Mỗi năm vào Tháng Tư là Mùa Quốc Hận 30/4, nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức với những ca khúc chủ đề viễn xứ, tị nạn vượt biển, thương nhớ Sài Gòn, đấu tranh dân chủ…
Trong danh sách các bài hát chủ đề này, có một bản khán giả thường hay nghe là Chiều Tây Đô của nhạc sĩ Lam Phương. Ông rời đất nước vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975 trên chiếc tàu Trường Xuân, và từ đó cho đến hôm nay chưa bao giờ trở lại quê nhà. Mặc dù không trải qua những tháng ngày sống dưới chế độ Cộng Sản nhưng đọc tin tức và nghe người quen kể lại, người nhạc sĩ tài hoa tưởng tượng và cảm hứng viết nên bản Chiều Tây Đô, vẽ ra khung cảnh u buồn của một xã hội dưới sự cai trị của chế độ độc tài.
Ông chọn Tây Đô, mỹ danh của thành phố Cần Thơ, được gọi là thủ đô của miền Tây Nam Bộ, cũng là quê hương người tình của ông. Cần Thơ có con sông Hậu Giang, một nhánh lớn của sông Cửu Long chảy ngang miền Tây Nam Bộ, có bến Ninh Kiều thơ mộng dập dìu du khách và tài tử giai nhân và những quán ăn trên sông nước, có những vườn cây ăn trái xum xuê ổi mận soài vú sữa thu hút người thăm viếng…, là một cái tên quen thuộc của người Miền Nam sau Sài Gòn.
Bài hát ra đời năm 1984 lúc Lam Phương đang ở Paris thủ đô nước Pháp. Lời ca như sau:
“Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về
Thăm quê xưa với vườn cau thề
Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô
Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều
Sao anh không thấy về Ninh Kiều
Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen
Đen như manh áo buồn chưa quen
Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van
Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển
Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay
Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày
Vợ chờ tin chồng ngày về quá xa xăm
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?
Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường
Nay nghe sao khác từ tên đường
Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương.”
Thể điệu Bolero nhịp nhàng quen thuộc với sở thích nghe và hát nhạc của nhiều tầng lớp thính giả, lời ca dù ảm đạm nhưng vẫn có nét nhẹ nhàng mang bản sắc chữ nghĩa của người nhạc sĩ đất Kiên Giang. Mới thoáng qua vẫn tưởng là một bản tình ca ngọt ngào, nhưng nghe kỹ từng lời hát thì có chủ ý, như câu “ Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?” Tác giả đắc ý câu này nhất, ông được nghe kể rằng cán bộ Cộng Sản ở trong nước khi ngồi nhậu nhẹt hát Karaoke vẫn thoải mái ca bản Chiều Tây Đô ở các quán nhậu.
Trong bản nhạc có câu : “Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển” , mấy nốt nhạc của “ đưa người vượt biển” xuống thấp thật ngọt ngào.
Kết bài hát với ước mơ “ tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương. Tây Đô sẽ sống lại yêu thương.”
Bốn mươi năm trôi qua, ước mơ trở về quê hương trong cảnh thanh bình tự do vẫn dạt dào trong lòng Lam Phương, người viết ca khúc tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam và trong lòng bao nhiêu người ở hải ngoại.
Rất nhiều người đã hát Chiều Tây Đô trong những buổi sinh hoạt cộng đồng cũng như ở những chỗ tụ họp ca nhạc và nhiều ca sĩ đã thu băng bài hát này. Tháng Tư năm nay 2015, mời hát và nghe lại ca khúc này với kỷ niệm bồi hồi.
SBTN