Đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud đưa Tôtem Sói lên màn ảnh
Một nhà văn Trung Quốc gốc Mông Cổ nói phim Tôtem Sói ra mắt dịp Tết Nguyên đán là 'sai sự thật' vì loài sói chẳng phải là biểu tượng gì của người dân Mông Cổ.
Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên ra năm 2004 của Khương Nhung nhưng được đạo diễn Pháp Jean-Jacques Annaud chuyển thể cho màn ảnh đã ra mắt dịp Năm mới âm lịch vừa qua.
Nay, ông Quách Tuyết Ba, người dân tộc Mông Cổ có sách được dịch sang các ngôn ngữ châu Âu, lên tiếng phê phán bộ phim của tác giả Khương Nhung, người Hán.
Theo ông Quách, hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, "chó sói không phải là tôtem của người Mông Cổ và không hề có dấu tích gì về chuyện sói là vật tổ trong văn học Mông Cổ".
"Sói là kẻ thù của người Mông Cổ, và là loài không có tinh thần đồng đội, thậm chí còn hay đánh lẫn nhau."
Tiểu thuyết dạng tự truyện của Khương Nhung ca ngợi loài sói và gợi ý tộc Hán cần học tinh thần nguyên thủy của loài thú này để tồn tại.
Đề cao tính sóiNhân vật chính trong truyện, một thanh niên Hán phải đi học tập ở vùng quê thời Cách mạng Văn hóa đã học cách sống tự nhiên của người Mông Cổ và thương yêu sói.
Sách cũng phê phán tinh thần hèn yếu của 'nông dân Hán' và muốn khơi dậy cuộc sống thần gần với thiên nhiên.
Chính góc độ này khiến cuốn sách bị phê phán là đề cao chủ nghĩa dân tộc Hán nhằm tiêu diệt các loài khác để sinh tồn.
Cổ vũ cho tinh thần của sói chỉ là một suy nghĩ mang tính phát-xít chống lại nhân loạiQuách Tuyết Ba
Được biết cuốn Tôtem Sói cũng đã có bản tiếng Việt.
Hình sói của một nghệ sỹ Mông Cổ
Dịch giả Trần Đình Hiến trả lời báo chí Việt Nam cho rằng:
"Người Nội Mông coi đồng cỏ là sinh mệnh lớn, và cùng với con người, những loài vật sống trong đó, đều là sinh mệnh nhỏ. Một khi đồng cỏ không còn, thì tất cả sự sống sẽ bị huỷ diệt...Trước đây, người ta vẫn quen nghĩ sói là kẻ thù của loài người. Nhưng ở đây, người Mông Cổ cho rằng sói chính là vị cứu tinh của đồng cỏ, là biểu tượng mà con người gửi gắm linh hồn..."
Nay, Trung Quốc đã mời được đạo diễn Pháp đưa sách này lên màn ảnh, phổ biến rộng hơn nữa tác phẩm của Khương Nhung.
Theo BBC Tiếng Trung, phim Tôtem Sói của Jean-Jacques Annaud đã thu hút hàng triệu người xem dịp Tết âm lịch vừa qua.
Jean-Jacques Annaud là tác giả phim Bảy năm ở Tibet năm 1997 với Brat Pitt trong vai chính bị cấm ở Trung Quốc.
Nhưng nay, phim Tôtem Sói của ông, quay năm 2009, lại được phép chiếu tại Trung Quốc tháng 2 năm nay.
Nhưng nhà văn Quách Tuyết Ba, một trong số ít nhà văn Trung Quốc không phải người Hán có tác phẩm Sói Sa Mạc được dịch sang tiếng Anh (Desert Wolf) và Pháp (La Renarde du Desert) phê phán cả phim và sách của Khương Nhung.
Theo ông, sói là loài 'tham lam, ích kỷ, máu lạnh' và nói rằng "cổ vũ cho tinh thần của sói chỉ là một suy nghĩ mang tính phát-xít chống lại nhân loại", theo trang South China Morning Post hôm 26/2/2015.
Ông cũng lên tiếng nói người Mông Cổ "có quyền về mặt pháp lý bảo vệ lịch sử và văn hóa của cha ông họ".
Tại Trung Quốc, các con vật có thật hoặc chỉ là thần thoại như rồng vẫn là chủ đề mang tính chính trị.
Gần đây, học giả người Hồi giáo Uighur, ông Ilham Tohti, một cựu giảng viên đại học ở Bắc Kinh đã bị quy kết là theo chủ nghĩa ly khai vì các phát biểu của ông cho rằng dân Uighur thuộc loài sói, không phải loài rồng như người Hán.
Theo một bản tin của AP hồi năm 2010, ông Tohti đã dùng sói và rồng “để phân biệt rõ hai biểu tượng huyền thoại của hai dân tộc “ và ông cũng dân tộc Uighur "không phải do Đảng Cộng sản Trung Quốc đẻ ra. Lịch sử của chúng tôi đã có từ rất lâu hơn 60 năm.”
Theo BBC
Sửa bởi người viết 26/02/2015 lúc 09:30:18(UTC)
| Lý do: Chưa rõ