Trong dòng nhạc lưu vong bốn mươi năm qua 1975-2015 tại hải ngoại, có một số bản hợp ca được sáng tác và dàn dựng thành công đưa vào băng hình ca nhạc thu hút lòng người. Trong số những bản hợp ca mới, hiếm hoi đó, phải kể đến mấy ca khúc của nhạc sĩ Trúc Hồ và nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, kẻ viết nhạc người đặt lời, một già một trẻ, tâm ý hòa hợp, cho ra đời mấy bản như Bên Em Đang Có Ta, Bước Chân Việt Nam, Một Ngày Việt Nam, Việt Nam Về Trong Nỗi Nhớ, Hẹn Em Năm 2000, Cám Ơn Anh…
Đầu thập niên 90, Cao Ủy Tị Nạn đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á, nơi tạm trú của các thuyền nhân và bộ nhân Việt Nam, trong đó có rất nhiều trẻ em. Trước tin tức đó, nhạc sĩ Trúc Hồ đã cảm hứng viết ra dòng nhạc lấy chủ đề Bên Em Đang Có Ta và nhờ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết lời.
Mặc dù là nhạc sĩ trau chuốt chữ nghĩa, nhưng Trầm Tử Thiêng đưa những lời ca đầu tiên cho bản Bên Em Đang Có Ta mà Trúc Hồ không thỏa ý và ông phải viết lại lần thứ hai mới thành công. Bài hát này được thu âm lần đầu bởi mấy chục ca sĩ tạo nên một tuyệt phẩm hợp ca đầu tiên và gây tiếng vang trong sinh hoạt ca nhạc hải ngoại lúc bấy giờ.
Lời ca Bên Em Đang Có Ta như sau:
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Cười hồn nhiên tung tăng hát vang, mừng nắng tươi
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Rời lòng nôi trong đêm gió mưa, ra biển khơi
Mẹ yêu em thiết tha, hơn mùa xuân trong cuộc đời
Chờ nhìn con theo hoa hướng dương, tìm nắng soi
Cha yêu em thiết tha, mang gởi con cho tình người
Mặc đại dương mênh mông khoác lên, thân nhỏ nhoi
Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát dùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên em đang có ta, thống thiết kêu vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than
Khóc trong trại giam
Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi...
Đoạn giữa của bài hát có câu “Bên em đang có ta” lập lại hai lần và tất cả cùng cất giọng tạo nên cao điểm, chủ đề của nhạc phẩm. Nhạc dễ nghe, dễ hát và lời ca của Trầm Tử Thiêng thật là hay, có những chữ lạ như “ rời lòng nôi trong đêm gió mưa”, “ mang gởi con cho tình người”.
Riêng Trúc Hồ thì thích câu: “ Khi con tim thế nhân chưa thờ ơ chưa lạnh lùng thì cùng nhau đêm nay hát lên lời hát chung.” Anh kể rằng Trầm Tử Thiêng không buồn lòng khi bị từ chối lời ca lần một và mấy tuần sau, qua điện thoại Trúc Hồ nghe Trầm Tử Thiêng đọc lời ca mới và cảm thấy hài lòng ngay từ những chữ đầu tiên.
Bản hợp soạn thứ nhì giữa hai nhạc sĩ là Bước Chân Việt Nam ra đời năm 1995. Trúc Hồ muốn cám ơn các cơ quan thiện nguyện quốc tế, các quốc gia đã thu nhận người tị nạn Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ đã cho anh định cư. Vẫn là ý nhạc đầu tiên từ Trúc Hồ và sau đó Trầm Tử Thiêng vẽ lên những lời ca để tạo thành bài hát. Ông kể lại câu chuyện có thứ tự từ đất nước tang tóc làm cho những con dân phải xa bầy, người ra đi vì tự do dù biển sóng gió tơi bời và hai mươi năm trôi qua 1975-1995, bước chân người Việt Nam in dấu khắp thế giới.
Lời ca Bước Chân Việt Nam như sau:
Ngày nào Việt Nam tang tóc, đời ta chim xa bầy
Nặng nề xoải đôi cánh bay, thiên đường càng xa vời quá.
Là thời thuyền ghe chết đuối, biển sóng gió tơi bời
Nhận chìm đời không tiếng than, ước mơ cuốn theo nghiệt oan
Suốt hai mươi năm qua, ta vẫn nhớ trước sau đời ta
Suốt hai mươi năm qua, ta vẫn nhớ trước sau đời ta
Bầu trời nghìn năm bao la, đời vẫn cứ lao tù.
Người vì tự do cứ đi, đi hoài dù không hề tới
Nhờ còn vòng tay nhân ái, ta mới đến bến bờ.
Gục đầu dằn nỗi đắng cay, cố dắt díu nhau về đây
Đã hai mươi năm qua, rồi cuộc sống cũng đã nở hoa
Những bông hoa xinh tươi, nở giữa chốn nhân ái bao la
Thanks America, for your open arms
Grand merci la France, pour vos bras ouverts
Thanks Australia, for you open arms
Merci Canada, pour la liberté
Ngày nào còn đầy ngơ ngác, từng tiếng nói xa lạ,
Nhìn đường phẳng phiu ngút xa, nghe lòng tủi thân từng bước.
Nhờ đời dạy năng lui tới, thành mến phố quen đường.
Bạn bè vài mươi sắc dân, nước riêng nhưng thân phận chung
Ta thấm thía tử sinh, cuối bước nhọc nhằn.
Ta níu ánh bình minh, giữa cơn tử sinh.
Đời dù phồn hoa lấp lánh, lòng vẫn nhớ quê nhà
Mẹ hiền choàng trở giấc mộng, khi trời nửa đêm về sáng
Đời dù buồn vui vẫn thế, đừng gây thêm chia lìa
Lạc loài là một nỗi đau, thấy nhau hãy tin còn nhau
Khắp nơi trên địa cầu, giờ in dấu bước chân Việt Nam
Những đôi chân miệt mài, đang vươn tới dưới ánh ban mai
Lâu nay ta lặng thinh, hai mươi năm ngại ngần
Sống giữa ân và oán, muốn hát lên đôi lần.
Grand merci la France, pour vos bras ouverts
Thanks Australia, for your open hearts
Thank you Canada, for the liberty
Thanks America, for your open arms
We, thank the world, for its true freedom
We thank the world, we thank the world
Thank you, we thank you all
Khắp nơi trên địa cầu, giờ in dấu bước chân Việt Nam
Khắp nơi trên địa cầu, giờ in dấu bước chân Việt Nam
Bài hát có khúc giữa là cao điểm, các giọng cùng cất tiếng “ Khắp nơi trên địa cầu giờ in dấu bước chân Việt Nam” và những lời cám ơn bằng tiếng Anh tiếng Pháp như Thanks America, thanks Australia, Canada, Grand merci la France...
Và kết thúc lập lại hai lần “ Khắp nơi trên địa cầu giờ in dấu bước chân Việt Nam” làm đậm nét tên ca khúc là Bước Chân Việt Nam.
Bài hát được thực hiện trên băng hình Asia 9 với những giọng ca nổi tiếng một thời mà nay đã không còn nữa như Ngọc Lan, Duy Quang, nhạc sĩ Lê Uyên Phương... làm người xem hôm nay ngậm ngùi.
Thành công với bản Bước Chân Việt Nam, Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng tiếp tục cho ra đời ca khúc Một Ngày Việt Nam, thu hình trong cuốn Asia 11, lời ca như sau:
Từ nghìn trùng xa, ai vẫn hát vang lời Việt Nam.
Nhìn về đại dương, ta nhớ hướng quê nhà ở đó.
Còn nhiều lầm than, sau phút súng gươm buồn lặng im,
là tiếng khóc thương đời biệt ly,
bên tiếng hát ru gọi người về.
Choàng mộng nửa đêm, ai đánh thức khu vườn tuổi thơ
Và gọi dòng sông đưa lối tới cuối làng đầu xóm.
Từ thời loạn ly qua những lúc đất trời bình yên.
Chị vẫn hát ru tình chờ mong. Mẹ vẫn hát ru đời thủy chung.
Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim gọi Việt Nam!
Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu.
Từng vòng tử sinh quay thắm thoát cũng vài nghìn năm.
Nhiều lần nằm mơ. Ôi đất nước bao lần đổi mới!
Bằng cuộc bể dâu. Xương trắng vẫn cao nghệu thành non.
Dòng máu vẫn tuôn trào thành sông.
Chưa thấy bóng thanh bình một lần...
Dù nhục dù vinh, xin hãy hát vang lời Việt Nam .
Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu.
Gọi người gọi ta. Gọi số kiếp lưu đày gần xa.
Gọi bóng tối ngưng bài cuồng ca.
Cho tiếng hát mơ ngày Việt Nam.
(2 lần)
Một ngày Việt Nam, ngày thoát bóng đêm dài lầm than.
Ngày thế giới reo mừng hòa vang.
Trong khúc hát: "Một ngày ... Việt Nam".
Trúc Hồ kể rằng lúc đầu Trầm Tử Thiêng đặt lời “ cho đất nước một ngày nở hoa” nhưng anh không thích chữ nở hoa và cả hai cùng đồng ý đổi lại và cái câu Một Ngày Việt Nam trở thành tên bài hát cũng như ý chính của ca khúc.
Có lẽ cái câu Một ngày Việt Nam, mang ý nghĩa bát ngát, hai chữ Việt Nam quá đầy đủ, vừa là danh từ vừa là tĩnh từ, gợi bao nỗi niềm cho người con dân mang dòng máu Lạc Hồng.
Trầm Tử Thiêng tâm sự rằng ông thích nhất bản Một Ngày Việt Nam trong các bản hợp soạn với Trúc Hồ.
Sau này trung tâm Asia đã thực hiện hợp ca 2 bản Một Ngày Việt Nam và Bước Chân Việt Nam thành một tiết mục, hai bản này gắn bó với nhau như một.
Có người nhận xét rằng lời ca của Trầm Tử Thiêng trong mấy bản hợp soạn với Trúc Hồ có phần khởi sắc. Có thể cảm hứng từ dòng nhạc có sẵn, có thể nghĩ rằng tác phẩm hoàn thành sẽ được dàn dựng công phu nên càng dồn bao nhiêu tâm huyết.
Và đã có sự cảm thông đặc biệt giữa hai người, kẻ viết nhạc và kẻ đặt lời để hợp soạn thành công. Cả hai đều trải qua tháng ngày gian nan trại tị nạn, Trầm Tử Thiêng vượt biển, Trúc Hồ vượt biên bằng đường bộ.
Viết một nhạc phẩm chỉ là giai đoạn 1 và giai đoạn 2 rất quan trọng là thực hiện với giọng ca, nhạc đệm và thu hình.
Những bản hợp soạn của Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng đã được dàn dựng công phu bởi trung tâm Asia và đã trở thành những tác phẩm để đời trong dòng nhạc hải ngoại 40 năm qua. Nhiều buổi sinh hoạt cộng đồng khắp nơi, các nghệ sĩ địa phương đã hợp ca các nhạc phẩm này tạo khí thế cho cuộc họp mặt.
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng qua đời năm 2000, ông lớn hơn Trúc Hồ hăm bảy tuổi, nhưng tình bạn văn nghệ vong niên giữa hai người thắm thiết và đã tạo nên những bản hợp soạn tuyệt vời. Đó cũng là mẫu điển hình thành công của sự cộng tác giữa viết nhạc trước và đặt lời sau của hai nhạc sĩ: Trúc Hồ- Trầm Tử Thiêng.
https://www.youtube.com/...k4tAznT5I&authuser=0 VIDEO VIDEO SBTN