Đi tìm nguồn gốc ngôn ngữ của loài người là một công việc nghiên cứu hết sức khó khăn. Các nhà nghiên cứu trong
nhiều ngành khoa học như ngôn ngữ học, khảo cổ học, tâm lý học, nhân chủng học v.v… đã cố thử làm nhưng đều thất
bại. Lý do chính là vì không tìm ra được một bằng chứng hay dấu vết nào có sức thuyết phục. Tuy nhiên, dựa vào thuyết
tiến hóa của Darwin, một số nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc ngôn ngữ của loài người có lẽ bắt đầu từ khoảng
100.000 năm trước khi bộ óc của con người vừa được hoàn chỉnh và cũng từ đó loài người bắt đầu biết ú ớ gọi nhau.
Đến nay, nhân loại đã có khoảng 6.500 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có nhiều ngàn ngôn ngữ được sử dụng bởi những
nhóm thiểu số, có nhóm chỉ độ vài chục người. Thế nên, càng ngày càng có nhiều ngôn ngữ đang dần biến mất.
Tham vọng của những nhà nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ của loài người là để từ đó có thể nào tìm ra một thứ ngôn
ngữ chung cho cả nhân loại với cùng một cấu trúc ngữ pháp và một số từ vựng chung để có thể diễn đạt, giao tiếp và
hiểu nhau.
Thực ra, trước đây đã từng có người cố thử đưa ra một ngôn ngữ chung cho thế giới.
Năm 1880, một linh mục người Đức là Johann Martin Schleyer đã sáng chế ra một ngôn ngữ mà ông hy vọng cả thế giới
có thể sử dụng. Ông trộn chung một số từ vựng tiếng Pháp, Đức và Anh và đặt tên cho thứ ngôn ngữ đó là Volapük. Khi
thứ tiếng này vừa thành hình đã có nhiều người không mấy tin tưởng rằng sẽ thành công. Chỉ nội cái tên thôi cũng đã khó
đọc. Tệ hơn nữa, Volapük lại khó học và khó sử dụng, âm thì nghe kỳ kỳ và ngữ pháp lại giống tiếng Latin.
Nó gây tiếng vang được vài năm thì bị đẩy sang một bên để nhường chỗ cho một ngôn ngữ khác vừa được phát minh, có
tên gọi là Esperanto. Ít ra thì tên của thứ tiếng này nghe êm tai hơn và dễ học hơn. Một người bình thường chỉ cần bỏ ra
một buổi thì có thể hiểu được cú pháp để sử dụng nó.
Nhưng rồi nó cũng không tồn tại được lâu, bị cho ra rìa. Một ngôn ngữ khác ngoi lên để rồi có thể nói nó là ngôn ngữ
quốc tế ngày nay: đó là Anh ngữ. Cách đây khoảng hai ngàn năm, theo các nhà nghiên cứu, nó là ngôn ngữ chính được
sử dụng bởi một số bộ tộc ở Đan Mạch. Nhưng suốt một ngàn năm sau đó, thứ tiếng này phải chịu khuất phục dưới bóng
của tiếng Pháp, là thứ tiếng được các tộc trưởng ưa sử dụng hơn trên vùng đất này. Nhưng có điều là những người sống
vào thời điểm đó không ai có thể tin rằng thứ tiếng Anh quê mùa đó không những tồn tại đến ngày nay mà còn, theo một
số nghiên cứu, hiện đang được khoảng gần 2 tỉ người sử dụng. Con số đó có nghĩa là cứ ba người trên trái đất thì có
gần một người biết nói ít nhiều thứ tiếng mà cách đây hơn nghìn năm không mấy ai thèm đụng đến.
Một số tiểu thuyết loại khoa học giả tưởng trước đây đã từng phác họa một thế giới mà ở đó người ta nói chung một thứ
tiếng, và sự tưởng tượng đó dường như đang trở thành một phần sự thật trong đời sống trên trái đất này đến nỗi đã có
một số người đang lo lắng rồi đây tiếng Anh sẽ từ từ xóa sổ những ngôn ngữ khác. Khi con người có thể diễn đạt những
suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng nhiều ngàn ngôn ngữ khác nhau thì đó là điều hết sức thú vị không thể kể siết, vì vậy
mà không mấy ai muốn mất đi sự đa dạng đó.
Nhưng có quá nhiều ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới cũng có thể đưa tới nhiều vấn đề. Nó không chỉ đơn giản là
hậu quả do sự trừng phạt của Thượng Đế vì loài người đã bất tuân phục Ngài như được kể lại qua câu chuyện Tháp
Babel trong Kinh Thánh. (Lúc đó, loài người cùng nói một ngôn ngữ. Họ có tham vọng xây một ngọn tháp cao vượt tầng
mây để tránh một cơn đại hồng thủy khác. Sau khi Thượng Đế biết được, Ngài đã làm cho lưỡi của loài người nói thành
nhiều thứ tiếng khác nhau không sao hiểu nổi và công việc xây tháp bị thất bại.) Giả dụ, nếu thả một người đang sống
trong rừng Phi châu xuống một trong những đại lộ đông đúc nhất ở thành phố New York, một chữ tiếng Anh không biết và
chắc hẳn người đó phải bối rối vô cùng, sống trong rừng không lạc mà lại lạc trong một thành phố văn minh bậc nhất.
Người ta nói bị lạc trong ngôn ngữ là vậy. Thế nên ta tự hỏi: Nếu tất cả loài người cùng nói chung một ngôn ngữ, thì hỏi
còn có ai trong chúng ta muốn được nói những ngôn ngữ khác để chẳng may một ngày nào đó bị lạc trong ngôn ngữ như
anh chàng Phi châu đó hay không?
Cái ngày mà tiếng Anh phải chen vai chung với cả ngàn ngôn ngữ khác trên trái đất đã qua rồi và càng ngày nó càng lấn
lướt những ngôn ngữ khác. Chỉ độ một thế kỷ nữa thôi, ngôn ngữ trên thế giới sẽ chỉ còn hai điều đáng chú ý hơn cả. Một,
số ngôn ngữ còn được sử dụng sẽ không còn bao nhiêu. Hai, những ngôn ngữ còn được sử dụng sẽ bớt phức tạp hơn
ngày nay rất nhiều.
Có người nghĩ rằng không phải tiếng Anh mà tiếng Hoa phổ thông (Mandarin) mới thật sự là thứ ngôn ngữ của thế giới,
bởi vì dân số Trung Quốc đông và sức mạnh kinh tế của họ càng ngày càng gây ảnh hưởng. Nhưng điều này có lẽ không
đúng. Là bởi vì thực ra tiếng Anh đã đi trước khá xa trong việc chinh phục thế giới. Nó đã ăn sâu vào trong sinh hoạt của
nhiều người dân trên thế giới, từ sách báo, ấn phẩm đến giáo dục, khoa học, mà bây giờ bỗng nhiên đòi đổi qua một
ngôn ngữ khác là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi một nỗ lực to lớn chẳng ai có khả năng làm nổi.
Chỉ một thế kỷ nữa thôi, rất có thể thế giới này chỉ còn lại độ 600 ngôn ngữ thay vì 6.000 như hiện nay. Những ngôn ngữ
như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Việt chắc sẽ còn. Nhưng những loại ngôn ngữ được sử dụng bởi những nhóm ít người
thì khó mà tồn tại được.
Ngôn ngữ tồn tại vì nó là sinh ngữ. Mà đã là sinh ngữ thì nó luôn thay đổi, thay đổi để được hoàn hảo hơn hoặc thay đổi
để thích hợp với hoàn cảnh. So sánh tiếng Anh cổ và tiếng Anh ngày nay, người ta nhận thấy tiếng Anh ngày nay đã được
đơn giản hóa đi rất nhiều, cũng vì vậy mà nó dễ học hơn nhiều ngôn ngữ khác và là một trong những lý do chính được số
đông người sử dụng.
Theo giáo sư John H. McWhorter thuộc Đại học Columbia, tiếng Anh đã trải qua ba giai đoạn trong tiến trình đơn giản hóa
để trở thành thứ ngôn ngữ được nhiều người trên thế giới sử dụng nhất.
Đợt đầu tiên xảy ra khi kỹ thuật hải hành cho phép một số đông người có thể vượt biển cùng một lúc để đến định cư ở
vùng đất mới. Và khi lớp người đông đảo này đến với một ngôn ngữ mới họ mang theo lấn lướt ngôn ngữ bản địa và
người dân bản địa phải học ngôn ngữ đó. Bắt đầu bởi những nhóm người lớn thay vì trẻ nhỏ. Mà như chúng ta biết, người
lớn học thứ tiếng mới không giỏi bằng con nít. Và kết quả là ngôn ngữ đó trở nên đơn giản hơn để cho dễ học.
Một ví dụ là khi người Vikings ở Bắc Âu xâm chiếm nước Anh bắt đầu từ thế kỷ thứ tám và sau đó ở lại rồi hội nhập vào xã
hội đó. Trẻ em ở Anh đã phải nghe cha mẹ chúng nói ngọng nghịu thứ tiếng Anh cổ vào thời đại mà trường học chỉ dành
cho giới thượng lưu và phương tiện truyền thông chưa có, và chúng lớn lên nói bằng thứ tiếng Anh đó, kết quả là thứ tiếng
ngọng nghịu trước kia trở thành thứ tiếng Anh người ta sử dụng ngày nay.
Đợt đơn giản hóa thứ hai xảy ra khi người Âu châu đưa người nô lệ Phi châu đến làm việc ở những đồn điền thuộc địa
của họ. Những người nô lệ này đã phải học một ngôn ngữ mới thật nhanh, trong đó có tiếng Anh, và thậm chí họ học một
số vốn tiếng Anh ít ỏi, thường chỉ khoảng vài trăm từ, đủ để hiểu và có người còn cắt bỏ bớt cấu trúc của câu. Dần dà ở
một số khu vực, thứ tiếng Anh đó trở thành một ngôn ngữ hoàn toàn mới.
Đợt đơn giản hóa thứ ba đang xảy ra với những lớp người di dân hiện nay. Tại những thành phố lớn khắp thế giới, người
ta nhận thấy trẻ em của những gia đình di dân khi nói chuyện với nhau, chúng sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mới nơi
chúng cư ngụ nhưng tự động lược bớt đi một số quy luật như động từ bất quy tắc hay giống đực giống cái và pha trộn
thêm tiếng mẹ đẻ của chúng vào. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng đó là một sự thỏa hiệp ngôn ngữ.
Điển hình trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng có hiện tượng gần như vậy, không chỉ ở người trẻ mà cả ở người
lớn tuổi, là khi chúng ta nói tiếng Việt với nhau vẫn hay có thói quen chen thêm tiếng Anh hoặc tiếng Pháp vào, đôi khi
không chỉ một hai từ mà luôn cả một câu. Tiếng Việt hải ngoại đang thay đổi hay chúng ta đang tạo ra một ngôn ngữ mới?
Không ai có thể đoán được một thế kỷ nữa tiếng Việt, không chỉ ở hải ngoại mà ngay cả trong nước, sẽ như thế nào.
Nhưng chắc chắn nó sẽ rất khác. Hãy thử đọc lại Truyện Kiều, nếu là bản không có phần chú giải, có nhiều từ trong đó
chúng ta không hiểu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự đơn giản hóa bằng cách pha trộn ngôn ngữ không nên xem như một dấu hiệu xuống
cấp. Bởi vì tất cả các ngôn ngữ được sử dụng, dù dưới hình thức gì, vẫn là ngôn ngữ với tất cả ý nghĩa trọn vẹn của nó là
để người ta hiểu được nhau.
Hy vọng, với những ngôn ngữ đang biến mất dần, vì lý do này hay lý do khác, có thể nào ít nhất được bảo quản bằng
những phương tiện hiện đại như thâu âm hay một hình thức nào đó để lại cho thế hệ mai sau.
Ngày nào đó có thể chúng ta sẽ hối tiếc vì sự mất mát to lớn trong vòng một thế kỷ tới, khi từ con số hơn 6.000 ngôn ngữ
khác nhau giảm xuống chỉ còn 600. Thế nhưng có điều an ủi là một số đông người chưa từng có trước đây giờ có thể
giao tiếp và hiểu nhau bằng một ngôn ngữ chung bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Huy Lâm