Hỏi đáp Y học: Đau thần kinh hông kéo dài Thính giả Nguyễn Thị Ngọc Sương, ở Sài Gòn, Việt Nam, có câu hỏi như sau:
'Tôi là Nguyễn Thị Ngọc Sương, năm nay 46 tuổi. Tôi bị đau từ cột sống qua mông, và từ bên hông trải dài xuống bàn chân, cộng thêm bị tê nhức. Lúc trước bị tê nhức cách đây hơn một năm. Trước tôi ít bị tê, chỉ có đau. Nhưng từ khoảng một năm trở lại đây, tôi bị tê, cứ đi khoảng 3,4 bước là phải ngồi xuống vì không đi được nữa. Dáng người tôi đi cũng thay đổi, đi nghiêng người sang bên phải. Tôi cũng có đi bác sĩ về xương khớp, người ta nói tôi bị viêm gân. Họ cho tôi tập nhiều bài tập, tôi tập theo thường xuyên mỗi ngày, nhưng tôi không thấy giảm mà ngày càng trở nặng. Xin bác sĩ hướng dẫn cho tôi phải điều trị như thế nào và xin bác sĩ giải thích cho tôi bệnh của tôi là như thế nào để tôi biết đến bệnh viện điều trị và đi đứng được bình thường.'
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải để lắng nghe giải đáp của bác sĩĐau thần kinh hông (sciatica) kéo dài.Trường hợp đau lưng chạy dài xuống chân, chữa lâu ngày không khỏi.
Trường hợp vị thính giả ở đây, bác sĩ cho biết là "sưng gân." Từ "sưng gân" không đặc thù, không cho biết rõ là gân cốt (tendon, viêm gân = tendinitis) hay viêm dây thần kinh (neuritis). Ngoài ra, dù là bất cứ bệnh gì, nếu bệnh tình không thuyên giảm, và nhất là nặng thêm, thì nên cho bác sĩ biết để bác sĩ xem có cần xét lại chẩn đoán (diagnosis) lúc đầu hay không (ví dụ nghĩ đến những chứng bệnh hiếm có hơn, hay phức tạp hơn), cần thay đổi cách chữa trị không (ví dụ: tăng liều thuốc giảm viêm, thuốc giảm đau mạnh hơn như thuốc có chất ma tuý (opiod)). Bác sĩ cũng cho mình biết kế tiếp phải làm những việc gì, có cần đi khám thêm bác sĩ nào khác không,cần làm thử nghiệm gì thêm, vân vân...
Ở Mỹ, cách tổ chức các chuyên khoa, các ban ngành trong y khoa, cũng như cơ chế điều hành các hãng bảo hiểm sức khoẻ (phụ trách trả tiền các chi phí) rất phức tạp. Nếu bệnh nhân không đi đúng tuyến, bảo hiểm có thể từ chối trả tiền. Nếu bệnh nhân không có bảo hểm sức khoẻ, dù sẳn sàng trả tiền mặt, có thể còn tốn kém hơn, hoặc có thể phí tiền hơn.
Đa số bệnh nhân không đủ khả năng để tự định hướng trong công cuộc tìm một giải pháp cho tình trạng bệnh của mình, nhất là nếu bệnh kéo dài và phức tạp như trường hợp ở đây. Do đó chúng ta cần bác sĩ gia đình, hoặc bác sĩ nội thương, là người phối hợp các sự chăm sóc có thể rời rạc, của các bác sĩ chuyên khoa.
Vị thính giả đã đi khám bệnh chuyên khoa về xương khớp, tuy nhiên nên để ý một số điểm sau:
-Cần một bác sĩ chính phối hợp và theo dõi các chữa trị của bác sĩ chuyên khoa. Ở Mỹ các bs này được gọi là bác sĩ “primary care’ (bs tuyến đầu), là người đầu tiên phụ trách người bệnh như là một tổng thể cần săn sóc, giữ cho khoẻ mạnh, chứ không phải chỉ xét đến một bộ phận bị hư hỏng, như xương sống, một lá phổi, lỗ tai, con mắt... cần 'sửa chữa" cho hết bệnh.
-Nói chung bác sĩ primary care có nhiều thì giờ để nghiên cứu về tình hình tổng quát của bệnh nhân, nhiều cơ hội gặp bệnh nhân để có thể đánh giá tình hình chung, nêu ra những vấn đề cần giải quyết, hướng dẫn, giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa nếu cần, phối hợp các trị liệu chuyên khoa khác nhau, và theo dõi bệnh nhân qua thời gian.
-Ví dụ, trong trường hợp chúng ta bàn đây, người bệnh cần đi khám một bác sĩ tổng quát (general practitioner), hoặc bác sĩ nội thương (internist).Bác sĩ cần hỏi thăm tình trạng bệnh nhân, khám toàn bộ người bệnh (ví dụ bệnh lao có thể ảnh hưởng đến xương sống, bệnh loãng xương có thể làm đau lưng), kể cả khám phụ khoa (các bộ phận trong vùng xương chậu như tử cung, bọng đái có thể liên hệ tới các cơn đau vùng lưng và mông). Nếu bác sĩ thấy cần chụp quang tuyến, cần làm MRI cột sống, khớp háng, thì sẽ nhờ đến bác sĩ chuyên về quang tuyến. Nếu bác sĩ nghi nguyên nhân do u bướu, nhiễm trùng xương, bệnh xương khớp, bệnh phụ khoa, bệnh thần kinh thì cần tham vấn những bác sĩ chuyên khoa liên hệ.
-Nếu bệnh nhân không bớt, bác sĩ primary care là người hướng dẫn, phối hợp và bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân trong công việc đi tìm những nguyên nhân của sự thất bại chữa trị và tìm đến những chuyên gia có khả năng giải quyết vấn đề.
Đương nhiên, là người trả lời mục hỏi đáp y học này, rất tiếc tôi không thể nào thay thế vai trò này được. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhắc lại một số điểm liên hệ tới một bệnh mà thính giả đã nhiều lần hỏi.
Một trong những nguyên nhân thường gặp có thể giải thích triệu chứng của vị thính giả hỏi về chứng đau lưng, hông và chân ở đây là bệnh đau dây thần kinh hông lớn (sciatica). (Tên là tinh “sciatica” có nghĩa là đau do dây thần kinh hông [sciatic nerve]). Dây thần kinh hông bị chèn ép, tổn thương ở vùng lưng, làm cho ta có cảm giác đau trên lộ trình của nó, dọc theo mông, phía sau đùi và cẳng chân. Các bắp cơ liên hệ tới dây thần kinh này sẽ ít nhiều bị yếu đi.
Người bệnh có thể đau nhiều hơn:
- lúc ban đêm
- lúc đi nhiều, ngồi nhiều
- cúi xuống quá nhiều, bật người ra phía sau (bending backward)
- ho, nhảy mũi mạnh, rặn nhiều lúc đi
Một số nguyên nhân khác nhau như thoát vị đĩa đệm (disc hernia), lệch đốt xương sống, đau khớp háng, u bướu, cơ bắp chèn ép dây thần kinh đều có thể gây ra bệnh sciatica hoặc triệu chứng tương tự.
Tóm lại, nếu chữa trị thông thường bằng nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu mà không thấy kết quả, bệnh nhân cần đi khám lại bs gia đình để theo dõi, định bệnh lại, phối hợp điều trị và theo dõi bệnh tình. Có thể cần đên các bác sĩ chuyên khoa, và có thể cần chích thuốc vào sống lưng (thuốc corticoid chích vào khoảng trống chung quanh màng cứng tuỷ sống), hoặc giải phẫu nếu cần.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền.
Hien V. Ho, MD. FAAP
Source: VOA