Chẳng biết có đúng hoàn toàn hay không, thường khi nói về người miền Nam, ấn tượng đầu tiên họ sống thật lòng và rộng rãi. Tiện bữa, gặp khách là họ mời. Mà là mời thiệt, chứ không mời lơi kiểu tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Họ chỉ mời khi nồi còn cơm. Hết cơm là thôi, họ không mời. Còn nhiều người những vùng khác, nồi hết cơm vẫn cứ mời rôm rả. Tất nhiên người được mời hiểu ngầm cách mời đó chỉ làm cho khách không bẽ mặt. Nên họ không ngồi xuống, mà chỉ cảm ơn. Đại thể, những tiếng mời đó là một cách xã giao, nặng phần trình diễn.
Sau 30-4 năm 1975, những đợt người từ miền Bắc thực hiện những chiến dịch Nam tiến ồ ạt vào các tỉnh miền Nam. Lúc đầu đa phần họ nghèo khó. Nhưng chỉ sau một thời gian làm việc chăm chỉ, họ mua đất, cất nhà. Đến lượt nhiều người ở miền Nam bao đời sống trên mảnh đất cha ông để lại, dần dần phải cắt đất bán. Có lẽ do xài rộng. Một phần vì chưa khổ bao giờ nên họ không để ý đến chuyện phòng xa. Rồi túng thì đi vay, cầm cố. Cuối cùng là bán nhà, bán đất. Nhìn lại sau một thời gian không lâu, người khó, người có hoán vị…
So sánh giữa người Việt sống ở Mỹ và người dân bản xứ, tất nhiên không quá lộ liễu như cảnh người Bắc thành công ở miền Nam sau 1975. Nhưng nhìn lại người Việt ở Hoa Kỳ vẫn thành công hơn nhiều so với người bản xứ. Người Việt chúng ta có nhà, có xe, có tài khoản. Thỉnh thoảng đi Việt Nam thăm thân nhân, cũng là một dạng du lịch mà người bản xứ cho là xa xỉ, bởi tốn kém nhiều.
Càng để ý kỹ mới thấy cảnh khổ trong cuộc sống của người dân bản xứ Mỹ, nhất là với những ai sống trong cảnh paycheck-to-paycheck. Nhiều khó khăn quá, họ phải vay mượn lãi cao. Những thương hiệu nổi triếng nhất trong kỹ nghệ payday loan (vay tiền và đến ngày lãnh lương phải trả) như Payday Advances, Payday Loans, Payday Loan Store, Fast Cash, và Money Shop ồ ạt xuất hiện. Người kẹt tiền sẽ ra đây mượn, đợi tới ngày lãnh lương (payday) sẽ thanh toán. Thường thì tiền lãi tại những nơi này rất cao. Còn không thể vay được, nhiều người Mỹ phải mang nhẫn cưới, nữ trang, máy chụp ảnh, smart phone, máy cắt cỏ còn tốt, ipad, và những thứ quý giá khác ra pawn shop (tiệm cầm đồ) thế chấp, dĩ nhiên là tiền lời không rẻ. Tới ngày thanh toán mà không chuộc được là coi như mất.
Nhìn chung những nơi cho vay cắt cổ này thường được gọi là shark loan – khoản nợ cho vay kiểu cá mập. Khi phải đến những nơi này vay mượn, có thể nói đây là chuyện hết sức đặng chẳng đừng. Vạn bất đắc dĩ mới phải mượn tiền lãi cao như vậy. Nhưng thực ra các cửa hiệu shark loan này vẫn chưa khủng khiếp bằng một loại dịch vụ cho vay khác, đó là title loan – cho vay bằng cách phải thế chấp giấy sở hữu xe, nhà…
Sau đây là một ví dụ mượn tiền thế chấp title xe. Món nợ trung bình khoảng $1.000; hoặc do chủ nợ định giá trị số tiền sẽ cho vay. Thời gian vay là 30 ngày. Thanh toán một lần hoặc thành nhiều đợt trả khác nhau. Nếu tới thời hạn thanh toán mà không có tiền trả, người vay sẽ có hai lựa chọn: (a) mất xe, (b) trả một khoản phí $250 gia hạn. Theo tổ chức Pew (chuyên thống kê các sinh hoạt xã hội), với số tiền vay là $1.000, trung bình khách phải trả khoảng $1.200 cho khoản nợ ban đầu $1.000 đó. Tất nhiên có người sẽ phải trả nhiều hơn.
Thống kê ở Mỹ hằng năm có khoảng 2.5 triệu người sử dụng dịch vụ title loan. Có lẽ con số sẽ còn cao hơn, không phải vì kinh tế Hoa Kỳ tươi sáng, mà vì rất nhiều người Mỹ không có title để đi cầm. Cần biết, nếu không sở hữu 100% tài sản thì không thể có title free of lien (giấy chủ quyền đã trả tiền xong). Trong trường hợp này title free of lien là cái cán để các chủ title loan nắm. Họ đâu dại dột gì dây dưa với người không có tóc. Kết quả là số khách hàng 2.5 triệu người này đem lại cho kỹ nghệ title loan một khoản doanh thu (revenue) lên tới 3 tỷ Mỹ kim. (So với payday loan doanh thu lên tới 9 tỷ Mỹ kim). Tuy nhiên hậu quả của người vay từ title loan (so với payday loan) hết sức nguy hiểm.
Tại sao title loan nguy hiểm hơn payday loan? Thứ nhất, vì title loan dễ được duyệt hơn. Khách hàng của payday loan phải chứng minh là mình phải có việc làm, chủ cho vay phải kiểm chứng kỹ càng mới dám cho vay. Trong khi khách hàng của title loan chỉ cần trong tay có title free of lien và chứng minh là chủ sở hữu 100% tài sản trong title đó. Rồi họ sẽ được vay. Thứ hai, số tiền được vay tại các tiệm title loan thường lớn hơn số tiền các tiệm payday loan; tất nhiên là title của tài sản thế chấp phải có giá trị lớn. Vì vậy: (a) dễ vay, và (b) được vay với số lượng lớn, người đang trong lúc túng tiền sẽ vay nhiều hơn tại các title loan shop. Kết quả là con đường đi vào vòng xoáy miệng cá mập sẽ dễ dàng hơn.
Một điểm đáng ngại hơn nữa là lãi suất. Theo Pew, dân vay payday loan trung bình trả $375/tháng – tất nhiên đây chỉ là con số trung bình, có người trả nhiều hơn, hoặc ít hơn – và số tiền lãi thường chiếm mất 36% thu nhập mỗi tháng của họ. Trong khi đó dân đi vay thế chấp title mất tới 50% thu nhập tháng; đặt giả thiết số tiền họ vay tương đối lớn.
Rồi để nắm đằng chuôi, nhiều chủ cho vay title loan yêu cầu con nợ đồng ý cho phép chủ nợ gắn thiết bị kiểm tra định vị (GPS tracking devices) và có thể điều khiển từ xa, ngắt điện bộ phận khởi động khiến xe chết máy. Nhiều chủ nợ title loan có thể kéo xe (repossess) của khách sau chỉ 1 lần trễ nải – Just one missed payment. Nhưng thường thì họ sẽ không làm thế. Họ đề nghị khách nên gia hạn, extend the loan – cho tới khi giá trị chiếc xe đã bị các khoản phí “ngốn hết”. Lúc đó họ mới kéo xe. Vì theo luật, nhiều tiểu bang quy định nếu kéo xe mà giá tiền cao hơn khoản vay, chủ nợ sẽ phải trả cho khách vay số tiền chênh lệch.
Theo Nick Bourke, giám đốc của Pew – mối nguy hiểm khi sử dụng title xe để vay tiền rất đáng ngại. Vẫn biết chỉ khi rơi vào cảnh túng thiếu con nợ mới phải đi vay. Nhưng một khi dây dưa với những shark loan, món nợ nhỏ đôi khi đã khó trả; món nợ lớn lại càng khó trả hơn. Vì thế nếu không trả nổi khoản tiền đã vay là mất xe. Business is business. Làm ăn đâu ai thừa hơi nói tới lòng trắc ẩn. Mà chiếc xe là cái chân. Mất nó là biết bao hệ lụy phiền toái khác sẽ xảy ra cho con nợ.
Vậy phải làm gì để giúp các nạn nhân? Theo Nick Bourke, cùng với vài nhóm bênh vực quyền lợi người tiêu dùng cho biết các nhà làm luật (regulators) cần phải đặt ra qui định rõ ràng về giá cả phí dịch vụ (put a cap on the fees) thay vì để cho chủ nợ tha hồ định giá. Ngoài ra họ phải niêm yết lãi suất một cách minh bạch. Các khoản nợ lãi suất cao phải cho con nợ đủ thời gian hợp lý để trả nợ (trả trong nhiều tháng), thay vì chỉ trong mấy tuần lễ. Ngoài ra họ cho rằng số tiền cao nhất được phép cho vay cần có giới hạn
(maximum amount of the loan). Đừng để chủ nợ cho con nợ vay quá nhiều, vô tình đẩy con nợ vào chỗ không có khả năng thanh toán, hậu quả là sẽ bị mất xe. Vẫn theo Nick Bourke, nếu không làm rõ, title loan (thoạt nhìn vào) có vẻ hấp dẫn hơn payday loan nhưng thực tế rất nguy hiểm.
Hiện nay Cơ quan CFPB (Consumer Financial Protection Bureau) của Hoa Kỳ đang xúc tiến điều chỉnh hệ thống luật can thiệp vào lối hoạt động của các chủ nợ title loan cũng như các chủ nợ payday loan. Nhiều tiểu bang đã tự động đưa ra các qui định bảo vệ người dân không bị các “ngáo ộp ngành cho vay” ăn hiếp. Không thì các chủ nợ title loan và payday loan tha hồ làm mưa làm gió. Ví dụ như tại New York, mức phí cao nhất (capped) là 25%. Tất nhiên qui định này đã khiến cho các chủ nợ title loan và payday loan dời đô đến những nơi khác vì họ cảm thấy New York không còn là mảnh đất béo bở nữa.
Đa số người Việt mình không vất vả như người Mỹ bản xứ bởi mấy cái khoản tiền lời của các chủ nợ shark loan. Rất hiếm người Việt bị các chủ nợ title loan và payday loan làm khó. Một phần do người Việt mình biết tiện tặn, lại có tâm lý sợ nợ, nên gặp khó khăn thường cố gắng xoay xở, liệu cơm gắp mắm. Mong thay những giá trị cần kiệm đó sẽ được truyền lại cho những thế hệ sau để không vướng vào những khó khăn tài chánh, là con đường trở thành miếng mồi ngon cho những shark loan.
Nguyễn Thơ Sinh