Trong lãnh vực văn hóa, cả hai tờ báo Libération và Le Figaro cùng chú ý đến bộ phim tài liệu « Công binh, đêm dài Đông dương » của đạo diễn Lê Lâm, được công chiếu tại Pháp vào hôm nay 30/01/2013. Theo hai tờ báo, đã đến lúc, nước Pháp cũng nên nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ thực dân.
Đã 70 năm trôi qua, nhưng bi kịch lịch sử đó vẫn chưa được Pháp, quốc gia chịu trách nhiệm chính, nhìn nhận. Vào thời Đệ nhị Thế chiến, khoảng 20000 thanh niên Việt Nam đã bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng bức rời xa gia đình và bị đưa sang Pháp lao động.
Gia đình nào có ba người con trai thì phải đưa một đứa sang Pháp. Người anh nào không chịu đi, thì em trai phải đi thay thế. Vào thời đó, có rất ít thanh niên Việt Nam tình nguyện sang Pháp làm công binh, đại đa số là do bị cưỡng bức.
Những người lính thợ này phải đến làm việc trong các công xưởng chế tạo súng đạn, thay thế cho những công nhân Pháp đang cầm súng chiến đấu chống quân Đức. Những người lính thợ Việt Nam phải làm việc trong các điều kiện nghiệt ngã : không được trả lương, phải làm những công việc nặng nhọc nhất, sống trong điều kiện thiếu vệ sinh. Ngay giữa cuộc chiến, tiếp tế khan hiếm, lương thực cạn dần. Dân Pháp thời chiến đã khổ, lính thợ Việt Nam càng khổ hơn. Họ bị đối xử như súc vật và tệ hại hơn nữa là họ bị bỏ quên.
Số phận của họ thật là thảm hại. Nếu như tại Pháp họ bị xem là kẻ tiện dân, thì ngay trên chính quê hương máu mủ, một khi hồi hương trong giai đoạn 1949-1952, họ lại bị đối xử như là những tên phản quốc. Đối với Libération, bộ phim của Lê Lâm đã làm giàu thêm ký ức của người Pháp. Bởi lẽ rất đơn giản, những sự kiện như thế không bao giờ được ghi lại trong sách sử Pháp. Bộ phim cho thấy sự bất công mà chính phủ Pháp đã gây ra và cũng không bao giờ nhìn nhận đối với số thanh niên trai trẻ đó.
báo Libération kết luận : Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, bộ phim « Công binh, đêm dài Đông dương » quả thật đã thắp sáng ngọn đuốc của sự thật giữa sự mông muội, tránh rơi vào bóng đêm lãng quên.
Le Figaro trong bài viết đề tựa "Người Đông Dương trong thời nước Pháp bị chiếm đóng" nhận định rằng « giai đoạn đau thương của chiến dịch tuyển dụng nhân công bản địa (Main d'Oeuvre Indigène viết tắt là MOI) chỉ có thể gợi lên ở người Pháp, nhất là những người rất gần gũi với Việt Nam, cảm giác buồn bã và tủi thẹn ».
Nhưng Le Figaro cũng nhìn nhận rằng « thà chậm còn hơn không », đã đến lúc phải trao trả lại cho họ tiếng nói, sự hiện diện, một khuôn mặt. Tờ báo khuyên độc giả nên xem để mà chia sẻ với những người lính thợ bị lãng quên những kỷ niệm chua cay đó.
Source: RFI