C. Bài hát có giai điệu chậm buồn nhưng thay đổi, và lời ca có cấu trúc thăng bằng với cách dùng chữ có hiệu quả:
Ca khúc "Cái Cò" là lời kể cuộc đời cực khổ lầm than của người vợ chiến sĩ VNCH. Bài hát thể hiện nỗi niềm thê lương này với giai điệu chậm buồn, được đưa đẩy khéo léo qua vần điệu của thể loại thơ lục bát, và có những đoạn thơ theo thể thức cố định tạo nên âm điệu và tiết tấu thay đổi.
Một đặc điểm của "Cái Cò" là cách dùng điệp ngữ để nhắc đi nhắc lại lời ca đi sâu vào tâm trí khán giả. Đây là hình thức của tiểu điệp khúc (refrain), rất thường dùng trong nhạc và thơ khi một hình ảnh quan trọng nào đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tiểu điệp khúc là một hay hai câu trong một phiên khúc, thường nằm ở cuối hoặc ở giữa phiên khúc, và được lập lại để tạo một tác dụng nào đó (thí dụ, tóm tắt, nhấn mạnh, vần điệu) cho phiên khúc đó. Tiểu điệp khúc không mang ý chính của toàn thể bài hát như điệp khúc, và thường chỉ có tác dụng trên phiên khúc đó mà thôi.
Bài hát gồm có bốn phiên khúc chính. Mỗi phiên khúc có hai phần. Mỗi phần khởi đầu bằng "cái cò" cho thấy hình ảnh con cò xuất hiện liên tục, khiến âm hưởng này được vang vang trên khắp bài và khán giả liên tục duy trì hình ảnh này trong suốt bài hát. Hình ảnh cái cò lặn lội săn mồi cũng được lập đi lập lại nhiều lần: "lặn lội bờ sông," "lặn lội bờ ao," "lặn lội bờ đê," và "lặn lội bờ mương." Trong cách dùng tiểu điệp khúc này, Nguyệt Ánh cho chút thay đổi, giúp cho hình ảnh được linh hoạt: con cò không bỏ sót chỗ nước nông nào để tìm thức ăn: sông, ao đê, mương. Con cò đi tìm thức ăn ở khắp nơi, nói lên sự cực nhọc của người vợ, lội suối trèo non, đi thăm nuôi chồng, đi làm lụng ở vùng kinh tế mới.
Bốn phiên khúc của bài hát theo quy luật khá chặt chẽ.
Phần đầu của mỗi phiên khúc là tám câu thơ lục bát. Câu thứ hai (câu tám chữ) của tám câu này phá luật gieo vần lục bát: vần gieo vào chữ thứ tư thay vì chữ thứ sáu:
Cái cò lặn lội bờ sông,
gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
...
Cái cò lặn lội bờ ao,
bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con.
...
Cái cò lặn lội bờ đê,
đói khổ trăm bề nước mắt đầy vơi.
...
Cái cò lặn lội bờ mương,
vét cống đào đường gió rét lạnh căm.
Cách gieo vần biến thể này giúp cho âm điệu bài hát thêm phần linh động và tránh sự buồn tẻ đều đều khi mô tả những hoạt động đi kiếm ăn, làm lụng của con cò. Các câu thơ lục bát sau đó trong phiên khúc đa số gieo vần rất chỉnh, không gượng ép, giúp hình ảnh mô tả được trôi chảy một cách tự nhiên.
Phần thứ hai của mỗi phiên khúc là bốn câu với thể thức cố định: ba câu đầu có bảy hoặc tám chữ/ âm tiết có cùng trường độ và câu thứ tư có mười một chữ/ âm tiết. Thể thức cố định này tạo nên cấu trúc đặc thù cho bài hát và giúp cho giai điệu có được sự thay đổi để tránh âm điệu đều đều buồn tẻ. Ta biết những ca khúc được phổ thành nhạc từ thơ thường mắc phải một vấn đề là có tiết điệu đều đều, thiếu linh động, và do đó chỉ thích hợp cho một số câu chuyện hoặc tình tiết. Khi bài thơ gốc là thơ theo thể loại lục bát, vấn đề này lại càng trầm trọng hơn. Một thí dụ điển hình là ca khúc "Tưởng Như Còn Người Yêu" ("Ngày mai đi nhận xác chồng/ Say đi để thấy mình không là mình...") do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ lục bát của thi sĩ Lê Thị Ý (Đinh 2009). Bài hát này có tiết điệu đều đều, thích hợp với lời than khóc của một thiếu phụ mất chồng. Ngược lại, ca khúc "Cái Cò" không phải là lời than vãn thở than của người vợ có chồng đi tù cải tạo mà là câu chuyện về cuộc đời cực khổ và những hy sinh lớn lao của người vợ chiến sĩ VNCH. Câu chuyện đó cần có những sắc thái linh động và giai điệu thay đổi để vẽ ra hình ảnh sống động của người vợ. Do đó, phần hai của mỗi phiên khúc cho nét thay đổi đó và giúp câu chuyện thêm phần xúc động.
Câu chót của phần hai là câu dài, gồm 11 chữ/ âm tiết. Nguyệt Ánh dùng câu dài này để diễn tả ý tưởng có chút phức tạp, giúp giai điệu thêm linh động và tiết tấu kéo dài tạo âm hưởng lan rộng. Ta hãy nghe âm hưởng của các câu dài này:
Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng, nước mắt tuôn rơi.
...
Vai gánh vai gồng đi thăm chồng, cách núi ngăn non.
...
Giặc bắt lên rừng đi vào vùng, chướng khí lam sơn.
...
Đau xót cho chồng không mộ phần, không khói không nhang.
Trong mỗi câu, 7 chữ đầu mô tả hành động hoặc cảm xúc, 4 chữ sau đưa ra một khía cạnh tổng quát của hành động hoặc cảm xúc đó như ̣để tóm tắt. Do đó, 4 chữ này có tiết tấu kéo dài vì tác dụng là tạo âm hưởng trên người nghe. Thí dụ, câu 7 chữ "Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng" mô tả hành động ăn cầm chừng ngô sắn khoai sùng. Câu 4 chữ "nước mắt tuôn rơi" cho thấy hình ảnh tổng quát về hành động đó, và câu này cần được tạo tác dụng trên người nghe nên được kéo dài.
Nguyệt Ánh dung hòa kỹ thuật "cho thấy" và "kể" một cách điêu luyện, khiến khán giả vửa được lôi cuốn vào câu chuyện vừa có cảm xúc mạnh mẽ. Những từ ngữ "cho thấy" súc tích nhưng rất sống động, khiến câu ca càng tạo tác dụng mạnh mẽ trên khán giả. Thí dụ, "lặn lội," "tay . . .nứt," "tuôn rơi," "se thắt," "rối bời," "lội suối trèo non," "tay cuốc tay cày," "vai gánh vai gồng," "tuẫn tiết," "máu tràn," "tay dắt," "vét cống đào đường," "biệt tăm," "gió lộng mưa gào,"và "máu lệ hai hàng." Bên cạnh những từ ngữ "cho thấy" này, những từ ngữ "kể" giúp dung hòa hình ảnh và tạo nên giao động lên xuống một cách cân bằng cho người nghe: "đói khổ trăm bề," "kinh hoàng," "thác cùng muôn dân," "đi vào thiên thu."
Ngoài ra, Nguyệt Ánh vận dụng nhóm chữ có bốn chữ có hai vế đối chiếu, thông dụng trong thành ngữ tiếng Việt, tạo nên hương vị dân tộc của lời ca, giúp khán giả liên tưởng ý nghĩa của con cò trong ca dao và tục ngữ. Các nhóm chữ bốn chữ này còn giúp câu thơ trôi chảy và tượng hình: "dạ sắt lòng son," "lội suối trèo non," "nhà tan nước mất," "tay cuốc tay cày," "gối mỏi chân mòn," "vai gánh vai gồng," "cách núi ngăn non," "hoa trôi hương tàn," "chướng khí lam sơn," "vét cống đào đường," "gió lộng mưa gào."
Nguyệt Ánh dùng mỹ từ rất hiệu quả. Với ẩn dụ cái cò cho người vợ bao trùm cả bài hát, Nguyệt Ánh khéo léo tiếp tục dùng những hoạt động của con cò là ẩn dụ cho các hành động của người vợ. Thí dụ, "xuống biển tìm mồi" cho thấ́y sự táo bạo của con cò, thường chỉ săn mồi nơi vùng nước cạn, đi săn tới tận biển là nơi rất khó kiếm mồi. Câu đó là ẩn dụ cho sự liều mạng của người vợ lao đầu vào những nơi khó khăn kiếm sống vì bị quẫn túng. Các ẩn dụ khác cũng rất có tác dụng mạnh. Thí dụ "hoa trôi" cho cuộc đời trôi nổi, "hương tàn" cho nhan sắc tàn phai.
Nguyệt Ánh có biệt tài dùng ngôn từ đơn giản nhưng mạnh mẽ, gây cảm xúc mãnh liệt trên khán giả. Những từ ngữ này gợi hình và vẽ ra những hình ảnh quen thuộc. Thí dụ như "Vai gánh vai gồng," "Tay dắt mẹ chồng tay dắt đàn con," "tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào," "Đếm từng mồ hoang." Với những nhóm chữ đơn giản nhưng gợi hình tạo cảm xúc mãnh liệt, người nghe tưởng tượng hình ảnh nàng dắt mẹ chồng và đàn con, hai vai gồng gánh, chạy đôn chạy đáo từ Nam tới Bắc, bước đi đếm từng ngôi mộ hoang, hai hàng lệ rơi lả chả. "Cái Cò" khiến người nghe cảm thấy mũi lòng, xót thương cho người vợ, và ngậm ngùi cho cuộc sống đau thương của nàng.
Tóm lại, các phiên khúc trong "Cái Cò" có cấu trúc thăng bằng, xen lẫn các câu có âm tiết và thể thức không đồng đều với các câu lục bát êm ái, tạo nên nét linh hoạt và sống động cho câu chuyện buồn thảm cảm động của những người vợ lính VNCH có chồng hy sinh anh dũng hoặc bị bắt làm tù cải tạo. Kỹ thuật dung hòa giữa "cho thấy" và "kể," cách dùng chữ mạnh mẽ và những nhóm bốn chữ, tạo nên một bức tranh sống động bộc lộ hình ảnh người vợ miền Nam Việt Nam cần cù, hy sinh cho chồng con.
Những câu chuyện có thật của những người vợ chiến sĩ VNCH được kể qua ca khúc "Cái Cò" một cách rất cảm động. Qua những chi tiết rõ rệt và mạnh mẽ, khán giả không thể không bùi ngùi và xúc động về cuộc đời đau thương và sự hy sinh to tát của những thiếu phụ miền Nam sống dưới sự đối xử tàn bạo của nhóm cầm quyền cộng sản.
D. Kết Luận:Ca khúc "Cái Cò" nói lên các đức tính hy sinh, cần cù, tháo vát, và chịu đựng của những người vợ lính VNCH qua cuộc sống nhọc nhằn của họ trong việc làm lụng nuôi con khi không có chồng vì chồng chết trong chiến trận hoặc bị đi tù cải tạo. Bài hát ca ngợi lòng dạ sắt son chung thủy của những thiếu phụ chờ chồng trong ngục tù, và những cực khổ trong việc thăm nuôi chồng trong tù cải tạo xa xôi. Bài hát diễn tả ý tưởng hữu hiệu qua giai điệu êm ả nhẹ nhàng gây cảm xúc, cấu trúc thăng bằng, và cách dùng chữ linh động.
Tuy có những người vợ bỏ chồng vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi hoặc vì có những cám dỗ khác, đa số người vợ miền Nam chờ đợi chồng trong tù đày, làm lụng nuôi con, và chăm lo cha mẹ chồng. Những hy sinh to tát này thường không được biết ơn đầy đủ và không được nhắc nhở nhiều. Ca khúc "Cái Cò" đem lại những công lao thường bị bỏ quên đó và là lời chứng cho một quãng thời gian đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam dưới sự đàn áp vô nhân đạo của nhóm cầm quyền cộng sản Bắc Việt.
CẢM TẠTôi xin có lời cảm tạ nhạc sĩ Nguyệt Ánh đã bỏ thì giờ quý báu trong lúc bận rộn với các hoạt động văn nghệ để chia sẻ với tôi về việc viết ca khúc "Cái Cò" và trả lời những câu hỏi của tôi. Ngoài ra, tôi cám ơn các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Thanh niên Việt.
© 2015 Cao-Đắc Tuấn
________________
Tài Liệu Tham Khảo:
BBC. 2015. 'Không có ngược đãi sau 30/4'. 18-4-2015.
http://www.bbc.co.uk/vie...8_vuquanghien_vietnamwar (truy cập 26-4-2015).
Chúc Thuần. Không rõ ngày. Tâm Sự Của Một Người Vợ Tù Nhân "Cải Tạo". Không rõ ngày.
http://www.machsongmedia...i-v-tu-nhan-qci-toq.html (truy cập 25-4-2015).
Courtois, Stéphane et al. 1999. The Black Book of Communism, Crimes, Terror, Repression, translated by Jonathan Murphy and Mark Kramer, Harvard University Press, Massachusetts, U.S.A.
Denney, Stephen. 1990. Human Rights and Daily Life in Vietnam.
http://www.ocf.berkeley..../SRV-Discrimination-1990 (truy cập 25-4-2015).
Duiker, William J. 1995. Vietnam: Revolution in Transition, Second Edition, Westview Press, Colorado, U.S.A.
_________. 1996. The Communist Road to Power in Vietnam, Second Edition, Westview Press, Colorado, U.S.A.
Đinh Quang Anh Thái. 2009. Lê Thị Ý: Tác giả 'Ngày mai đi nhận xác chồng'. 10/7/2009.
http://www.dactrung.com/...i_nhan_xac_chong%27.aspx (truy cập 26-4-2015).
Đỗ Ngọc Uyển. Không rõ ngày. Tù Cải Tạo: Tội ác chống nhân loại của Cộng sản VN. Không rõ ngày.
http://www.vietlist.us/S...cs/nannhancs_TL_42.shtml (truy cập 28-4-2015).
_________. 2010. Tội Ác Thủ Tiêu Mất Tích 165,000 Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa. 1-2010.
http://vietnamdefence.in...n-dan-can-chinh-vnch.htm (truy cập 28-4-2015).
Freeman, James M. 1995. Changing Identities: Vietnamese Americans, 1975-1995. Allyn and Bacon, Massachusetts, U.S.A.
Hồ Phú Bông. 2008. Cái Chết Của Chiến Sĩ. 28-10-2008.
https://vuonque.wordpres...BB%A7a-chi%E1%BA%BFn-si/ (truy cập 26-4-2015).
Huy Phương. 2014. Bài thơ Con Cò và luận điệu áp đặt của văn học miền Bắc. 21-12-2014.
http://thoibao.com/bai-t...at-cua-van-hoc-mien-bac/ (truy cập 25-4-2015).
Kale. 2002. Hồi Ký Tù Cải Tạo - 17 năm trong các trại Tù Cải Tạo của Cộng Sản Việt Nam. 21-3-2014.
http://hoikytucaitao.blogspot.com/ (truy cập 25-4-2015).
Ngô Nguyên Dũng. 2009. Nỗi băn khoăn của "con" và "cái" trong tiếng Việt. 19-11-2009.
http://damau.org/archives/10011 (truy cập 11-4-2015).
Nguyen Van Canh. 1983. Vietnam Under Communism, 1975-1982. Hoover Institution Press, California, U.S.A.
Nguyễn Công Luận. 2012. Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier. Indiana University Press, Indiana, U.S.A.
Nguyễn Hưng Quốc. 2010. Tiếng Việt: Cái và Con. 11-5-2010.
http://www.voatiengviet....010-93436379/863577.html (truy cập 11-4-2015).
Nguyễn Hữu Lễ. 2003. Tôi Phải Sống.
http://giaocam.saigonlin...nTListingToiPhaiSong.php (truy cập 26-4-2015).
Nguyễn Lộc Yên. 2015a. Chiến Sĩ VNCH, dù tử danh bất tử (Phần 1). 17-4-2015.
http://danlambaovn.blogs...-danh-bat-tu-phan-1.html (truy cập 28-4-2015).
_________. 2015b. Chiến Sĩ VNCH, dù tử danh bất tử (Phần 2). 21-4-2015.
http://danlambaovn.blogs...-danh-bat-tu-phan-2.html (truy cập 28-4-2015).
Nguyễn Sơn Hà. 2007. Cái Cò và Con Cò. 28-6-2007.
http://e-cadao.com/tieul...dongdao/caicovacocon.htm (truy cập 15-4-2015).
Nguyệt Ánh. Không rõ ngày. Cái Cò.
http://www.huyenthoai.org/Audio/hungca/CaiCo.mp3 (truy cập 28-4-2015).
Phong trào Hưng ca Việt Nam. Không rõ ngày. Vườn Nhạc. Không rõ ngày.
https://hungca.wordpress.com/nhac/ (truy cập 26-4-2015).
Quốc Việt. 2015a. Nỗi ám ảnh... bo bo trong "đêm dài" đói kém. 4-4-2015.
http://tuoitre.vn/tin/ch...-dai-doi-kem/729467.html (truy cập 26-4-2015).
_________. 2015b. Bo bo từ đâu ra? 8-4-2015. Tuổi Trẻ On-line.
http://tuoitre.vn/tin/ch...bo-tu-dau-ra/731006.html (truy cập 26-4-2015).
Sagan, Ginetta và Denney, Stephen. 1982. Re-education in unliberated Vietnam: loneliness, suffering, and death. The Indochina-Newsletter, October-November 1982.
https://www.ocf.berkeley...m-Reeducation-Camps-1982 (truy cập 25-4-2015).
Sorley, Lewis. 1999. A Better War - The unexamined Victories and final tragedy of America’s last years in Vietnam. Hartcourt, Florida, U.S.A.
Sue. 2014. The patient hunter. 6-9-2014.
https://bybio.wordpress....9/06/the-patient-hunter/ (truy cập 26-4-2015).
Thanh Minh. Không rõ ngày. Thân Phận Vợ Của Một "Tù Cải Tạo". Không rõ ngày.
http://phaobinhvnch.com/thanphanvotucaitao.htm (truy cập 25-4-2015).
Thành Văn. 2002. Nghề Lạ Ở Sài-gòn sau 75. 31-1-2002.
http://www.vietnamdaily.com/?c=article&p=16055 (truy cập 27-4-2015).
Trần Văn Giang. 2015. Đi thăm Chồng. 25-4-2015.
http://danlambaovn.blogs...015/04/i-tham-chong.html (truy cập 26-4-2015).
Việt Báo. 2012. Người Chỉ Huy Cơ Quan Tình Báo VNCH Đầu Tiên Đã Qua Đời. 8-2-2012.
http://vietbao.com/a1835...vnch-dau-tien-da-qua-doi (truy cập 26-4-2015).
Vo, Nghia M. 2004. The Bamboo Gulag: Political Imprisonment in Communist Vietnam, McFarland & Co Inc, North Carolina, U.S.A.
Wiest, Andrew. 2008. Vietnam's Forgotten Army - Heroism and Betrayal in the ARVN. New York University Press, New York, U.S.A.
Wikipedia. 2015. Hình tượng con Cò trong văn hóa. Thay đổi chót: 7-4-2015.
http://vi.wikipedia.org/..._trong_v%C4%83n_h%C3%B3a (truy cập 25-4-20