Bolero được du nhập vào Việt Nam từ những năm 50, 60
Dòng nhạc bolero ngọt ngào trữ tình đã đi vào lòng người yêu nhạc từ nhiều thập kỷ qua, dù cho có những lúc tưởng chừng như bị thất sủng, nhưng bolero vẫn trường tồn, trải qua bao thăng trầm, nhạc bolero đang dần lấy lại vị trí của mình trên một thị trường âm nhạc khá bão hòa tại Việt Nam.
Loại nhạc phổ thôngXuất phát từ một điệu nhạc nhảy của Tây Ban Nha, bolero được du nhập vào Việt Nam từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước… với giai điệu nhẹ nhàng, chậm buồn, những tác phẩm của dòng nhạc này thường là những câu chuyện kể với nội dung gần gũi, bình dị, thường kể về tình cảm của người lao động, tình yêu đôi lứa, đôi khi là nhạc học đường, nhạc hoài niệm về những gì đã qua, rồi nói sự cô đơn chia ly cũng như hình ảnh của những người lính trong chiến trận, vì thế, bolero dễ tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc với người nghe.
Ban đầu bolero xuất hiện ở miền Nam Việt Nam, sau năm 1975, dòng nhạc này mới lan ra ngoài Bắc. Theo nhạc sĩ Trần Thế Bảo thì dòng nhạc bolero ở VN hơi đơn điệu, phần hát và đệm thường chồng lên nhau, theo ông, bolero hiện tại có lượng người nghe lớn và có rất nhiều người trẻ, khi nghe dòng nhạc này, giới trẻ sẽ có dịp trầm tư, suy nghĩ về bản thân chứ không phải sống vội, sống gấp…
Trong số những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này, người ta không thể không nhắc tới nhạc sĩ Trúc Phương, người được mệnh danh là “ông hoàng bolero của dòng tân nhạc VN” ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Sầu Lẻ Bóng, Đôi Mắt Người Xưa, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Đêm Gác Trọ, 24 Giờ Phép, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần… Các ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, tràn đầy những triết lý và suy ngẫm về cuộc đời và thân phận con người. Ông từng được vinh danh trong hai đêm nhạc của Trung Tâm Thúy Nga và Trung Tâm Asia. Bên cạnh nhạc sĩ Trúc Phương, nhiều nhạc sĩ khác cũng có những tác phẩm để đời như: Trịnh Lâm Ngân (Xuân Này Con Không Về), Vinh Sử (Không Giờ Rồi), Hoàng Phương (Hoa Sứ Nhà Nàng), Giao Tiên (Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non) hay những nhạc sĩ đã khuất khác: Châu Kỳ, Duy Khánh, Thanh Sơn, Hoàng Thi Thơ, Trầm Tử Thiêng…
Còn về những ca sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc bolero, về nữ có thể nhắc đến Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Giao Linh, về nam có Chế Linh, Duy Khánh, Nhật Trường, Tuấn Vũ…
Tại Việt Nam, bolero cũng được nhiều người gọi bằng tên khác là nhạc sến, lý giải về điều này, nhạc sĩ Chế Linh từng cho chúng tôi biết:
“Sự thật hai chữ nhạc sến phát suất từ ông Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy chỉ nói đùa thôi vì hồi trước 75 những bản nhạc mà người ta gọi là nhạc sến ngày nay thì hồi đó người ta gọi là nhạc phổ thông.” Theo ca sĩ Chế Linh thì chữ “sến” này được phổ biến vì nhạc sĩ Phạm Duy đọc báo thấy nhạc phổ thông thịnh hành quá sức và nói đùa rằng: ối giời ơi cái nhạc sến thế mà nó ăn khách thế! Và câu nói của ông được nhà văn Đặng Tấn viết lên và từ đó chữ “nhạc sến” xuất hiện.
Bolero lên ngôi trở lạiNăm 2014 có thể được coi là năm lên ngôi của nhạc bolero khi những cuộc thi tiếng hát, tìm kiếm tài năng hay truyền hình thực tế liên tiếp lấy bolero làm nguồn cảm hứng. Chẳng hạn, chương trình Solo cùng Bolero được xem là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên ở VN dành cho bolero, tiếp đến là Tình Bolero và nhiều những chương trình Tình Khúc Vượt Thời Gian cũng lấy chủ đề Tình Khúc Bolero làm ý tưởng chủ đạo hay các ca khúc Bolero cũng được chọn trong Gương Mặt Thân Quen, Nhân Tố Bí Ẩn, Sol Vàng chưa kể một số đông nhạc sĩ và ca sĩ đang quay lại với bolero và sử dụng lại các ca khúc này trong liveshow của mình.
Cũng chính bởi sự trở lại của bolero, mà thời gian gần đây, giới yêu nhạc trong nước liên tục được thưởng thức những màn trình diễn kết nối giữa hai thế hệ cùng hát nhạc bolero như: Lệ Thu, Phương Dung, Phi Nhung, Quang Lê, Hồng Hạnh, Mỹ Lệ, Hiền Thục, Lệ Quyên…
Theo đánh giá của giới chuyên gia thì những chương trình về nhạc bolero gần đây đã có sức hút mạnh với công chúng, những người yêu bolero được tham gia vào những sân chơi đúng nghĩa, họ được gặp lại hầu hết những tác phẩm đã gắn liền với một phần của tuổi thơ, được thỏa sức phiêu bồng trong những chương trình âm nhạc đã từ lâu vắng bóng.
Có thể nói, việc trân trọng, gìn giữ những nét đẹp của nhạc bolero là điều cần thiết, bởi xét cho đến cùng thì sức mạnh bền bỉ của bolero cũng chính là bởi giá trị tự thân của nó, trải qua bao sàng lọc, sóng gió nhưng bolero vẫn tồn tại như một minh chứng cho những giá trị tinh thần vượt thời gian và luôn thấm đẫm hồn Việt với biết bao thế hệ.
Theo RFA