Tóm lược: Nguyễn Vũ Sơn, còn được gọi là Nah, một nghệ sĩ rap trẻ và là một du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, sáng tác bài rap "ĐMCS" vào đầu năm 2015. "ĐMCS" là nhạc rap chính trị, chống đối sự thối nát của chế độ cộng sản Việt Nam. "ĐMCS" có những lời chửi thẳng vào nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, công an cảnh sát, và những người dân bị tẩy não hoặc hèn nhát không dám đứng lên chống lại cộng sản. Nah trình bày "ĐMCS"gần như hoàn hảo với nhịp điệu vừa phải, vần điệu chuẩn, và phát âm chính xác với giai điệu và quãng nghỉ thích hợp với nội dung. Nhạc nền và các lời hát phụ họa giúp bài hát sống động và lôi cuốn khán giả. Qua "ĐMCS," Nah chứng tỏ anh là một người trẻ có tài năng khác thường, đầy nhiệt huyết, yêu nước, can đảm, và hiểu biết am tường các vấn đề chính trị và xã hội tại Việt Nam. "ĐMCS" là lời nói huy hoàng của tuổi trẻ Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn mới cho tuổi trẻ thức tỉnh và vùng lên để lấy lại chính nghĩa cho tổ quốc.
Lời báo trước: Bài này có phần thảo luận về một số từ ngữ thô tục, chửi thề, và tục tĩu liên hệ đến bài "ĐMCS." Vì lý do duy trì tính chất toàn vẹn của lời bài hát, ý nghĩa và tác dụng của các từ ngữ này, tôi viết các từ ngữ dưới dạng đầy đủ và không viết tắt hoặc che giấu mẫu tự. Các từ ngữ này có thể không thích hợp hoặc chướng với một số độc giả.
Trong số ra ngày 21 tháng 9 năm 2016, tạp chí Time, một tạp chí hàng đầu tại Hoa Kỳ, có một bài đăng về một cuộc nổi dậy tại Việt Nam. Một phần trong bài đó như sau:
Từ một vụ xô xát giữa một khách hàng và nhân viên nhà băng vì nhà băng không có đủ tiền đưa cho vị khách hàng khi ông ta muốn rút hết tiền trong trương mục, cuộc khủng hoảng tài chánh tại Việt Nam lan rộng trên toàn quốc. Trong khi cuộc giằng co giữa dân chúng và cơ quan tài chánh đang diễn tiến, một cuộc nổi dậy của sinh viên học sinh bùng nổ. Cuộc nổi dậy kêu gọi toàn dân đứng lên giải tán đảng cộng sản Việt Nam. Kỳ lạ nhất, những người trẻ, trai và gái, tuổi từ 16 tới 25, cùng hô một khẩu hiệu ngắn gọn trong các cuộc biểu tình bãi khóa của họ. Trong một quốc gia tôn trọng lễ nghĩa và cha mẹ ngăn cấm con cái dùng những lời chửi thề tục tĩu, khẩu hiệu đó gây kinh hoàng trên toàn quốc. Khẩu hiệu đó là: "Địt Mẹ Cộng Sản."
Vâng, đó là chuyện xảy ra trong tương lai.
Sẽ có người cho rằng đoạn văn trên chỉ có trong tiểu thuyết hoặc nằm trong trí tưởng tượng của những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Nhưng đối với nhiều học giả về xã hội học, lịch sử, chính trị, đoạn văn trên mô tả một cảnh tượng rất có thể xảy ra.
"Địt Mẹ Cộng Sản" là câu trong bài nhạc rap "ĐMCS," viết và trình bày bởi Nah, một rapper Việt trẻ, vào đầu năm 2015. "ĐMCS" đang tạo ra một làn sóng hưởng ứng trong nước và hải ngoại với sự nhiệt thành bất ngờ. Hiện tượng "ĐMCS" và Nah Nguyễn Vũ Sơn dường như là một kết quả của những tương tác hạn hẹp theo một mô hình đấu tranh dưới hình thức hê thống thích ứng phức tạp (Complex Adaptive Systems) mà tôi đề nghị trong các bài trước (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014a). Trong mô hình này, có nhiều tương tác hạn hẹp (local interactions) theo một cơ chế tự nhiên giữa các tác nhân hoặc thành phần trong cả hai phe dân chủ và cộng sản. "Sự tương tác hạn hẹp của các tác nhân dần dần đưa đến một sự nổi lên (emergence) có sức mạnh rộng lớn và có quy củ trật tự" (Cao-Đắc 2014a). "ĐMCS" sẽ dẫn đến những hiện tượng khác và con đường đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam đang có đà đi đến một nổi dậy bất ngờ.
Trong bài này, tôi sẽ thảo luận "ĐMCS" qua phân tích bài nhạc dưới các tiêu chuẩn của nhạc rap, và các khía cạnh chính trị của âm nhạc và nhạc rap. Tôi có dịp liên lạc với tác giả Nguyễn Vũ Sơn và có được nhiều ý tưởng của anh về "ĐMCS."
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả (Nguyễn Vũ Sơn 2015).
Nah tên thật là Nguyễn Vũ Sơn, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1991 tại Sài Gòn. Nah học cấp 1 tại trường Kết Đoàn, cấp 2 và cấp 3 tại trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Nah tốt nghiệp đại học và có bằng cử nhân từ trường RMIT tại Singapore. Nah hiện đang học thêm bằng cử nhân thứ hai tại Hoa Kỳ. Nah có nguyện vọng học lên thạc sĩ và tiến sĩ. Nah cho biết anh chọn nhạc rap vì anh có duyên với cuộc sống đường phố và thấy ở đường phố những bài học mà trường học không dạy. Gia đình Nah đều đang sống tại Sài Gòn.
Có nhiều cách gọi nghệ sĩ nhạc rap. Tại Hoa Kỳ, người trình bày nhạc rap có thể được gọi là MC (Master of Ceremonies, người điều khiển chương trình), emcee (từ chữ MC), rapper (người rap), lyricist (người viết lời nhạc), hoặc rap artist (nghệ sĩ rap) (Edwards 2009, xii). Thứ nhì, một bài rap thường gồm có phần điệp khúc (gọi là hook) và các phiên khúc (verse). Như các bài hát thường, điệp khúc là phần quan trọng nhất, vì nó được lập đi lập lại nhiều lần, và do đó thường chứa ý chính.
Nguyên văn lời bài hát "ĐMCS" như sau (Nguyen 2015).
Tên tao là Nah. Quê hương tao là Sài Gòn. Tao thà để cho tụi mày căm ghét tao còn hơn để cho tụi mày sống ngu muội thêm 40 năm nữa. Nghe đây.
[Hook]
Tao không vào địa ngục thì ai? Địt mẹ cộng sản.
Muốn thay đổi đất nước là sai? Địt mẹ cộng sản.
Mày dám bán đất đai tổ tiên? Địt mẹ cộng sản.
Giết người, bịt mắt, bịt miệng? Địt mẹ cộng sản.
Thảm sát đồng bào tại Huế? Địt mẹ cộng sản.
Tao đéo chịu làm nô lệ. Địt mẹ cộng sản.
Tụi mày sẽ sớm bị lật. Địt mẹ cộng sản.
Tất cả sẽ biết sự thật. Địt mẹ cộng sản.
[Verse 1]
Nguyễn Tấn Dũng sẽ trốn đi đâu với tất cả tài sản?
Cả đám ăn cướp chuyên nghiệp, kế hoạch quá bài bản
Dân thì ai oán, nước này ai bán
Mấy thằng tham nhũng rồi sẽ phải chết mà không được mai táng
Tụi công an đứng đường sẽ là những đứa bị giết trước
Tao hứa sẽ đái vào xác tụi mày mà không cần tiếc nước
Cái tội tụi mày bắt bớ đánh đập người dân thật vô cớ
Trả lại từng đồng ăn chặn tụi tao, mày đổ nợ
Từ ngày mai tao sẽ không đưa công lộ một cắc nào
Tao không làm gì sai đụ má mày đừng có ngoắc tao vào
Tao không hối lộ, tao không luồn cúi
Tao không hèn như những con cừu mày nhốt trong chuồng cũi
Mày đòi tịch thu xe của tao? Tao đéo đưa rồi sao?
Mày sẽ bắt tao vào trong đồn làm tình làm tội tao?
Tra tấn tao như mày đã tra tấn bao nhiêu người khác?
Mày sẽ giết hết người Việt Nam? Cho tao cười phát
[Verse 2]
Sẽ đéo có trang web Việt Nam nào dám đăng bài này
Bọn cừu ngoan của chế độ đéo dám nghe bài này
Tụi nó chỉ thích ngồi bàn tán về thằng Kenny Sang
Trong khi Cộng Sản lấy đất của tổ tiên để đem đi bán
Cả một thế hệ bị tẩy não thật khốn nạn
Như những con zombie có bắn vào cũng tốn đạn
Ghét cộng sản nhưng đéo dám nói, mày có miệng như câm
Ghét công lộ nhưng vẫn xì tiền, mày bị điên hay hâm?
Cách ăn nói của tao lấc cấc, nhưng mà tao dám nói
Thù trong giặc ngoài bọn Trung Cộng nó vẫn đang đói
Muốn đuổi được tụi nó thì phải thay đổi trong nhà nước
Xử bọn tham nhũng và bán nước ở trong nhà trước
Sách lịch sử con nít đang học, nhiều câu chuyện cổ tích
Bắt học thuộc như những con vẹt, đéo có gì bổ ích
Thật buồn cười khi suốt cuộc đời, mày có mắt như mù
Sống mà luôn bị kiềm hãm, khác gì sống trong tù
[Verse 3]
Đâu có dễ, để có thể trở thành một huyền thoại
Sống làm sao, chết thế nào, người đời truyền lại
Sống buồn chán, không mục đích, thì mày sống làm gì?
Rượu chè hay cờ bạc, hay chổng mông làm đĩ?
Nếu mày có một lý tưởng, có dám chết vì nó?
Dám sẵn sàng hi sinh hết, để đi tìm tự do?
Ở Việt Nam, ngày nào mà chẳng có kẻ chết
Nỗi đau của những người đó, không ai kể hết
Sau bài này, sẽ có kẻ tìm cách để hại tao
Thuê côn đồ, gây tai nạn, để đánh bại tao
Để đánh bại những con người, đéo làm gì sai
Để gieo rắc những nỗi sợ hãi và những điều bi ai
Nhưng tụi nó quên đo độ cứng của hòn bi tao
Tụi nó quên mặt trời vẫn mọc ở ngoài kia sao?
Muốn làm hại tao nhưng mà đéo được
Mày không biết ông trời đánh tao còn khéo trượt
VIDEO Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung, hình thức (nhịp điệu và vần điệu) của "ĐMCS," và lối Nah trình diễn "ĐMCS." Tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về ý nghĩa của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
A. "ĐMCS" là một bài hát chính trị chống đối và thuộc loại "cực đoan hóa" chính trị trong nhạc rap "ĐMCS" là một bài hát chống đối chế độ cộng sản Việt Nam rõ ràng và cụ thể. Thể loại nhạc rap thích hợp cho lối chống đối rõ ràng, thẳng thừng, và dễ gây ấn tượng mạnh trên khán giả, nhất là giới trẻ.
1. Bài rap "ĐMCS" thuộc về thể loại chính trị chống đối:
Sức mạnh của âm nhạc đã được biết từ xưa. Theo triết lý của Tàu thời xưa, âm nhạc là căn bản của mọi việc (Tame 1984, 16). Yehudi Menuhin (1916-1999), một nhạc sĩ nổi tiếng, từng nói, "Âm nhạc tạo ra trật tự từ hỗn loạn" (sđd., 14). Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của âm nhạc trên xã hội. "Trong suốt lịch sử nhân loại, âm nhạc là nguồn gốc của sợ hãi và đối tượng của đàn áp" (Street 2012, 9). Vài thí dụ cho ta thấy ảnh hưởng này. Chính phủ Tàu cộng giam mười bốn ni cô Tây Tạng vì họ hát các ca khúc hỗ trợ nền độc lập của nước họ (Index 1998, 134; Wikipedia 2015d). Giới cầm quyề̉n Taliban, khi họ nắm quyền, cấm tất cả thể loại âm nhạc tại Afghanistan (Index 1998, 135-138; Street 2012, 9-10). Lý do cho ảnh hưởng mạnh mẽ này là tính chất chính trị của âm nhạc. Mối liên hệ giữa âm nhạc và chính trị là một đề tài có nhiều nghiên cứu và khảo luận. Ở đây, ta phải hiểu "chính trị" với ý nghĩa tổng quát và không hạn hẹp trong khuôn khổ về chính quyền và thể chế chính phủ và quốc gia. Thí dụ của chính trị gồm có: kêu gọi thay đổi các vấn đề xã hội như kỳ thị chủng tộc, môi trường, bạo loạn, phản đối một chính sách nào đó, chống đối chính quyền.
Theo định nghĩa của Street (2012, 7), "ĐMCS" là một bài hát chính trị rõ ràng. Lời ca đưa ra nhiều sự lựa chọn, trực tiếp và gián tiếp: đứng lên lật đổ chế độ hay chấp nhận cuộc sống như tù, dung dưỡng hay chấm dứt tham nhũng. Bài hát là lời kêu gọi công chúng và vạch ra những vấn đề ảnh hưởng đến mọi người như bắt bớ dân vô cớ, giáo dục nhồi sọ. Ngoài ra, bài hát không phải chỉ nói lên sự bực bội cá nhân của tác giả mà cho thấy nỗi ưu tư của toàn dân trong cảnh xã hội thối nát, ngoại xâm, và bán nước.
Âm nhạc có thể đóng nhiều vai trò trong chính trị, gồm có huy động các nhóm người, tạo văn hóa, và dùng như khí cụ để diễn tả quan điểm chính trị (Pecore 1999, 31). Thí dụ, bài hát "The Internationale" trong cuộc biểu tình của sinh viên Tàu tại Thiên An Môn năm 1989 khiến sinh viên biểu tình đoàn kết và can đảm hơn (Pecore 1999, 31-32); những bài hát đồng ca, nhạc dân gian, và các ngày hội ca hát trong cuộc Cách Mạng Ca Hát tại ba quốc gia Baltic nhấn mạnh lòng ái quốc và là lý do chính đưa ba quốc gia này đến độc lập ra khỏi khối Soviet năm 1991 (Smidchens 2014, 3, 158-159, 312-314).
Âm nhạc có mục đích chính trị rõ rệt thường được phân loại thành hai loại: nhạc chống đối (protest music) và nhạc đề kháng (music of resistance) (Street 2012, 44). Nhạc chống đối thường xác nhận một vấn đề hoặc kẻ thù rõ rệt cụ thể. Những bài hát chống đối nhắm vào nhiều mục tiêu, chú trọng đến các khía cạnh xã hội như kỳ thị chủng tộc, phản chiến. Nhạc đề kháng không có sự chú trọng đó, và tính chất chính trị có thể chỉ là hành động hát (Street 2012, 44). "ĐMCS" thuộc về nhạc chống đối với đối tượng rõ rệt (chế độ cộng sản), lý do chống đối (bán nước, tham nhũng, bất công, nhồi sọ), và lời kêu gọi lật đổ chế độ. "ĐMCS" còn đi quá sự chống đối thông thường và vượt quá nó để trở thành lời kêu gọi cho một cuộc nổi dậy bất ngờ.
2. Nhạc rap và tính chất chính trị của nhạc rap:
Nhạc rap có vài sắc thái khác với nhạc thông thường. Nhạc rap có thể coi là phối hợp của nói, văn viết, thơ, và ca hát (Wikipedia 2015a). Chữ "rap" nguyên thủy có nghĩa là "nói nhanh" là kiểu đối đáp nhanh có trước dạng âm nhạc. Chữ "rap" được dùng trong tiếng Anh của người Anh (British English) từ thế kỷ thứ 16, và có nghĩa rõ rệt là "nói" từ thế kỷ thứ 18 (Wikipedia 2015a).
Nhạc rap, nhiều khi gọi là hip-hop, khởi đầu từ Hoa Kỳ trong khoảng thập niên 1980. Hip-hop là một hình thức diễn tả hoặc biểu lộ, và là "một phong trào văn hóa nổi lên từ nền văn hóa đô thị của người Mỹ gốc Phi châu trong thập niên 1980" (Brown 2008, 183). Tuy hip-hop thường được dùng để gọi nhạc rap, hip-hop thực ra bao gồm bốn đặc tính văn hóa: nhạc rap, diễn đĩa nhạc (disc jockey, hoặc DJ, hoặc dee-jaying), nhảy nhào lộn (break dancing), và vẽ tường công cộng (graffiti) (sđđ., 183-187; Wikipedia 2015c). Hip hop bây giờ lan tràn trên khắp thế giới, kể cả các xứ ĐôngÂu, Palestine, Cuba, Tàu, Miến điện, Việt Nam, v.v. (Xem thí dụ như Malone vả Martinez 2015; Lidman).
Nhạc rap thường có lời mạnh bạo, và nhiều khi dùng từ ngữ thô tục, kể cả chửi thề, để diễn tả ý tưởng có khuynh hướng thay đổi xã hội. Brown (2008, 189-207) chia nhạc rap thành bốn loại: (1) có ý nghĩa liên quan đến xã hội (socially relevant); (2) cực đoan hóa lời hoa mỹ chính trị (radicalization of political rhetoric); (3) chiến tranh giai cấp (class warfare); và (4) nổi loạn da trắng (white rebellion). Dưới sự phân loại này, "ĐMCS" có thể coi là thuộc loại cực đoan hóa lời hoa mỹ chính trị. Tuy nhiên, sự phân loại của Brown có phần eo hẹp vì Brown chỉ chú trọng nhạc rap trong bối cảnh Hoa Kỳ. Brown hàm ý "cực đoan hóa" là khuynh tả vì sự chống đối xảy ra trong một quốc gia dân chủ tự do (Hoa Kỳ). Để có một phân loại chính xác hơn, Brown cần phải gồm cả "cực đoan hóa" trong quốc gia dưới chế độ độc tài cộng sản. Ngoài ra, "ĐMCS" không nhất thiết "cực đoan hóa" mà thực ra vạch trần sự thật một cách chính xác.
Các bài nhạc rap thường có từ ngữ mạnh bạo, chửi rủa, và thô tục. Những từ ngữ này gồm có: fuck (địt/ đụ/ đù/ đéo), shit (cứt), bitch (chó cái/ đĩ ngựa), và các từ ngữ về bộ phận sinh dục nam và nữ. Powell-Morse (2014) nghiên cứu thống kê cho các từ ngữ tục tĩu này trong nhạc rap từ năm 1985 cho tới năm 2013 (cũng xem Coplan 2014), và cho biết trung bình có khoảng 14 chữ tục tĩu trong một bài. Vài thí dụ như sau. Bài "Niggaz For Life" của NWA có 26 chữ "fuck" và 13 chữ "shit." Bài "Fuck You" của 50 cent có 57 chữ "fuck." Bài "Gangster of Love" của Geto Boys có 29 chữ "fuck," 4 chữ "shit," và 14 chữ "bitch."
Bài "ĐMCS" của Nah có 8 chữ "địt," lập lại 5 lần (một lần mở đầu, ba lần sau ba phiên khúc, và lần chót chỉ lập câu "Địt mẹ cộng sản" tám lần) thành 40 lần, 1 chữ "đụ," 8 chữ "đéo," và 1 chữ "đĩ." Với 49 chữ fuck (địt/ đụ/ đéo) và tổng cộng 50 chữ tục tĩu (địt/ đụ/ đéo/ đĩ), "ĐMCS" đứng hạng khá cao về từ ngữ tục tĩu so với các bài nhạc rap ở Mỹ. Tuy nhiên, ta không nên đánh giá tính chất tục tĩu của một bài nhạc rap qua số lượng các chữ tục tĩu. Ta cần phải xem xét các chữ này được dùng như thế nào và trong bối cảnh nào. Như sẽ được trình bày sau, phẩm chất chửi thề trong "ĐMCS" (nếu có cái gọi là "phẩm chất chửi thề") vượt xa phẩm chất chửi thề trong các bài nhạc rap của các nghệ sĩ rap Hoa Kỳ.