Câu “Phật Pháp không phải là Phật Pháp cho nên gọi là Phật Pháp” xuất hiện trong nhiều cuốn Kinh Phật. Nó được nhắc lại
nhiều lần trong kinh Kim Cang. Hãy phân tích để thấu hiểu ý nghĩa bao quát của câu kinh này.
Câu kinh có ba phần rõ rệt: Phật Pháp, không phải là Phật Pháp, cho nên gọi là Phật Pháp.
1/ Phần 1: Phật Pháp
Trước tiên hãy phân biệt Phật Pháp và Kinh Phật
Phật Pháp ̣(Buddha’s teaching) là lời dạy từ chính cửa miệng của Như Lai trong suốt 50 năm giảng đạo. Ở thời điểm đó, Ấn
Độ chưa có chữ viết. Những lời giảng của Ngài được chuyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. (A Nan, người có trí nhớ
siêu phàm và là đệ tử trẻ nhất trong 12 đại đệ tử là người có công nhiều nhất trong việc chuyền khẩu lời của Như Lai). Hậu
qủa của việc chuyền khẩu là: cùng một ý tưởng của Như Lai mà các hệ phái lại diễn đạt khác nhau trong kinh sách của họ.
Đọc những kinh đó, rất khó biết đâu là lời nguyên thủy của Như Lai. Sau này người ta thỏa thuận với nhau rằng: những lời
nào được nhiều cuốn kinh chép giống nhau thì có nhiều cơ may là lời nguyên thủy của Như Lai. Người ta còn nhận xét thêm
được một điều đáng khích lệ: những lời chép giống nhau ấy đều bình dị, khúc triết, chân thành và khiêm nhượng, phù hợp
với ngôn ngữ thường nhật của Ngài.
Như vậy, về phương diện xuất xứ, Phật Pháp chỉ nguyên thủy một cách tương đối chứ không tuyệt đối.
Về phương diện phẩm và lượng, Phật Pháp rất thâm thúy và phong phú (muốn ghi chép đầy đủ̉ phải cần cả ngàn trang).
Mục tiêu là diệt khổ để giải thoát. Phật Pháp (còn được gọi vắn tắt là Pháp) là một trong tam bảo (ba thứ qúy báu): Phật
(Buddha), Pháp (Buddha’s teaching) và Tăng (Community of the people who practice Buddism). Bài dạy đầu tiên và căn
bản của Pháp là Tứ Diệu Đề (the four noble truths): Đau khổ, Nguồn gốc của đau khổ, Cần diệt khổ, Tám phương thức để
diệt khổ.
Kinh Phật là những cuốn kinh do các hệ phái Phật giáo viết ra dựa trên một hay nhiều câu nói của Như Lai. Có hai hệ phái
chính là Tiểu thừa và Đại thừa. Hai hệ phái này lại chia thành nhiều hệ phái nhỏ. Tổng cộng có hàng chục hệ phái khác
nhau. Mỗi hệ phái viết ra một hay nhiều cuốn kinh cho phật tử và tăng ni tụng niệm. Tổng cộng có gần một ngàn cuốn Kinh
Phật đã được viết ra (từ lúc có chữ viết) sau khi Như Lai nhập diệt. Như vậy Kinh Phật là kinh chép những lời của Phật mà
các hệ phái đã sửa đổi rồi pha trộn với học thuật và phong tục của địa phương (tỷ dụ khi tới Trung quốc thì pha trộn với
Khổng học và Lão học thành tam giáo đồng nguyên). Vì thế cho nên ta thấy đầy rẫy những “ánh hào quang” và “phép thần
thông” trong Kinh Phật. Pháp Hoa, Hoa Nhiêm, Niết Bàn, Kim Cang… là những cuốn Kinh Phật quan trọng nhất.
2/ Phần 2: Không phải là Phật Pháp
Phần này phủ định phần 1. Phủ định một chân lý ngay sau khi vừa xác định nó là một kỹ thuật diễn tả độc đáo của Phật học.
Một đặc điểm nữa: càng phủ định một chân lý càng làm cho nó thâm thúy hơn. Hãy thử áp dụng kỹ thuật phủ định của Phật
học để giải thích phần 2 này:
a/ Phủ định thần linh:
Phật học phủ định thần linh một cách nhẹ nhàng, không gay gắt như thuyết Duy Vật. Nhiều người đã hỏi Như Lai về thần
linh và Ngài chỉ trả lời một câu duy nhất: “Đạo của ta là diệt khổ. Có hay không có thần linh không liên hệ gì tới sự diệt khổ
nên ta không nói”.
Phật học không đề cập tới Thượng Đế vì không biết gì về Ngài. Phật học và khoa học có chung một thái độ liên quan tới
Thượng Đế: không biết thì không nói.
b/ Phủ định phép lạ:
Sự phủ định phép lạ của Phật học được hình thành trong giai thoại này: Trong khi chờ đợi qua đò, Như Lai và hai đệ tử
chứng kiến một đạo sĩ Bà La Môn biểu diễn phép khinh công qua lại trên sông và khoe rằng đã khổ luyện 20 năm mới học
được phép đó. Thấy hai đệ tử có vẻ thán phục, Ngài móc một đồng xu trong túi ra và nói rằng: “ Gã đó phải khổ luyện 20
năm mới sang sông được một mình. Thày chỉ cần dùng đồng xu này trả cho anh lái đò là cả ba thày trò mình đều sang sông
dễ dàng”. Một xu của Như Lai có hiệu qủa hơn 20 năm khổ luyện của gã đạo sĩ phù thủy!
c/ Phủ định giáo chủ:
Trong một cuộc hành hương, Như Lai gặp một sa di trẻ và khôi ngô trong một am vắng. Cuộc đối đáp diễn tiến như sau:
-Thày của chú là ai?
-Thày của con là đức Phật.
-Diện mạo của Phật thế nào?
-Con chỉ nghe danh và học Pháp của Ngài chứ chưa hề gặp Ngài.
-Nếu được gặp, chú có thể nhận ra Ngài hay không?
-Thưa không.
-Tôi cũng có một Pháp. Chú nghe thử nhé!
Sau khi nghe bài giảng, sa di bèn qùy gối thưa rằng:
-Vậy thì chính Ngài là Phật rồi. Kính xin Ngài nhận con làm đệ tử.
– Đừng vội nhận ta là giáo chủ chỉ vì ta là Phật. Trước tiên con phải thấu hiểu Pháp của ta. Kế tiếp phải đồng ý với nó. Rồi
phải thực thi nó trước khi nhân ta là giáo chủ.
d/ Phủ định giáo điều:
Chấp nhận Pháp để tu tập thì giải thóat. Giải thoát là thành qủa của sự tu tập chứ không phải thưởng thí của thần linh.
Không chấp nhận cũng không bị trừng phạt.
e/ Phủ định thờ phụng:
Không buộc tín đồ phải lễ bái hoặc cầu khẩn. Cầu tài, cầu lộc, cầu an…không phải là cứu cánh của Pháp.
f/ Phủ định độc tôn:
Một danh sư Ấn-Độ giáo gửi hai đệ tử tới chất vấn Như Lai. Sau cuộc đàm đạo, hai người xin ở lại làm đệ tử của Phật. Như
Lai phán rằng: “Thày của hai ông là một tu sĩ đáng kính. Ngài chưa hề phụ hai ông. Vậy hai ông chẳng nên phụ Ngài. Hai
ông có thể thực thi Pháp của tôi trong khi vẫn tôn Ngài làm giáo chủ”. Sau này cả ba thày trò đều thành đệ tử của Phật.
Phật pháp phủ định độc tôn nên luôn luôn đứng ngoài các cuộc thánh chiến thảm khốc giết hại hàng trăm triệu người vô tội.
Phật Pháp còn gián tiếp tạo cơ may cho tín đồ của những tôn giáo khác nhau chung sống hoà bình.
g/ Phủ định quyền phép:
Như Lai từng than rằng cái nghiệp của Hoàng gia của Ngài qúa nặng do đã giết hại qúa nhiều sinh linh mà không chịu tu tập
Pháp để cải nghiệp; sau này hoàng gia ắt gặp tai ương. Qủa nhiên, không lâu sau khi Ngài nhập diệt, hoàng gia của Ngài bị
tiêu diệt. Chuyện này nói lên rằng Phật Pháp trụ ở việc dạy ta tu thân tích đức để tự cứu lấy mình, không trụ ở việc cứu nhân
độ thế. Như Lai không cứu nổi hoàng gia của Ngài thì hiển nhiên Ngài không phài là đấng cứu thế. Phật tử phải thực thi
Pháp để tự cứu mình, Như Lai không có quyền phép cứu phật tử. Không có đấng cứu thế trong Phật Pháp.
h/ Phủ định tội tổ tông:
Phật Pháp không chấp nhận tội tổ tông (rất phù hợp với luật pháp hiện hành của nền dân chủ). Ai làm phúc thì hưởng phúc.
Ai gây tội thì đền tội. Chỉ lãnh cái tội do chính mình gây ra. Gây nhiều tội mà đền tội chưa hết thì vẫn chưa được tha. Tuyệt
đối không có việc qùy gối xám hối trước Phật đài trong giờ lâm tử thì được tha hết tội đã phạm.
Tóm lại, phần 2 (không phải là Phật Pháp) phủ định cái chất tôn giáo của phần 1 ( phủ định những lợi khí mà các tôn giáo
thường dùng để giữ đạo và truyền đạo ). Nó ngụ ý rằng Phật Pháp không lệ thuộc thần linh, không lệ thuộc phép lạ, không
trụ ở quyền lực, không trụ ở giáo lý, không trụ ở giáo chủ, không trụ ở nghi lễ, không trụ ở thưởng thí và trừng phạt. Người
phật tử có toàn quyền tự do tín ngưỡng và là người duy nhất có quyền tự kết tội hoặc tự tha tội cho mình nếu hành xử theo
như Pháp dạy. Pháp là cao qúy nhất. Theo Pháp là có quyền tự do, là có quyền tự chủ, là có nhân quyền, là không lệ thuộc
ai và không khiến ai lệ thuộc mình, là giác ngộ, là giải thoát, là thành Phật.
3/ Phần 3: Cho nên gọi là Phật Pháp
Phần này phủ định cả hai phần 1 và 2 và cũng là một trong những điều cao thâm nhất của Phật học.
Phần 1 ( Phật Pháp ) giới thiệu đường lối đi từ trần tục tới Niết Bàn. Đường lối này, thoạt nhìn, giống hệt một tôn giáo.
Phần 2 ( không phải là Phật Pháp ) phủ định đường lối ấy, nói rằng nó chỉ là sự diệt khổ. Phủ định cái Niết bàn ấy, nói rằng
nó chỉ là cõi hư vô để giải thóat phận người. Phủ định cái tôn giáo ấy, nói rằng nó chỉ là cái Pháp dạy con người giải thóat,
giống như cái bè giúp ta sang sông (sẽ nói rõ hơn trong phần 3).
Phần 3 ( cho nên gọi là Phật Pháp ) phủ định luôn phần 2 sau khi xác định nó. Hai danh ngôn của Như Lai dưới đây sẽ giải
thích thỏa đáng phần 3 này.
a/ Danh Ngôn của Như Lai trích trong bài Phật Pháp và Chiếc Bè (có thể đọc toàn bài ở phần phụ bản)
Như Lai hỏi 1 trong 12 đại đệ tử : “Sau khi giải thóat con sẽ xử trí đạo của thày ra sao?”
Đệ tử đáp: “ đạo của thày rất nhiệm mầu. Sau khi giải thoát con sẽ khắc trong tim và giữ mãi trong đầu.”
Như Lai phán: “Con hiểu chưa thấu. Đạo của thày giúp con giải thoát giống như chiếc bè giúp con sang sông. Khi đã đáo bỉ
ngạn (sang bờ bên kia) con nên bỏ chiếc bè ấy lại cho người khác dùng, đừng tiếp tục đội nó trên đầu mà đi”
Ý của Như Lai thật minh bạch. Khi một người đã đắc đạo thì đạo pháp chẳng còn có ích lợi gì cho người ấy nữa. Tiếp tục
giữ nó trong đầu tức là nô lệ giáo điều.
Còn nô lệ gíao điều thì vẫn chưa giải thoát.
Phật dạy ta đừng nô lệ bất cứ điều gì kể cả Phật Pháp bởi vì vạn sự đều vô thường. Trong lúc tu hành ta dùng Pháp như
chiếc bè để vượt bể khổ. Lúc này Pháp là hữu. Khi đắc đạo, Pháp trở thành không. Đến lúc đó mà còn bị Pháp trói buộc thì
thật sự chưa giải thoát.
Vậy thì Phật Pháp cũng vô thường. Nó chỉ thường hằng (trường cửu) đối với người chưa giải thoát vì kiếp sau người đó
vẫn phải dùng nó để tu thân. Người đã giải thoát thì không cần tới nó nữa. Đây là vô thường tương đối.
Địa cầu rồi sẽ chết, khi địa cầu chết thì Phật Pháp cũng chết theo. Vậy Phật Pháp sẽ vĩnh viễn vô thường chứ không
thường hằng như một số hòa thượng đã từng thuyết giảng. Đây là vô thường tuyệt đối.
b/ Danh ngôn cuối cùng của Như Lai
Vào năm cuối cùng trước khi nhập diệt, Như Lai phán rằng: “Ta giảng đạo suốt 50 năm mà chưa hề nói một lời nào”.
Đây là câu phủ định cuối cùng của Như Lai. Thâm sâu vô cùng. Cao siêu vô cùng. Mạnh mẽ vô cùng. Khiêm nhượng vô
cùng. Câu này tuy phủ định Phật Pháp mà kỳ thực làm cho Phật Pháp cao thâm hơn. Ý nghĩa của câu này nằm gọn trong
bài Phật Pháp và Chiếc Bè vừa trình bày ở trên.
Danh ngôn này còn phủ định cả ba yếu tố của Tam Bảo:
Mục tiêu của Tăng là giác ngộ để thành Phật. Vậy thì Tăng không qúy bằng Phật nghĩa là phủ định Tăng sau khi Tăng thành
Phật.
Phật nhập diệt mà Pháp vẫn còn. Vậy thì Phật không qúy bằng Pháp nghĩa là phủ định Phật sau khi đã có Pháp.
Còn Pháp thì sao? Pháp có thường hằng (vĩnh cửu) không? Khi đã giải thoát thì không cần tới Pháp nữa nghĩa là phủ định
Pháp sau khi giác ngộ. Nói cách khác, Pháp cũng vô thường như Phật và Tăng.
KẾT LUẬN
Câu “ Phật Pháp không phải là Phật Pháp cho nên gọi là Phật Pháp” có nghĩa là Phật Pháp giống một chiếc bè để sang
sông, chứ không giống một tôn giáo để lệ thuộc. Sang sông rồi thì bỏ bè lại để giải thoát. Như thế mới gọi là Phật Pháp.
Con Cò
PHỤ BẢN
PHẬT PHÁP và CHIẾC BÈ
Vịnh Tam Bảo bài 13
Chất Liệu
Như Lai hỏi 1 trong 12 đệ tử : ” Sau khi đắc đạo con sẽ xử trí đạo của thày ra sao?”
Đệ tử đáp: “ đạo của thày rất nhiệm mầu. Sau khi giải thoát con sẽ khắc trong tim và giữ mãi trong đầu.”
Như Lai phán: “Con hiểu chưa thấu. Đạo của thày giúp con giải thoát giống như chiếc bè giúp con sang sông. Khi đã đáo bỉ
ngạn (sang bờ bên kia ) con nên bỏ chiếc bè ấy lại cho người khác dùng, đừng tiếp tục đội nó trên đầu mà đi”
Lời bàn
Ý của Như Lai thật minh bạch. Khi một người đã đắc đạo thì đạo pháp chẳng còn có ích lợi gì cho người ấy nữa. Tiếp tục
giữ nó trong đầu tức là nô lệ giáo điều. Còn nô lệ gíao điều thì vẫn chưa giải thoát.
Phật dạy ta đừng nô lệ bất cứ điều gì kể cả Phật Pháp bởi vì vạn sự đều vô thường. Trong lúc tu hành ta dùng Pháp như
chiếc bè để vượt bể khổ. Lúc này Pháp là hữu. Khi đắc đạo, Pháp trở thành không. Đến lúc đó mà còn bị Pháp trói buộc thì
thật sự chưa giải thoát.
Vậy thì Phật Pháp cũng vô thường. Nó chỉ thường hằng (trường cửu) đối với người chưa thoát tục vì kiếp sau người đó vẫn
phải dùng nó để tu thân. Người đã giải thoát thì không cần tới nó nữa. Địa cầu cũng vô thường, khi địa cầu chết thì Phật
Pháp cũng chết theo. Vậy Phật Pháp cũng vô thường chứ không thường hằng như một số hòa thượng đã từng thuyết
pháp.
Thơ
Như Lai hỏi: “Sau khi giải thoát
Đạo của ta con giữ thế nào?”
Chúng tăng thưa: “Đạo thày qúi nhất
Rất từ bi và rất cao sâu
Chúng con ngưyện từng giây từng khắc
Giữ trong tim và đội trên đầu”
Phật lại hỏi: “Trên làn nước bạc
Con dùng bè mà vượt sông sâu.
Khi tới bến trao cho kẻ khác
Hay đội bè mãi mãi trên đầu?
Vượt bến mê thì dùng đạo Pháp
Như dùng bè mà vượt sông sâu.
Đáo bỉ ngạn sau khi giải thoát
Đạo Pháp còn ích lợi gì đâu!”
Qua bể khổ vứt bè mau,
Để cho hậu thế ngàn sau biết xài.
Đừng vì qúa nể Như Lai,
Hiểu sai Phật Pháp dùng sai chiếc bè.
Bác sĩ Nguyễn Văn Bảo