LONG BEACH, California (NV) - Công việc làm ở đời đôi khi là do cơ duyên, không biết trước được. Đó là trường hợp của ông Vũ Hữu Thắng, một người bán bảo hiểm nhân thọ, sau 35 năm trong nghề, nay làm nghề sửa đồng hồ ở chợ trời.
Ông Vũ Hữu Thắng, một người bán bảo hiểm nhân thọ, sau 35 năm trong nghề, nay làm nghề sửa đồng hồ ở chợ trời. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Trải qua nhiều năm dài sinh sống bằng nghề bán bảo hiểm, đại diện các hãng bảo hiểm, như AIG, All State, nay tôi sửa đồng hồ tại sạp số D27 vào hai ngày cuối tuần, ở chợ trời Golden West, Huntington Beach,” ông Thắng nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Ông cho biết: “Tôi năm nay 68 tuổi, qua Mỹ năm 1980, theo nghề bán bảo hiểm tính đến nay đã trên ba thập niên. Từ năm 1990, tôi thích sưu tầm đồng hồ, trước là thú vui, sau nhờ anh Ngọc Châu, nay đã qua đời vì bệnh tiểu đường, chỉ vẽ cho nghề sửa đồng hồ. Thế là tôi làm thiệt luôn!”
Ông Thắng kể rằng trong giai đoạn đầu, ông mua đồng hồ cũ rồi mua đi bán lại. Góp gió thành bão cho đến năm 2000-2001, ông chính thức mở tiệm sửa đồng hồ ở Lakewood thuộc Los Angeles.
“Tôi cũng may có người em rể, chuyên sửa đồng hồ. Cậu ấy thích đồng hồ từ năm 7, 8 tuổi và chỉ thêm cho tôi, nên bây giờ thì đồng hồ nào tôi cũng sửa. Không dám nói là sửa được hết, nhưng đa số tôi sửa được,” người thợ sửa đồng hồ nói.
“Dĩ nhiên, đối với một số đồng hồ quá cũ, sửa được mau hay chậm, tùy theo có tìm được cơ phận thay thế sớm hay trễ. Đôi khi không tìm ra 'part' thì cũng phải bó tay,” ông thành thật tâm sự.
Ông Vũ Hữu Thắng. (Hình: Ông Vũ Hữu Thắng cung cấp)
Ông kể những mẩu chuyện vui khiến ông thấy công việc làm của mình là một niềm vui.
“Điều vui thích nhất của tôi là có những bà con không ngại đường xa, lái xe cả trăm dặm, đem chiếc đồng hồ quý lại cho tôi sửa. Có chiếc đồng hồ của cha ông để lại, cũ lắm và tuổi còn lớn hơn bản thân tôi nhiều. Thế mà tôi cũng giúp hồi sinh cho khách những chiếc đồng hồ mang đầy kỷ niệm ấy. Những lúc đó, tôi thích thú lắm,” người thợ yêu đồng hồ chia sẻ.
Về thù lao, ông cho biết không phải là vấn đề chính.
“Tùy nhu cầu của khách. Tôi chỉ tính giá văn nghệ thôi. Cũng may là gia đình tôi cũng hỗ trợ cho cái thú vui của tôi. Đôi khi cũng giúp được đồng hương, vô tình có được chiếc đồng hồ cũ của ông cha để lại. Giá trị tinh thần đối với họ mới là điều đáng quý, dù họ có dư sức để mua chiếc đồng hồ khác, mới và tối tân hơn nhiều,” ông Thắng giải thích.
Ông cho biết: “Bà xã tôi, thêm đứa con trai và đứa con gái, cuối tuần nào cũng ra chợ trời, phụ giúp tôi vào hai ngày cuối tuần. Khách đồng hương Việt Nam mình nhiều. Đôi khi có người còn muốn hẹn riêng, vì họ cũng là dân thích sưu tầm đồng hồ.”
“Khi gặp những người như thế, tôi say sưa nói chuyện, quên mất rằng mình là thợ sửa đồng hồ, mà cũng là dân chơi đồng hồ. Thế mới biết tri kỷ là thế nào,” ông vui vẻ kể thêm, “tôi cũng sưu tầm được một vài chiếc Rolex, kiểu Submarine cho thợ lặn, cũ chừng 60-70 năm.”
Mặt sau của dĩa sành sứ "Khánh Xuân." (Hình: Ông Vũ Hữu Thắng cung cấp)
Ông Thắng cho hay, ông quê ở Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Ông cho biết sinh sống ở Sài Gòn, quê vợ gần ngã tư Bảy Hiền. Từ ngày sang Mỹ, gia đình ông định cư ở Long Beach, California. Thú vui, ngoài việc sưu tầm và sửa đồng hồ, ông Thắng cho biết thích nghe nhạc và chơi máy hát có “bóng đèn tube” và chơi đồ cổ sành sứ.
Chị Ngọc Anh, người em gái con chú bác với ông Thắng, cho biết: “Tôi còn nhớ năm 1979, anh Thắng tổ chức vượt biên. Khi ấy anh là hạ sĩ nhất Tiểu Đòan 52 Biệt Động Quân. Anh mua một chiếc tàu nhỏ và về sống hai năm trước, ở Vũng Tàu cho da ngăm đen nhằm tránh sự chú ý của công an. Sau cùng thì may mắn cả 121 người trên tàu, vượt biên an toàn.”
“Tôi còn nhớ ngày lên tàu, anh ấy đưa cho tôi giữ một gói giấy, căn dặn rằng bằng bất cứ giá nào cũng không được để mất. Sau này tôi mới biết là gói đó chứa đồ sành sứ của anh ấy sưu tầm!” người em gái nói thêm.
Ông ngỏ ý muốn chia sẻ với những người đồng sở thích, qua điện thoại (310) 408-5576 hay email:
tomvu6204@yahoo.comLinh Nguyễn/Người Việt