Nhật Bản hiện có khoảng 264 ngàn trường hợp « hikikomori » (DR)Suốt ngày chỉ ở trong nhà, không thích đi học hay đi làm. Ngày ngủ, đêm lướt web hay chơi game video điện tử… và hiện tượng này kéo dài trên 6 tháng, đó là những triệu chứng của căn bệnh « Hikikomori », tên gọi bằng tiếng Nhật của căn bệnh « sống tách biệt với xã hội ». Theo báo Le Monde, triệu chứng tâm lý này, nay không chỉ phổ biến tại Nhật mà đang có mặt ở nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới trong đó có Pháp.
Theo Le Monde, một điều tra mới nhất tại Nhật Bản cho biết trên tổng số dân 127 triệu người, có 264 ngàn trường hợp mắc bệnh « hikikomori ». Các chuyên gia về tâm thần học trẻ em còn đưa ra dự đoán rằng « trong tương lai không xa, số bệnh nhân này có thể tăng lên đến một triệu người. Và hiện tượng này sẽ có một tác động kinh tế - xã hội cho đất nước ».
Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã không ngần ngại xem đấy như là một hiện tượng bệnh dịch. Tình trạng này lại càng trở nên tồi tệ hơn do lẽ nếu tính trên cả xứ sở Mặt Trời mọc hơn 100 triệu dân này chỉ có khoảng độ gần 170 bác sĩ thâm thần học trẻ em. Trong khi mà, có nhiều biểu hiện bệnh lý đầu tiên đôi khi có thể được phát hiện sớm ngay ở độ tuổi 12-13 như bỏ học hay sống cô lập.
Mặt khác, cảm giác mặc cảm vì có con mắc phải chứng bệnh này hay như chiều theo ý con không muốn đi khám nghiệm y khoa cũng làm trì hoãn việc điều trị.
Theo các chuyên gia tâm thần học, những người mắc chứng bệnh “hikikomori” thường kèm theo các bệnh lý tâm thần được biểu hiện qua hình thức sống tách biệt hoàn toàn. Nhất là, hiện tượng này không có chút gì liên quan đến triệu chứng gọi là « nghiện » Web hay trò chơi điện tử. Nhưng cả hai lãnh vực này cũng đóng góp phần làm giảm nhu cầu giao tiếp mặt đối mặt với những người xung quanh, theo như ghi nhận của giáo sư Takahiro Kato, thuộc khoa Thần kinh – tâm thần học trẻ em, trường Đại học Kyushu - Nhật Bản.
Giải thích cho hiện tượng bệnh lý khá phổ biến tại Nhật này, ông Kato cho rằng chính việc việc thay đổi lối sống trong xã hội Nhật Bản là tác nhân gây bệnh. Theo ông « Trước đây, gia đình truyền thống Nhật Bản thường đông con và nhiều thế hệ sống chung một mái nhà. Ngày nay, lối sống đó đã nhường chỗ cho một tổ chức gia đình nhỏ, ở đó cha mẹ phải làm việc, con cái cũng ít hơn và ít nhận sự hỗ trợ từ người thân cũng như láng giềng ».
Bên cạnh đó, áp lực học đường và việc chịu đựng các trò bắt nạt lẫn nhau giữa các học trò cũng giải thích phần nào nguyên nhân gây bệnh.
Về điểm này, ông Serge Tisseron, nhà tâm thần học và phân tích tâm lý học người Pháp, có đưa ra một giả thuyết cho rằng : « Ở độ tuổi vị thành niên, một người mắc chứng bệnh « hikikomori » có thể biểu hiện một thái độ thu mình lại. Một cách vô tình, biểu hiện này cho phép điều chỉnh các cảm xúc, những xung đột, những lo âu liên quan đến tương lai. Thế nhưng, đây cũng chưa phải là triệu chứng của các bệnh tâm thần như suy nhược thần kinh hay sự phát triển của chứng lo sợ ».
Nếu như hiện tượng này vốn được thấy nhiều tại Nhật Bản, thì nay « hikikomori » không đơn thuần chỉ liên quan đến nền văn hóa xứ Hoa Anh Đào nữa. Nhiều ca bệnh đã được phát hiện tại nhiều nước tiên tiến khác như Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc và thời gian gần đây nhất là tại Pháp.
Source: RFI