logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
chung  
#1 Đã gửi : 28/02/2015 lúc 04:01:47(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

Kính thưa quý vị độc giả,

Mỗi năm tết đến, xuân về, lòng tôi lại xốn xang một nỗi buồn thương nhớ về bố mẹ thân sinh ra mình. Đã từ lâu tôi định viết ra câu chuyện của gia đình mình để gửi tới quý vị, nhưng cứ lần lữa, bận bịu nọ kia nên tôi chưa thực hiện được tâm nguyện.
Nay, nhân dịp tết Ất Mùi, tôi quyết định viết và gửi đến quý vị với mong ước đó là nén hương sám hối của đứa con thắp cho bố mẹ, hai đấng sinh thành của mình.
Câu chuyện riêng của cá nhân tôi, nhưng thú thực, phải sống với sự trải nghiệm, thậm chí phải trả giá khá đắt, tôi mới hiểu được giá trị sâu sắc mà các đấng sinh thành đã trao gửi. Tôi xin được chia sẻ ra đây với quý vị độc giả, bởi vì nó là bài học đáng suy ngẫm của mọi người chúng ta trong cuộc sống.

Kính thưa quý vị,
Tôi sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Cha mẹ tôi có một cửa hiệu bán các đồ trang sức bằng bạc ở mặt tiền trên phố. Mẹ tôi là con gái Hà Nội chính gốc. Ông bà ngoại tôi ba đời có cửa hàng bạc trong phố. Bố tôi là người Huế, tham gia hoạt động Việt Minh rồi đi kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc từ năm 1945. Những năm chiến tranh ác liệt, gia đình ông bà ngoại tôi sơ tán lên chiến khu, mẹ tôi gặp bố tôi ở đấy rồi hai người yêu nhau, hẹn hò gặp nhau. Khi gia đình ông bà ngoại tôi trở về Hà Nội, bố tôi với mẹ tôi ước hẹn với nhau, bao giờ chiến tranh chấm dứt, bố tôi sẽ về Hà Nội tìm mẹ tôi.

Ông bà ngoại biết chuyện tình cảm của con gái, ra sức ngăn cản vì luôn mong muốn cô tiểu thư khuê các, cành vàng lá ngọc của mình có ý trung nhân cũng cùng trong giới tiểu thương, buôn bán ở Hà Nội cho được gần gũi, nhàn hạ. Người Hà Nội lấy người Hà Nội, thạo nghề buôn bán thì phù hợp hơn. Con gái lấy người khác tôn giáo, lại đi hoạt động kháng chiến, nay đây mai đó, khó bảo toàn được tính mạng, sợ rồi cuộc đời cô con gái vẫn quen được chiều chuộng của các cụ sẽ gian lao, vất vả. Nhưng tính mẹ tôi rất cứng rắn, khi mẹ đã quyết định thì không có gì ngăn cản nổi. Mẹ bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của trái tim, lên chiến khu Việt Bắc tìm bố.

Bố báo với cơ quan là mẹ đã “giác ngộ cách mạng” nên được tổ chức đứng ra lo cái đám cưới hết sức đơn giản theo lối “đời sống mới”, nghĩa là chỉ có nước trà, vài phong kẹo lạc, mấy gói thuốc lá hạng rẻ tiền nhất và những lời chúc mừng “trăm năm hạnh phúc”, vậy là đủ.

Cuộc sống lúc đó cực kỳ gian nan, thiếu thốn. Cưới nhau xong, ít lâu sau mẹ có thai rồi sinh chị Hiên tôi. Hai năm sau, mẹ lại sinh ra tôi, như vậy là sinh quá dày. Đã thế cái đứa con đáng trách là tôi lại sinh thiếu tháng – 7 tháng rưỡi thay vì 9 tháng 10 ngày – thế mới khổ. Mẹ lại bị sốt rét ngã nước hành hạ liên miên, cả ba mẹ con hết sức dặt dẹo. Mẹ cứ tưởng không nuôi nổi tôi nên thương tôi lắm.
Trước hoàn cảnh khó khăn như vậy, bố khuyên mẹ đem hai con về Hà Nội nương nhờ ông bà ngoại, may ra có thầy có thuốc thì tôi sống sót được chăng.

Ông bà ngoại vốn tính bảo thủ, không bằng lòng cô tiểu thư kim chi ngọc diệp đã từng trái lời bố mẹ, nhưng vì thương hai đứa cháu nhỏ nay yếu mai đau nên dằn lòng cưu mang ba mẹ con tôi. Ông bà chia cho mẹ tôi một căn nhà 10m2 ở phố Hàng Bạc gần cửa hàng của ông bà. Các cụ cho mẹ tôi một ít đồ bạc trang sức để mở một mẹt hàng nho nhỏ, tự buôn bán kiếm tiền nuôi sống bản thân và hai đứa con.

Mẹ gầy dựng cơ ngơi từ mẹt hàng nhỏ xíu ở phố Hàng Bạc như vậy. Được thừa hưởng năng khiếu buôn bán từ bà ngoại, với tính nhanh nhẹn, tháo vát, việc buôn bán của mẹ ngày một phát đạt.

Bố ở Việt Bắc một mạch gần chục năm trời mới về Hà Nội thăm ba mẹ con tôi. Sống với gia đình được dăm bữa, bố lại lên đường. Tuổi thơ của hai chị em tôi hầu như chỉ lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và ông bà ngoại. Ngoài ra, vì bố đi công tác suốt, thời gian bố mẹ gặp nhau rất ít, nên mẹ không có cơ hội để sinh thêm em bé. Mẹ lo chăm sóc hai chị em tôi. Việc buôn bán, gây dựng cơ ngơi đều do mẹ lo liệu. Chị Hiên tôi lớn lên, vừa đi học vừa lo phụ mẹ bán hàng rồi lấy chồng trên phố. Dần dần, chị tách ra để mở cửa hàng riêng – cũng cửa hàng bạc. Bố tôi trở về, tuy mới ngoài 50 tuổi nhưng ở miền Thượng du, bị sốt rét ngã nước nên người gầy gò và tóc bạc trắng.

Tôi là cậu công tử của gia đình nên chỉ lo ăn chơi mà không chí thú học hành hoặc làm ăn gì cả. Bố tôi phiền trách mẹ tôi đã quá nuông chiều con nên để con hư. Thú thật, ngay từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, đúng là tôi được nuông chiều nên không hề nhấc tay làm một việc gì cả. Ăn rồi tôi chỉ có mỗi một việc học mà việc đó cũng chẳng nên thân. Đã vậy tôi lại sớm nhiễm các thói hư tật xấu của bọn bạn trai hàng phố là thích chơi bời lêu lổng và mê bài bạc. Học hành lười biếng nên tôi không tốt nghiệp nổi lớp 12 tức hết cấp 3. Học xong cấp 3, chẳng biết gì cả mà cũng chẳng có bằng cấp gì cả. Bố tôi buồn lắm. Sau khi về hưu, ông chán nản không thiết tham gia công tác phường xóm gì hết, chỉ phụ mẹ tôi các công việc lặt vặt trong nhà và thường chì chiết mẹ tôi là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, ông bảo chính mẹ tôi đã làm cho tôi hư hỏng. Bài bạc tất nhiên khi được khi thua. Khi được thì phung phí, ném tiền qua cửa sổ rồi sau đó thua lại và hóa nợ nần. Tôi nợ dữ lắm. Những khi ấy mẹ tôi thường giấu giếm cho tiền để tôi trả nợ.

Hồi đó, tôi suy nghĩ nông cạn. Tôi thấy mẹ buôn bán giàu có, tôi là “công tử”, không cần làm cũng sống cả đời no ấm, chẳng đói được mà sợ. Theo tôi biết, mẹ tôi có nhiều sổ tiết kiệm gửi tiền trong ngân hàng, ngoài ra còn có hai ngôi nhà mặt tiền, mẹ tậu được trong khi buôn bán.

Tôi ăn chơi lêu lổng, lại nghiện cờ bạc, tiêu phá hết của mẹ có tới mấy chục cây vàng. Bố mẹ tôi buồn lắm, dạy dỗ khuyên răn thế nào thì tôi vẫn không khá lên được, vẫn cứ chứng nào tật nấy. Một lần, do thua bạc, tôi bị chủ nợ đòi ráo riết, đe dọa dùng xã hội đen lấy tính mạng nếu tôi không chịu trả. Mẹ tôi ngậm ngùi bán đi một căn nhà để trả nợ cho tôi. Sau này tôi mới hiểu, chuyện tôi mê bài bạc đều là do những kẻ cạnh tranh làm ăn buôn bán với mẹ tôi, nhử tôi vào tròng. Họ muốn gia đình tôi bại liệt để họ rộng đường buôn bán, kinh doanh. Cách làm tiêu tan gia tài của mẹ tôi nhanh nhất là lôi kéo cậu quý tử vào các sòng bạc, phá nát tiền của trong gia đình, làm cho bố mẹ trở thành tay trắng vì cái trò đánh bạc từ xưa đến nay tiền nhiều như núi rồi cũng hết.



phố Hàng Bạc ngày xưa

May thay, tôi sớm nhận ra chân tướng của những kẻ được coi là “bạn bè” của mình trên chiếu bạc. Nhất là khi nhìn thấy cảnh bố mẹ ngậm ngùi bán đi căn nhà rộng rãi mà bố mẹ định sau này cả gia đình sẽ dọn về ở đấy thay cho cửa hàng chật chội mấy chục mét vuông trên phố Hàng Bạc. Tôi tĩnh trí lại và nhất quyết “rửa tay gác kiếm”. Tôi tu tâm dưỡng tính để làm người tốt, không còn là thứ phá gia chi tử. Nhưng vì đã quen thói ăn chơi phung phí, tôi chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Bố mẹ tôi cũng chẳng có ý định truyền nghề thợ bạc cho cậu con trai hư đốn, thế nên tôi cũng chẳng học được gì ở nghề hàng bạc đã truyền từ nhiều đời nay của gia đình. Tôi cứ phất phơ, cơm nước, tiền bạc đã có bố mẹ lo. Cuối cùng, chơi mãi cũng chán, tôi đi học nghề sửa đồ điện, học nghề sửa xe gắn máy, nghề nào cũng học được dăm bữa nửa tháng là bỏ. Hư thân mất nết quen rồi, tôi không có đủ kiên nhẫn.
Ngoài ba mươi tuổi tôi mới lập gia đình. Lúc ấy bố mẹ tôi cũng đã xấp xỉ 70 tuổi. Vợ tôi không ai khác hơn người làm công cho bố mẹ tôi. Cũng do tôi phá phách, bố mẹ không tin tưởng, hàng xóm láng giềng biết tiếng ăn chơi của tôi nên không ai dám gả con gái cho tôi. Chuyện tôi – một quý tử con nhà giàu – lấy vợ là người làm công ở cửa hàng của bố mẹ tôi, một thời gian cũng gây nên sự ồn ào trong hàng phố. Ngược lại, bố mẹ tôi không hề phản đối cuộc hôn nhân đó. Ông bà vui vẻ tổ chức đám cưới cho “cậu chủ” với cô người làm. Đám cưới xong, vợ chồng tôi vẫn ở với bố mẹ. Vợ tôi phụ giúp mẹ tôi bán hàng như cũ còn tôi thì vẫn cứ lông bông. Một năm sau ngày cưới, bố tôi bị cơn trụy tim rồi qua đời ở tuổi ngoài 70. Năm sau, mẹ tôi cũng theo ông về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh ung thư.

Sau bách nhật, tức lễ 100 ngày của mẹ tôi, có một người đàn ông đến xem cửa hàng ở phố Hàng Bạc rồi đưa toàn bộ giấy tờ bố mẹ tôi đã sang nhượng cửa hàng trước khi mất cho vợ chồng tôi xem. Người đàn ông cũng yêu cầu vợ tôi kiểm kê hàng hóa và yêu cầu vợ chồng tôi dọn đi nơi khác để ông lấy cửa hàng, sửa soạn lại cho công việc kinh doanh buôn bán mới của ông ta. Tôi quá sửng sốt, báo cho chị gái và anh rể về họp gia đình để xem có ai biết sự việc này hay không. Đến lúc này chị tôi mới hoảng hồn, mời luật sư đến và ông mở di chúc của bố mẹ tôi ra đọc cho chúng tôi nghe. Hai chị em tôi choáng váng khi biết bố mẹ đã âm thầm làm di chúc, sang nhượng cửa hàng, nhà cửa trên phố trước khi bố mất và mẹ biết mình bị bệnh ung thư. Điều đó có nghĩa là bố mẹ đã chủ đích làm việc này trong một tâm trạng hoàn toàn tỉnh táo. Tất nhiên ý định đó đã được bố hoàn toàn ủng hộ thì mới có chữ ký của bố ở trong di chúc được lập khi cả bố mẹ còn khỏe mạnh. Bố tôi tuy ít nói nhưng tính tình sâu sắc, tại sao lại đồng ý làm một việc kỳ lạ như vậy?

Trong di chúc, bố mẹ không để bất kỳ một chút tài sản nào trong khối tài sản bao gồm hơn chục cuốn sổ tiết kiệm, một cửa hàng mặt tiền phố Hàng Bạc và một ngôi nhà cũng ở mặt tiền phố Hàng Điếu. Không chỉ riêng tôi mà cả chị tôi cũng chẳng được bố mẹ di chúc cho một đồng một cắc nào. Ngôi nhà ở phố Hàng Điếu mẹ đã bán và gom tiền làm công đức, xây chùa ở quê chồng. Còn cửa hàng bạc ở phố Hàng Bạc, mẹ sang nhượng lại cho chủ khác.

Toàn bộ số tiền sang nhượng mẹ dành xây nhà thờ họ ở quê bố. Trong khi mẹ thừa biết con trai độc nhất của bố mẹ là tôi từ xưa đến nay là thành phần phụ thuộc bố mẹ, ở cùng nhà với bố mẹ, được bố mẹ nuôi nấng. Chị Hiên thì đã có gia đình, yên bề gia thất, kinh tế vững vàng nên việc bố mẹ không cho tài sản gì thì cũng không quá ảnh hưởng đến đời sống riêng. Còn tôi, mới có vợ, vợ lại đang bụng mang dạ chửa, không có nhà cửa, tôi biết đưa vợ con đi đâu bây giờ? Chủ mới của cửa hàng bạc có lòng tốt đề nghị vợ tôi ở lại làm công ăn lương cho gia đình ông ta. Không biết bấu víu vào đâu, tôi đành để vợ ở lại, ban ngày bán hàng cho chủ mới, buổi tối thì về căn nhà trọ xập xệ mà hai vợ chồng tôi đã dắt díu nhau đi thuê ở ngoài ngoại ô. Tiền lương của vợ tôi ở cửa hàng bạc chỉ đủ để trả tiền thuê nhà và mua gạo, còn lại tôi phải tính toán, đi khuân vác thuê hành lý ở ga Hàng Cỏ để kiếm sống.

Tôi bị sốc nặng, đau đớn, uất hận, mất ăn mất ngủ cả mấy tháng trời. Thân hình tôi phờ phạc, đầu óc mụ mẫm như người ốm dậy. Quá cay đắng và căm phẫn, tôi đem di ảnh của bố mẹ về nhà thờ họ Đinh trong quê ở Huế. Ngôi nhà thờ ấy đã được bố mẹ tôi gom góp toàn bộ tiền bạc, của nả dành dụm suốt bao nhiêu năm để xây cất trước khi mẹ tạ thế. Thời gian này, vợ tôi sinh con trai đầu lòng. Kinh tế gia đình tôi lâm cảnh khó khăn không thể tưởng tượng nổi. Chị Hiên tôi lấy chồng, đông con nên cũng chẳng giúp đỡ em trai được bao nhiêu ngoài tình cảm chị em ruột thịt. Vợ tôi mới sinh được một tháng đã phải gượng dậy đi làm. Con thơ không người bế ẵm, tôi đành phải ở nhà chăm sóc con. Sau, ông bà chủ mới của cửa hàng bạc thương tình, cho phép vợ tôi đem con theo, vừa trông nom con vừa bán hàng cho chủ. Không phải bế ẵm, bú mớm cho con, tôi có thì giờ lại đi khuân vác hành lý thuê để lo cho vợ con. Những lúc cực nhọc như thế, tôi càng thấy căm hận bố mẹ, con cái đẻ ra mà không có chút tình thương, đang tâm đem dâng hết tài sản để xây chùa với nhà thờ họ, không để lại cho con cho cháu được lấy một đồng, mặc cho con cháu đói khổ.

* * *

Kính thưa quý vị độc giả,
Tôi đã trải qua những tháng ngày cay đắng, tủi hận không thể nào quên. Lần đầu tiên trong đời, tôi nếm mùi hèn hạ của thằng đàn ông vô dụng, xưa nay chỉ biết ăn bám vào bố mẹ, bây giờ bỗng nhiên bị ném ra đường, không còn ai che chở, nâng đỡ. Thằng đàn ông ấy đã ngoài 30 tuổi, có vợ, có con nhưng không đủ tiền nuôi vợ nuôi con. Xưa, tôi đã ăn bám vào bố mẹ lại còn phá phách, cờ bạc; giờ, tiền vác hành lý ít oi, tôi phải trông chờ vào đồng lương bán hàng của vợ, thật là nhục nhã.

Chút lương tri cuối cùng trong tôi trỗi dậy. Nhìn con thơ nheo nhóc, vợ tiếp tục mang bầu lần thứ hai, tôi biết không thể cứ đi khuân vác mãi thế này được mà phải tìm cách kiếm tiền khá hơn để nuôi sống gia đình mình.
Hồi đó, Hà Nội chỉ có vài ba cửa tiệm sửa chữa xe gắn máy. Nghề sửa xe gắn máy là nghề có tương lai và kiếm ăn khá nhất. Tôi bàn với vợ rồi đến cửa tiệm tôi học dang dở lúc trước, xin họ cho làm người phụ việc, nhân tiện học nghề. Họ biết tôi là “công tử” con cháu chủ hiệu hàng bạc danh tiếng ở phố Hàng Bạc ngày trước, nay bị sa cơ thất thế nên cũng thương tình và tin vào trí thông minh của tôi, nên cũng sẵn lòng chấp nhận.

Hằng ngày, tôi gần như trốn hết bạn bè, đi cúi mặt, về cụp tai, tránh tiếp xúc với mọi người quen biết cũ. Thậm chí, tôi sợ cả những ánh mắt cảm thông của những người hiểu rõ câu chuyện sa sút của gia đình tôi, và càng sợ hơn nữa những lời mỉa mai cay đắng, những ánh mắt chê cười đắc thắng của những kẻ vốn ghen ghét sự khá giả của ông bà, cha mẹ tôi trước đây. “Đấy, sung sướng cho lắm vào, bây giờ đi làm thằng thợ sửa xe hầu hạ người ta, sướng chưa!”.

Tôi đã trở thành một con người khác, tự cắt bỏ quá khứ huy hoàng của cậu quý tử khét tiếng ăn chơi, mặc vào mình bộ đồ lấm lem dầu mỡ, đội chiếc mũ lưỡi trai cũ kỹ cụp xuống tận mắt để khỏi ai nhận ra mình, và làm việc thật chăm chỉ, cần mẫn ở tiệm sửa xe hết sức đông khách, với hy vọng mỗi cuối tháng, cuối tuần được cầm những đồng tiền về đưa cho vợ, phụ giúp với vợ nuôi con.

Ơn trời, sự nhanh nhẹn, tháo vát của tôi có lẽ được thừa hưởng từ cái gien di truyền của mẹ, của bà ngoại nên đã giúp tôi học việc nhanh chóng, trở thành thợ phụ rồi thành thợ cả ở cửa hàng sửa xe gắn máy. Đồng lương của thợ cả rất khá nên đủ cho tôi trang trải chuyện gia đình có hai đứa con (đều là con trai).
Có lao động thực sự mới biết trân trọng những đồng tiền do mình làm ra và biết thương mẹ ngày trước đã ngậm ngùi bán căn nhà để trả nợ cờ bạc cho con. Thương mẹ là một chuyện nhưng cũng vô cùng căm hận bố mẹ đã dâng hiến tài sản cho những người đâu đâu, để mặc con dâu, con trai khổ sở, phải chống chọi với cơm áo gạo tiền vào lúc đang cần có sự giúp đỡ của bố mẹ nhất. Nỗi căm hận đó tôi đào sâu chôn chặt trong lòng, mặc dầu vẫn làm bổn phận của đứa con trai là mỗi năm một lần về quê thắp nhang, khấn vái trước bàn thờ bố mẹ cho người ta khỏi chê cười.

Tuy khấn vái nhưng với sự căm hận tận tận đáy lòng mình, tuy sau này đã có nhà cửa để ở, không còn phải đi thuê nữa song tôi vẫn nhất định không chịu đưa bài vị bố mẹ về nhà mình ở Hà Nội để thờ phụng theo đạo hiếu của đứa con trai đối với bậc sinh thành. Tôi vẫn còn cay đắng, căm hận bố mẹ. Sở dĩ tôi có tiền mua được căn nhà bé tí chỉ rộng 20m2 trong ngõ, khỏi phải đi thuê là như thế này. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, lại giỏi tay nghề nên tôi có nhiều khách quen. Ngoài công việc hằng ngày ở tiệm, buổi tối thường được khách nhờ tới nhà sửa xe hoặc xem xe giùm họ.

Hồi đó chưa nhiều người có xe gắn máy, đồng nghĩa với thợ giỏi cũng không nhiều. Chiếc xe gắn máy là cả một gia tài. Tiền tậu một chiếc xe gắn máy rất lớn, phải khá giả lắm thì mới mua được. Công việc giúp tôi giao dịch nhiều với giới khá giả. Từ sự chuyên môn, rất thông thạo về xe gắn máy, tôi thường được khách hàng tìm đến nhờ định giá xe, thậm chí còn nhờ môi giới việc mua bán xe nữa. Tôi trở thành “ông trùm” sửa xe, “ông trùm” môi giới mua bán xe. Ai cần chiếc xe như thế nào, cỡ bao nhiêu tiền đều tìm đến tôi, nhờ tôi giới thiệu. Ai cần tiền phải bán chiếc xe hay thích nâng cấp chiếc xe hoặc đổi lấy chiếc xe mới hơn, tốt hơn, cũng tìm đến tôi. Tôi được hưởng tiền hoa hồng của cả hai bên mua và bán, có khi còn được hưởng tiền chênh lệch khi biết “làm giá” với khách. Dần dần, tích tiểu thành đại, tôi hết sức dè xẻn nên có tiền làm vốn để tiến đến việc mua bán xe: Tôi bỏ tiền ra mua chiếc xe khách đang cần bán rồi để đấy, gặp khách muốn mua thì bán, lời lãi rất khá.

Hà Nội những năm 1980 vừa bước qua thời bao cấp gian khổ, dân còn nghèo, chưa có nhiều cửa hàng buôn bán xe gắn máy và cũng có rất ít người thông thạo trong lãnh vực này, vì vậy việc “ăn nên làm ra” của tôi là lẽ đương nhiên. Sau này, đã có vốn liếng kha khá, tôi đổi căn nhà to hơn ở trong ngõ cho vợ chồng và con cái ở. Tiền còn lại tôi đi thuê cửa hàng ở Phố Huế để mở cửa tiệm sửa chữa và buôn bán xe gắn máy.

Công việc cứ thế ngày một phát đạt, từ hai bàn tay trắng tôi đã gây dựng được cơ đồ. Tôi đã có đủ tiền để mua cửa hàng mặt phố. Giữa Hà Nội mà có được một căn nhà cũ rộng 100m² để xây lên ba tầng lầu, vừa để ở, vừa để bán hàng thì thật sự phải là hạng có máu mặt. Tôi đề nghị vợ tôi bỏ cửa hàng bạc trên phố về giúp tôi quản lý cửa hàng sửa chữa vá mua bán xe máy của mình. Vợ tôi một mực không nghe vì cô ấy muốn giữ nghề truyền thống của nhà chồng. Vợ tôi chấp nhận chạy đi chạy lại, quản lý cả hai bên – cửa hàng bạc lẫn cửa hàng xe gắn máy – của chồng.

Bao nhiêu tiền tích cóp được tôi đầu tư vào bất động sản và gửi ngân hàng để sinh lời. Vậy là đã 18 năm trời trôi qua, kể từ ngày tôi bị đẩy ra đường để kiếm sống, đúng vào lúc cả hai con trai tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và chuẩn bị đi du học ở bên Úc thì người đàn ông đã mua và trở thành chủ cửa hàng bạc của mẹ tôi năm xưa đến tìm tôi. Ông giới thiệu ông là luật sư, là người bạn tâm phúc của bố mẹ tôi, người giúp bố mẹ tôi quản lý tài sản và công việc trong suốt bao nhiêu năm qua. Mái tóc đã bạc trắng, gương mặt thêm nhiều nếp nhăn vì tuổi tác, ông rất xúc động khi trao cho tôi giấy tờ cửa hàng bạc với toàn bộ số tiền vốn liếng đã sinh sôi nảy nở trong suốt 18 năm qua. Ông cũng đưa cho tôi một phong thư dán kín, ngoài bì thư đã ố vàng, đề rõ bố mẹ tôi gửi cho đứa con trai duy nhất. Tôi run run mở thư ra đọc.

“Gửi con trai yêu quý của bố mẹ!
Bố mẹ hy vọng con sẽ đọc những dòng chữ này vào một ngày gần nhất. Khi bức thư đã được mở ra, những dòng tâm sự này đến với con nghĩa là nơi chín suối bố mẹ đã được ngậm cười, thanh thản trút bỏ những mối quan tâm đau đáu và luôn ray rứt về con.
Con trai yêu quý, chắc con đã hiểu vì sao ngày bố mẹ tạ thế, bố mẹ đã đẩy con ra đường và không di chúc cho con chút nào dù chỉ là một đồng một cắc. Nếu con biết được bố mẹ đã rớt nước mắt biết bao khi nhìn thấy con chưa được trưởng thành. Bố mẹ nghĩ mãi về chuyện không thể sống cả đời bên cạnh con để nuôi nấng con, quan tâm chăm sóc con. Bố mẹ sẽ khổ nhiều khi con không thành đạt, không tự lo được cho bản thân mình, không lo được cho vợ và các con của con sau này. Bố mẹ đã nghĩ mãi và quyết định đẩy con ra đời, để cho con với hai bàn tay trắng tự lăn lộn với cuộc sống, tự kiếm cơm ăn, tự nuôi sống chính mình và vợ con của con.
Phải quyết định một việc khó khăn như vậy, bố mẹ rất đau lòng. Làm cha mẹ có ai không thương đứa con máu mủ mình đã rứt ruột sinh ra và nuôi khôn lớn. Nhưng phải lựa chọn một quyết định quan trọng để giúp con trưởng thành là việc bố mẹ cần phải làm. Dù để đưa ra quyết định này bố mẹ đã phải dằn lòng biết bao. Sau này con rồi cũng sẽ làm cha, con sẽ biết được cha mẹ nặng lòng vì con cái, yêu thương và lo lắng cho con cái thế nào. Con rồi cũng sẽ hiểu món quà quý giá nhất cho tuổi già của cha mẹ là sự thành đạt của con cái, cuộc sống hạnh phúc của con cái. Không gì có thể quý giá hơn, quan trọng hơn món quà đó.
Con trai, khi con đọc những dòng chữ này, bố mẹ ở trên thiên đường đang mỉm cười nhìn con. Bố mẹ cảm ơn cuộc sống đã thay bố mẹ dạy dỗ con nên người. Đến bây giờ thì bố mẹ đã mãn nguyện lắm rồi con ạ. Yêu thương con trai của bố mẹ nhiều. Bố mẹ cũng để cho chị gái con một phần tài sản rồi. Cửa hàng này cùng toàn bộ vốn liếng còn lại là của con. Sở dĩ nó đến với con muộn hơn lẽ thường là do bố mẹ thực sự muốn chứng kiến con trưởng thành, và chỉ thật sự trưởng thành con mới xứng đáng được nhận nó. Con hãy thay bố mẹ tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề cổ truyền của cha ông để lại. Cầu chúc cho con và các cháu nội của ông bà thành đạt trên đường đời”.

Thưa quý vị độc giả,
Tôi đã khóc khi lần đầu tiên được đọc bức thư của bố mẹ viết cho tôi trước khi ông bà xuôi tay nhắm mắt. Tôi đã hiểu vì sao phải mất 18 năm sau khi bức thư này được viết, giờ đây tôi mới được đọc nó. Và vì sao tới 18 năm sau, khi tôi đã thành đạt, đã giàu có rồi tôi mới nhận được di chúc thừa kế của bố mẹ để lại cho tôi. Tôi hiểu vì sao ông bà lại làm như vậy.

Kính thưa quý vị, càng nghĩ tôi càng ân hận. Lúc nhận được tài sản thừa kế của bố mẹ để lại, tôi cũng không quá vui mừng mà chỉ thấy bất ngờ. Cửa hàng bạc trên phố nay buôn bán cũng khó hơn xưa nhiều. Giờ người ta mở cửa hàng buôn bán vàng ta, vàng tây, nên các đồ trang sức bằng bạc không thịnh hành và đắt khách nữa. Cửa hàng của bố mẹ tôi cũng thưa thớt khách, chủ yếu là bán cho nhà có trẻ em hoặc có người già trong các dịp lễ tết. Số tài sản mẹ tôi để lại cho tôi đáng giá nhất là cửa hàng 10m² ở mặt phố Hàng Bạc và một số sổ tiết kiệm kha khá, đủ để tôi có thể tậu thêm một căn hộ chúng cư lúc bấy giờ.

So với số tài sản hiện có mà tôi kiếm được thì của nả bố mẹ tôi để lại không quá lớn. Thế nên, sau cơn xúc động, tôi lại bị cuốn hút vào công việc. Mãi mấy tháng sau, đến gần Tết Nguyên đán tôi mới mang thư và di chúc của bố mẹ về quê, đặt lên bàn thờ và thắp hương khấn vái, xin bố mẹ tha lỗi. Cũng tết năm ấy tôi mới rước bài vị của bố mẹ ra Hà Nội, đặt lên bàn thờ trang trọng ở nhà riêng của vợ chồng mình.

Chắc các quý vị thấy tôi là đứa con trai bất hiếu, vô tình, bạc nghĩa, suốt 18 năm trời, sau khi nhận được thư và di chúc thừa kế của bố mẹ rồi mới nghĩ đến việc đưa bài vị bố mẹ về thờ phụng tại bàn thờ nhà mình. Nhưng biết làm sao, tôi vốn là đứa thanh niên hư đốn, ăn chơi, bài bạc, làm đau lòng mẹ. Bố mẹ tôi đã dạy tôi bằng cách như vậy và tôi đã mở mắt ra, chứ nếu không thì dù có được để lại bao nhiêu thì tôi cũng phá tán hết công lao mồ hôi nước mắt của bố mẹ. Xin quý vị rộng lòng tha thứ cho tôi.
Nay kính,
Đinh Thụy (Hà Nội)
Đoàn Dự ghi chép
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.224 giây.