Hỏi đáp Y học: Tai biến mạch máu não Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Thính giả Diệp Thị Liên, ở Ðồng Nai, Việt Nam, có câu hỏi như sau:
"Cậu em tôi tên Đỗ Văn Thiên, năm nay 52 tuổi, ở Đồng Nai. Cách đây 3,4 năm, em tôi bị tai biến mạch máu não ảnh hưởng tới tay phải và chân phải. Hiện tại chạy chữa châm cứu thì cũng đỡ. Tay phải thì cũng bưng được tô hủ tiếu nhẹ, còn chân phải thì ngồi ở yên sau cũng đạp được xe đạp từ từ nhè nhẹ. Bây giờ em tôi không còn uống thuốc của bác sĩ kê nữa mà uống một loại chức năng gọi là Giảo cổ lam được bào chế ngoài Hà Nội. Loại thực phẩm chức năng này được làm từ một loại cây, nó không phải là thuốc, chỉ là thực phẩm chức năng thôi. Em tôi uống cái đó thì thấy đỡ lắm. Máu huyết giờ cũng ổn định rồi. Ngoài ra thì cũng uống thêm một loại thuốc sủi. Nếu mà uống viên sủi này vào thì đỡ và không bị chuột rút ở chân. Còn nếu mà không uống thì bị chuột rút ở chân, đi không được. Như vậy tôi muốn hỏi bác sĩ là mình có cần phải uống thêm loại vitamin hay khoáng chất nào nữa hay không? Muốn uống viên vitamin C thay thế cho viên sủi có được hay không?"
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải lắng nghe giải đáp của bác sĩTai biến mạch máu não, vitamin C và lá bạch quả
(Stroke, Vitamin C and Ginkgo biloba)Thân nhân của vị thính giả đang dùng một số thuốc không rõ tên của bác sĩ ở Việt Nam cho, tất nhiên tôi không thể có ý kiến gì về những thuốc này. Cũng vậy, về câu hỏi có thể dùng vitamin C để thay thế môt thứ thuốc nào đó, tôi cũng không biết thuốc bệnh nhân đang dùng là thuốc gì, nên không trả lời được. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra một vấn đề thú vị về y khoa: vai trò của vitamin C trong tai biến mạch máu não (TBMMN) như thế nào?
Trước hết xin nhắc lại TBMMN (cerebrovascular accident), hay "stroke" (đột truỵ/đột quỵ) được định nghĩa như là một thay đổi đột ngột của cơ năng thần kinh gây ra bởi một thay đổi trong lượng máu cung cấp cho não bộ.
Stroke có thể do :
• Mô não chết vì không đủ máu đến nuôi dưỡng (ischemic infarct) do một mạch máu bị tắc nghẽn,
a) vì máu đóng cục trong lòng mạch máu (cerebral thrombosis),
b) hoặc vì một cục máu từ một nơi khác (embolus; thường từ tim đến, do rung tâm nhĩ [atrial fibrillation], máu trong tâm nhĩ dễ đóng cục) đến làm tắc nghẽn mạch máu não.
Triệu chứng chính là một bộ phận nào đó ngưng làm việc (focal deficit) (vd: liệt một phần cơ thể, không nói được).
• TBMMN (Stroke) có thể do chảy máu trong óc (do một động mạch bị vỡ, vì động mạch đó bất bình thường bẩm sinh [arteriovenous malformation] ở người trẻ; ở người già thì thường gặp nhất là bệnh áp huyết cao làm thoái hoá (degeneration) vách các động mạch phần dưới của não bộ (hypertensive intracerebral hemorrhage). Người bệnh bị nhức đầu, bị mất cơ năng cục bộ (không cử động được một nhóm bắp thịt, mất cảm giác một vùng nào đó; focal deficit), và mức tỉnh táo, ý thức cũng giảm.
• Ngoài ra, người bị chảy máu dưới màng não, trong vùng nước tuỷ sống (subarachnoid hemorrhage) thường bị nhức đầu nhiều, đối với giảm ý thức tổng quát, không tỉnh táo (decreased level of consciousness).
• Sọ là một cái hộp cứng, không giãn nở được. Do đó, khi máu chảy trong não hay dưới màng óc (subarachnoid hemorrhage) tạo nên một khối đè nén lên phần còn lại của não bộ, lại thêm vào đó làm phù nề não bộ (cerebral edema), do đó gây trở ngại cho sự tuần hoàn của máu đem dinh dưỡng (glucose) và cung cấp oxy cho não bộ.
Các biện pháp ngăn ngừa TBMMN (stroke) do thiếu máu (ischemic strokes, không phải do chảy máu) trở lại:
1) Nhóm thuốc chính được dùng có tác dụng làm giảm đông máu;
• chính là aspirin (75-320mg/ ngày);
• clopidogrel (Plavix);
• heparin;
• warfarin.
2) Quan trọng không kém là kiểm soát bệnh áp huyết (hypertension) cao, bệnh tiểu đường (diabetes) và bệnh mỡ cao trong máu (hyperlipidemia), ngưng hút thuốc lá, chữa bệnh tim (rung tâm nhĩ), chữa bệnh xơ vữa động mạch cỗ (atheroma of the carotid arteries).
3) Ngoài ra còn có chương trình phục hồi (rehabilitation) người bệnh sau khi stroke, như giải quyết các vấn đề tinh thần (trầm cảm, thiếu chú ý), dinh dưỡng, ngôn ngữ, vật lý trị liệu, v.v.... giúp trở lại đời sống càng gần vơi bình thường càng tốt.
4) Về Vitamin C (ascorbic acid), có một số bác sĩ căn cứ trên một số nghiên cứu chứng tỏ Vitamin C tối cần cho sự toàn vẹn của vách mạch máu và cho sức khoẻ của các mạch máu, và dùng vitamin C ở những liều cao rất nhiều (megadoses) so với liều được dùng trong y khoa luồng chính. Chính phủ Mỹ khuyến cáo chúng ta cần 60-95mg vitamin C/ ngày, NIH thì khuyên chừng 200mg/ngày, trong lúc đó có những bác sĩ khuyên dùng đến vài gram (vài ngàn mg)/ ngày ). Nói chung lợi ích và công dụng của vitamin C là một đề tài tranh cãi trong giới khoa học từ mấy chục năm nay, chưa ngã ngũ. Hiện nay, mức vitamin C uống cao nhất được coi có thể chấp nhận (upper tolerable level) là 2000mg/ngày. Dùng nhiều hơn có thể tiêu chảy và sạn thận (vitamin C [ascorbic acid] được biến dưỡng thành oxalate, sinh ra sạn oxalate trong nước tiểu).
Những nghiên cứu gần đây cho thấy người có mức vitamin C cao nhất trong máu ít bị TBMMN (stroke) hơn người có mức vitamin C thấp, và cơ nguy tai biến mạch máu não (risk of stroke) có thể giảm đến 70%. Việc này chứng tỏ mức vitamin C gắn liền với khả năng ít bị stroke hay không, tuy nhiên giới khoa học hiện nay chỉ cho đây là một tương quan (correlation) giữa hai hiện tượng, chưa chứng minh rằng uống nhiều vitamin C làm giảm stroke (tương quan nhân quả). Các chuyên gia nói chung chỉ khuyên chúng ta ăn uống rau quả nhiểu là tốt hơn cả. Nếu uống vitamin C, nên tham khảo với bác sĩ của mình về liều lượng thích hợp.
(Ref: WEBMD/ January 10, 2008, 12:33 AM.Study Links Vitamin C To Stroke Risk.
http://www.cbsnews.com/2...-500368_162-3694740.html)
• 5) Nói về thuốc dược thảo được dùng chữa bệnh stroke, chúng ta có thể nhắc đến ginkgo biloba, tiếng Việt gọi là cây bạch quả, cây mọc ở Trung quốc, Nhật và Nam Hàn, cao 20-30 mét. Bạch quả là một trong những cây sống lâu nhất thế giới, có thể cả ngàn năm (tiếng Pháp Abricot argente’ japonais,arbre aux ecus;Trung hoa: Bai Gua).
• Người ta nghĩ tác dụng chính là cải thiện lưu thông máu (blood flow) ở óc, mắt, và các bắp thịt (cơ).
• Nghiên cứu vể hạt bạch quả (seeds) còn ít; người ta thấy hạt bạch quả có những chất giết vi khuẩn, ngược lại cũng chứa chất độc tố có thể gây bất tỉnh (loss of consciousness) và co giật (epilepsy).
• Lá bạch quả hình quạt, có hai thuỳ, được dùng trong ngành y học " lề trái" (alternative medicine) của Mỹ, và đang được nghiên cứu khoa học trên loài vật.
• Gần đây một nghiên cứu của đại học Johns Hopkins (Mỹ), công bố trên báo y khoa “Stroke,” cho thấy ở chuột được chữa bằng ginkgo biloba, các mô thẩn kinh bị hư hại giảm xuống chứng một nửa, cũng như các rối loạn về thần kinh do stroke gây ra cũng giảm xuống chừng một nửa. Người ta nghĩ rằng có thể lá ginkgo biloba làm vô hiệu hoá các gốc hoá học tự do (free radical) chung quanh nơi xảy ra stroke.Tuy nhiên xin nói rõ, đây là thí nghiệm trên chuột, chưa có gì chứng tỏ áp dụng được kết quả này trên con người.
(Ref:Can ginkgo protect from strokes?
http://www.nhs.uk/news/2...andstrokeprevention.aspx)
Cũng như mọi khi, những điều chúng ta bàn ở đây chỉ có tính cách thông tin. Thính giả cần tham khảo trực tiếp với bác sĩ của mình.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền.