Mùa Tháng Tư đang về, những ca khúc tị nạn, vượt biển, thương nhớ Sài Gòn, đấu tranh cho quê hương được hát trong các buổi sinh hoạt cộng đồng khắp nơi ở hải ngoại. Một trong những bài hát phổ biến nhất trong dòng nhạc lưu vong là Một Chút Quà Cho Quê Hương của ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
Đầu thập niên 80 khi những người di tản năm 1975 tạm ổn định cuộc sống nơi xứ người và những người vượt biển mới định cư dành dụm tiền bạc để mua những thùng quà gởi về cho thân nhân đang đói khổ tại quê nhà thì ca khúc Một Chút Quà Cho Quê Hương ra đời làm rung động hàng triệu trái tim từ trong nước cho đến ngoài nước.
Ngay cả thính giả ở quê nhà nghe bài hát này qua chương trình Việt Ngữ của làn sóng phát thanh VOA, BBC và qua những cuốn băng chui về Việt Nam, cũng thấm thía nỗi buồn và cảm động vì tình nghĩa của người hải ngoại dành cho họ.
Thời đó hầu như người hải ngoại nào cũng có ít nhất một thùng quà gởi về cho thân nhân quê nhà. Thập niên 80, Hoa Kỳ còn cấm vận Việt Nam cho nên các công ty nhận thùng quà phải nhờ quốc gia khác như Pháp để được phép chuyển về quê nhà. Nhiều con buôn chụp thời cơ kinh doanh ngành chuyển quà chuyển tiền này để làm giàu. Có những thùng quà thân nhân bên này gởi đi mà không bao giờ tới tay người nhận. Lý do có thể là do cán bộ trong nước lấy mất hoặc là cơ sở kinh doanh không thực hiện dịch vụ như đã quảng cáo. Và không bao giờ tìm được rõ ràng lý do thuộc về bên nào. Người viết bài này đã gởi hai thùng quà vào thập niên 80 mà chẳng biết nó đi về đâu. Thời gian đã phôi pha mọi thứ.
Khi Việt Dzũng ôm cây đàn ghi ta thùng cất tiếng hát Một Chút Quà Cho Quê Hương thì từ đó tên tuổi anh vang dội khắp nơi. Giai điệu dễ nghe, dễ hát, lời ca tả nỗi nhớ thương về người thân ở quê nhà, cách dùng chữ không bóng bẩy, rõ ràng và đi thẳng vào trái tim người nghe. Lời ca như sau:
Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày
Gửi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gửi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng
Con gửi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
2. Em gửi về cho anh một cây bút máy
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gửi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn
Gửi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
Gửi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên
Con gửi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha ru cuộc đời trong tử tù chung thân
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Mơ ước yên lành trong giấc ngủ da vàng ....
Bây giờ nhớ lại, thập niên 80 đất nước Việt Nam dưới sự cai trị tàn bạo và quản lý yếu kém của Cộng sản thật nghèo đói, hàng hóa cái gì cũng thiếu. Trong bài ca có nêu ra là trong thùng quà có cả cây bút máy, hộp quẹt, xấp vải, kim may, bánh kẹo…
Từ lúc bài hát ra đời vào thập niên 80 cho đến nay hơn ba mươi năm, Một Chút Quà Cho Quê Hương hầu như có mặt trong các buổi trình diễn ca nhạc quê hương và đấu tranh của các cộng đồng người Việt Nam hải ngoại.
Lúc đầu nó là một chủ đề thời sự nhưng bài hát đã được hoan nghênh và trở thành bất tử, ghi dấu một giai đoạn lịch sử. Ngày hôm nay có nghe lại thì lòng cũng bồi hồi nhớ lại một thời. Ngay cả người trong nước và chế độ Cộng Sản Việt Nam cũng không bao giờ quên hàng triệu thùng quà đã cứu giúp họ và chế độ. Tính cho đến hôm nay hàng trăm tỉ Mỹ kim do người hải ngoại gởi về giúp Việt Nam trong mấy chục năm và vẫn còn tiếp tục.
Giá trị lịch sử cũng đã góp một phần tạo nên sự nổi tiếng và bất tử cho bài hát của Việt Dzũng. Anh đã ra đi tháng 12 năm 2013 nhưng để lại dấu ấn trong dòng nhạc lưu vong hải ngoại với ca khúc Một Chút Quà Cho Quê Hương . Trong cuốn DVD Hùng Ca Sử Việt 2 do trung tâm Asia thực hiện để vinh danh dòng nhạc Việt Dzũng thì tác giả đã hát bản này, thật đặc biệt và cảm động.
Mùa Tháng Tư 2015, mời nghe lại Một Chút Quà Cho Quê Hương để nhớ tới những thùng quà tình nghĩa và nhớ ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
SBTN