Mới nửa tháng đầu năm 2015 mà Việt Nam đã xảy ra quá nhiều chuyện “điên cái đầu”. Trong khi người lao động đang lo sốt vó vì Tết nhất đến nơi, phải lo chạy tiền, khất nợ, chật vật mua cái vé xe từ nửa đêm đến sáng vẫn chưa mua được, thì tin tức về những vụ lường gạt hàng trăm tỉ nổi lên ầm ầm khiến người dân choáng váng.
Cụ thể như ngày 07 tháng 01 năm 2015 bà đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam vì đã lường gạt của 790 cá nhân và doanh nghiệp với số tiền khổng lồ lên tới gần 400 tỉ đồng.
Vụ lường gạt này còn “siêu” hơn vụ “siêu lừa” Huyền Nga, còn “quái” hơn cả vụ bầu Kiên, tai tiếng hơn cả vụ nhà đất của ông Trần Văn Truyền, còn liên quan đến nhiều ban ngành khác đang được điều tra. Sự liên quan đến một số các quan khác làm “bệ đỡ” cho bà Nga là đúng, bởi một mình bà làm sao lừa nổi 790 người và doanh nghiệp, mà người bị lừa toàn là dân có tiền tỉ chứ đâu phải “dân ngu”. Vụ này điều tra đến nơi đến chốn chắc sẽ lòi ra nhiều tình tiết hấp dẫn. Khi mọi sự rõ ràng tôi sẽ tường thuật cùng bạn đọc.
Một vụ giăng bẫy khác khiến hơn 3.000 nhà đầu tư rót 270 tỉ đồng vào công ty HGI để mua vàng ảo đứng trước nguy cơ mất trắng do phần lớn số tiền trên bị đem đầu tư vào lĩnh vực khác. Đường dây kinh doanh sàn vàng ảo thông qua công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Hà Nội vàng (HGI).
Bên cạnh đó là những quy định mới có hiệu lực hoặc những “đề xuất” mới nhưng là “chuyện trên trời cuộc đời dưới đất”, khó có hy vọng thực hiện được. Thí dụ chuyện các thành phố lớn đang loay hoay với việc hạn chế xe cá nhân, nào thuế, nào phí, nào chỗ để xe, đậu xe… làm những anh có xe hơi, xe máy lo méo mặt. Rồi chuyện 1 con gà cõng tới 14 loại phí và lệ phí đã hành hạ mấy bác nông dân nuôi gà từ lâu, nay mới lòi ra. Chuyện dự tính đổi số điện thoại làm hầu hết các công ty lớn nhỏ lo thót ruột vì phải in lại toàn bộ danh thiếp, bì thư, giấy tờ giao dịch; các hãng taxi phải sơn sửa lại số điện thoại ở mọi loại xe. Chưa hết, cú đứt cáp quang lần thứ ba kể từ năm 2014 đến nay đang làm đường truyền internet của Việt Nam đi quốc tế chạy như rùa bò, có khi không truy cập được. Mỗi lần tôi muốn vào internet liên lạc với bạn bè, con cháu đều phải chịu khó dậy từ 4-5 giờ sáng mới vào được, trong khi tiền trả dịch vụ vẫn cứ đóng đều đều. Chung quy là anh thuê bao vẫn thiệt đủ đường. Đại khái là những thứ “bình mới rượu cũ” vẫn cứ xảy ra, mỗi ngày một trầm trọng hơn mà thôi.
Nhưng tôi đã hứa với bạn đọc là số này sẽ tiếp tục bàn những vấn đề về y tế, về các bệnh viện ở Việt Nam nên kỳ này xin tiếp tục, kẻo quý cụ lại cho là tôi hứa lèo. Bây giờ xin kể tiếp những chuyện “kỳ cục” đó.
Bệnh viện 4-5 sao cũng hống háchBệnh viện Đa khoa Thanh Hóa bị phát giác có 20 cán bộ dùng bằng giả
Trong bài trước, tôi đã viết: “…Có những câu chuyện khiến ngay cả người vai vế trong xã hội cũng phát khóc khi phải chịu đựng lối ứng xử hống hách của một số bác sĩ tại bệnh viện của giới nhà giàu. Không ít bệnh viện gắn sao được xây to, trang bị hiện đại, nhưng cung cách ứng xử vẫn hống hách, coi thường bệnh nhân”. Nhưng vì bài báo có hạn nên tôi chưa thể nói rõ chi tiết này.
Chắc bạn thừa biết ở đâu cũng có những loại bệnh viện hạng sang dành cho giới nhà giàu mà người ta quen gọi là “Bệnh viện VIP”. Cụ thể như ở Việt Nam có Bệnh viện Việt-Pháp. Các quý ông quý bà, quý công tử, quý cô nương trước khi bước vào đó thì cứ sắp sẵn một mớ đô la ra đi (khoảng vài trăm triệu tiền Việt Nam, chứ mấy). Chẳng thú thật thì các bạn cũng biết, tôi chưa dám bước chân vào đó bao giờ, chỉ nghe nói là sang lắm, lịch sự lắm, các bác sĩ giỏi lắm… vào đó cứ như “cha thiên hạ”. Thế nhưng “nói vậy mà không phải vậy”. Đã có nhiều đại gia la làng vì mấy cái bệnh viện VIP này. Đây là một chứng minh cụ thể nhất.
Chuyện ông nhạc sĩ Thanh Tùng suýt chết vì VIPHầu như một số các vị nghệ sĩ “lớn” ở Việt Nam có tiếng tăm đều giàu và quen biết nhiều vị “tai to mặt lớn”, cho nên nhạc sĩ Thanh Tùng có giàu cũng không là chuyện lạ. Ông Thanh Tùng có vài bản nhạc trữ tình được gọi là nổi bật trong giới ca nhạc ở Việt Nam như “Lối cũ ta về”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Một mình”…
Ông Thanh Tùng chỉ bị sốt nhẹ cũng được gia đình đưa vào Bệnh viện Quốc tế Việt-Pháp (Hà Nội) khám. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu phim, gia đình được thông báo sức khỏe ông không đáng ngại, nhưng nên ở lại bệnh viện để được theo dõi thêm.
Với thẻ thành viên ưu tiên (VIP), nhạc sĩ Thanh Tùng được nằm phòng riêng, có y tá chăm sóc, người nhà không cần ở lại. Đã nằm bệnh viện VIP lại có thẻ VIP là thứ “VIP gộc”, tất nhiên được chăm sóc như “của hiếm quý” thì sướng là cái chắc, phải không các cụ?
Nhưng sáng hôm sau, anh Nguyễn Thanh Thông con trai nhạc sĩ Thanh Tùng tới bệnh viện thăm, bất ngờ được thông báo bố đang nguy kịch phải chuyển đến Khoa Chăm sóc tích cực và phải thở bằng máy. Sau đây là lời kể của anh Nguyễn Thanh Thông với phóng viên báo chí:
“Khi đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thọ, Trưởng khoa Chăm sóc tích cực, nói bố tôi tình trạng rất xấu, khó qua khỏi, gia đình về chuẩn bị lo hậu sự là vừa. Tôi không hiểu bố mình bị làm sao nữa, mới hôm trước nhập viện, bác sĩ bảo không có gì đáng ngại. Sau một đêm đã phải thở máy”.
Khi anh Thông hỏi bệnh tình thì được bác sĩ Thọ liệt kê đủ các lý do: gãy xương, đột quỵ, viêm phổi nặng… Anh Thọ băn khoăn: “Nếu viêm phổi thì phải phát hiện ra ngay hôm đưa vào, sao sau một đêm đã nguy kịch?”
Gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định không tiếc tiền để ông được sử dụng liệu pháp chữa trị tốt nhất, thậm chí đưa ra nước ngoài nếu bác sĩ hướng dẫn.
Khi nhận tin “về lo hậu sự đi”, anh Thông bàng hoàng, gọi ngay các anh chị từ trong Nam, từ nước ngoài về tề tựu bên bố. Anh kể tiếp:
“Tôi xin gặp bác sĩ nhưng phải chờ gần hết buổi sáng vẫn không được ai tiếp. Lo lắng, tôi gõ cửa gặp bác sĩ Thọ một lần nữa hỏi, nhưng vị này không đưa ra được biện pháp chữa trị xác đáng và chỉ nhăm nhe giữ bệnh nhân ở lại thở máy từ một tuần tới một tháng để theo dõi”.
Thái độ kỳ lạ của bác sĩ bệnh viện VIPTrước tình cảnh này, con trai nhạc sĩ Thanh Tùng quyết định xin chuyển bố sang Bệnh viện Bạch Mai cạnh đó với hy vọng “còn nước, còn tát”. Tuy nhiên, bác sĩ Thọ không đồng ý, dẫn tới hai bên xảy ra to tiếng. Theo anh Thông, lúc gia đình đang bối rối, bác sĩ Thọ đáng ra phải có thái độ đúng mực để gia đình yên tâm. Đổi lại, bác sĩ Thọ to tiếng thách thức. Anh Thông kể lại:
“Ông ấy cởi kính, đập tay xuống bàn, rút máy ghi âm rồi tuyên bố: Anh nói đi, tôi sẽ ghi lại hết. Lúc đó, tôi chỉ muốn khóc vì bất lực. Chả lẽ muốn cứu bố mà cũng không được sao. Tôi đã tin tưởng đây là bệnh viện tư quốc tế nên không tiếc tiền đưa bố tới đây”.
Sau một hồi cãi cọ, van xin, thậm chí nhờ cả những người có vai vế trong xã hội tác động xin chuyển sang bệnh viện khác (trong khi bệnh nhân mỗi lúc càng nguy kịch), bác sĩ Thọ miễn cưỡng đồng ý cho gia đình đưa ông Thanh Tùng sang Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Việt-Pháp không bố trí bất cứ phương tiện nào hỗ trợ.
Khi ông Thanh Tùng được đưa sang Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), căn cứ vào kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận khác hẳn, chỉ có dị vật trong phổi và có thể chữa được. Anh Thông kể tiếp:
“Các bác sĩ nghi dị vật là cháo, nếu đúng vậy thì chỉ có thể xảy ra trong thời gian y tá Bệnh viện Việt-Pháp cho ăn tối hôm trước làm bố tôi bị sặc. Vì khi nhập viện, ông chỉ bị sốt nhẹ, Bệnh viện Việt-Pháp cũng đã làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, không phát hiện bất thường ở phổi”. Sau hơn một tuần chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, được về nhà.
Muốn giữ bệnh nhân để kiếm tiền?Bất bình với thái độ và chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Việt-Pháp, ít tuần sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, anh Thông quay lại nói chuyện với ban giám đốc bệnh viện. Phó Tổng giám đốc Võ Văn Bản tiếp chuyện và khẳng định: Bệnh viện luôn có xe để bệnh nhân chuyển viện khi cần và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nếu gia đình muốn. Ông Bản nói: “Không hiểu sao bác sĩ Thọ lại nói như vậy”.
Khi nghe anh Thông thuật lại sự việc, ông Bản tỏ ra bất ngờ trước thái độ bác sĩ Thọ và khẳng định hành vi như vậy là sai; không đúng tôn chỉ làm việc của bệnh viện. Ông này cũng hứa sẽ có biện pháp “xử lý thích đáng”. Lại “bài ca muôn thủa” của những vị có trách nhiệm. Thật vậy, tới nay Bệnh viện Việt-Pháp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình ông Thanh Tùng.
Một bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Những trường hợp như nhạc sĩ Thanh Tùng không phải hiếm, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp chuyển từ bệnh viện tư sang cấp cứu. Ông nói: “Bệnh viện tư nhiều khi vì sức ép thu hút bệnh nhân và thu viện phí nên cố giữ bệnh nhân; khi chuyển sang cho chúng tôi bệnh tình đã khá nặng”.
Đến đây bạn đọc đã hiểu thế nào là cách “làm tiền” của bệnh viện VIP tại Việt Nam.
Nhìn rộng hơn, bạn hãy thử so sánh kiểu níu chân khách để kiếm tiền có khác gì mấy cái tiệm cắt tóc, massage trá hình đâu. Một bên là trí thức “hạng nặng” một bên là “hạng bình dân”, có thế thôi. Ôi cái VIP Việt Nam là thế chăng?! Đừng tưởng VIP là “bở”.
Tuy nhiên, các ông VIP nằm bệnh viện VIP có đau đầu một tí cũng chỉ như kiến cắn so với nỗi khổ triền miên của người bình dân chúng tôi thôi. Ông nhạc sĩ này may mắn và quen biết các vị có thế lực nên được trở về nhà chứ không như người dân bị chết oan. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa.
Không ít trường hợp các nạn nhân bị chết oan uổng. Không ít lần người nhà, người thân bao vây bệnh viện, đòi đánh bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Người nhà bệnh nhân đã bị bắt giữ, giam cầm vì vi phạm pháp luật. Đã có hàng ngàn tỉ đồng rót vào xây dựng bệnh viện, mua máy móc hiện đại… nhưng một số lại là hàng đã phế thải hoặc đã được sử dụng lâu ngày rồi, khiến bệnh nhân chết oan. Tôi chỉ kể đến một chuyện gần đây nhất.
Chẩn đoán đau dạ dày thành đau ruột thừa và mổ nhầmVào 15 giờ ngày 12/01/2015 vừa qua, bất bình trước cách hành xử của Bệnh viện thành phốVĩnh Long, gia đình ông Sang báo sự việc đến công an. Sau đó khoảng 50 người nhà và thân nhân mang di ảnh đến bệnh viện khiếu nại.
Theo bà Trần Ngọc Đáng (chị ruột ông Sang), tối 08/01, ông Sang đau bụng dữ dội nên gia đình đưa vào Bệnh viện Vĩnh Long và các bác sĩ chẩn đoán đau ruột thừa. Ngày 09/01, ông Sang được mổ. Mổ xong, bác sĩ Hùng thông báo ông Sang bị đau dạ dày, nếu gia đình đồng ý cho bệnh viện mổ tiếp thì bệnh viện mổ, nếu không thì có thể chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình đồng ý chuyển ông Sang đến bệnh viện khác.
Trưa 10/01, trên đường đi, đến tỉnh Tiền Giang ông Sang khó thở, vật vã. Lúc này, tài xế vội cho xe cứu thương rẽ vào bệnh viện tỉnh Tiền Giang để cấp cứu nhưng đã tử vong. Theo ông Trần Văn Khánh (anh ruột ông Sang), khi chuyển viện cho ông Sang, bệnh viện Vĩnh Long không chuyển hồ sơ bệnh án đi chung xe cứu thương.
Công an Vĩnh Long đã cử nhân viên đến điều tra sự việc. Bà Đáng (chị ông Sang) nói: “Sau khi em tôi mất, được khám tử thi, bác sĩ pháp y cho biết ruột thừa em tôi không bị gì, còn dạ dày thì vết khâu bị hở. Như vậy, bác sĩ mổ cho em tôi đã nhầm đau dạ dày thành đau ruột thừa?”
Bác sĩ Đoàn Văn Hùng (Giám đốc bệnh viện) giải thích người mổ cho ông Sang là bác sĩ N., có nhiều năm kinh nghiệm và bệnh viện đã làm đúng quy trình. Khi mổ ruột thừa, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đau dạ dày thì phải mổ tiếp chứ bệnh viện không nhầm lẫn. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận bác sĩ N. đã sai khi không giải thích kỹ cho người thân ông Sang hiểu cũng như đã thiếu sót khi không thăm hỏi, an ủi gia đình.
Cũng theo ông Khánh, ông Sang nhà nghèo, làm nghề phụ hồ, vợ ở nhà chăm con. Việc ông đột ngột ra đi sẽ khiến vợ con rơi vào tình cảnh túng quẫn.
Thật ra cái “kiểu chết made in bệnh viện Việt Nam” này có hàng ngàn kiểu và kiểu giải thích của các ông giám đốc bệnh viện cũng có hàng trăm lý do để chạy tội. Chỉ khổ cho dân nghèo và đau xót cho nền đạo đức, văn hóa Việt đang xuống dốc thê thảm. Còn vô số những trò gian manh xảo quyệt bóp chết nền y tế. Tôi kể vài nét điển hình quan trọng nhất:
20 cán bộ ngành y dùng bằng chuyên môn giảBằng thạc sĩ giả bán công khai trên mạng
Là ngành liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người nhưng một số cán bộ y tế tỉnh Thanh Hóa đã liều lĩnh dùng bằng giả để hành nghề hàng chục năm nay. Các trường hợp cán bộ y tế tỉnh này dùng bằng giả diễn ra từ “cấp cao” tới “cấp thấp”, rải rác từ bệnh viện tỉnh cho đến huyện, xã.
Trong số các trường hợp bị phát giác, có chuyên viên đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nội tiết tỉnh; Bệnh viện Đa khoa thành phố; Bệnh viện Đa khoa các huyện Quan Sơn, Ngọc Lặc, Triệu Sơn; Trung tâm y tế dự phòng các huyện Quan Sơn, Triệu Sơn…
Được biết, số nhân viên bị phát giác dùng bằng giả là 20 người. Bằng chuyên môn giả được sử dụng bao gồm: dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm. Có những trường hợp dùng bằng giả hàng chục năm nhưng cơ quan chức năng không hề biết. Đó là trường hợp của ông Lê Văn Lệ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn); bà Ngô Thị Tám, dược sĩ (thuộc Trung tâm y tế huyện Triệu Sơn); ông Lê Xuân Thướng, Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn…
Tại Bình Định: cũng có 20 nhân viên y tế học đường thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, dùng bằng giả đang đối mặt với kỷ luật sa thải.
Thật ra, chuyện bằng giả có ở hầu hết các cơ quan kể cả hành chánh và chuyên môn xài bằng giả không còn là chuyện lạ. Mới đây, ngày 12/01 cảnh sát đã tóm được 13 tên làm bằng giả. Chúng khai nhận từ tháng 2/2014 đến nay, nhóm chúng đã làm giả khoảng 500 bằng cấp các loại như thạc sĩ, cử nhân và bảng điểm, học bạ… với giá 6-9 triệu đồng/bằng cho nhiều người đặt mua ở nhiều tỉnh, thành từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam. Vậy những tấm bằng đó đang “vẫy vùng” trong các cơ quan nào?
Dân chết oan, dân bị hành đủ kiểu vì những quy định không giống ai của các ông tiến sĩ rởm ngồi bán giấy, án tù oan đầy rẫy đưa xã hội vào con đường bế tắc, trộm cướp, không chỉ ở mấy anh nghiện hút đói rách mà cả những người giàu cũng trộm cắp.
Cụ thể như nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Q.9 (Sài Gòn) cấu kết nhau rút ruột quỹ bảo hiểm y tế để trục lợi. Số người “nhúng chàm” tại bệnh viện này tới gần 20 người, trong đó có gần chục bác sĩ, dược sĩ, còn lại là điều dưỡng, nhân viên khác của khoa khám bệnh. Ngoài ra, các nhân viên của bệnh viện này còn ăn cắp thuốc Bảo hiểm y tế chia cho người thân. Vụ việc đổ bể, hàng chục nhân viên của Bệnh viện Q.9 thừa nhận không thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, có sai phạm lấy thuốc bảo hiểm y tế (mỗi toa thuốc lấy trị giá từ 300.000-450.000 đồng) cho người quen người thân, từ vài tháng đến một năm nay.
Sửa thuốc hết hạn dùng thành thuốc mớiThị trường dược phẩm ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn vẫn được biết đến là miếng bánh vô cùng béo bở. Đây được xem là loại hàng đặc chủng có lợi nhuận siêu khủng và có “luật chơi riêng”, có hệ thống quản lý và phân phối kiểu ma trận. Chính vì lẽ đó, có vô số mánh khóe trong lĩnh vực kinh doanh này từ việc đẩy giá thuốc, sửa lại “đát” (hạn sử dụng) đến thuốc không bảo đảm chất lượng được “khoác áo” thuốc ngoại… Và, người lãnh đủ những chiêu trò nhẫn tâm ấy là người bệnh, trong khi các cơ quan quản lý chuyên ngành luôn kêu rằng họ ở thế bị động?!
Để có được lãi suất cao, những loại thuốc được “chuyên gia” gian lận chọn để “khoác áo” ngoại thường là thuốc bổ, thuốc kháng sinh, tim mạch, huyết áp… Trên thị trường có những loại dược phẩm ngoại nhập nào đang “hút hàng”, bán chạy thì các “chuyên gia” sẽ tập trung “sản xuất” hàng loạt thành phẩm đó với mẫu mã… y hệt.
Đó là những hiểm họa khôn lường mà hầu hết bệnh nhân đều không thể biết, không thể kiểm chứng được. Anh nào chết oan cứ chết, anh nào giàu cứ giàu.
Ngoài ra, còn nhiều thứ phòng khám bệnh chui mướn người nước ngoài hoặc tự chữa bệnh không có giấy phép. Loại phòng khám chui nhiều nhất thuộc về loại thẩm mỹ, chữa bệnh kín cho phụ nữ và nhất là các cô cần nạo phá thai.
Chen chúc nạo phá thai từ bệnh viện đến phòng khám thai chuiĐội ngũ xe ôm kiêm cò mồi dụ dỗ các cô gái đi nạo phá thai chui
Mới đây, ngày 18/11, Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam công bố: “Việt Nam có tỉ lệ phá thai ở độ tuổi sinh sản cao nhất Đông-Nam Á, và là một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Thấy có cô gái trẻ nào lớ ngớ rụt rè tới gần cổng Bệnh viện Từ Dũ là cánh xe ôm, cò mồi biết ngay là cô gái này đi phá thai. Chúng vây lấy và dụ dỗ lôi kéo đưa đi siêu âm, nạo phá thai ở các phòng khám tư nhân, thực chất toàn là phòng khám chui. Thí dụ phòng khám mà tên “cò” quảng cáo là “Nhà bảo sanh D.P”, ở phường 12, quận 3. Trên tấm bảng quảng cáo “thương hiệu” ghi rõ: với sự cộng tác của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Hòa Hảo, Bệnh viện Hùng Vương… Một cô gái cho biết giá nạo phá thai tại đây là: thai 6 tuần 600.000 đồng, 7 tuần 700.000 đồng, 8 tuần 800.000 đồng và càng để lâu càng nhiều tiền. Nạo phá thai dễ dàng như uống thuốc cảm vậy thôi. Cho nên nhiều cô gái sa ngã và bất cần tới sự trao thân mà không cần gửi phận rồi đi “giải quyết cái rẹt” là xong. Nhưng có chết ráng chịu bởi chẳng có tí chứng cứ nào.
Chuyện thuốc men, bệnh tật, bệnh viện ở Việt Nam là như thế. Tạm thời kết thúc ở đây, kỳ sau xin nói chuyện khác kẻo nhàm tai bạn đọc.
Văn Quang
16-1-205