Chia sẻ cảm nhận về thực trạng xuống cấp y đức trong đội ngũ y tế Việt Nam, bạn Kim Tiến ở Hà Nội trong cuộc thảo luận tuần trước cho rằng tiền và vấn nạn phong bì là nguyên nhân chính. Chính những người trong ngành y có ý kiến thế nào về nhận xét này? Người trẻ có đề nghị gì giúp thay đổi tình hình? Giải pháp nào giúp chấn chỉnh y đức, nâng cao chất lượng phục vụ xã hội của người thầy thuốc? Mời quý vị nghe phần tranh luận tiếp theo giữa Tiến ở Hà Nội, Huy tại Sài Gòn, và 2 y bác sĩ trẻ từ trong nước sang Nhật tu nghiệp thêm là bác sĩ Phụng và y tá Bình Minh.
Kim Tiến Hà Nội: Tiền và vấn nạn phong bì đang khiến cho y đức của bác sĩ bị xuống cấp. Bao giờ bệnh nhân vào viện cũng phải đóng tiền trước rồi mới được cấp cứu. Khi tới bệnh viện, những người đưa phong bì cho các y bác sĩ được đối xử, đãi ngộ tốt. Còn những ai nghèo khổ, không có tiền sẽ bị cư xử không đúng là con người. Vấn nạn phong bì khiến cho các bác sĩ thật sự có tâm cũng dần thay đổi và chạy theo đồng tiền. Tâm đức của họ bị mất dần.
Trà Mi: Trước hình ảnh Tiến vừa đưa ra, mình muốn được so sánh ngay với những gì các bạn đang tu nghiệp ở Nhật chứng kiến. Tiến nói ở Việt Nam, vào bệnh viện đầu tiên là phải đóng tiền trước khi được chăm sóc sức khỏe. Ở Nhật như thế nào?
Y tá Bình Minh: Tiền bạc hoàn toàn không thành vấn đề. Mình đã thấy rất nhiều trường hợp những người ăn xin gần chết dọc đường mà xe cấp cứu vẫn đưa tới bệnh viện và người ta vẫn cấp cứu rất nhiệt tình. Thậm chí khi cởi đồ của bệnh nhân ra, một đống rệp chạy ra ngoài, nhưng người ta vẫn không hề nao núng, vẫn lao vào cấp cứu cho bệnh nhân đó. Hình ảnh bác sĩ ở Nhật gắn liền với sự nhân bản của người Nhật nói chung vì người Nhật thật sự coi trọng sự công bằng cho con người. Hệ thống bảo hiểm y tế ở Nhật là bảo hiểm toàn dân. Người ta không yều cầu bạn trưng bảo hiểm ra trước khi được cấp cứu. Mình thấy thật sự người bác sĩ ở Việt Nam tốn rất nhiều thời gian để học, nhưng 10 năm sau khi ra trường mới có thể kiếm tiền bằng với người làm nghề buôn bán hay nghề nào đó rất bình thường ở Việt Nam.
Trà Mi: Vấn đề Minh nêu ra là mức lương tưởng thưởng chưa xứng đáng so với công sức bác sĩ bỏ ra để theo đuổi với nghề.
Y tá Bình Minh: Mình bổ sung là công sức của bác sĩ tốt nhé.
Trà Mi: Người ta có câu ‘Có thực mới vực được đạo”. Nếu người bác sĩ lương bổng eo hẹp quá thì làm sao có thể đòi hỏi họ có thể chú tâm hơn, toàn tâm toàn trí hơn với nghề được?
Huy Sài Gòn: Cho mình nói. Nó từ hệ thống đào tạo. Ở Việt Nam hiện giờ cơ chế xin-cho chiếm lĩnh tất cả mọi cái. Người được đào tạo tốt, có tâm, có y đức thì không được đãi ngộ. Còn những người có mối quan hệ, có tiền chạy chọt, có thân thế thì vào được những chỗ rất tốt.
Kim Tiến Hà Nội: Đúng là do mức lương. Như ở bệnh viện Việt Đức, mức lương của các y bác sĩ cao, có thể lên tới chục triệu/tháng. Cách cư xử của các y bác sĩ ở đây có khác hơn so với các y bác sĩ ở các bệnh viện có mức lương thấp hơn.
Trà Mi: Ý bạn Minh đưa ra nói rằng nếu mức lương xứng đáng thì người thầy thuốc không phải bận tâm với ‘cơm áo gạo tiền’, họ sẽ chăm chút hơn cho bệnh nhân, có thời gian trao dồi chuyên môn. Đó là ý niệm ‘Có thực mới vực được đạo’. Tuy nhiên, có người cho rằng đối với ngành nào khác thì vậy, nhưng với ngành y chữa bệnh cứu người, nói tới mục đích lợi nhuận trong ngành y hoặc nói tới mục đích cầu lợi trong ngành y phải chăng làm phá hỏng chữ ‘y’, bóp méo tính lương y của người thầy thuốc?
Huy Sài Gòn: Ở Việt Nam hiện giờ cụm từ ‘lương y như từ mẫu’ gần như không còn hiện diện nữa.
Y tá Bình Minh: Nói chung, hiện giờ chuyện đó rất nhiều trong xã hội, nhưng chúng ta cũng nên tránh thái độ ‘vơ đũa cả nắm’. Người ta kỳ vọng rất nhiều ở bác sĩ, nhưng thử nghĩ xem có thế giới nào như Việt Nam, nhiều khi người ta so sánh may một cái ruột người còn rẻ hơn may một cái ruột xe đạp. Thật sự, nếu bạn xem đơn giá của Bộ Y tế quy định sẽ thấy, ví dụ như may một cái ruột người 75 ngàn đồng. Mình không đem chuyện tiền bạc ra nói để làm cho mọi người cảm thấy là bác sĩ rất tồi tệ, ham tiền, nhưng rõ ràng nếu bây giờ nếu nhà nước đảm bảo được lương bác sĩ là 10 triệu hay 15 triệu/tháng, đương nhiên tình hình sẽ khá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây vẫn nằm ở khâu đào tạo. Khi anh không được đào tạo tốt, đào tạo đại trà, không có hệ thống kiểm định chất lượng thì có tăng lương lên 8 triệu/tháng vẫn còn những người bác sĩ sẵn sàng mắng xối xả vào bệnh nhân.
Huy Sài Gòn: Xuất phát từ cơ chế. Từ cơ chế đó mới tạo nên những con người như vậy.
Y tá Bình Minh: Ví dụ bây giờ Bộ Y tế nâng mức lương của bác sĩ lên thì đương nhiên tiền viện phí sẽ tăng. Câu hỏi đặt ra với các bạn là thay vì các bạn bỏ tiền phong bì cho bác sĩ, các bạn có sẵn sàng chi tiền viện phí tăng lên chút xíu hay không.
Trà Mi: Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để bỏ phong bì hay chi nổi tiền viện phí gia tăng.
Huy Sài Gòn: Mình chỉ nói một điều nhiệm vụ của người bác sĩ là cứu người. Dù có những ca không thể nào cứu được, nhưng những lời nói của bác sĩ sẽ làm cho người bệnh nhẹ đi rất nhiều. Ở Việt Nam hiện giờ thiếu những câu nói đó và cái dư là những câu quát nạt bệnh nhân. Ai cũng có áp lực công việc. Đồng ý những người bác sĩ bị áp lực công việc nhiều. Nhưng anh là người trí thức, có học, anh đã xác định chọn nghề của anh, thì anh phải hết lòng vì bệnh nhân. Anh không được quyền đổ thừa là tại áp lực quá nhiều thành ra tôi phải như vậy. Đó là cái nghề anh đã chọn, nghề cứu người.
Y tá Bình Minh: Mình rất đồng ý chuyện đó.
Trà Mi: Vâng, Huy đặt ra vấn đề là nghĩa vụ người thầy thuốc là cứu người thì không nên cầu lợi. Nhưng ngược lại, nếu có người nói rằng đòi hỏi bác sĩ phải hết lòng với bệnh nhân, thế thì ai sẽ hết lòng với bác sĩ đây?
Y tá Bình Minh: Chính xác. Xã hội phải đảm bảo cho họ sống được thì người ta mới có thể cống hiến hết sức mình. Mình phải nói một điều là tất cả những người mới vào trường ai cũng có nhiệt huyết cao phục vụ cộng đồng, nhưng khi ra trường, người ta bắt đầu nhìn xung quanh. Cái nghề mà một ngày không ngủ được mấy tiếng hoặc thức 3 đêm liền không được ngủ, lúc đó thì còn gì mà..
Huy Sài Gòn: Thật ra mình phải xác định rõ cho nghề nghiệp mình đã chọn. Bản thân Huy mỗi lần đi bệnh viện toàn là cãi lộn với bác sĩ không à. Thứ nhất vì họ không cho bệnh nhân nói. Tôi bị bệnh mà không cho tôi nói tôi bị bệnh gì, cứ biểu ngồi im, khám xong rồi đi ra, không cho mình nói gì hết..
Y tá Bình Minh: Tất cả những cái đó có thể nói là do giáo dục và những điều kiện khách quan như là…
Huy Sài Gòn: Đúng, đúng đó là do lỗi của cả hệ thống nó đào tạo ra những con người như vậy. Từ những con người nhiệt huyết có lòng từ tâm, họ đào tạo, xào nấu sao cuối cùng ra những con người như vậy. Người dân Việt Nam mình cũng góp phần tạo nên điều đó. Họ không có sự phản kháng đối với những sự sai trái đó. Họ phản ứng, phản đối, kiến nghị thì đội ngũ y bác sĩ đó phải nhìn lại. Nhiều lúc mình bức xúc thấy một bà cụ bảy mươi mấy tuổi bị một ông bác sĩ trẻ măng khoảng ba mươi mấy quát nạt: “Giờ bà sao, nói nghe coi!” Nạt, nạt, nạt..
Trà Mi: Huy nói người dân bức xúc cứ việc phản kháng thì sẽ được cải thiện. Nhưng có dễ dàng thực hiện được điều này hay không khi mà tâm lý ở Việt Nam và mô hình chung là người bệnh cần bác sĩ chứ bác sĩ không cần bệnh nhân, khác với ở nước ngoài. Ở nước ngoài bác sĩ cần bệnh nhân vì bệnh nhân là khách hàng của họ. Nhưng ở Việt Nam, bệnh nhân không phải là khách hàng, làm sao có thể thấy gì không hài lòng, không ưng ý là lên tiếng được? Trong khi không lên tiếng mà chưa được phục vụ tới nơi tới chốn, lên tiếng nữa thì thiệt thòi sẽ về phần ai?
Y tá Bình Minh: Trà Mi nói tới một nguyên tắc cực kỳ quan trọng của bất cứ xã hội nào. Đó là phải có tính cạnh tranh. Ở Việt Nam bây giờ bệnh viện công còn được bao cấp rất nhiều. Bây giờ cần phải đem nguyên lý cạnh tranh đó ra. Nhưng nếu chỉ có cạnh tranh thôi thì sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo. Cho nên, Bộ Y tế cần phải kiểm soát chất lượng. Từng bệnh viện phải được kiểm tra và công bố cho người dân biết thông tin để chọn những bệnh viện và những bác sĩ tốt.
Trà Mi: Nhưng nếu những bệnh viện tốt, bác sĩ tốt đó lại bị quá tải nữa thì làm sao? Phân tích những nguyên nhân dẫn tới y đức đang bị xuống cấp, mình có đề cập tới áp lực công việc, lương bổng của người thầy thuốc, và tâm lý, tức mảng giáo dục. Với 3 nguyên nhân đó, bây giờ mình có thể cùng nhau đưa ra một số ý kiến giúp thay đổi tình hình thế nào chăng?
Kim Tiến Hà Nội: Hơi khó vì bây giờ đây là lỗi hệ thống. Tiền viện phí không phải là thấp, nhưng lương của các y bác sĩ ở bệnh viện công không cao. Người bệnh thậm chí sẽ phải đóng viện phí tăng lên từ 2 đến 6 lần mà chất lượng y tế không được đảm bảo. Quan trọng là phải do từ trên xem xét lại và quy định sao cho đúng mực.
Trà Mi: Ý kiến của bác sĩ Phụng, một người trong ngành, thế nào? Theo bác sĩ, có giải pháp nào giúp chấn chỉnh y đức, thay đổi hình ảnh của người thầy thuốc, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân hay không?
Bác sĩ Phụng: Nó đòi hỏi không những nỗ lực của người bác sĩ mà nỗ lực từ cả xã hội nói chung. Lương bổng là một điều kiện cần để bác sĩ có thể quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân.
Trà Mi: Cần có nghĩa là không thể thiếu được. Thế còn điều kiện đủ là gì?
Bác sĩ Phụng: Cần phải có thêm chẳng hạn như sự giáo dục và đào tạo của xã hội.
Y tá Bình Minh: Đất nước nào cũng có hệ thống để quản lý chất lượng. Quản lý là cái quan trọng nhất để tất cả mọi thứ tốt hơn và cho người dân biết những thông tin đó. Mỗi người Việt Nam phải nâng cao tinh thần tự chủ lên, nghĩa là phải học. Mình có một đề nghị là sau 8:30 tối mọi người đừng xem TV nữa vì đó chỉ là những bộ phim của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Chúng ta không có gì để học từ đó hết. Thay vào đó, bây giờ mỗi người mua một cuốn sách về sức khỏe để đọc. Sau một thời gian ngắn, mình nghĩ là nền dân trí của Việt Nam sẽ tăng lên đấy.
Huy Sài Gòn: Ông bà Bộ trưởng nào lên cũng tuyên bố rất hay, nhưng cuối cùng không làm gì được. Với cơ chế này, để mình đề nghị một điều gì đó thì mình không dám đề nghị. Mình chỉ mong muốn là qua chương trình này chắc chắn sẽ có những người làm trong ngành y nghe được những tâm sự này. Là một bệnh nhân như mình chỉ mong muốn là cụm từ ‘lương tâm con người’ phải hiện diện trong người bác sĩ, trong người làm trong ngành y tế. Hãy nhìn bệnh nhân như người thân của mình. Ở Việt Nam có hai nghề xem là được tôn trọng nhất là bác sĩ và nhà giáo. Sự tôn trọng của người dân đối với người lương y có hẳn nhiên. Huy chỉ muốn chuyển lời tới những người nào mà nghĩ mình có quyền ban sự sống cho người khác thì hãy suy nghĩ lại về lương tâm của mình, về nghề nghiệp mình đã chọn để phục vụ con người.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều. Hẹn gặp lại các bạn trong những chương trình sau.
Source: VOA