Nhiều báo cáo, thống kê của ngành giáo dục gần đây đưa ra con số có tới hơn 60% sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Đó là cảnh mà có người so sánh với tình trạng dưa hấu được mùa nhưng mất giá.
Đó cũng là lý do sáng ngày 24/4/2015 Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phải tổ chức một phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Tuy nhiên con số sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động chưa có việc làm trong thời gian qua lại tăng cao hơn, so với số sinh viên tốt nghiệp và đã có việc làm. So sánh tình trạng này của năm 2010 với năm 2014, con số tăng gần gấp đôi.
Lý giải cho tình trạng khó khăn này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng đó là do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam, nên việc làm mới cho sinh viên không có. Mặt khác việc chủ động đầu tư của nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tốt. Nhà trường cũng chưa tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang cần.
Về phần mình, bộ trưởng thú nhận chương trình đào tạo giáo dục chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế cũng như trình độ khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, học phí thấp dẫn đến đầu tư trên mỗi sinh viên thấp theo, khiến cho các trường không đủ khả năng tài chánh nâng cao chất lượng đào tạo.
Đề cập đến thực trạng này, một đại biểu ở Hải Phòng ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, giáo dục và đào tạo nghề ở Việt Nam gần giống nền sản xuất nông nghiệp, bao năm vẫn loay hoay với cảnh “được mùa mất giá”. Đào tạo thì cứ mạnh ai nấy làm, còn khâu tiêu thụ tức giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp thì không kiểm soát được bao nhiêu.
Ông Trường tỏ ra băn khoăn, mọi người cứ nói nguyên nhân là đào tạo không chuẩn mực nhưng cái gì dẫn đến sự thiếu chuẩn đó, sao mãi loay hoay không gỡ được?
Cùng chung ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Ngô Thị Minh cũng cho rằng việc thiếu đồng bộ giữa giáo dục và giải quyết việc làm dẫn đến hậu quả, sinh viên ra trường không có việc làm nhưng khâu đào tạo vẫn tiếp tục cho ra lò những sản phẩm xã hội không có nhu cầu.
Hiện nay, hầu như đích nhắm của sinh viên mới ra trường là tìm một việc làm trong “biên chế” nhà nước như một biện pháp an toàn cho tương lai thăng tiến. Do đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định một mình Bộ Giáo dục thì không thể nào giải quyết việc làm cho sinh viên. Ông kêu gọi cần thay đổi nhận thức của xã hội, thay đổi tư duy tìm kiếm việc làm trong biên chế cơ quan nhà nước sang nhận thức kiếm việc làm các khu vực bên ngoài.
Buổi giải trình không đưa ra được một phương hướng giải quyết thích đáng nào cho tương lai người sinh viên tốt nghiệp đại học khỏi cảnh ôm mảnh bằng ngồi chơi xơi nước. Vì như lời phát biểu của đại biểu Nguyễn Xuân Trường: “Vừa qua dưa hấu ế, cộng đồng cố gắng mua để động viên người nông dân. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tinh thần chứ toàn dân làm sao ăn dưa hấu mãi được. Giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cũng phải như thế, phải giải quyết từ gốc chứ không phải là ngọn”.
SBTN