Sau khi chiếm được Miền Nam, một trong những công việc đầu tiên chế độ Cộng sản làm là ra sức tiêu hủy toàn bộ văn
học Miền Nam mà người cộng sản đã xách mé gọi là “văn hóa đồi trụy”. Họ đi gõ cửa từng nhà, thu hồi tất cả các loại sách
báo cũ, bất kể thứ gì thuộc về chữ nghĩa. Rồi sau đó đem đổ thành từng đống lớn ở ngoài phố và châm lửa đốt. Chưa bao
giờ văn hóa bị truy bức một cách rộng rãi và quy mô như thế trong lịch sử Việt Nam.
Song song với chính sách truy bức văn hóa, chế độ Cộng sản cũng thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục ở Miền Nam. Trước
hết là thay đổi một số môn học và sau đó là từ từ thay thế một số giáo sư. Trong các môn học, những môn về toán và khoa
học thì còn được giữ lại, nhưng những môn về văn học và lịch sử thì thay đổi hoàn toàn. Đặc biệt là môn công dân giáo
dục, một môn học được hệ thống giáo dục thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa coi trọng, bị cho ra rìa và thay vào đó là môn
chính trị khô khan, vô bổ, và chỉ nhằm một mục đích duy nhất là nhồi sọ học sinh. Cũng vì vậy mà sau này có nhiều người
than là một môn học “thầy không muốn dạy và trò không muốn học”.
Nói đến môn công dân giáo dục, ta mới thấy tác động của giáo dục ở trường học đối với nhân cách của một công dân quan
trọng đến mức nào. Đồng ý là nhân cách của một người không chỉ được tạo nên và hình thành từ trường lớp mà còn từ gia
đình, xã hội và những người xung quanh. Tuy nhiên không ai dám phủ nhận là sự giáo dục không gây được ảnh hưởng lên
nhân cách của người công dân đó. Và môn công dân giáo dục trước đây luôn cố uốn nắn học trò ngay từ khi còn ở bậc
tiểu học ý thức được giá trị cá nhân của mình và nhắc nhở họ cách cư xử thế nào cho đúng, ở trong nhà cũng như ngoài xã
hội. Thế nên đem so sánh một xã hội Việt Nam ngày nay và một xã hội của Miền Nam Việt Nam cách đây vài thập niên thì
quả thật có một sự suy đồi khủng khiếp. Để biết nó suy đồi tới mức nào, ta cứ thử vào một vài tờ báo mạng trong nước,
đọc lướt qua phần tin tức thời sự là thế nào cũng thấy rất nhiều những tin về cướp của, giết người, lừa đảo v.v… Mà những
chuyện này xảy ra hằng ngày và trở thành gần như tin tức bình thường chứ không còn là những bản tin họa hoằn như trước
kia nữa.
Nhưng nếu ta nhìn tới hệ thống giáo dục của các nước Tây phương, trong đó kể cả Hoa Kỳ, ta thấy họ cũng không dạy
môn công dân giáo dục, hay ít ra môn học này không bị đòi hỏi phải có trong chương trình giáo dục. Ta cũng biết Tây
phương họ tôn trọng tự do cá nhân và quan niệm để trẻ em phát triển tự nhiên theo khả năng của chúng. Thực ra trước đây
các trường học ở Hoa Kỳ cũng đã từng dạy môn học tựa như môn công dân giáo dục của ta, thường được gọi là
“character education” hay “personality education” – nghĩa là rèn nhân cách. Tuy nhiên, đã có một vài kết quả nghiên cứu
nói rằng môn học này không mang lại nhiều ích lợi như người ta tưởng và sau đó nhiều trường học đã bỏ hẳn hoặc nếu còn
thì cũng không bắt buộc học sinh phải học, và chú trọng nhiều tới những môn học thiết thực hơn như khoa học, toán, văn
chương v.v… Thế nhưng có điều không thể chối cãi cho thấy càng ngày học sinh ở Mỹ nếu không học kém đi thì cũng
không có mấy tiến bộ so với học sinh ở những quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia Á châu.
Thế nên gần đây đã có một số nhà giáo dục kêu gọi nhà trường nên mang môn công dân giáo dục cho vào lại chương
trình giáo dục như những môn học khác. Môn học này sẽ rèn luyện cho học sinh phát triển những đức tính như tự chủ, nghị
lực, hiếu kỳ cũng như lòng khoan dung, tử tế, công bằng, bình đẳng, biết tôn trọng nhau – là những đức tính giúp tạo thành
một nhân cách tốt. Hơn nữa, có một số nhà nghiên cứu nói rằng một nhân cách tốt thậm chí có thể còn quan trọng hơn trí
thông minh khi nói đến thành quả mà học sinh đạt được tại trường học.
Năm 2014, giáo sư môn tâm lý học người Úc tên Arthur E. Poropat đã trích dẫn từ kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai tính
chu đáo (trong đó có siêng năng, ý thức trách nhiệm và chăm chỉ) lẫn tính phóng khoáng (trong đó có sáng tạo và hiếu kỳ)
có nhiều sự tương quan với việc học của học sinh hơn là sự thông minh.
Một số nhà nghiên cứu đã đạt được thành công trong nỗ lực giúp các em tập thêm được tính chu đáo. Cũng theo giáo sư
Poropat, một học sinh tiểu học nếu được rèn luyện đức tính chu đáo đó thì không chỉ giúp các em đạt được thành quả cao
hơn trong việc học mà còn tạo được ảnh hưởng tốt cho cuộc đời của các em nhiều năm sau này nữa.
Nói như thế không có nghĩa là không kể đến trí thông minh của học sinh, nhưng thật sự là khi các em học sinh được rèn
luyện thêm những đức tính kể trên và kết quả là chúng giúp cho việc học của học sinh được tiến bộ hơn. Một số nhà giáo
dục nói rằng những đức tính tạo nên nhân cách tốt của một người một phần có thể do từ bẩm sinh mà ra nhưng phần lớn
có thể rèn luyện mà có được.
Có trường còn đi xa hơn, dạy cho học sinh làm vườn – từ việc gieo hạt, làm cỏ cho đến tưới nước, bón phân, thu hoạch và
phân phối – để các em hiểu hơn những sinh hoạt bên ngoài phạm vi gia đình và trường học, và học cách thức làm việc
chung trong một tập thể.
Môn công dân giáo dục còn giúp học sinh hiểu hơn về bản thân và tự tìm ra những ưu điểm cá nhân của mình để từ đó học
sinh có thể có những lựa chọn phù hợp hơn cho quyết định tương lai của mình.
Một số trường học đang áp dụng việc giảng dạy môn công dân giáo dục cho thấy kết quả khả quan: việc học của học sinh
tiến triển hơn, ít nghỉ học hơn, bạo lực trong lớp học giảm, ít trường hợp vi phạm nội quy nhà trường, bớt tình trạng nghiện
ngập, và ít phá hoại của công. Vào lúc mà cha mẹ và thầy cô đang quan tâm nhiều đến tình trạng bạo động trong nhà
trường, thì kết quả ghi nhận là những học sinh theo học ở những trường có dạy các lớp công dân giáo dục cảm thấy được
an toàn hơn vì các em biết các bạn học của mình cũng coi trọng những giá trị về trách nhiệm cá nhân, biết tôn trọng những
người xung quanh, thương yêu bạn bè và học hành chăm chỉ.
Theo nhận xét của tác giả Jessica Lahey, là một cô giáo dạy môn văn có tham gia giảng dạy môn công dân giáo dục ở
trường, rèn luyện cho học sinh tính kiên nhẫn, tự chủ và siêng năng không phải là một công việc quá khó khăn.
Trường học ở Hoa Kỳ trước đây cũng đã từng chú trọng tới việc rèn luyện nhân cách và bổn phận công dân cho học sinh.
Những nhà lãnh đạo khai sáng ra quốc gia này, như ông bà John và Abigail Adams, Thomas Jefferson, James Madison, và
Bejamin Franklin đã từng viết về sự quan trọng trong việc rèn luyện nhân cách cho học sinh, là rường cột tương lai của đất
nước và là những người có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nước cộng hòa mới mẻ này. Nếu giả như cũng những nhà khai
sáng này bây giờ được sống lại chắc là phải hoảng hốt khi thấy những giá trị ưu tiên hàng đầu họ đặt ra trước đây nay đã bị
đánh mất.
Một cuộc thăm dò của viện Gallup cho thấy hơn 90% người Mỹ ủng hộ việc giảng dạy và rèn luyện cho học sinh tính thật
thà, sinh hoạt dân chủ, biết chấp nhận những người khác chủng tộc, lòng ái quốc, ân cần với bạn bè và người thân trong gia
đình, lòng can đảm. Mặc dù đa số ý kiến của người dân Mỹ như vậy nhưng sự thật là môn công dân giáo dục đã gần như
hoàn toàn biến mất trong những đề tài tranh luận và hội thảo về chương trình giáo dục và những môn học chính được
giảng dạy tại các trường học.
Rèn luyện một đứa trẻ để có được một nhân cách tốt sẽ không bảo đảm làm cho đứa trẻ đó thông minh hơn, điểm ở các
bài thi cao hơn, nhưng chắc hẳn nó là một kỹ năng cần thiết nằm tiềm ẩn đâu đó bên trong những kết quả lạc quan từ
những nghiên cứu và từ ngay trong những lớp học.
Môn công dân giáo dục tuy cũ nhưng không cổ lỗ. Nó rèn luyện cho học sinh khả năng để có những quyết định khôn ngoan
và hành động đúng. Nhân cách là yếu tố quan trọng mà các chuyên gia về giáo dục và nuôi dạy trẻ ví như chiếc cầu nối
đưa đến thành công, cả trong trường học cũng như trường đời.
Hiện đang có những dấu hiệu cho thấy một phong trào đang từ từ dấy lên kêu gọi sự ủng hộ để đưa môn công dân giáo
dục trở lại trong chương trình giáo dục ở Mỹ, không chỉ là một môn phụ mà là một môn học chính mà các học sinh phải
học, ít nhất là ở bậc tiểu học. Nếu điều này xảy ra, rất có thể nó sẽ gây ảnh hưởng và phần nào thay đổi diện mạo của xã
hội Mỹ trong tương lai.
Huy Lâm