Trong nhiều bài hát viết về thành phố Sài Gòn đã đổi chủ và mất tên từ một ngày khói lửa cuối tháng tư năm 1975, thì bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của Nam Lộc ra đời đầu tiên và nổi tiếng nhất.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nam Lộc thì cái tựa đề bài hát nảy sinh trong đầu khi anh ngồi trên chiếc máy bay rời khỏi Sài Gòn trong đêm 27/4/1975. Nhìn ánh đèn leo lét, hình ảnh nhạt nhòa của thành phố mờ dần , anh thầm nhủ rằng mình vĩnh biệt Sài Gòn từ đây.
Nam Lộc đến trại Pendleton vào tháng 5/1975 cùng với nhiều người di tản khác và anh ở đây cho đến khi đóng cửa trại vào cuối tháng 10/1975.
Ra trại anh thuê căn phòng ở Los Angeles, bắt đầu sống cuộc đời lưu vong trên đất Mỹ. Một đêm có anh bạn chung phòng rủ đi nghe nhạc, anh không đi và một mình buồn bã ôm cây đàn hát và cảm hứng viết nên bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt trong vòng chưa tới một tiếng đồng hồ. Khi anh bạn trở về thì Nam Lộc hát cho nghe bản này, anh bạn cảm động nước mắt rơi, và lấy làm ngạc nhiên vì bài hát sáng tác mau như vậy.
Đêm sau Nam Lộc đến một phòng trà ở Los Angeles có nhạc sĩ Huỳnh Anh , Hồ Xuân Mai, Vũ Huyến, Trung Nghĩa chơi đàn và hát bản này. Huỳnh Anh hỏi tác giả ca khúc là ai, anh trả lời rằng chính là mình thì ông khen bài hát được lắm. Sau đó Huỳnh Anh ghi ra nốt nhạc bài Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt trên giấy bằng bút chì và Nam Lộc còn giữ cho đến hôm nay. Mặc dù đã đặt lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại quốc, nhưng đây là lần đầu Nam Lộc chính thức trở thành nhạc sĩ sáng tác với bản đầu tay Sài Gòn Vĩnh Biệt tháng 11 năm 1975.
Tháng 12/1975, ca sĩ Khánh Ly từ Florida về thăm Quận Cam thấy thích quá nên ở lại và gặp Nam Lộc và hát bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Lê Văn đài VOA qua tiếng đàn ghi ta của tác giả.
Mùa 30/4/1976 bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của Nam Lộc qua tiếng hát Khánh Ly được phát thanh trên làn sóng VOA- Tiếng Nói Hoa Kỳ- về trong nước gây tiếng vang khắp mọi nơi.
Sau đó ký giả Đỗ Văn sang Cali phỏng vấn Nam Lộc và tháng 7/1976 bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt thêm lần nữa bay theo làn sóng phát thanh BBC về trong nước.
Tuy nhiên Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên thu băng bài hát này trong một cuốn băng cassette do chị thực hiện. Nguyên do là mùa Xuân năm Bính Thìn 1976, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có tổ chức một chương trình nhạc đón Tết tại vùng Los Angeles và Nam Lộc đưa bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt thì bị từ chối, nhưng Thanh Thúy biết và xin bản này để thu băng.
Mãi đến khi Khánh Ly thực hiện cuốn băng Khi Tôi Về gồm nhiều ca khúc mới và cũ với tiếng đàn guitar Trung Nghĩa vào giữa năm 1976, trong này có bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt. Cuốn băng bán rất chạy và bài hát của Nam Lộc càng thêm phổ biến.
Sau đó có rất nhiều ca sĩ thu âm bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt trong vòng nhiều năm . Đài CBS thực hiện một phóng sự truyền hình về cộng đồng Việt Nam, một nhà văn Mỹ viết cuốn Goodbye Saigon cũng dủng ca khúc nổi tiếng này. Cách đây mấy năm khi cuốn phim Rồng Xanh ( Green Dragon) gợi lại cảnh người di tản trong trại chuyển tiếp Camp Pendleton thì tài tử chính hát bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt.
Lời ca của bản Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt như sau:
Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng.
Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đưòng ngày xưa, mưa có ướt ngập lối đường về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đã khóc thương cho người yêu
Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên em mãi thôi.
Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.
Có người thắc mắc rằng tại sao nói là vĩnh biệt Sài Gòn nhưng trong lời ca có câu “Sài Gòn ơi tôi hứa rằng tôi trở về”, điều này mâu thuẫn thì tác giả Nam Lộc trả lời rằng phải có hứa như vậy để tạo niềm tin mà vươn lên trong những năm tháng đầu tiên bơ vơ của đời sống tị nạn.
Mùa tháng tư năm 2015 đang đến; 40 năm đã trôi qua, bài hát Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt đã gần bốn chục tuổi đời, đã gắn bó với cộng đồng người Việt Nam tị nạn lâu năm và đã đi vào lịch sử.
Thời thế cũng đổi thay, niềm tin về một ngày nào đó thành phố Sài Gòn sẽ lấy lại tên cũ, chế độ Cộng Sản không còn trên quê hương và câu ca “ Sài Gòn ơi tôi hứa rằng tôi trở về” trở nên gần gũi. Cái tựa đề vĩnh biệt Sài Gòn, giống như Goodbye Saigon, Farewell Saigon trong tiếng Anh thật là dễ nhớ, dễ xúc động và nổi bật.
Nhạc sĩ Phạm Duy mấy chục năm trước đã viết mấy lời cho Nam Lộc bảo rằng nên lấy tên bài hát là Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt vì 3 nốt nhạc đầu tiên có lời ca là “Sài Gòn Ơi”. Riêng tôi thì cái tên Sài Gòn Vĩnh Biệt ngắn gọn và dễ nhớ hơn.
Lời ca thắm thiết, nét nhạc dễ nghe dễ hát đúng với tâm trạng của người di tản nơi xứ lạ, bài hát đầu tiên về Sài Gòn thành phố đã xa, đã mất trong cuộc đời mình, làm cho Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của Nam Lộc đi vào lịch sử của dòng nhạc lưu vong hải ngoại.
SBTN