Năm 1899, nước Chile và Argentina chuẩn bị giao tranh với nhau. Trong Tuần Thánh năm ấy, Đức Giám Mục Buenos Aires của Argentina tha thiết kêu gọi đôi bên hòa đàm. Sứ điệp của ngài lập tức được các Giám Mục Chile hưởng ứng. Thế là hai Giáo Hội của hai nước đã áp lực để hai chính phủ ngồi lại với nhau qua trung gian của vua Edward 7 của Anh quốc. Một hiệp ước hòa bình đã được ký kết. Quân đội đôi bên đã gom hết vũ khí lại đúc thành một bức tượng Chúa Giêsu Hòa Bình cao 48 thước, với cánh tay phải mở rộng ban phép lành cho hai nước, còn tay trái cầm thánh giá phục sinh. Tượng được xe lửa chở đến chân núi để chính phủ hai nước trục lên đặt trên đỉnh núi Andres, nơi đã gây ra cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Dưới chân tượng để hàng chữ: Bình An Cho Các Con. Bên mặt khác của tượng ghi lời thánh Phaolô gửi cho thành Ephêsô như sau: “Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho sự chia rẽ của đôi bên nên một” (Ep 2,14).
Tin mừng hôm nay, Ga 20,19 - 31, như một lời minh chứng về lòng thương xót của Chúa dành cho các môn đệ. Chính lòng Chúa thương xót đã hàn gắn lại những ngăn cách, đổ vỡ tình nghĩa thầy trò sau tuần Thương Khó, đã đáp ứng nhu cầu lúc này của các môn đệ là sự bình an của ơn tha thứ. Trong đêm tối kinh hãi ở vườn cây dầu, các môn đệ lo sợ đến nỗi bỏ Chúa, bỏ nhau, mỗi người một nơi, đường ai nấy đi. Tất cả dường như đã quên lời hứa “nào chúng ta cùng lên Giêrusalem” để cùng chết với Thầy. Mặc cảm tội lỗi này ray rứt lương tâm các môn đệ. Họ đã hèn nhát bỏ chạy trong đêm tối vườn Cây Dầu. Họ đã bán Thầy, chối Thầy và bỏ Thầy. Thế mà, ngay ngày đầu tiên Chúa sống lại, Chúa đã không sai người đi tìm kiếm và hỏi tội các ông, nhưng với một lời đầy yêu thương, Chúa đã nói với những người phụ nữ đến thăm mồ “Hãy đi báo tin cho anh em Ta. Ta sẽ chờ họ ở Galilêa”. Chữ “anh em” thay cho lời trách móc những kẻ phản bội, bất tín, bất trung. Chữ “anh em” dường như đã xóa hết những ngăn cách bởi mặc cảm tội lỗi nơi các môn đệ. Thực vậy, khi Chúa hiện ra với các môn đệ, Ngài không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xẩy ra: Phêro chối Chúa ba lần, các môn đệ hèn nhát bỏ chạy trong đêm tối vườn Cây Dầu, và cả Tôma cố chấp không tin. Dường như Chúa đã tha thứ và quên hết. Nếu Chúa sống lại nhưng không tha thứ cho các ông thì đời các ông sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ đầy lo sợ, bất an như Adam năm xưa trong vườn địa đàng.
Hôm nay, khắp nơi tổ chức Đại Lễ tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, có làm Tuần Cửu Nhật, có Đại Hội, có Thánh Lễ, có kiệu ảnh Lòng Chúa Thương Xót, có đi Đàng Thánh Giá, nhưng thiết tưởng, điều chính yếu và cấp thiết của việc tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót là: giới thiệu một Chúa Giêsu bị đóng đinh, bị đâm thủng cạnh sườn, đã chết vì yêu nhân loại, và nhờ đó cả nhân loại được tha thứ tội lỗi và bình an. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina để thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, con xin phó thác cuộc đời con, gia đình con và nhân loại hôm nay nơi lòng thương xót của Chúa. Chúng con xin dâng những hy sinh, lời cầu nguyện để bù cho những tội lỗi nhân gian”.
Lm Joseph Nguyễn Thái