Chùa Sule, một ngôi chùa cổ hai ngàn năm tuổi nằm ở trung tâm Răngun, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 22/05/2012. REUTERS/Soe Zeya TunNăm mươi năm dưới chế độ độc tài quân sự đã cô lập đất nước hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Và cũng ngần ấy năm, ngành du lịch của đất nước bị thế giới tẩy chay. Thế mà, chỉ mới sau có một năm kể từ khi chính quyền quân sự giải thể vào năm 2011 và một loạt các biện pháp cải cách chính trị ngoạn mục, Miến Điện lại trở thành điểm đến không những thường xuyên mà còn rất hấp dẫn.
Các khách sạn đấy ắp người dù rằng giá rất cao. Thậm chí người ta còn từ chối những tờ đô-la bị nhăn nhúm, và thẻ tín dụng thì trở nên vô ích. Thế nhưng Miến Điện vẫn là điểm du lịch thời thượng, cho dù quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với dòng khách du lịch ồ ạt.
Vào đầu tháng Giêng năm nay, tờ New York Times đã xếp Miến Điện là điểm đến thứ ba trên tổng số 45 điểm du lịch hấp dẫn của thế giới. Tờ báo viết: “Bởi vì đất nước từng bị cô lập, đất nước chùa vàng nổi tiếng mang đậm nét thuần khiết vốn có, chưa bị phá hủy bởi kiểu du lịch đại chúng và đậm tình hiếu khách”.
Tuy nhiên, một vị quản lý khách sạng hạng sang tại Răngun nhận định rằng, ngành công nghiệp du lịch còn non trẻ của Miến Điện đang phải đối mặt trước một thách thức hầu như khó có thể vượt qua được. Ông nói: “Nói một cách thật lòng, ở mức độ này, tôi không nghĩ rằng Miến Điện đã sẵn sàng để đối mặt với ngành du lịch đại chúng”.
Du lịch Miến Điện đang bùng nổ. Năm 2011, đã có đến 365 ngàn lượt du khách, tăng 22% so với năm 2010 và tăng gần gấp hai so với năm 2003. Trong năm 2012 này, chỉ trong khoảng giữa tháng Giêng và tháng Tư, đất nước chùa vàng đã đón tiếp đến 175 ngàn du khách, cao hơn so với cùng kỳ năm rồi hơn 40 ngàn du khách.
Nếu như ngành du lịch Miến Điện đang khấp khởi mừng vì bùng nổ khách du lịch, thì ngược lại nhiều du khách quen biết lại tỏ ra hơi thất vọng. Họ cho rằng cung cách phục vụ kém phần ân cần, hồ hởi hơn lúc trước. Giá khách sạn cao ngất ngưởng do bị quá tải.
Mặt khác, vấn đề phòng trọ không chỉ là trở ngại duy nhất cho các du khách phương Tây yêu thích vùng Đông Nam Á. Cũng giống như quốc gia láng giềng Thái Lan, tại Miến Điện hầu như không có cơ sở nào chấp nhận thẻ tín dụng. Du khách buộc phải mang theo người toàn bộ lượng tiền mặt bằng đô-la mà họ dự định sẽ phải chi tiêu.
Mặt khác, du khách cần phải lưu ý rằng đô-la mang theo phải sạch, thẳng thớm, nếu không muốn bị từ chối tại các điểm đổi tiền chính thức của nhà nước với một tỉ giá cạnh tranh.
Source: RFI
Sửa bởi người viết 10/06/2012 lúc 12:18:14(UTC)
| Lý do: Chưa rõ