Nhà khoa học lỗi lạc, tiến sĩ William Thomson, trong đại hội có hơn 2000 khách quý từ khắp nơi trên thế giới đến chúc mừng ông làm nghề dạy học tròn 50 năm, đã phát biểu: “Có hai chữ có thể đại biểu nhất cho việc phấn đấu của tôi trên bước đường khoa học trong 50 năm qua, đó là thất bại!” Đúng vậy, Thomson đã gặp thất bại không biết bao nhiêu lần trong 50 năm, nhưng kết quả là đã thiết kế thành công đường dây cáp ngầm đầu tiên ở đáy biển Đại Tây Dương và sau đó với hơn 70 công trình được phát minh. Quả đúng như lời người xưa đã nói: “Thất bại là mẹ thành công”.
Ai đã từng có một lần thất bại trong cuộc đời sẽ hiểu được tâm trạng chán nản của hai môn đệ trên đường Emmau trong bài Phúc Âm hôm nay, Lc 24,35-48. Mộng vàng tan bay! Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng ôm ấp hoài bão lớn, Thầy sẽ lập quốc, đánh đuổi bọn đế quốc La Mã. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ. Bởi đó, khi Thập Giá đã được giương cao và vị được gọi là cứu tinh đã chết đớn đau ô nhục, thì ở lại Giêrusalem để làm gì? Tuy nhiên, Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra với họ trên đường về Emmau, rồi lại hiện ra với họ nữa sau khi đã quay trở lại Giêrusalem với các môn đệ và chúc: “Bình an cho anh em!”. Sự bình an của Người là ân huệ phục sinh của Người. Người không ban cho các môn đệ bất cứ bảo đảm nào khác để sống yên ổn suốt đời. Chính Người là Đấng Kitô chịu đóng đinh, cũng đã không được gìn giữ khỏi đau đớn và cái chết. Nhưng Đấng chịu đóng đinh đây cũng chính là Đấng Phục Sinh đã có lúc bị điệu đi đến cái chết, run rẩy khiếp sợ, nay đang đứng trước mặt các ông như là Đấng vẫn sống, Đấng đã vượt thắng cái chết và nay không thể chết nữa. Như thế, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy rằng họ không còn phải sợ bị rơi vào bất cứ nguy cơ hủy diệt nào, ngay cả cái chết! Ân huệ phục sinh của Đức Giêsu không phải là sự bình an của một cuộc sống không bị xáo trộn, nhưng là sự bình an được sống trong tình trạng yên hàn, bảo đảm và che chở phát xuất từ quyền lực và tình yêu của Thiên Chúa. Nền tảng và bảo đảm cho lời chào và ân huệ ấy là chính Đấng Phục Sinh trong sự sống mới của Người, một sự sống đã thắng được cái chết.
Đức Giêsu đã thuyết phục các môn đệ tin vào thực tại của đời sống mới của Người. Người đưa các ông đến chỗ hiểu Kinh Thánh và hành trình Người theo lâu nay. Người chỉ cho các ông thấy nội dung của việc loan báo và nhiệm vụ truyền giáo. Người củng cố các ông trong tư cách chứng nhân, bằng cách hứa là các ông sẽ nhận được quyền năng từ trên cao (Lc, 24,49). Tất cả những điểm này đang đưa chúng ta đến chỗ kết của Tin Mừng Luca, và chuyển chúng ta sang phần thứ hai của tác phẩm Luca, đó là sách Công Vụ Tông Đồ. Thánh Thần sẽ được Chúa Cha ban xuống trên Hội Thánh phôi thai (Cv2, 1) để làm cho các thành viên trở thành những chứng nhân minh mẫn và can đảm, quảng đại và kiên trì dần thân làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh cho tất cả mọi người trong mọi thời và mọi nơi.
Lm Joseph Nguyễn Thái.