Đề tài về người lính Việt Nam Cộng Hòa đã được nhiều nhạc sĩ viết nên rất nhiều ca khúc hay cho nền tân nhạc Miền Nam tự do trước 30/4/1975. Những bài hát thể lọai này có thân phận quê hương chiến tranh, có tình yêu đôi lứa, có chia ly, có nhung nhớ và ước mơ, tô đậm nét cho cái mà người trong nước hiện nay gọi là “Dòng nhạc Sài Gòn”.
Những ca khúc về một thời chiến tranh, về Lính được hát từ thuở mới sáng tác ở Việt Nam và cho đến nay vẫn phổ biến trong sinh họat ca nhạc ở hải ngọai; và người trong nước vẫn nghe , vẫn thưởng thức say đắm dòng nhạc đó. Một người bạn kể rằng khi đi tắc xi ở quê nhà cảm thấy thú vị được nghe những bản nhạc Lính phát ra từ chiếc máy trong xe.
Nhạc sĩ Lê Dinh hiện đang sống tại thành phố Montreal , Canada nói rằng chủ đề Lính cũng tạo nên một dòng nhạc Bolero rất đặc biệt của các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam. Dĩ nhiên cũng có bản thuộc các điệu khác như Slow Rock, Fox… nhưng điệu Bolero là thịnh hành nhất. Những nhạc sĩ viết nhiều ca khúc về Lính như Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương, Y Vân…. Hầu như nhạc sĩ nào cũng có một đôi bài chủ đề này.
Một câu hỏi thú vị đặt ra là bản nhạc Lính nào lãng mạn nhất. Chắc là sẽ có nhiều bản được giới yêu nhạc đưa ra, mỗi thính giả có sự chọn lựa và lý do khác nhau.
Người viết xin chọn bản Những Đóm Mắt Hỏa Châu của nhạc sĩ Hàn Châu. Xin mời đọc lời ca như sau:
Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối
Những đêm không ngũ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi..
Ôi đẹp làm sao, màu hỏa châu
Đêm đêm tô son, tô phấn những con đường
Ôi những con đường mang nặng đau thương
Cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn
Bằng những giòng sông chảy xuôi đêm trường
ôi những giòng sông nhẫn nhục đau thương.
Dưới ánh châu hồng, anh ngồi gọi thầm tên em
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về
Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới
Khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới
Có nhau trong đời đêm trường không sợ
lạc loài yêu thương...
Thời đó mỗi lần hỏa châu bắn lên cao làm rực sáng một vùng trời, tiếng súng nổ giao tranh ác liệt, nhưng cũng có lúc không gian im lặng trong một bầu không khí đáng sợ rình rập bắn giết nhau của chíến tranh. Hình ảnh những ngọn hỏa châu lung linh trong đêm vắng “ bừng lên trong đêm tối, như mắt em sáng ngời”, soi rõ cánh đồng, con sông và cảnh vật xung quanh để “ cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn”.
Và trong giờ phút người lính vẫn lãng mạn mà mơ tưởng tới người yêu “gọi thầm tên em” và “ những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới”… Thật là không có óc tưởng tượng thi vị tình tứ nào hơn.
Trong đêm hỏa châu bắn thì sáng hôm sau , trẻ con đi lượm những chỉếc dù rơi xuống đất sau khi đã chuyên chở trái đạn chiếu sáng bầu trời mà bày ra trò chơi thả dù. Những người sống trong thành phố lớn như Sài Gòn không bao giờ thấy cảnh hỏa châu rực sáng bầu trời trong đêm; nhưng những người miền quê hay phố nhỏ thì khi nghe bản Những Đóm Mắt Hỏa Châu là cả một khung trời kỷ niệm hiện về. Cái cảnh đó vừa đẹp, vừa thơ mộng, vừa hồi hộp, vừa lo sợ . Nhưng đối với người lính chiến, tác giả vẽ ra nét thơ mộng đặc biệt.
Giai điệu ngọt ngào, điệu Bolero nhịp nhàng, lời ca thi vị, ý tưởng lạ, nhạc sĩ Hàn Châu đã viết nên ca khúc Những Đóm Mắt Hỏa Châu, đầu thập niên 1970. Người viết xin tặng danh hiệu “bài hát thời chiến tranh lãng mạn nhất”.
Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị- không có cái nhất trong văn chương, không có cái nhì trong võ thuật; không biết có bao nhiêu người đồng ý với người viết?
Mời nghe giọng ca Trung Chỉnh và Hòang Oanh diễn tả Những Đóm Mắt Hỏa Châu của nhạc sĩ Hàn Châu.
Trần Chí Phúc / SBTN