Sài Gòn là một đề tài lớn vì đó từng là thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa của Miền Nam tự do và đã thay tên đổi chủ từ một ngày cuối tháng tư năm bảy lăm. Trong các ca khúc viết về Sài Gòn của nhiều tác giả ở hải ngoại được ưa chuộng, phải kể đến bản Đêm Nhớ Về Sài Gòn của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác năm 1987. Lời ca như sau:
1- Đêm nhớ về Sài Gòn, thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi. Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi. Đường im nghe quá khứ trong sầu. Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau. Tình lẻ loi canh thâu.
2- Đêm nhớ về Sài Gòn. Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa. Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa. Ai sầu trong quán úa. Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song. Mắt người tình một trời mênh mông. Gợi bao nhiêu cho cùng...
3- Yêu me một khối tình quê. Yêu em từng bước tình si. Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về. Ta như cậu bé mồ côi. Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi. Cố quên ngày tháng lẻ loi, để lớn.
4- Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn. Thấy mình vừa trở lại quê hương. Đã gặp người một trời yêu thương. Cho lòng thêm chút ấm. Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau. Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau. Tình chia trong đêm sầu...
Sự thành công của nhạc phẩm dựa vào một số điều. Đầu tiên phải nói đến tên bài hát là Đêm Nhớ Về Sài Gòn, cái tựa đề có vẻ hấp dẫn để nhiều đêm nhạc tổ chức đều mượn cái tên này để quảng cáo. Dĩ nhiên là trong chương trình phải có bản này và hát những bài Sài Gòn khác mà vẫn thấy hợp lý vì đây là một đêm để khán giả tụ họp nhau lại, để nhớ về một thành phố đã xa, đã mất tên.
Bài hát chia làm 4 tiểu đoạn; mở đầu tiểu đoạn 1 nét nhạc trầm buồn; qua tiểu đoạn 2 chợt vút cao với câu “ đêm nhớ về Sài Gòn” để dẫn vào giai điệu chính của ca khúc. Tiểu đoạn 3 nét nhạc lại thay đổi, có câu : “ đêm đêm mộng thấy đường đi đường về” chuyển sang âm thể trưởng cho cảm giác mới mẻ. Hai câu cuối của tiểu đoạn 3 này vút cao và dẫn người nghe trở về tiểu đoạn 4.
Nét nhạc của tiểu đoạn 4 là sự lập lại của tiểu đoạn 2, là giai điệu chính của bài hát. Điều đặc biệt là từ tiểu đoạn 3 chuyển sang tiểu đoạn 4 rất tự nhiên. Điều này nói lên sự tài tình trong kỹ thuật viết ca khúc của Trầm Tử Thiêng. Tác giả dùng những nốt quãng bốn khá nhiều, một trong những nét quen thuộc của ca khúc Việt Nam; nhưng lại rất khéo để không gây nhàm chán.
Về lời ca thì Trầm Tử Thiêng là nhạc sĩ trau chuốt từng chữ. Bài ca gợi cho người nghe về nỗi nhớ Sài Gòn của tác giả; nhớ về những con đường, những quán nhỏ đèn vàng vắng khách trong đêm, nhớ mẹ già, nhớ người tình và thèm được ngồi cùng với bạn bè tâm sự.
Bài hát ra đời năm 1987, tác giả vượt biển sang Mỹ và trong ký ức là hình ảnh của một thành phố Sài Gòn đìu hiu, tang thương trong những năm đầu dưới sự cai trị của kẻ chiến thắng từ Miền Bắc . Sài Gòn trong bài hát này là hình ảnh của gam màu u tối chan chứa nỗi sầu chia cách của người tị nạn ở bên này nhớ về bên kia quê nhà.
Ca khúc Đêm Nhớ Về Sài Gòn là một trong những tác phẩm hay nhất của sự nghiệp nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Khi qua hải ngoại ông vẫn sáng tác đều tay và cống hiến cho đời một số bản nhạc giá trị.
Khi Sài Gòn mất và bị đổi tên, tạo cảm hứng cho một số ca khúc Sài Gòn ra đời đóng góp vào dòng nhạc lưu vong hải ngoại. Và bản Đêm Nhớ Về Sài Gòn được xếp vào trong danh sách những bài Sài Gòn được ưa thích và thu băng nhiều nhất.
Vẫn nhớ hình ảnh của người nhạc sĩ mái tóc bạc phơ, ngồi một mình suy tư trong quán cà phê ở Little Saigon năm nào; dáng cô đơn đó là nét đặc biệt của Trầm Tử Thiêng với Đêm Nhớ Về Sài Gòn.
SBTN