Sau 40 năm kể từ ngày CSVN cai trị tòan cõi Việt Nam người dân tiếp tục bỏ xứ ra đi bằng mọi cách vẫn tiếp tục diễn ra.
Cuối năm 2014, một cuộc khảo sát được công bố cho thấy, chỉ có 6% du khách quay trở lại Việt Nam, trong khi đó đến hơn 90% du khách mới đến Việt Nam lần đầu. Mới đây, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2015 giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho dù đang là mùa cao điểm đón du khách ngoại quốc. Điều gì đã khiến cho người ngoại quốc không muốn đến Việt Nam du lịch?
Đa phần du khách ngoại quốc chỉ đến Việt Nam một lần cho biết, chứ họ không hề có ý định quay trở lại lần thứ hai. Thực tế có thể dễ dàng nhận thấy rằng những sản phẩm du lịch của Việt Nam hết sức nghèo nàn, cũng từng đó sản phẩm cứ lặp đi lặp lại trong suốt thời gian dài mà không tạo thêm được những cái mới. Khi đến với đồng bằng sông Cửu Long, du khách được chở bằng xuồng đến những khu vườn sinh thái, nghe đờn ca tài tử mà điều này đã có từ hàng chục năm nay. Không có thêm những nhà đầu tư có thể tạo ra những sản phẩm du lịch mới hơn.
Du lịch Việt Nam được chính quyền coi là "ngành công nghiệp không khói", vậy nhưng từ lâu "ngành công nghiệp" này không được đầu tư một cách đúng đắn. Có một điều không thể chối cãi được là kinh nghiệm làm du lịch ở Việt Nam rất hạn chế, khách du lịch khi đến Việt Nam thường than phiền họ không được cung cấp nhiều thông tin về các điểm du lịch trong nước. Du lịch Việt Nam cũng không được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Ngay cả những địa điểm công cộng, như: phi trường, nhà ga...tưởng chừng như là nơi mà du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các điểm du lịch nhất cũng rất khó mà tìm thấy.
Môi trường ô nhiễm, rác rưới khắp nơi. Giao thông lộn xộn cũng rất dễ gây ra tai nạn là nguyên nhân khiến cho du khách không muốn quay trở lại Việt Nam. Song, điều khiến du khách e ngại nhất vẫn là tính mạng họ không được an toàn. Trộm cắp liên tục diễn ra, mục tiêu mà các đối tượng móc túi, trộm cắp chú ý thường là những du khách ngây thơ, vì đã quen sống trong những đất nước văn minh, hiếm khi xảy ra trộm cướp.
Vào tháng 10/2014, trước tình trạng trộm cắp lộng hành, công ở thành phố Sài Gòn đã phải cho phát tờ rơi để báo động du khách cần phải chú ý đến tài sản của mình khỏi bị trộm cắp.
Thêm nữa, hành khất, người bán hàng rong đeo bám xin xỏ, mời chào mua hàng đã cướp đi sự tự do, không gian riêng tư của du khách. Đó là chưa nói, những trò lường gạt đánh vào những vị khách hiền lành thường xảy ra thường xuyên. Hàng quán chặt chém, xem du khách như những con mồi tha hồ "chặt đẹp" với những cái giá trên trời. Trong khi đó thực phẩm lại trôi nổi không bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong vài năm trở lại đây, lượng du khách người Nga đến Việt Nam rất đông. Với bản tính hung hăng, thích gây gỗ của mình, người Nga tạo ra sự kỳ thị từ những du khách ở các nước khác. Những nơi nào có du khách Nga thì những du khách, nhất là du khách phương Tây, Úc thường né tránh. Trong khi đó, chính quyền lại quá chú trọng đến khách Nga mà quên đi những vị khách truyền thống của mình. Với việc nước Nga rơi vào khủng hoảng, đồng tiền Nga bị mất giá, số lượng khách Nga đến Việt Nam theo đó mà giảm rất nhiều. Theo ông Nguyễn Đức Tấn, giám đốc điều hành công ty Anex Tour Việt Nam chuyên đón khách Nga dự đoán, lượng khách Nga đến Việt Nam vào năm 2015 sẽ giảm hơn 40%.
Với cách làm chụp giựt, chạy theo cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến những hệ quả, thiếu đi cái nhìn bao quát, những người làm chính sách ở Việt Nam đã đẩy "ngành công nghiệp không khói" đi vào chỗ khó khăn, mà không tìm ra được hướng giải quyết
SBTN