nhận và nhìn thấy trên thực tế. Vậy con người tiếp nhận những hình ảnh đó như thế nào ? Phải chăng con người cần có một thời gian để tiếp nhận và xử lý hình ảnh đó ? Chúng tôi đã làm một số thí nghiệm cơ bản : Người đội mũ FlyViz tìm cách nắm bắt một vật nào đó, hoặc đi lùi qua cửa từ trong nhà ra ngoài đường. Chỉ cần sau khoảng 15 – 20 phút, người được thử nghiệm đã có khả năng nắm bắt một vật đặt ở phía trước hoặc phía sau họ ».
Liệu đội mũ FlyViz nhìn được 360 đô có làm đau đầu hay không ? Theo ông Jérôme Ardouin, kỹ sư ở trường Khoa học công nghệ số, thì không, bởi vì bộ não của chúng ta thích ứng nhanh với khả năng tầm nhìn mở rộng như vậy.
« Cá nhân tôi đã đội thử loại mũ này trong khoảng 30 – 45 phút mà không thấy có vấn đề gì lớn cả. Tôi không cảm thấy vướng víu, khó khăn gì. Điều cảm thấy không thoải mái là trọng lượng và kích cỡ của mũ. Tuy nhiên, ngoài việc dùng cho nghiên cứu thì loại mũ này cũng giúp chúng ta giải trí. Điều thú vị là chúng ta có khả năng nhìn được mọi vật ở xung quanh, với góc nhìn 360 độ. Các chuyên gia đang nghiên cứu khả năng tạo hình ảnh nổi ».
FlyViz hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ là sản phẩm mẫu. Các chuyên gia đang cố gắng thiết kế một loại mũ nhỏ hơn, nhẹ hơn và hy vọng là trong tương lai, chúng ta có khả năng nhìn được cả những gì đang xẩy ra sau lưng chúng ta.
Source: RFI