Hãng AP tổ chức Triển lãm 'Việt Nam: Cuộc chiến thực và lịch sử qua ảnh' ở London nhân 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Đánh dấu 40 năm ngày Sài Gòn sụp đổ và cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hãng thông tấn Mỹ AP đã tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày một số tấm ảnh do các nhiếp ảnh đi cùng quân đội Mỹ trong các cuộc giao tranh với lực lượng Cộng sản.
Trong thời gian cuộc chiến, Văn phòng hãng AP ở Sài Gòn đã được trao tặng sáu giải Pulitzer vì các tường thuật chiến trường, trong đó bốn giải giành cho nhiếp ảnh.
Trong thời gian những năm 1960 và 1970, Văn phòng tại Sài Gòn đã tụ hội được các phóng viên ảnh dày dạn kinh nghiệm nhất, như Malcolm Browne, Nick Ut, Eddie Adams, Hugh van Es, Dang Van Phuoc. Đây là bức do phóng viên ảnh người Pháp gốc Việt Henri Huet chụp năm 1966 thi hài một lính dù Mỹ chết trong chiến trận gần biên giới Campuchia đang được kéo lên trực thăng rút đi.
Phóng viên ảnh chiến trường danh tiếng Horst Faas từng là Trưởng Văn phòng AP tại Sài Gòn vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến. Trả lời BBC năm 2007, Faas nói về công việc của mình thật giản dị: "Tôi cố gắng xuất hiện trên mặt báo mỗi ngày, và thắng đối thủ cạnh tranh bằng những bức ảnh đẹp hơn. Tôi chẳng cố làm gì ghê gớm cả. Những bức ảnh đó được sử dụng, đăng tải và được hỏi tới, vì Việt Nam là tin chính năm này qua năm khác."
Trong khi ở Sài Gòn, Faas đào tạo và chỉ bảo các phóng viên ảnh trẻ người Việt, những người đã ghi lại nhiều bức ảnh thể hiện tính chất của cuộc chiến. Những bức ảnh hàng ngày của họ từ Việt Nam giúp thế giới biết về nỗi kinh hoàng của người dân bị kẹt giữa hai làn đạn của cuộc chiến.
Dưới góc nhìn của một phóng viên thì cuộc chiến tại Việt Nam là độc nhất vô nhị. Đây là cuộc chiến đầu tiên thời hiện đại không bị kiểm duyệt: phóng viên và nhiếp ảnh gia được phép tới chiến trường mà hầu như không bị bất cứ giới hạn nào.
Các phóng viên ảnh của AP đã chụp được những thời khắc nhanh chóng trở thành đồng nghĩa với cuộc chiến: trong số này phải kể tới bức ảnh của Eddie Adams chụp tướng Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Ngọc Loan, bắn chết một sĩ quan Việt Cộng bằng một phát súng ngắn vào đầu. Bức ảnh đã làm thay đổi cái nhìn của công chúng về cuộc chiến và ám ảnh Tướng Loan cho tới khi ông qua đời.
Một bức ảnh nữa là được Nick Ut chụp cô bé chín tuổi Phan Thị Kim Phúc - chạy trần truồng trên con đường nhựa sau một vụ ném bom napalm. Bức ảnh đã trở thành một trong những biểu tượng của toàn bộ cuộc chiến.
Hơn 58.000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và hơn 300.000 bị thương tại Việt Nam. Con số người Việt tử vong cao hơn nhiều, với ước tính hơn nửa triệu người chết và hàng triệu người bị thương.
Theo BBC
Sửa bởi người viết 29/04/2015 lúc 06:23:10(UTC)
| Lý do: Chưa rõ