Bánh chưng bánh tét ngày Tết
Tết là dịp của tiệc tùng liên miên trong nhiều ngày với đủ loại thức ăn, đồ uống hấp dẫn. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong những loại đồ ăn truyền thống mà các gia đình hay ăn trong dịp Tết là những nguy cơ của bệnh tật mà nhiều người có thể chưa chú ý đúng mức. Để giúp các gia đình có thêm kiến thức về sức khỏe liên quan đến món ăn ngày tết với mong muốn mọi người được hưởng một cái tết vui vẻ, mà vẫn ngon miệng, trang sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách, xin gửi tới quý vị một số thông tin về các bệnh phổ biến liên quan đến thức ăn ngày tết và cách phòng tránh bệnh đối với những người đã có một số vấn đề về sức khỏe.
Bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu và thịt đôngNgày tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét hay nồi thịt kho tàu, thịt đông. Đây là những món ăn truyền thống từ bao đời nay của người Việt Nam với hương vị đặc trưng, béo ngậy, hơi mặn và có thể có một chút vị ngọt của đường. Những món ăn ngon đặc trưng này của ngày tết, tuy thế, có thể mang đến cho những người thích thưởng thức chúng với số lượng nhiều, những yếu tố rủi ro về sức khỏe lâu dài, đặc biệt là vấn đề về tim mạch, tiểu đường.
Nói về bánh chưng, bánh tét và các thành phần trong đó, Bác sĩ gia đình Nguyễn Vĩ Liệt, người có phòng mạch tư tại Vancouver, Canada, cho biết:
BS. Nguyễn Vĩ Liệt: Nói về cái bánh chưng bánh tét, trong đó người ta gói bằng gạo nếp, người ta gói bằng thịt heo mà thịt có mỡ vì thường thịt không có mỡ thì bánh tét khô ăn không ngon, và đậu xanh. Chính vì vậy mà thịt mỡ ăn vô không được tốt lắm. Ngày xưa, người Việt Nam mình lao động bằng tay chân mà thực phẩm thiếu thốn, calorie (năng lượng) thấp, thành ra người Việt Nam mình thường ăn đồ mỡ nhiều và ăn mặn, có muối nhiều, lý do là ở việt Nam mình khí hậu nóng, chảy mồ hôi, mất muối. Còn thịt mỡ cho calorie. Một khi mình vận động nhiều thì nó tiêu hóa được, nó không đọng lại trọng máu nhiều thì nó không bị mỡ cao. Cái đó là nói về ngày xưa. Bây giờ nói đúng thì người Việt Nam mình khắp thế giới không thiếu về thực phẩm, về calorie mà ngay ở Việt Nam mình, ở thành phố, những người có thu nhập khá giả, ăn nhiều ít hoạt động.
Theo bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt, việc ăn bánh chưng, bánh tét và thịt kho tàu có nhiều mỡ là yếu tố dẫn đến việc tăng cân, có hại cho bệnh tim mạch và không tốt đối với người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ tiểu đường cao.
BS. Nguyễn Vĩ Liệt: thịt mỡ là cái rất tai hại trong ngày tết. thêm nữa ngày tết, thiên hạ ăn nhiều, thường tôi thấy bệnh nhân tôi lên cân thì cái lên cân đó không tốt cho sức khỏe. Về vấn đề di truyền thì người Việt Nam mình có vấn đề di truyền tiểu đường rất cao. Người Á châu về bệnh tiểu đường có di truyền bệnh tiểu đường được xếp vào hạng cao nhất thế giới, thành thử ăn đồ mỡ nhiều không có tốt, hại cho tim.
Một điều đáng chú ý trong những đồ ăn dịp tết bên cạnh thịt mỡ, là hàm lượng muối vốn có nhiều trong các loại thịt kho dịp tết, thậm chí cả trong bánh chưng và bánh tét. Việc ăn muối nhiều cũng làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao dẫn đến đứt mạch máu não, mà người Việt mình hay nói là trúng gió, và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 9 năm ngoái đã ra thông cáo báo chí, khuyến cáo người Việt Nam nên giảm lượng muối ăn trong đồ ăn hàng ngày. Theo tổ chức này, lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động trong khoảng từ 12 g đến 15 g một người một ngày, tức cao gấp hơn 3 lần so với mức khuyến cáo của WHO và gấp 10 lần so với mức khuyến cáo của hiệp hội tim mạch Mỹ. Bác sĩ Donna Arnett, thuộc trường đại học Y tế Cộng đồng Birmingham, đại học Alabama, Hoa Kỳ, cho biết về tác hại của ăn nhiều muối như sau:
BS. Donna Arnett: muối rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp cơ thể. Vì thế khi lượng muối tăng lên thì huyết áp tăng lên và kéo theo đó là nguy cơ tăng huyết áp. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tim mạch và đứt mạch máu não trên toàn cầu… Với việc tăng huyết áp thì tim của chúng ta phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu qua cá mạch máu, nơi huyết áp cao hơn. Vì vậy, tim phải làm việc vất vả hơn, và các mạch máu làm việc cũng khó hơn, do đó chúng ta sẽ dễ bị đứt mạch máu não, mạch máu trở nên yếu hơn.
Theo WHO, tỷ lệ tăng huyết áp ở người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên là hơn 25%. WHO ước tính bệnh tim mạch là nguyên hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, chiếm khoảng 33% tổng số tử vong.
Nồi thịt kho
Đồ ăn chua cay và bệnh đau dạ dàyDịp tết cũng là dịp mọi người hay ăn các đồ chua cay như nộm hay dưa hành. Đây là những món ăn ngon, kích thích khẩu vị người ăn nhưng chưa hẳn đã tốt đối với những người bị bệnh đau dạ dày, đặc biệt là những người bị đau dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP (helicobacter Pylori), là loại vi khuẩn gây ung thư dạ dày ở người. Bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt giải thích về tác động của đồ ăn chua cay kết hợp với sự có mặt của vi khuẩn HP trong dạ dày người như sau:
BS. Nguyễn Vĩ Liệt: người Việt Nam mình thường bị con vi khuẩn HP. Hai ông được giải Nobel về y học cách đây nhiều năm là hai người phát hiện con vi khuẩn HP. Hai người này có đến Sài gòn và nghiên cứu thì thấy là gần 100% người Việt Nam dưới 40 tuổi mắc con đó. Con vi khuẩn đó tiết ra chất, nó không làm cơ thể mình bị viêm sưng tại chỗ thành ra mình không thấy đau tại chỗ nhưng nó nằm đó lâu rồi. Khi mình ăn những đồ ăn có gia vị cay chua nhiều thì nó kích thích làm cho dạ dày mình khó chịu, có cảm giác đầy bụng khó tiêu.
Vi khuẩn HP lần đầu tiên được bác sĩ Marshall và đồng nghiệp tại Úc phát hiện vào năm 1982. Đây là loại vi khuẩn cần môi trường axit để sống và vì vậy dạ dày là môi trường thích hợp cho chúng. Vi khuẩn này thường được phát hiện ở những nước kém phát triển do điều kiện vệ sinh kém. Ước tính có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Vi khuẩn này cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày. Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, có khoảng 70% người Việt Nam có nguy cơ bị đau dạ dày. Thường khi người đã bi nhiễm HP thì sẽ phải mang vi khuẩn này suốt đời, trừ khi được điều trị sạch hẳn vi khuẩn bằng kháng sinh.
Những người nhiễm HP và đã có tiền sử đau dạ dày, vào dịp tết ăn nhiều đồ chua cay, có thể sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Cách chữa trị tức khắc để làm giảm chứng này thường được áp dụng là uống thuốc kháng axit để giảm sưng đau trong dạ dày, và tránh ăn các đồ chua cay gây kích thích sưng đau dạ dày. Về lâu dài, người bệnh cần phải được điều trị kháng sinh để làm sạch vi khuẩn HP.
An toàn vệ sinh thực phẩm và ngộ độc thức ăn dịp tếtTết cũng là dịp có số lượng người bị ngộ độc thực phẩm tăng cao ở Việt Nam. Nguyên nhân chính được đưa ra là do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Công thương, dịp tết nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm như rau xanh, thịt gà, thịt lợn và hải sản chỉ tính riêng ở thành phố Hà Nội tăng gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết phần lớn động vật đưa vào giết mổ và được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội chưa được kiểm soát tận gốc. Kết quả kiểm tra một số siêu thị gần đây tại Hà Nội cho thấy có nhiều mặt hàng không ghi ngày sản xuất, và xuất xứ sản phẩm. Thậm chí có siêu thị còn bị phát hiện bán hàng đã hết hạn sử dụng. Có nơi bán các loại thịt gà, trâu bò chưa có dấu kiểm dịch thú y. Người sử dụng khi ăn phải các sản phẩm này sẽ có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Một trong những nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng dịp tết khi mua thịt là mua phải loại thịt có sử dụng chất Clenbuterol trong chăn nuôi có tác dụng kích thích tăng trưởng. Đây là chất đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây báo Dân Việt trích lời Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, thuộc viện Công nghệ thực phẩm đại học Bách Khoa cho biết, hiện nay, liều lượng dùng Clenbuterol trong chăn nuôi không lường được, cho nên người dùng thịt lợn bị nhiễm sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc. Người bị ngộ độc chất này, sau một thời gian sử dụng sẽ bị đau đầu, run chân tay, buồn nôn, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp và rối loạn tiêu hóa. Trường hợp cấp tính thì bị tiêu chảy.
Bên cạnh đó là ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn E-coli do quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không tốt. Bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt cho biết:
BS. Nguyễn Vĩ Liệt: Con e-coli khi chết thì tiết ra chất độc trong cơ thể. Do khâu mình làm thực phẩm trong bếp, mỗi lần mình cắt thịt, rau thì mình phải rửa cho sạch sẽ trước khi làm cái khác. Nếu khâu chế biến làm thức ăn không theo đúng quy luật thì vi khuẩn dễ xâm nhập. Thứ hai là tay người làm nhiều khi bốc chỗ này, chỗ kia mà không rửa tay kỹ trước khi làm thì chính tay mình đưa vi khuẩn vào thức ăn. Khi e-coli vào thức ăn, mình nấu nó chết rồi nhưng chất độc trong cơ thể con e-coli tiết ra làm mình ngộ độc.
Ngộ độc thực phẩm do E-coli có thể làm người bị nhiễm khuẩn buồn nôn, đi ngoài liên tục. Theo bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt, cách chữa trị cho ngộ độc này là để cho vi khuẩn ra ngoài hết do nôn và đi ngoài. Người bệnh có thể uống nước có bổ sung muối để tránh mất muối nhưng không nên dùng các kháng sinh vì kháng sinh chỉ làm bệnh thêm nặng. Người bệnh chỉ có thể được bác sĩ kê đơn kháng sinh nếu sau 3 đến 4 ngày mà bệnh không hết.
Rượu bia ngày tết Tết cũng là dịp mọi người hay chúc rượu nhau và uống bia. Việc uống quá nhiều rượu bia trong những ngày tết cũng làm tăng nguy cơ bệnh về khớp như bệnh gout hay bệnh về tiêu hóa như dạ dày và gan.
Đối với người bị nhiễm HP và có tiền sử đau dạ dày, việc uống rượu bia nhiều trong dịp tết có thể dẫn đến sưng dạ dày cấp tính do rượu, thậm chí dẫn đến chảy máu dạ dày.
Đối với những người bị bệnh gan, việc uống bia rượu nhiều vào dịp tết cũng làm bệnh thêm nặng. Nói về tác hại của rượu bia lên gan, bác sĩ Joseph Galati, chuyên gia về gan ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, cho biết:
BS. Joseph Galati: Cồn là chất độc với tế bào gan và nó sẽ gây hại lên tế bào gan và cuối cùng là tiêu diệt chúng. Một khi bạn bị mất các tế bào gan thì đồng nghĩa với nó là bạn sẽ bị mất chức năng gan, men gan sẽ tăng và bạn sẽ bị ốm. Điểm thứ hai cần nhớ là cồn phải qua gan và nếu bạn uống quá nhiều thì hệ thống sẽ bị quá tải và sẽ đến lúc hệ thống đó bị phá hủy. … Vì vậy uống quá nhiều đồ uống có cồn trong một khoảng thời gian nào đó sẽ gây tác hại lên gan của bạn.
Theo bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt, những người đã bị viêm gan siêu vi B và siêu vi C thì không nên uống dù chỉ là một hớp đồ uống có cồn trong dịp tết.
Không những thế, rượu bia cũng làm tăng nguy cơ bị những đợt gout tấn công mạnh đối với những người có tiền sử bị bệnh này. Bệnh gout hay người Việt thường gọi là bệnh gút, là một bệnh về khớp gây sưng đau và ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người bị bệnh. Bệnh gây nên do lượng axit uric tăng cao trong máu. Việc uống bia rượu nhiều trong dịp tết cũng làm tăng lượng axit uric trong máu khiến người bị bệnh nặng thêm. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Vĩ Liệt cũng khuyên những người bị bệnh gout không nên uống bia rượu vào dịp tết.
Tết là dịp các gia đình xum họp và ăn tiệc tất niên, năm mới. Việc thưởng thức các món ăn dịp tết với người thân là điều mọi người trông đợi cả năm trời. Ăn uống điều hòa vào dịp tết là điều cần thiết không chỉ với những người đã có các vấn đề về sức khỏe mà còn cả đối với những người khỏe mạnh, vì chắc chắn không ai muốn bị mang bệnh lâu dài chỉ vì vài ngày tết, và chắc cũng không ai muốn có mấy ngày tết mà lại bị đau bệnh. Nhân dịp tết nguyên đán, Việt Hà cũng xin chúc quý vị thính giả một cái tết vui vẻ và khỏe mạnh.
Theo RFA