Vụ án vé số ở Rạch GiáSau bốn năm trời nhì nhằng, ngày 28/1/2015, Tòa án Nhân Dân (TAND) thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang đã đưa vụ án “tờ vé số trúng độc đắc” ra xét xử. Cuộc hòa giải lần này cũng bất thành vì đại lý vé số Triều Phát không chịu bồi thường cho người mang tấm vé số đến đổi lấy tiền.
Khúc mắc chung quanh việc tờ vé số trúng độc đắc 1,5 tỉ đồng (tức khoảng hơn 200.000 Gia kim), là “vé trúng thật” hay lừa đảo và ai lừa đảo, câu chuyện như sau:
Ngày 21/7/2011, Nguyễn Thành Được (16 tuổi), con của chị Nguyễn Thị Tuyết (53 tuổi) (ngụ tại ấp Thạnh Hòa, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), đi bán vé số dạo ở thị xã Hà Tiên tỉnh An Giang, đã bán hết vé nên mua một tờ vé số khác, vừa có ý giúp đỡ vừa muốn “lấy hên”, của một người quen cũng bán vé số quê ở Hà Tiên.
Tờ vé số Được mua mang số 938368, có ký hiệu AG-7K3, của Công ty xổ số An Giang (ngày trước thường gọi là Long Xuyên, nay Long Xuyên là tên thành phố, An Giang là tên tỉnh) sẽ xổ vào lúc 4g30 chiều cùng ngày 21/7/2011.
Được dò số, bất ngờ biết tờ vé số mình mua trúng độc đắc, mừng quá đem ngay về Rạch Giá đưa cho mẹ.
Sáng hôm sau, 22/7/2011, chị Tuyết cùng người cậu đã già là Trần Thanh Phương và một số người thân mang tờ vé số trúng độc đắc (thường gọi là giải đặc biệt) đến đại lý vé số Triều Phát, một đại lý nổi tiếng là giàu có, do ông Ngô Xương Phúc làm chủ, ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, để đổi lấy tiền. Ở nhà quê, người ta không biết thủ tục đi lãnh thế nào nên thường đem đến đổi tại các đại lý lớn để lấy tiền ngay, mặc dầu phải chịu tiền hoa hồng 3%. Trúng độc đắc 1.500 triệu đồng, trừ thuế 10% còn 1.350 triệu, như vậy chị Tuyết phải chịu tiền lời cho đại lý khoảng 40,5 triệu đồng.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng và soi trong máy hồng ngoại tuyến, ông Ngô Xương Phúc xác nhận tờ vé số của chị Tuyết là vé thật, đã trúng giải đặc biệt, và thỏa thuận với chị về việc chị muốn nhận bằng tiền và vàng. Sự dại dột chết người của chị Tuyết là ông Phúc bỏ tờ vé số vào trong hộc bàn, khóa lại cho chị yên tâm rồi bảo chị về nhà lấy giấy Chứng minh Nhân dân để chị sẽ ghi vào mặt sau của tờ vé số, đồng thời ông cũng dặn chị nhân tiện đi hỏi thử giá vàng bữa đó bao nhiêu cho chắc ăn (mặc dầu nhà ông có điện thoại, ông chỉ cần hỏi một vài tiệm vàng rồi nói cho chị Tuyết biết là đủ).
Từ đại lý Triều Phát ở trung tâm thành phố về nhà chị Tuyết ở huyện Châu Thành khá xa, đã vậy chị lại còn phải đi hỏi giá vàng nữa, rất mất thì giờ. Trong khi mọi người chờ đợi, ông Phúc bảo họ sang tiệm cà phê gần đấy uống nước cho đỡ sốt ruột. Gần hai tiếng đồng hồ sau (thời gian này dư sức để ông Phúc và người cháu ruột tên Ngô Xuân Bình cắt dán một tờ vé số “suýt trúng” khác chỉ trật một con số mà người ta mới đem đến đổi cho ông vào chiều hôm trước.
Ở Việt Nam, vé trúng độc đắc bắt buộc phải trúng cả 6 con số, còn nếu chỉ trật một con ở bất cứ hàng nào thì sẽ được giải an ủi 100 triệu đồng. Như vậy, ông Ngô Xương Phúc đã “hy sinh” gần 100 triệu đồng để hai chú cháu cắt dán con số 8 trong tờ vé số được giải an ủi mà ông đã trả tiền). Khi chị Tuyết đem giấy Chứng minh Nhân dân đến và đã đi hỏi xong giá vàng, ông Phúc đưa tờ vé số (chú cháu ông đã cắt dán) cho ông Trần Thanh Phương, cậu của chị Tuyết, để ghi họ tên, số Chứng minh Nhân dân và ký tên của ông (Trần Thanh Phương) vào mặt sau tờ vé số. Tại sao ông Phúc lại làm như vậy trong khi chị Tuyết mới là chủ tờ vé số? Tại vì ông Trần Thanh Phương đã già, mắt trông không rõ nên dễ bị lừa hơn.
Tiếp theo, ông Phúc làm bộ gọi người cháu là Ngô Xuân Bình ra, đưa tờ vé số (giả mạo) đã có họ tên, số CMND và chữ ký của ông Phương cho Bình coi lại để Bình lấy tiền và vàng trả chị Tuyết. Bình làm bộ coi kỹ rồi nói đây là tờ vé số có dấu cắt dán nên không thể trả tiền và vàng cho chị Tuyết được. Từ đó sinh ra cuộc cãi lộn rất kịch liệt, dẫn đến việc đưa nhau ra tòa để nhờ xét xử.
Ba tòa quan lớnTrong thời gian chờ giải quyết vụ việc, chị Tuyết và những người thân nhiều lần đến đại lý vé số Triều Phát và TAND thành phố Rạch Giá (TAND Rạch Giá) gây mất trật tự, nên bị công an phường Vĩnh Thanh Vân (nơi có đại lý Triều Phát) và phường An Hòa (nơi có TAND Rạch Giá) ra quyết định xử phạt hành chánh (tức phạt tiền nhưng nhỏ, vài trăm ngàn).
Ngày 19/12/2012, tức hơn một năm sau ngày xảy ra chuyện bị chiếm đoạt mất tờ vé số, chị Tuyết lại cùng khoảng 30 người bà con tiếp tục kéo nhau đến TAND Rạch Giá yêu cầu giải quyết sự việc. Tuy các cán bộ tư pháp TAND Rạch Giá cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an Điều tra nhưng nhóm của chị Tuyết vẫn kêu gào, khóc lóc hàng tiếng đồng hồ, khiến hoạt động của TAND Rạch Giá bị ngưng trệ, phải hoãn một số phiên tòa khác.
Sau đó, cả nhóm kéo đến gặp ông Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tỉnh, rồi đến đại lý vé số Triều Phát chửi bới và đe dọa sẽ dùng xăng đốt đại lý này, gây ách tắc giao thông cả một khu phố. Công an Rạch Giá phải đến giải tán dân chúng hiếu kỳ và bắt nhóm của chị Tuyết về công an tỉnh giam giữ.
Ngày 25/12/2013, Công an Điều tra Rạch Giá ra quyết định khởi tố các bị can về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tại tòa, các bị cáo khai rằng vì quá ấm ức về việc bất công, trúng số mà không được lãnh nên họ có những hành động thiếu kiềm chế. Trong khi đó, chị Tuyết khai rằng gia đình chị nghèo khổ, phải đi vay mượn tiền để kiện tụng khiến cuộc sống càng thêm khó khăn; không có lối thoát nên chị mới có hành động gây mất trật tự để các cơ quan chức năng sớm giải quyết việc này cho chị. Khi đứng trước vành móng ngựa, chị khóc và than rằng người ta giàu nứt đố đổ vách mà lừa người nghèo, người ta có chữ nghĩa mà lừa người ít học, chị căm phẫn lắm nên mới vi phạm pháp luật khiến chính bản thân chị và các bà con thân thuộc bị vướng vào vòng lao lý, bị giam cầm suốt bao lâu nay, xin “đèn trời” soi xét cho chị được nhờ.
Cuối cùng, TAND Rạch Giá tuyên phạt 4 người: Nguyễn Thị Tuyết (chủ tờ vé số) 2 năm tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Lệ Hằng (con của chị Tuyết) 1 năm tù nhưng được tại ngoại vì có con nhỏ; Nguyễn Thị Hận (em ruột chị Tuyết) và Đào Thị Liên đều bị 7 tháng 6 ngày tù giam về hành vi gây rối trật tự công cộng, còn những người khác chỉ là bà con hàng xóm láng giềng nên được tha bổng.
“Đèn trời” soi xét như vậy là quá hay, thằng ăn trộm sờ sờ ra đấy không phạt, phạt người không có tội! Ngày trước, thơ của Tú Xương có câu: “Chữ ‘y’ chữ ‘chiểu’ không phê đến, quan chỉ phê ngay một chữ ‘tiền’”. Thiệt chính xác!
Tiếp tục chờ điều tra Sau khi xảy ra vụ tranh chấp, lạ lùng là các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng không khởi tố vụ án mà TAND Rạch Giá chỉ hòa giải nhiều lần, song không hòa giải được. Tòa cho phép chị Tuyết đối thoại trực tiếp với hai chú cháu ông Ngô Xương Phúc, nhưng cả ông Phúc lẫn người cháu tên Ngô Xuân Bình đều vắng mặt.
Chị Tuyết tiếp tục khiếu nại, Công an Điều tra tỉnh Kiên Giang không biết giải quyết cách nào, bèn lập văn bản, đưa cái camera đã niêm phong được tại đại lý vé số Triều Phát của gia đình ông Ngô Xương Phúc ra Hà Nội nhờ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giám định. Đây là sự sơ xuất rất lớn của ông Ngô Xương Phúc, ông “quên”, không nhớ rằng mọi việc từ khi chị Tuyết trao tờ vé số trúng độc đắc cho ông tới khi hai chú cháu ông cắt dán tờ vé số khác rồi đưa cho ông Trần Thanh Phương ký tên v.v… đều được cái camera “vô tư” thu vào trong máy.
Ngày 21/8/2013, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an gửi văn bản số 1868/C54-P2, xác định: “Tờ vé số mà bà Nguyễn Thị Tuyết trao cho ông Ngô Xương Phúc và tờ vé số ông Phúc đưa cho ông Trần Thanh Phương ký tên KHÔNG PHẢI LÀ MỘT”.
Từ kết luận nói trên, ngày 15/11/2013, Công an Điều tra tỉnh Kiên Giang ra quyết định khởi tố vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xảy ra tại đại lý Triều Phát. Như vậy, sau hơn 2 năm vụ án mới bị khởi tố.
Việc rõ như ban ngày nhưng vẫn nhì nhằng
Ngày 28/1/2015, TAND Rạch Giá tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết. Theo biên bản, chị Tuyết khẳng định tờ vé số mà chị đưa cho ông Ngô Xương Phúc chủ đại lý Triều Phát là vé số thật, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã xác nhận điều đó, như vậy ông Ngô Xương Phúc phải trả cho chị số tiền 1,35 tỉ đồng (sau khi đã trừ thuế) mà người nào đó thân cận của ông đã được ông sang lãnh tại Công ty xổ số An Giang. (Xin lưu ý: một xê-ri vé số có 10 tờ giống nhau, như vậy lô độc đắc này có 10 người trúng, giả sử mỗi người chỉ mua một tờ. Trong số 10 người đó, dù có điều tra thì Công ty xổ số An Giang cũng không thể biết ai là người thân của ông Phúc đã lãnh bằng tấm vé “thật” của chị Tuyết).
Trong phiên tòa, như thường lệ, ông Ngô Xương Phúc và người cháu của ông là Ngô Xuân Bình tiếp tục vắng mặt, chỉ ủy quyền cho luật sư Lưu Kim Quang làm đại diện.
Luật sư Lưu Kim Quang cãi rằng ông Phúc không đánh tráo tờ vé số. Sở dĩ ông đưa tấm vé vào máy soi rồi nói với chị Tuyết đó là tấm vé thật bởi vì ông xem không kỹ, đến khi người cháu ông kiểm tra lại mới phát giác là tờ vé số bị cắt dán nên không đồng ý trả tiền. Luật sư Quang khẳng định, ông Phúc không đồng ý bồi thường cho chị Tuyết bởi vì ông không có lỗi.
Cuộc hòa giải không thành do hai bên không thỏa thuận được với nhau. Tòa tuyên bố tạm ngừng và sẽ xét xử vào một phiên khác.
Dưới đây là cuộc tiếp xúc giữa phóng viên báo Tuổi trẻ & Đời sống và chị Nguyễn Thị Tuyết. PV: Thưa chị, diễn biến của phiên tòa hòa giải ngày 28/1/2015 như thế nào?
Chị Tuyết: Cũng như 2 phiên hòa giải kỳ trước, tòa kêu tui trình bày lại sự việc. Tui nói ông Phúc là người có nhiều kinh nghiệm trong việc đổi vé trúng thưởng, do đó khi cầm tấm vé số của tui là ông Phúc biết ngay thiệt hay giả. Hơn nữa ông Phúc còn đưa vô soi trong máy mà vẫn xác định là đúng.
Còn cháu ông Phúc chỉ coi bằng mắt thường rồi la lên là vé giả, chẳng lẽ mắt thường lại hay hơn máy sao? Tui khẳng định tờ vé số của tui đem đến đại lý Triều Phát là vé thiệt, đã trúng giải đặc biệt. Tại sao ông Phúc biểu tui về lấy giấy Chứng minh Nhân dân và đi hỏi giá vàng xong lại đưa cho cậu tui là ông Trần Thanh Phương ký tên? Tại vì cậu tui đã 78 tuổi, mắt kém, ông Phúc dễ “đóng kịch” hơn. Tui yêu cầu tòa bắt ông Phúc phải trả cho tui 1,35 tỉ đồng mà ổng đã nhờ ai đó lãnh giùm bằng tờ vé số của tui.
PV: Vậy ông Phúc nói gì, thưa chị?
Chị Tuyết: Ông Phúc tránh mặt, ủy quyền cho luật sư Quang tới dự phiên tòa chớ ổng không tới. Luật sư chỉ nói ông Phúc không đánh tráo tờ vé số, ổng không có lỗi nên không đồng ý bồi thường. Tui có hỏi ông luật sư, ông lãnh trách nhiệm của ông Phúc tới đây mà ông chánh án với tui hỏi điều gì ông cũng nói hổng biết là sao?
PV: Chị hỏi điều gì mà luật sư không trả lời được?
Chị Tuyết: Tui nói Bộ Công an ở ngoài Hà Nội đã giám định hình ảnh trong cái ca-mê-ra của nhà ông Phúc và nói hai tấm vé khác nhau, tức ông Phúc đã đánh tráo. Hơn nữa tui đã qua Công ty Xổ số Kiến thiết An Giang hỏi rồi.
Cô thơ ký nói đại lý cầm tờ vé số, bỏ vô hộc bàn rồi biểu tui về lấy Chứng minh Nhân dân và đi hỏi giá vàng là sai nguyên tắc. Khi người trúng giải đem đến, nếu họ đã ghi họ tên và số Chứng minh Nhân dân ở mặt sau tờ vé số đàng hoàng thì đại lý mới được quyền cầm để kiểm tra. Đằng này đại lý coi vé số của tui rồi kêu về lấy Chứng minh Nhân dân là sai. Tui khẳng định thời gian ông Phúc biểu tui về lấy Chứng minh Nhân dân và đi hỏi giá vàng là để ổng với cháu ổng cắt dán tấm vé số người ta “suýt trúng” rồi đánh tráo với tấm vé số của tui.
Luật sư nói tại ông Phúc chủ quan, ổng nghĩ xưa nay không ai dám làm tờ vé số trúng giải đặc biệt giả để đem tới đổi tại đại lý. Vì chủ quan như vậy nên ổng chỉ coi sơ và xác nhận là vé thiệt. Tui mới hỏi ổng vậy chớ đã soi trong máy mà là coi sơ hay sao? Ông nghĩ gia đình tui bạo gan đến thế nào mà dám kéo cả dòng họ tới đại lý Triều Phát để đổi tờ vé giả lấy giải độc đắc hàng tỉ đồng, bộ không sợ bị tù hay sao? Ông luật sư không trả lời được. Ổng chỉ nói ông Phúc dặn thế nào thì ổng tới tòa nói thế mà thôi.
PV: Sau đó chị còn nói gì với ông luật sư nữa không?
Chị Tuyết: Tui nói, nếu tui có chết thì cũng còn con cháu tui trả thù cho tui. Một khi pháp luật mà không giải quyết được thì tui hứa với ông luật sư là tui sẽ đốt cái đại lý vé số Triều Phát bất cứ giờ phút nào. Chứ ông Phúc đừng nghĩ mình nhiều tiền, có thần thế, mướn luật sư tới nói vài ba câu rồi thôi. Anh chị em dòng họ nhà tui xúm lại mấy chục người, bao xe cộ ra đây, tốn kém bao nhiêu mà gặp luật sư nói cái gì cũng không biết là sao? Bởi vì tui còn tin ở pháp luật nên tui ráng chờ.
PV: Chị đòi bồi thường thì ông luật sư trả lời ra sao?
Chị Tuyết: Tui nói ngoài chuyện bồi thường tiền trúng giải độc đắc, thì hai lần hòa giải trước tui có đòi 50 triệu đồng tiền đi lại hầu tòa. Nhưng chờ đợi mỏi mòn, tới bây giờ số tiền đó lớn hơn gấp nhiều lần rồi. Thời gian kéo dài, tui, em tui, con tui đều đã mỏi mòn, bị tù tội, suy sụp thể xác lẫn tinh thần, nợ nần chồng chất hết rồi. Bây giờ mong pháp luật sớm giải quyết. Tui coi như chuyện này gia đình tui xui xẻo nên chỉ yêu cầu ổng trả tiền tấm vé số trúng của tui là 1,35 tỉ đồng mà thôi. Ông luật sư nói ông Phúc hổng sai nên ổng không chịu bồi thường.
PV: Lâu nay chị làm nghề gì để sống?
Chị Tuyết: Hồi tháng trước thì tui đi bắt ốc bươu vàng mướn, còn mấy tháng nay thì đi lột vỏ tôm ở Hà Tiên. Một ngày kiếm vài chục ngàn để sống. Còn nợ nần thì tui thiếu trên 200 triệu đồng, để lo đi tới đi lui cho vụ vé số đã kéo dài 4 năm nay. Thằng Được thì nó mất tinh thần, không đi bán vé số lại được nữa.
PV: Nếu như vụ kiện này chị bị xử thua thì lấy tiền đâu trả nợ?
Chị Tuyết: Pháp luật không xử được thì tui phải… hy sanh tánh mạng. Tui có mấy đứa em đi biển, tụi nó có mấy trái thuốc nổ chọi xuống biển bắt cá. Nó kêu tui cứ lấy thuốc nổ chọi vô đại lý Triều Phát đặng thằng cha Ngô Xương Phúc chết cho đỡ tức. Tui nói chưa, bởi vì tui còn chờ pháp luật xử, mà xử xong tui thua thì tui sẽ làm. Tui ném vô Tòa án Rạch Giá 1 trái và đại lý Triều Phát 1 trái, rồi sau đó tự sát luôn. Người ta đã dồn tui tới bước đường cùng. Tui nghèo khổ mà nợ nần chồng chất, uất ức quá thì chỉ còn đường chết. Tức nước thì phải vỡ bờ!
PV: Mong chị để mọi chuyện chờ cơ quan pháp luật xét xử, đừng nóng giận mà làm chuyện thiệt hại cho chính bản thân mình.
Đoàn Dự ghi chép