Người ta vẫn thường nói người giàu sợ chết hơn người nghèo. Nói ra điều này có lẽ người ta cũng chỉ dựa trên tâm lý nhiều
hơn là chứng minh khoa học. Nhưng nếu chỉ dựa vào khía cạnh tâm lý thôi thì ta thấy nhận xét đó cũng phần nào có lý. Người
giàu thì thường có cuộc sống sung túc hơn những người khác, không chỉ vật chất mà luôn cả tinh thần. Thế nên, cuộc sống
đang vui vẻ thì đâu ai muốn nó chấm dứt, ai cũng muốn sống lâu, sống thọ, và sống khỏe mạnh.
Nhưng cái chết thì chẳng chừa một ai. Nó chia đồng đều cho mọi người, người giàu có cũng một lần mà người nghèo khó
cũng chỉ một lần. Và không ai có quyền lựa chọn cho mình cái chết cả. Nó có thể đến thăm một người rất sớm, nhưng cũng
có khi đến rất trễ, và thường đến bất ngờ. Cũng vì vậy mà trong Thánh kinh của Thiên chúa giáo đã ví cái chết đến như kẻ
trộm, không bao giờ báo trước.
Một trong những tay nhà giàu sợ chết đó là ông Larry Ellison, chủ nhân của công ty Oracle, đã từng bộc lộ sự thèm muốn
được sống vĩnh hằng, ông nói: “Tôi không bao giờ hiểu nổi cái chết. Làm sao một người đang sống đó và rồi bỗng dưng biến
mất, không còn ở đó nữa?”
Vậy, làm thế nào để người ta có thể sống tới 100 tuổi hoặc hơn thế?
Hiện nay, một người Mỹ trung bình có thể sống tới khoảng 80 tuổi. Nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai nếu nhân
loại có thể tìm ra được những phương pháp mới để kéo dài đời sống của con người.
Kéo dài tuổi thọ của con người là mơ ước và tham vọng của nhiều nhà khoa học. Mặc dù tuổi thọ trung bình của loài người vẫn
tiếp tục tăng nhờ vào một số thành quả nghiên cứu y khoa, nhưng theo ý kiến của một số người, kết quả của những nghiên
cứu khoa học này tiến triển chậm quá và họ e rằng nếu không đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa thì đời họ có thể sẽ không thấy được
cái ngày mà sự bất tử của loài người xảy ra.
Họ đây là những nhà giàu mới phất lên, hầu hết là những tỉ phú trẻ tuổi, thành công sớm và hiện đang làm chủ nhân của những
công ty kỹ thuật lớn nhất hành tinh như Google, Facebook, Ebay, PayPal v.v… Họ dư tiền dư bạc, có trong tay một khối lượng
dữ liệu kỹ thuật khổng lồ và đang hợp tác trong nhiều công trình nghiên cứu với những nhà khoa học chuyên môn trong các
ngành y, sinh học. Họ hay thường gặp nhau trong các buổi tiệc tư gia, bàn luận đủ mọi đề tài về bệnh dịch, kinh tế, chính trị,
khoa học. Và bao giờ cũng thế, cuối cùng cũng kéo họ về với đề tài: Phải chăng cái chết là điều không thể tránh khỏi – hay nó
cũng chỉ là một bài toán có thể giải được?
Tất nhiên trong số họ có nhiều người còn hoài nghi về việc con người có thể đạt được sự bất tử. Nhưng có thể nào khoa học
cùng với kỹ thuật sẽ giúp cho loài người sống thọ hơn, hay nói rõ hơn, sống tới 150 tuổi? Đây là con số mà hầu hết trong số họ
đồng ý là có thể đạt được và đạt được trong một thời gian rất sớm, và là mục tiêu đáng cho họ bỏ công bỏ của để theo đuổi.
Những nhà trọc phú kỹ thuật này đang sử dụng tài sản bạc tỉ của họ trong nỗ lực viết lại dự kiến tương lai của khoa học và thay
đổi lối nghiên cứu y sinh học đã có từ trước mà nay bị cho là cổ lỗ và kém hiệu quả. Mục đích của họ là dùng những công cụ
kỹ thuật như vi mạch điện tử (chips), thảo trình nhu liệu (software programs), thuật toán pháp (algorithms) và một khối dữ liệu
khổng lồ thu thập được từ người tiêu thụ, để tìm hiểu và phát triển cái mà họ coi là một bộ máy phức tạp nhất trên đời này: cơ
thể con người.
Các nhà doanh nghiệp này tin rằng nội tạng, chân tay, tế bào và hệ di truyền DNA của bệnh nhân nếu được tái phục hồi và lập
trình lại sẽ giúp cho con người sống thọ và sức khỏe tốt hơn. Những công cuộc nghiên cứu khoa học đang nhận sự tài trợ của
họ bao gồm việc đi săn lùng những bí ẩn của những sinh vật sống có khả năng sống rất thọ, nghiên cứu và sáng chế những
máy móc nhỏ li ti có khả năng chữa lành cơ thể con người từ trong ra ngoài, tìm cách tái lập trình hệ di truyền DNA tự nhiên
của người, và nghiên cứu cách số hóa bộ não dựa trên lý thuyết cho rằng bộ não của con người có khả năng tiếp tục sống
sau khi cơ thể đã chết.
Người giàu ở Mỹ vẫn thường có truyền thống làm công việc thiện nguyện bằng cách quyên góp những số tiền rất lớn từ tài sản
của họ để tài trợ cho những chương trình nghiên cứu khoa học cũng như xã hội và chính họ đã đóng góp một phần quan trọng
làm thay đổi bộ mặt xã hội Hoa Kỳ. Truyền thống này được khởi đầu ngay từ cuối thế kỷ 19 với những nhà tài phiệt hảo tâm
như Andrew Carnegie và John D. Rockefeller.
Nay thì những nhà hảo tâm như trên ở Mỹ còn đông đúc hơn nữa. Họ làm giàu nhanh hơn và tuổi của họ cũng trẻ hơn nhiều so
với lớp người đi trước cách đây một thế kỷ.
Những nhà cự phú này cũng ngày càng gia tăng ảnh hưởng của họ trong xã hội khi mà sự cách biệt giàu nghèo lớn hơn bao
giờ hết. Ước tính năm tới, 1% số người giàu nhất trên thế giới sẽ kiểm soát hơn 50% tài sản của thế giới.
Cặp vợ chồng giàu nhất trên thế giới hiện nay, Bill và Melinda Gates, với số tài sản ước tính gần $80 tỉ, cho biết họ tin việc làm
thiện nguyện là chìa khóa chính giúp khép bớt khoảng cách biệt giàu nghèo đó. Và nhờ sự vận động của hai vợ chồng này nên
nay đã có gần 130 tỉ phú chịu ký tên vào tờ cam kết của chương trình Giving Pledge, hứa cống hiến ít nhất một nửa tài sản
của họ, ước tính khoảng $700 tỉ. Trong đó có 19 nhà kinh doanh và đầu tư trong lãnh vực kỹ thuật, với tổng số tài sản vào
khoảng $245 tỉ, đã ký vào bản cam kết; phần lớn trong số họ cống hiến tiền bạc vào những nghiên cứu y khoa.
Những tỉ phú trẻ này là những người mấy năm trước đây đã đem lại cho thế giới những kỹ thuật mới như công cụ tìm kiếm qua
internet (search engine), mua sắm trên mạng (online shopping) và mạng xã hội (social network) thì nay cũng chính họ đang
làm thay đổi bộ mặt thế giới qua những công trình nghiên cứu y khoa với việc làm thiện nguyện của họ.
Nhiều người trong số họ đang bước theo những việc làm thiện nguyện của Bill Gates như một cảm hứng. Tuy nhiên, trong khi
Gates chú trọng tới việc cứu vớt số phận của những trẻ em qua việc tài trợ cho những chương trình đề xướng nghiên cứu về
sức khỏe của trẻ em và phụ nữ, chủ yếu là ở các quốc gia nghèo, thì ngược lại lớp thế hệ tỉ phú trẻ mới phất lên chú trọng tới
cuộc sống và tuổi thọ của loài người tại những quốc gia đã phát triển, điển hình là ở tại Hoa Kỳ.
Gates đã từng khen ngợi sự rộng rãi chi tiền trong những việc làm thiện nguyện của lớp tỉ phú mới vùng Thung lũng Điện tử,
nhưng mới đây ông cũng đã bày tỏ nỗi nghi ngại về những ưu tiên mới của nhóm người này khác xa với những gì Gates viễn
kiến. Gates đã không nói thẳng ra là những ưu tiên đó vừa ích kỷ lại không thực tế trong nỗ lực giải quyết những vấn đề xã hội
hiện nay.
Sự thật thì đa số người Mỹ vẫn chưa nhiệt tình ủng hộ việc sử dụng những phương pháp điều trị y khoa để tăng tuổi thọ.
Trong một cuộc thăm dò năm 2013 bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew, 51% người dân Mỹ cho biết họ tin rằng những phương
pháp điều trị để làm chậm, ngăn chặn hay đảo ngược hiện tượng lão hóa của con người sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội.
Hai phần ba cho biết họ lo ngại nếu cố tình tăng tuổi thọ sẽ có hại cho tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ có những người giàu có
mới có đủ khả năng để tiếp nhận những phương pháp điều trị mới đó và có chắc là các nhà nghiên cứu khoa học đã hiểu
tường tận phương pháp điều trị mới đó ảnh hưởng thế nào lên sức khỏe của con người trước khi họ đem ra áp dụng.
58% nói rằng những phương pháp điều trị y khoa để giúp người ta sống được thêm vài thập niên nữa về cơ bản là phản tự
nhiên.
Hiện nay dân số trên thế giới đã vượt quá 7 tỉ người, và chỉ trong vài thập niên nữa có thể lên tới 9 hoặc 10 tỉ. Nhiều người lo
ngại đến lúc đó sẽ không có đủ những nhu cầu căn bản nhất cho cuộc sống của con người, như nước và thực phẩm, để cung
ứng cho số đông quá sức tưởng tượng đó. Vì vậy, những nỗ lực để làm chậm lại hay ngăn chặn việc lão hóa của con người,
nếu thành công, có thể đưa tới những biến động xã hội to lớn, tạo thêm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn và
tương lai kinh tế, trong khi hiện nay người ta ngày càng sống thọ hơn, làm việc lâu hơn, và điều này đã đưa đến tình trạng
nhiều chương trình xã hội của quốc gia, như An sinh Xã hội, đang bị thiếu hụt trầm trọng. Đó là chưa kể, sống thọ quá cũng sẽ
đưa tới thay đổi đến tận gốc rễ cái cơ cấu quan trọng nhất của xã hội: gia đình. Dường như chưa ai có thể hình dung được đời
sống của chúng ta sẽ như thế nào khi sáu, bảy hoặc tám thế hệ cùng chung sống với nhau trên mặt đất. Để gọi tên từng thế
hệ, tiếng Việt chúng ta có: trước hết là ông bà, cha mẹ, rồi là cháu, chắt, chút, chít. Sau đó là …hết chữ. Biết gọi sao cho
những thế hệ kế tiếp? Thật khổ cho chữ nghĩa!
Mỗi người trong chúng ta đều được tạo hóa ban cho số vốn thời gian để sống và để cảm nhận cuộc đời. Xài hết số vốn đó thì
nên đi và nhường chỗ lại cho người khác. Cố tình kéo dài số vốn đáng lẽ ra đã hết là ăn gian. Ăn gian thì chẳng nên mà hậu
quả có khi lại khôn lường.
Huy Lâm