Photo: RIA Novosti
Tại miền đông Siberia, trên lãnh thổ nước Cộng hòa Buryatia thuộc LB Nga có một trong những tu viện Phật giáo nổi tiếng
nhất và được tôn kính ở Nga - chùa Ivolginski.
Nơi đây có nhiều di tích thiêng liêng của Phật tử Nga, chẳng hạn như di cốt bất diệt của Khambo Lama 12 (hòa thượng
đứng đầu Tăng đoàn Phật giáo truyền thống Nga) Dashi-Dorzho Itigelov. Ông được Phật tử Nga tôn vinh là Đại tôn sư.
Năm 1927, Khambo Lama ngồi thiền và đi vào cõi Niết bàn. 77 năm sau, các chuyên gia Trung tâm pháp y Nga kiểm tra
thi thể hòa thượng Itigelov. Kết quả khiến họ kinh ngạc: di cốt của vị hòa thượng không hề bị phân hủy, mặc dù nó không
được tẩm ướp. Và đó chưa phải là tất cả. Mẫu mô hữu cơ lấy từ di cốt Khambo Lama không có khác so với mô của
người còn sống. Các nhà khoa học không tin vào mắt mình, một lần nữa và một lần nữa kiểm tra lại các dữ liệu và thừa
nhận không hề có nhầm lẫn nào xảy ra...
Trong suốt cuộc đời mình, Dashi-Dorzho Itigelov rất được Phật tử Buryatia tôn kính. Năm 1867, chú tiểu 15 tuổi đến tu
viện và 23 năm liền thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật tại đó. Hòa thượng Itigelov nổi tiếng là người hiểu biết: ông dạy
triết học Phật giáo, viết hơn 50 cuốn sách. Năm 1911, Đại tôn sư được bầu làm Khambo Lama thứ 12 của vùng Đông
Siberia.
Trong thập niên 1920, Liên Xô bắt đầu chiến dịch bài trừ tôn giáo. Giáo sĩ Chính thống giáo, Hồi giáo, Phật giáo đều bị
bắt giữ. Bạn bè đề nghị hòa thượng Itigelov chạy trốn ra nước ngoài, nhưng ông từ chối. "Họ không kịp bắt tôi đâu," – sư
phụ nói.
Phật tử Buryatia ai cũng biết truyền thuyết về Khambo Lama thứ 12 qua đời như thế nào. Ngày 15 tháng Sáu năm 1927,
Đại lão hòa thượng ngồi thiền trong tư thế hoa sen và gọi các môn đệ tụ tập quanh Ngài. Ngài ban cho họ lời dạy cuối
cùng: "Hãy chôn cất ta và mở ra sau 30 năm." Hòa thượng Itigelov yêu cầu đọc cho ông bài cầu nguyện đặc biệt dành
cho người đã chết. Đến khi Itigelov tự mình đọc kinh, các tu sĩ mới dám hòa giọng thốt lên bài cầu kinh thiêng liêng. Khi
Khambo Lama đã đi vào cõi Niết bàn, các học trò đặt thi hài ông vào chiếc quan tài bằng gỗ và chôn xuống đất. Nơi Đại
tôn sư yên nghỉ được giữ bí mật, chỉ một vài người thân tín biết.
Các nhà sư mở ngôi mộ hai lần - vào năm 1955 và 1973. Họ thay cho Đại tôn sư bộ quần áo cũ nát, nhưng thi hài của ông
vẫn nguyên vẹn. Chỉ đến năm 2002, những người bảo vệ ngôi mộ mới tiết lộ nơi chôn cất hòa thượng. Người đứng đầu
Phật giáo Buryatia và các vị Lạt Ma đưa quan tài lên khỏi mặt đất và long trọng đưa về đền thờ Ivolginski. Thánh tích được
đặt trong "Điện phúc lành Hambo Lama Itigelov" ở trong tu viện.
Thánh cốt thiêng liêng hạn chế tiếp cận, rất ít người có thể nhìn thấy. Chụp ảnh và quay phim chỉ được phép khi có sự
đồng ý của người đứng đầu tu viện Ivolginsky. Những người may mắn chứng kiến kể lại những điều kỳ lạ: Đại tôn sư ngồi
trên bệ cao trong tư thế hoa sen, giống như khi Ngài đi vào cõi Niết Bàn năm 1927, đôi khi trên mặt Ngài xuất hiện những
giọt mồ hôi. Năng lượng mạnh mẽ từ di cốt phát ra tràn ngập "Điện phúc lành Hambo Lama”.
Trước di cốt là chiếc bàn thờ có đặt tấm khăn lễ Hadak, biểu tượng của lòng hiếu khách, thanh tịnh và vị tha của Đấng ban
tặng. Tại đó, bạn cần phải thanh tẩy tâm trí khỏi những tham sân si trần thế và nói lên ước muốn thiêng liêng nhất của
mình. Theo các nhà sư, nếu đó là ý nguyện chân thành và sâu sắc thì nhất định sẽ trở thành sự thật.
Cho đến ngày nay, phép mầu nhiệm di cốt thanh sạch của Dashi-Dorzho Itigelov vẫn chưa được lý giải. Theo một trong
các nhà khoa học, "có những cơ sở để cho rằng đó là một cơ thể sống. Bước vào thế giới khác, vị Lạt Ma không chết, mà
chuyển sang một trạng thái khác của cuộc sống." Chắc gì chúng ta sẽ lý giải được vấn đề này: có những bí mật mà người
thường không thể nào biết tới.
Theo tiếng nói nước Nga