Những bạn trẻ tự xưng là “Toán Cá Chép” mang những biểu ngữ viết rằng “đừng ném bao ni-lông xuống cùng với cá.”
Cuộc chuyển đổi ở Việt Nam từ tình trạng nghèo khó qua một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng đã gây thiệt hại cho môi trường, nhưng những người bị tác động nặng nhất là giới trẻ, đang có hành động để thay đổi tình huống.
Dọc theo con đường đi bộ gập ghềnh dọc theo cầu Long Biên, một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Hà Nội, là những người mặc áo thun màu trắng giống nhau. Họ tự xưng là “Toán Cá Chép” và mang những biểu ngữ viết rằng “đừng ném bao ni-lông xuống cùng với cá.”
Một trong những người này là cô Lê thị Lài 22 tuổi. Cô nói: "Ngày 23 âm lịch, theo truyền thống của Việt Nam, mọi người đi thả cá rất nhiều. Mọi người vứt luôn đồ thờ và túi ni-lông xuống sông. Chúng em thu gom túi ni-lông lại để đỡ ô nhiễm môi trường".
Cô Hoàng Hồng Vi, 21 tuổi nói các sinh viên không chỉ hoạt động vào dịp Tết: "Bọn em có những chương trình như hưởng ứng giờ trái đất, kêu gọi mọi người tắt đèn nhưng đừng thắp nến vì thắp nến cũng thải ra nhiều khí CO2. Chúng em cũng đạp xe để kêu gọi bảo vệ môi trường nước".
Sự tăng trưởng nhanh của Việt Nam đã mang lại những hậu quả tệ hại cho môi trường với những thuỷ lộ bị ô nhiễm và mất đa dạng sinh thái trầm trọng.
Việt Nam bị xếp hạng thứ 136 trong 178 nước trong bản Chỉ số Thành Tích Môi trường năm 2014, và bị liệt vào thứ hạng 170 về chất lượng không khí. Do đó mà thành tích toàn bộ về môi trường của Việt Nam còn đi sau cả Trung Quốc, nhưng ô nhiễm không khí thì không nặng như một số thành phố mù khói của Trung Quốc.
Quy định gắt gaoVới các vấn đề về môi trường ngày càng tệ hại hợn ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cư dân đang trở nên quan tâm hơn về môi trường bởi vì nó tác động đến đời sống của họ, theo ông Nguyễn Trí Thanh, giới chức cấp cao phụ trách về môi trường của tổ chức Asia Foundation.
Ông nói: “Ở Hà Nội bây giờ ta có thể thấy một số người trẻ mang biểu ngữ nói rằng nếu bạn ngưng xe máy trong hơn 30 giây thì tiết kiệm được năng lượng và bảo vệ môi trường. Họ thực sự quan tâm về cách hành sử của mọi người… Họ thực sự tìm cách cổ động cho lối hành sử xanh trong những người sống ở các thành phố lớn ngay lúc này.”
Ô nhiễm không khí là mối lo ngại đặc biệt cho các gia đình ở các thành phố lớn. Động cơ nhiệt trong xe hơi và xe máy là một trong những nguyên do gây ô nhiễm hàng đầu ở Việt Nam, một vấn đề còn có thể trở nên tệ hại hơn khi xe cô giao thông nhiều hơn. Nay có khoảng 37 triệu xe máy đăng ký trong nước, theo giới truyền thông địa phương, tăng so với 32 triệu xe năm 2008.
Trong nỗ lực giảm bớt việc thải khí, một lộ đồ của chính phủ sẽ siết chặt các tiêu chuẩn thải khí ở mức Euro 4 cho xe hơi trong năm 2017 và đến năm 2022 ở mức Euro 5. Các tiêu chuẩn ngày càng gắt gao được Liên hiệp châu Âu định ra để kiểm soát các chất ô nhiễm không khí thải vào môi trường.
Trong khi chính phủ Việt Nam thừa nhận vấn đề, giải quyết ô nhiễm không khí không phải là một ưu tiên vào lúc này trong khi chính phủ đang dồn nỗ lực thêm vào việc giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.
Ông Thanh của Asia Foundation cho biết thêm: “Tôi biết một số người trong Bộ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên về những quy định gắt gao hơn về ô nhiễm không khí, nhưng luật lệ chưa được ban hành. Tôi nghĩ trong tương lai, bộ môi trường sẽ làm việc với bộ xây dựng và giao thông để đưa ra thêm các quy định về ô nhiễm không khí.”
Cô Lài trong Đội Cá Chép nói cô nghĩ rằng bảo vệ môi trường không nên là trách nhiệm chỉ của một nhóm người
Theo VOA