Hành động “phóng sinh” được nhắc đến trong Phật giáo, nhưng tục phóng sinh tức là hành động thả vật sống dường như có ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa nhiều hơn Phật giáo Ấn Độ.
Theo trang mạng của Hội Phật giáo Việt Nam (trong nước), “phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng Từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật),” và cho một ví dụ: “Phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng.” Làm như thế, dù “không mong cầu lợi ích cho riêng bản thân mình nhưng phước báu lại to lớn vô cùng.”
Nếu hiểu theo nghĩa “duyên-nghiệp,” “nhân-quả” của đạo Phật, phóng sinh, như tất cả những chuyện khác, là do “duyên” định, chứ không phải cưỡng cầu. Nói rõ hơn, nếu tình cờ gặp đúng cảnh có thể cứu con vật bị nạn (con vật đang bị thương, lạc loài…), thì người ta có thể cứu con vật theo lòng từ bi.
Tuy thế, cứu đời sống của con vật chưa là đủ, cứu thoát hoàn toàn theo đạo Phận phải là thoát được luân hồi, cho nên một hình thức “phóng sinh” khác là cầu nguyện cứu rỗi cho sinh linh (tất cả sinh vật) chứ không hẳn là cứu mạng sinh vật, vì cứu mạng chỉ là tiếp tục những cuộc đời nối tiếp trong trầm luân.
Vì hai chữ “phóng sinh” chỉ là “cứu mạng,” nó có thể được diễn giải ra nhiều cách khác nhau. Ví dụ của trang mạng của Hội Phật giáo Việt Nam đưa ra hai cách, và cách thứ nhì, “bỏ tiền ra mua,” là đầu dây mối nhợ cho chuyện phóng sinh lan tràn ngày nay. Đúng ra, cội nguồn tất cả chính là hứa hẹn “phước báu” từ việc phóng sinh. Thế nên mỗi ngày rằm, mồng một âm lịch, mỗi lễ Phật giáo hoặc tết âm lịch là dịp người ta đua nhau phóng sinh để lấy phước.
Trang mạng của Hội Phật giáo Việt Nam cũng răn đe chuyện phóng sinh vì cầu tư lợi, theo phong trào…nhưng qua hai chữ “phước báu” thì mắt người ta đã mờ và chân đã chạy đi mua thú phóng sinh rồi, có đọc tiếp cũng chẳng hiểu gì mấy. Cũng có thể một số ít muốn làm việc nghĩa thực sự, nhưng làm việc nghĩa một cách máy móc và thiếu suy nghĩ. Lòng ham cầu tư lợi, và ước muốn làm việc nghĩa một cách mù quáng đã khiến bao nhiêu sinh linh phải khổ sở điêu đứng.
Hậu quả đầu tiên của việc phóng sinh là nhiều sinh vật bị bắt và giam cầm. Một số sẽ chết vì tai nạn trong quá trình bắt và giam cầm. Cho dù được phóng sinh toàn mạng, tất cả sẽ bị mất tự do một thời gian.
Suy theo tin tưởng phước họa theo hành vi, thì hậu quả thứ nhì của việc phóng sinh là người phóng sinh mắc tội nhiều hơn thay vì được “phước báu.” Vì lẽ những sinh vật trên đa số vốn dĩ không cần được cứu thoát, mà phải trải qua cơ cực để con người thỏa mãn lòng vị kỷ (muốn được làm việc tốt).
Hậu quả thứ ba là người đã vô minh sẽ tiếp tục vô minh, sẽ tiếp tục lập lại những hành động chẳng những vô minh mà còn vô nhân đạo trong suốt cuộc sống của mình. Họ không được tích đức như họ muốn thì thôi cũng đành, còn bao nhiêu sinh vật khác phải khổ sở vì họ, thật là đáng tiếc và đáng giận.
Phải nhìn thấy cảnh phóng sinh mới thấu được sự mê muội của con người trong hành động này. Nhiều nhóm phóng sinh tổ chức cả buổi lễ, theo đó họ thuê một chiếc tàu nhỏ, sáng sớm đi chợ mua cá rồi lên tàu đi lòng vòng trên sông, đọc kinh (chắc là cho cá) xong rồi mới thả cá. Đến khi kinh đọc xong thì nhiều con cá trong bọc nylon đã không chờ đợi nổi nữa rồi. Những người cắt bao nylon thả cá, chẳng lẽ không nhìn thấy cảnh ấy? Không những chẳng thấy, họ còn tiện tay quăng cả bao nylon xuống sông, làm thêm một việc “không thiện” nữa tức là làm ô nhiễm thiên nhiên. Ngoài ra, họ cũng chẳng cần biết chim cá họ thả có sống được trong môi trường được thả hay không. Sau những hành động này mà họ được ban “phước báu” thì quả là “không còn trời đất nào nữa.”
Theo một bài trên báo Scientific American (Người Mỹ Khoa Học), tục phóng sinh đã góp phần vào việc triệt tiêu sinh vật hoang dã, khi tục phóng sinh đã lan ra bao gồm chim, cá, rùa, cua, và thậm chí cả kiến. Bài này nhắc đến một hành vi ai cũng biết, đấy là những người buôn bán sinh vật phóng sinh sẽ tìm cách bắt lại những sinh vật ấy sau khi được phóng sinh để lại bán chúng lần nữa. Tổ chức TRAFFIC theo dõi chuyện buôn bán sinh vật hoang dã ước tính khoảng 30-55% số chim sẽ chết sau khi vào vòng buôn bán. Viện Kiểm soát Dịch Sinh vật ở Quảng Châu, Trung Quốc, cho rằng 90% hoặc hơn số chim dùng trong việc phóng sinh sẽ chết.
Người phóng sinh gồm cả hai loại ham lợi riêng và thực lòng muốn làm việc nghĩa. Nhưng dù như thế nào chăng nữa, tham gia vào việc bắt và buôn bán sinh vật chỉ để thỏa mãn chuyện “thích làm việc nghĩa” không thể được gọi là một hành vi sáng suốt và nhân đạo được. Thay vì phóng sinh, họ chỉ là phóng tay quăng tiền đi, trong lúc phóng tay với sinh mạng của những sinh vật họ tưởng rằng mình đang giúp đỡ.
NGUYỄN PHƯƠNG