Ngày 18-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục hướng dẫn sinh viên Đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam (POHE).
Bà Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế, đại học Quốc gia tại Sài Gòn cho rằng thị trường bằng cấp ở Việt Nam đã bão hòa, bằng đại học đã gần mất hết giá trị. Theo bà Ly, tình hình cử nhân thất nghiệp tăng do lạm phát bằng cấp, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực. Số người vào đại học bắt đầu giảm từ ba năm qua, cùng lúc số lượng du học tự túc tăng nhanh. Đó là những điều cho thấy lòng tin của xã hội đối với tấm bằng đại học đã giảm sút rất nhiều.
Ông Siep Littooij, đồng Giám đốc Dự án POHE cho rằng, chất lượng của hệ thống giáo dục đại học không đạt yêu cầu, sinh viên ra trường không có việc làm. Điều đó đòi hỏi các trường phải xác định lại cách hướng dẫn của trường là đào tạo theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, tập trung đào tạo năng lực và kỹ năng áp dụng kiến thức nghề nghiệp cho sinh viên. Ông Littioij nói, trên 60% sinh viên Việt Nam ra trường kém về kỹ năng, doanh nghiệp không hài lòng, họ phải đào tạo lại mới sử dụng được.
Trong khi đó, với chương trình đào tạo của dự án POHE, kết quả cho thấy, sau 6 tháng ra trường thì 85% sinh viên của chương trình Giáo dục Đại học theo định hướng nghề nghiệp tìm được làm. Điều này khẳng định trường đại học và doanh nghiệp phải gắn bó chặt chẽ với nhau trong đào tạo.
Tổ chức hợp tác quốc tế về giáo dục của Hòa Lan đã tài trợ cho Việt Nam dự án phát triển POHE này
SBTN