logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 12/02/2015 lúc 06:23:13(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,125

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage

LTS: Người miền Nam trước năm 1975 ít nhiều ai cũng nghe tiếng ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam. Quả thực cuộc đời ông Đạo Dừa là một chuỗi những chuyện kỳ dị mà không ít người cho là lập dị, nhưng ít ai biết đến những năm cuối đời khí tiết hơn người của ông…

Trước kia, có một dạo tôi hiểu lầm ông. Nói hiểu lầm thì không đúng lắm: Tôi đã đánh giá sự đấu tranh của ông một cách phiến diện, hời hợt. Tôi được biết ông tên Nguyễn Thành Nam, một nhà trí thức tân tiến, đỗ bằng kỹ sư ở Pháp, có tinh thần ái quốc cao. Ông thành tài về nước, không làm việc cho Pháp, dấn thân vào cuộc cách mạng dân tộc…
… Tôi từng nghe mấy người anh bà con, cùng ở Pháp về chuyến tàu với ông, không ngớt bàn tán về hành động ấy của ông:
– Kỹ sư Nam ở Bến Tre tính gì thế? Toan làm chính trị? Hay muốn chóng nổi danh?
– Hắn bất hợp tác với nhà cầm quyền ư? Chủ trương tranh đấu bất bạo động như thánh Gandhi bên Ấn Độ à? Bối cảnh chính trị ở Việt Nam khác xa với bên ấy lắm cơ mà!
– Hay hắn lập dị? Cũng muốn tỏ ra ta đây anh hùng cách mạng?
… Với một năm ở tù chung ở khám Cần Thơ, tôi mới thật sự biết ông. Khâm phục ông nhẫn nại, kiên quyết và bất khuất hơn người.
Trước kia, tôi chỉ biết ông có chí hướng hơn người. Ông tìm con đường tranh đấu riêng. Ông không theo phe này, lập hội kín nọ. Ông làm cách mạng quần chúng. Lấy số đông dân chúng làm hậu thuẫn. Ông pha màu tôn giáo vào chính trị, và ông đã khởi xướng lên một loại tôn giáo hòa đồng. Thực chất là lấy tình thương bao la để khuyến dụ và cảm hóa mọi người. Ông đã gặt hái ít nhiều thành công. Lúc bấy giờ, tôi vẫn còn cho ông là một con người đáng tôn kính, song có phần lập dị.

Nhân một dạo, tôi có dịp đi đò máy từ bến bắc Rạch Miễu sang tỉnh lỵ Bến Tre, khi con đò chạy ngang qua một cái cồn đất nọ, người đi đò cùng trầm trồ trỏ tay bảo:

– Ông Đạo Dừa ngồi trên đọt dừa đó, thấy không? Ổng ngồi mấy năm nay rồi. Mặc nắng mưa, trưa tối!
Một bà lão già nói bằng giọng cung kính:
– Ai cũng tưởng ổng chịu không nổi, mà chết rồi! Nhưng người ta vẫn thấy ông ngồi trơ trơ đó. Mà ông phải nhà nghèo hèn gì, con nhà giàu sang, danh giá. Vậy mà ông lại đi tu. Nói là để độ đời!
Tôi hỏi lại:
– Tây để cho ông làm như vậy sao? Ông ra vẻ chống đối như vậy, bỉ mặt cho người Pháp ở Đông Dương lắm.
– Mèn ơi, họ bắt ổng giam vô tù mấy lần. Ổng tịnh khẩu, không thèm nói chuyện. Nhưng viết giấy hỏi Tây là ổng có tội gì mà bị bắt? Đụng chạm nhân quyền sao đó! Tây cãi không lại lý của ổng, phải thả ổng ra. Ổng lại trèo lên cây dừa mà ngồi.

Tây giận lắm, sai người đốn bỏ cây dừa của ổng. Mất cây dừa đó, ổng lại trèo lên cây dừa khác. Mèn ơi, ai trông thấy ổng trèo dừa mà hổng thương đứt ruột! Tây lại sai người đốn dừa nữa, ổng lại ngồi trên cây khác. Đốn hết dừa cù lao này, thì ổng sang qua cù lao kia. Bến Tre là xứ dừa mà. Không lẽ Tây đốn hết dừa của tỉnh? Tây đành chịu thua ổng luôn.
– Rồi ổng ăn gì?
– Ổng chỉ uống nước dừa, có khi ăn thêm vài trái chuối để sống. Vậy nên người ta mới kêu ổng là ông Đạo Dừa.
– Thời buổi lộn xộn, ổng ngồi hoài như vậy, không sợ nguy hiểm?
– Ổng hổng sợ. Mà dân cũng thương ổng, ngấm ngầm bảo vệ cho ổng.
– Ổng tịnh khẩu hoài, không mở miệng nói chuyện? Không thuyết pháp sao? Vậy làm sao truyền đạo?
– Ổng không nói. Chỉ viết ra trên giấy. Nói chuyện cũng bằng giấy tờ. Vậy mà đệ tử đông lắm. Ở khắp nơi, đâu cũng có. Cả ở Lục tỉnh, ở miền Trung nữa. Vì đạo của ông tốt một cái là thờ kính ông bà, tôn trọng lễ nghĩa và ăn ở hòa mục với mọi người.

Tôi chăm chú nhìn lên ngọn dừa khi phà chạy ngang mé cồn. Trên ngọn một cây dừa cao, một hình bóng người nhỏ thó, mặc áo vải vàng, ngồi thu lu trên một vạt bằng cây to, trông thấy bấp bênh lơ lửng. Trời trưa nắng như hun đốt, mắt nhìn lên lóe sao. Thế mà bóng người nọ vẫn ngồi xếp bằng an tọa, tịnh nhiên. Ông ngồi như thế đã mấy năm trời? Gương kiên nhẫn của ông thật đáng phục!

Tôi vì bận việc ở Bến Tre, đến xế chiều mới xuống phà trở sang tỉnh Mỹ Tho. Ông Đạo Dừa vẫn ngồi trên ngọn dừa nơi cồn đất nọ. Ngọn gió chiều thổi lồng lộng sông rộng. Cây dừa trông từ xa thấy chao đảo. Thế nhưng ông đạo vẫn ngồi bằng an, tâm tư vắng lặng vào cõi hư vô nào…

… Sau đó, tôi bị kẹt! Mãi lâu sau tôi mới lại có dịp về miệt Tiền Giang. Thỉnh thoảng tôi gặp trên đường những người đàn ông có, đàn bà có, già có, trẻ có, mặc quần áo bằng vải màu vàng hoặc màu già, áo thì là áo bà ba gài nút ở giữa hay là vạt miễng, có người để tóc dài chít khăn màu vàng. Những người ấy ăn nói lễ phép, từ tốn và thân thiện. Tôi hỏi ra mới biết đấy là đệ tử của ông Đạo Dừa. Ông Đạo chủ trương hòa đồng tôn giáo. Ông thờ các bậc sáng thế. Phật Thích Ca ông cũng trọng, Chúa Ki Tô ông cũng kính, cả đến Lão Tử ông cũng theo, Khổng Tử ông cũng học… Tất cả các vị có lòng từ bi, bác ái, yêu thương nhân loại, xả thân vì chúng sanh, ông đều phụng thờ. Đó là tình thương yêu phải học tập, phải noi theo. Đệ tử của ông rải rác khắp nơi. Họ hành đạo và truyền đạo với lòng tin vững chắc, dù phải gặp rất nhiều khó khăn, cả những hiểm nguy. Vì trong cái thế giới nhiễu nhương, còn lắm người nhắm mắt chạy theo thế lực kim tiền, thì trái tim thương yêu của người thiện lương dù mở rộng mấy cũng ít có người cảm thông. Rồi sau đó, tôi lại gặp một số đệ tử của ông Đạo Dừa trong cảnh nhà tù! Hỏi đến Thầy họ, Thầy họ chắc cũng bị cầm giữ đâu đó. Họ vẫn không rời chiếc áo bà ba vạc miễng của họ. Sau lưng áo, họ vẽ hai chữ Tu Tù thật lớn. Họ lặng thinh, không nói gì. Ai muốn hiểu sao hiểu. Có thể bảo là vì tu nên mới bị tù. Có thể có nghĩa ở tù vẫn cứ tu. Lại có nghĩa lấy việc ở tù làm công quả học thành đạo. Theo họ, họ bảo tu cho đất nước hòa bình, con người thương yêu con người hơn. Chỉ có tình thương yêu mới khai trừ họa chiến tranh. Chỉ có tình thương yêu, mới san sớt đồng đều, mới thông cảm nhau, không cần đấu tranh giai cấp!

… Về sau, tôi lại nghe tin ông Đạo Dừa trở về Cồn Phụng, tức là cái cồn đất ông trèo lên ngồi trên cây dừa mấy mươi năm về trước. Khi ấy cồn đã có đông dân cư tụ tập. Nhà ở khang trang. Dân tình dễ sống. Có văn hóa. Có tình người. Có trật tự. Có cả mấy người Mỹ tu ở đó. Ai trông thấy tướng đi lênh khênh của họ trong bộ quần áo bà ba màu vàng may rộng khổ mà vẫn thấy túm bó, với đôi bàn chân đi đất rón rén của họ, đều phải che miệng cười. Nhưng là cái cười đầy thiện cảm, thân ái. Họ gặp ai cũng chắp tay cúi đầu, nói trọ trẹ:
– Chào ông!… Chào bà!… Chào anh!… Chào chị!… Mạnh giỏi!
Nơi Cồn Phụng còn treo một biểu ngữ to Bất Chiến Tự Nhiên Thành. Đó là một câu sấm xưa từ mấy trăm năm, mà người ta cho là trong bài sấm Trạng Trình, tiên đoán về hậu vận nước nhà. Nhưng không ai hiểu câu sấm ấy ứng vào thời kỳ nào? Sao không đánh nhau mà thành? Và cái thành ấy có lợi cho phe nào? Tôi thầm nghĩ ông Đạo Dừa đưa lên câu biểu ngữ để kêu gọi ngưng chiến.
Nơi bến cồn có đậu một chiếc tàu sắt mà ông Đạo Dừa cho trang trí theo mỹ thuật Việt Nam và đặt tên là thuyền Bát Nhã.

Trên con thuyền rộng lớn ấy, nơi phía trước, ông bày ra nhiều hàng ghế sắt cho du khách ngồi. Nhiều phái đoàn ngoại quốc đến phỏng vấn ông, thu băng, quay phim. Ông ngồi nơi chiếc ghế đặt phía trước, có hai đệ tử đứng hai bên. Chính hai đệ tử nọ trả lời những câu hỏi của khách, thỉnh thoảng ông mới biên vào giấy cho họ phát biểu thêm những chi tiết.

Tôi đến nhằm lúc hết giờ phỏng vấn, nhưng cũng được đệ tử của ông nói về chánh kiến của đạo. Ông nhận ra tôi, chỉ mỉm cười. Nụ cười hiền hòa và thân thiết. Ông vẫn không ngớt tay lẫy những hột bắp, để sau đó tự ông nấu lấy ăn. Trước kia ông chỉ uống nước dừa. Dạo sau này, vì làm việc nhiều, vì đệ tử khuyên lơn, ông mới ăn thêm buổi ngọ (buổi trưa) bằng bắp nấu. Tôi trông thấy ông gầy ốm quá, thân hình nhỏ thó, đôi tay khẳng khiu, mặt thỏn như trẻ nít, song đôi mắt tinh anh sáng rực khác thường. Các phóng viên truyền hình ngoại quốc không ngớt tỏ vẻ kinh ngạc và thán phục trước một ông già ốm tong teo như cây sậy mà lại có một mãnh lực chịu đựng kiên cường. Tự ông làm ra thức ăn cho ông, tuy rằng đệ tử của ông rất đông. Nếu ông để cho họ phục dịch, chắc họ sung sướng lắm. Nhưng ông chủ trương có làm mới có ăn, ông phải tự tay làm lấy thức ăn cho ông. Nếu ông bị rủi ro nằm bệnh ngày nào, ngày đó ông nhịn đói…

… Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái ngày uất hận của người Việt tự do! Cộng sản đã thôn tính được miền Nam Việt Nam, và chỉ qua một thời gian ngắn đã làm cho toàn quốc đói rách và sa đọa hơn bao giờ hết! Tôi lại gặp ông Đạo Dừa trong ngục thất Cần Thơ. Đầu tiên, tôi trông thấy ông, cũng như tôi, bị liệt kê vào thành phần tối nguy hiểm và bị biệt giam. Tức là nhốt trong co-nét, thùng sắt to tướng đựng đồ viện trợ của Mỹ hồi xưa. Mỗi người một co-nét. Nằm ngồi, ăn uống, ỉa đái — xin lỗi độc giả — cũng tại chỗ. Cửa co-nét đóng lại, mình một mình trong tối bưng, trơ trọi và… thối bung!
Bọn cai tù, bọn cán bộ, đối xử rất tàn nhẫn. Chúng như thể rửa hờn giai cấp bằng trút lên đầu kẻ sa cơ, thất thế dưới tay chúng. Chúng oán ghét ông Đạo Dừa vô cùng. Chúng càng đọa đầy ông bao nhiêu, ông càng quyết liệt và quật cường bấy nhiêu. Quyết không chịu thua chúng. Ông phản đối chúng bằng cách gõ cái ca uống nước vào cửa co-nét… xèng xèng… xèng xèng… có khi cả ngày không ngớt tiếng…
Tên lính gác bực mình quát hỏi:
– Làm gì om sòm thế? Giờ này khuya rồi, làm thế ai ngủ được?
Tiếng nói chậm rãi và rắn rỏi của ông Đạo Dừa đưa ra sau cửa co-nét:
– Cậu ơi, tôi thương cậu lắm…
– Tôi không cần ông thương!
– Có ai ngăn trở được tình thương? Cậu không cần tôi thương là quyền cậu. Còn tôi thương cậu là quyền tôi. Tôi thương cậu chỉ là một kẻ tay sai. Như thiên lôi, lịnh trên bảo đánh đâu là phải làm vậy thôi. Thương cậu chiến đấu mấy năm trời, vào sanh ra tử biết bao lần, rốt cuộc cũng chỉ là anh lính gác, thương cậu chức vụ bé nhỏ quá, không làm sao giải quyết nổi chuyện của tôi …

– Nhưng ông muốn gì?
– Thương cậu quá! Cậu không giải quyết nổi, hỏi làm gì. Cậu kêu người lớn hơn cậu lại cho tôi nói chuyện.
– Giờ này mấy đồng chí cán bộ ngủ cả rồi.
– Tôi thương cậu quá! Nhưng khỏi cần nói chuyện với cậu.

Ông Đạo Dừa lại gõ lanh canh… lanh canh… Gõ nhịp đều như tiếng mõ hồi một.
Những người bị “học tập cải tạo” bất đắc dĩ ấy tuy phải làm lụng cực nhọc ban ngày, ban đêm cần giấc ngủ cho lại sức, song không phiền hà khi phải thức giấc vì tiếng khua lon của ông Đạo Dừa. Trái lại, họ rất thích cảnh ông Đạo Dừa chống báng lại bọn hung tàn giết người không gớm tay ấy. Ông gõ lon gọi mãi cho đến khi tên lính canh phải đi gọi tên cán bộ cai tù đến. Tên này quát tháo lên:
– Ông muốn gì?
Giọng nói của ông Đạo Dừa từ trong co-nét đưa ra, mềm mỏng, ngọt ngào:
– Tôi thương chú cán bộ quá. Thương chú đang ngủ ngon giấc mà bị dựng dậy vì tôi. Nhưng đành phải gọi chú nửa đêm, nửa hôm như thế này là vì tôi bị… bỏ đói!
Tên cán bộ bực tức bảo:
– Ai bỏ đói ông?
– Không bỏ đói tôi, sao không cho tôi uống nước dừa?
Tên cán bộ mở cửa co-nét, chỉ tay về ổ bánh mì và lon sữa:
– Không có nước dừa nhưng có bánh tây và sữa đây thôi!
– Tôi không ăn những thứ đó. Tôi chỉ uống nước dừa.
Ông trả lời rất quả quyết.

Ông Đạo Dừa vẫn ngọt ngào:
– Tôi thương chú cán bộ! Chú nhỏ chức quá, không giải quyết được vấn đề của tôi. Thương đã làm mất giấc ngủ của chú. Thôi chú về ngủ lại đi. Để tôi gọi cấp trên của chú. Tôi thương chú ít quyền quá!…
Và rồi ông lại gõ lanh canh… lanh canh… Gõ đến sáng vẫn không dứt tiếng. Tên trưởng trại phải đến gặp ông:
– Ông đòi hỏi chuyện ngoài luật lệ của nhà tù.
– Mấy chú bỗng dưng giam cầm tôi, giam cầm hàng ngàn người vô tội, có theo luật lệ nào không?
– Mấy người có nợ máu với nhân dân. Còn ông là tay sai của CIA.
– Chú có biết CIA là thế nào mà mở miệng ra là buộc tội cho mọi người. Ai làm sở Mỹ là CIA? Tiếp xúc với người Mỹ là CIA? Biết tiếng Ăng-lê cũng là CIA? Học thức một chút cũng CIA. Chỉ có bần cố nông mới không là CIA?…
– Này ông đừng nói bậy mà khốn!… Cứ nói đến việc ông kêu đói. Tại ông chê thức ăn đặc biệt của nhà tù cho ông dùng….
– Ê, không phải à. Thức ăn đó Tín hữu của tôi gởi cho. Tôi thương chú Trưởng trại nói sai. Cố tình bóp méo sự thật. Tín hữu của tôi sợ tôi bị bỏ đói chết nên mới gởi vào cho dừa trái, bánh mì, sữa… Tôi không ăn bánh mì sữa, chỉ muốn nước dừa thôi. Tôi thương Trưởng trại không giải quyết nổi việc này, thì tôi gọi cấp Đảng ủy của quản giáo vậy!

Và ông lại gõ lanh canh… lanh canh… Bọn cai tù nghiến răng căm tức lắm mà không làm gì đặng ông. Chúng muốn ông bị chết đói để khỏi bị mang tiếng. Ông Đạo Dừa cũng biết như vậy, vẫn kiên trì mà sống. Như thể thi gan luôn cả đến cái chết. Trưởng trại và bọn quản giáo phải họp khẩn cấp. Dừa trái thì có sẵn do đệ tử của ông Đạo Dừa gởi vào, nhưng ai chặt cho ông uống? Lũ răng đen mã tấu chặt đầu người thì sành, nhưng chặt dừa đâu có biết! Chúng đâu dám phát dao cho ông… Bàn cãi mãi, chúng mới nẩy ý kiến tìm trong số tù gốc người Bến Tre ra chặt dừa cho ông. Chúng gọi anh NVA ra, bảo đem dừa đến cho ông uống. Anh này ngơ ngác:
– Tôi có biết chặt dừa đâu?
– Anh là dân Bến Tre mà không biết chặt dừa?
– Tôi chèo đò. Có vườn dừa đâu mà biết chặt.

Có anh TVT tình nguyện ra. Anh này trước có bán dừa, biết cách thức. Anh chỉ cần dựng đứng trái dừa, bổ ba nhát dao, chặt xéo nơi núm dừa thành tam giác, bật tung núm dừa ra, không một giọt nước sóng sánh ra ngoài. Anh bưng quả dừa đến bên ông Đạo. Tuy anh không phải là đệ tử, anh cũng cung kính bảo nhỏ:
– Cậu Hai uống đi để mà sống.
– Cám ơn em. Tụi này bạo phát, bạo tàn. Qua sẽ không sống đến ngày đó. Qua biết chúng quyết làm cho qua chết. Nhưng thể xác thời chết chứ tinh thần thời không!
Bọn Việt cộng hành hạ ông Đạo Dừa đủ cách. Chúng lôi ông ra để tắm rửa cho ông:
– Ông ở dơ quá không chịu tắm rửa, không thay quần áo, hôi hám kinh tởm quá. Lại chí rận cùng mình, lây bịnh nguy hiểm cho cả khám!

Chúng cầm vòi nước xịt vào ông. Nước xịt rất mạnh, làm ông té lăn lốc. Ông cố gắng bò dậy. Lại bị nước bắn tung người đi, lăn cuồng như bông vụ. Ông không hề rên rỉ, than van một tiếng. Vẫn gượng ngồi dậy, lại té lăn. Chúng cười ầm lên. Ông vẫn cương quyết không khuất phục. Bọn tù chúng tôi nhìn ông, xót thương biết mấy, và khâm phục ông không lời nào cho xiết. Ông bao giờ cũng ngẩng cao đầu không cúi luồn…

… Tôi nhìn gương can cường của ông mà lại xấu hổ cho mình. Mới bị tù đầy vài bận thôi mà tôi tưởng rằng hãnh diện lắm. Tù Pháp thuộc tôi có ở. Tù Nhật Bổn tôi cũng đã nếm mùi. Rồi lại tù Việt Minh vào năm 1945, lại còn hai năm vướng mắc trong nhà tù của chế độ trước vì chống nạn độc tài tham nhũng nữa! Nay lại vào khám Cần Thơ, bị liệt vào thành phần biệt giam nguy hiểm, biết chừng nào được ra? So với các bậc cách mạng xả thân tranh đấu thời trước, tôi nào có ăn nhằm gì?

… Đến nay, trông thấy ông Đạo Dừa nhẫn nại, trầm tĩnh và xem thường bạo tàn, vũ lực của chúng, tôi mới thấy đó làm gương cho mình. Quyết không ủy mị, buồn rầu, khổ đau, rên rỉ dưới bạo tàn. Ông Đạo Dừa bị xịt nước ướt loi ngoi, nằm im trong vũng nước lênh láng, da thâm tím lại. Nhưng một lát sau ông lại lồm cồm bò dậy. Lại ngồi xếp bằng ngay ngắn, ngẩng cao đầu. Trông thấy hình dáng gầy gò, ốm nhom của ông, da bọc trơ xương như cái xác ướp khô mà đôi mắt vẫn linh động, vẫn ảnh hiện tình nhân đạo, vị tha bao la…
Ông thường chống đối bọn Việt cộng:

– Các anh mà cách mạng cái gì? Cách mạng gì không biết thương dân, yêu nước, cam làm tay sai ngoại bang. Cách mạng gì mà giam cầm hàng triệu người vô tội? Làm hàng triệu người tán gia bại sản, tan nát gia đình? Làm cho sáu mươi triệu đồng bào phải rách rưới đói nghèo, không trông thấy ánh sáng hy vọng nào, một tương lai tốt đẹp nào. Thiên đường hứa hẹn của cộng sản các anh là hố thẳm muôn đời chôn vùi dân tộc!
Bọn chúng giam nhốt ông vào chuồng chó. Đó là một nơi nhỏ hẹp bên vòng rào, có mái thiếc che thấp, có dây chì gai bao quanh. Trước kia nơi đó nhốt chó nên có danh từ chuồng chó. Ban ngày nắng rọi xuống mái thiếc nung nóng như lò lửa. Đêm đêm về, gió khuya lạnh buốt như cắt da. Đến chó ở đấy còn chịu không nổi huống chi con người. Nhưng ông Đạo Dừa vẫn bền bỉ chịu đựng. Mềm dẻo như cây sậy giữa phong ba. Dầu cho cuồng phong, nghịch khí đến đâu, cây sậy tạm thời phải cong, phải ngả nghiêng, oằn oại trước bạo lực đàn áp hung tàn, nhưng không đổ gẫy!
Bọn Cộng sản chỉ muốn ông Đạo Dừa khuất phục chúng, thốt ra lời hứa hẹn với chúng không tranh đấu nữa, không chống đối nữa. Chúng chẳng những buông tha ông, còn cho ông những ơn huệ đặc biệt, hậu hĩ hơn người. Xưa kia, Pháp không mua nổi ông, Nhật không dụ dỗ ông nổi, Việt cộng nào đáng gì để ông nghe theo!

Cuối năm đó tôi bị chuyển trại. Khi đi ngang qua chỗ ông ngồi, tôi khẽ cúi đầu như chuyển lời nói qua tâm tưởng với ông:
– Cậu Hai ráng gượng sống…
Ông mỉm cười nhân hậu. Nụ cười ngậm ngùi vĩnh biệt!
Mấy năm sau, tôi được trả tự do. Không tội gì, mà mất tự do rồi được trả! Và sau ba chuyến vượt biên cam go, tôi thoát ra được nơi vùng trời tự do. Nhờ vẫn đeo đuổi chí hướng phục quốc, tôi lê một giò qua nhiều nơi Âu, Mỹ, cả Á Châu. Khi đến địa phương nào có trồng cây dừa, tôi bất giác nhìn lên ngọn cây, liên tưởng đến ông Đạo Dừa. Hình bóng của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thành Nam hiện ra mờ ảo trước mắt tôi. Gầy gò ốm yếu, tưởng chừng gió thổi cũng bay như ông, ngờ đâu lại có lòng sắt đá kinh người! Tôi nghe như văng vẳng bên tai những lời nhỏ nhẹ của ông:

– Tôi thương mấy chú lắm, mấy chú Việt Cộng ơi. Mấy chú ngu dại lắm. Mấy chú không biết bạo tàn, bạo diệt! Chỉ có nhân nghĩa mới trường tồn!
Năm 1988, tôi gặp một người bạn mới vượt biên sang, bảo rằng ông Đạo Dừa đã tịch! Tôi bỗng nhiên cay xè mắt, đôi giòng lệ tiếc thương chan hòa…
Hoàng Ngọc Giao
Viết theo lời kể của Joseph Cao ở Paris để tặng những chiến sĩ can trường của đất nước
Theo batkhuat.net
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.187 giây.