Cảm ơn AustraliaKỷ niệm 40 năm cộng đồng người Việt tại Úc, anh Trần Bắc Hải kể lại câu chuyện đến Úc của mình cũng như những trải nghiệm của anh với những người Việt mà anh gặp gỡ và gắn bó trong chặng đường gần hai chục năm.
.Tháng 10 năm 1996, sau khi tham dự Đại hội toàn cầu lần thứ nhất về ngân hàng mô ở Gold Coast, tôi được mời đến Adelaide thăm Bộ môn Miễn dịch học Đại học Flinders. GS John Bradley trưởng bộ môn đã gây một bất ngờ thú vị cho chàng sinh viên PhD tương lai của ông bằng cách đưa hẳn một phái đoàn 5 người ra sân bay đón khách.
Phi trường Adelaide năm 1998. (Ảnh được cung cấp)
Brenda Bradley là một người phụ nữ nhỏ nhắn, cảm tưởng ít nói khi mới gặp, nhưng sau này lại trở thành người bạn suốt đời của gia đình tôi, với tình cảm ấm áp và tính trào phú thừa hưởng từ di sản Anh. Bác sỹ Chăm và cô giáo Hồng ở Đại học Cần Thơ qua học ở Flinders theo học bổng AusAid kết nối tôi với các bạn du học sinh. Nguyễn, một bác sỹ gia đình, là một người bạn mới thân thiết của chúng tôi.
Có người bạn từng bảo tôi “Mi đúng là sinh ra trong bọc điều, toàn gặp quý nhân phù trợ”. Có lẽ là đúng thật, cuộc gặp những người bạn mới bữa đó như báo trước số phận của tôi trong nửa sau của cuộc đời sẽ rẽ sang một ngả may mắn.
Vượt biên, tị nạnBS Nguyễn tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn nhưng khi theo tàu vượt biên tới được Queensland, anh đã từng làm qua đủ mọi nghề nặng nhọc để được đi học lại ở ĐH Flinders và trở lại nghề y. Qua anh mà tôi quen được rất nhiều người trong cộng đồng tị nạn. Bạn mới của tôi là những người trồng rau, thợ sửa xe, thông dịch viên, bán hàng thực phẩm, chủ nhà hàng…
Trước đây, tôi không nghĩ sẽ có ngày mình trở thành bạn của nhiều người vượt biên như vậy. Năm 1979 lần đầu từ Hà Nội vào Sài Gòn tôi đã được một người bà con xa, hiện sống ở Pháp, giải thích cho câu vè “Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, và ba là má nuôi con” có nghĩa là một là tàu đến bến thì con sẽ làm ăn mà gửi thùng quà về nuôi má; hai là tàu chìm dọc đường thì xác con để cho cá ăn; ba là dọc đường con bị biên phòng bắt, vô tù thì má phải thăm nuôi. Nhưng hồi đó không thể tưởng tượng được hết những hy sinh mà hàng triệu đồng hương của tôi đã trải qua để không phải tất cả họ được sống ở Australia, Mỹ, Pháp, Anh và nhiều nước khác.
Anh Bình là chủ một nhà hàng Việt có tiếng ở Adelaide. Như phần đông những người vượt biên tị nạn sau 1975, anh Bình đã trải qua nhiều nghề, riêng nghề nhà hàng anh cũng đã từng nếm trải nhiều thất bại rồi mới thành công được như bây giờ. Và như nhiều người đã nếm mùi khổ cực, anh thích chia sẻ, giúp đỡ.
Năm 2006, đội tuyển bóng đá nữ của Việt Nam qua Adelaide tham gia giải Cúp Bóng đá Nữ Á Châu. Nhiều người bảo bóng đá là môn thể thao vua ở Việt Nam, nhưng bà vợ tôi tá hỏa khi phát hiện ra là do các hoàng hậu không quen ăn đồ Tây mà tiếng tăm thì lại không rõ, họ thổi cơm trắng nhưng chỉ có một chai nước mắm chia nhau chan cho qua bữa. Vợ tôi điện thoại cho các đồng hương, xin được đâu ngàn rưỡi dollar chi viện cho các em, thì trong đó đã có một ngàn chẵn là phần của anh Bình cho.
Bạn mới từ Việt Nam qua anh tiếp đón chu đáo. Bạn cũ ở Việt Nam gặp khó khăn thì anh gửi tiền giúp đỡ. Câu chuyện lúc trà dư tửu hậu đều trở lại những kỷ niệm quê hương. Nhưng hỏi có về thăm quê không thì anh nhất quyết rằng không. Tôi hiểu rằng trong lòng anh còn một vết thương lớn lắm chưa liền sẹo mới làm cho anh phải chối bỏ quê hương yêu dấu. Tôi gọi anh Bình là một người tị nạn hãy còn nguyên chất, còn các đồng hương như Nguyễn, người bây giờ hàng năm đều đi về thăm quê, ngày xưa cũng đã từng là tị nạn, nhưng bây giờ các anh chị có còn nạn đâu nữa mà tị.
Chảy máu chất xám Hội sinh viên VN cùng các bạn Australia tiễn các sinh viên vừa tốt nghiệp chuẩn bị về nước năm 2000 tại Bonython Park (Ảnh được cung cấp).
Một thiểu số trong cộng đồng người Việt ở Australia đến đây bằng đường không, qua đường du học rồi ở lại, hoặc theo chương trình định cư có tay nghề của chính phủ Australia. Thiểu số này đang gia tăng nhanh chóng. Cứ 10 em sinh viên Việt Nam du học ở các nước ngoài thì có tới 7 em sẽ không trở về nước. “Chảy máu chất xám”? Vâng! Anh chảy, tôi chảy, nó chảy, chúng ta cùng chảy… Nghe thì ghê, nhưng thật sự là nhiều người Việt Nam coi việc ra nước ngoài định cư là cách đầu tư tốt nhất cho con cái mình. Khi mà những sự bình thường với phần lớn thế giới còn lại thì lại có thể bị coi là xa lạ ở quê tôi, thì những cái bất bình thường sẽ lên ngôi bình thường. Đến ngày quê tôi không còn cái quy luật đặc biệt ấy thì chả cần tháp truyền hình cao nhất thế giới hay tô bánh canh to nhất thế giới, chắc rồi chất xám cũng sẽ lặng lẽ tự chảy về.
Bằng và Thơm đến ở Adelaide đã 9 năm nay. Thơm coi vợ tôi như chị gái, trồng được luống rau mới, nấu món ăn mới, làm cái đầu mới, ngọt bùi họ đều chia sẻ với nhau. Thơm có bằng bác sỹ ở Việt Nam, du học lấy bằng thạc sỹ ở Queensland. Bằng là kỹ sư giao thông. Ở Việt Nam hai vợ chồng làm cán bộ quản lý dự án, muốn làm giàu chắc cũng chả khó. Vậy mà bỏ tất, ở lại Australia chồng đi làm thợ hãng phụ tùng xe hơi, vợ đi làm ở trại dưỡng lão, rồi đi học lấy bằng điều dưỡng, giống như vợ tôi đã làm 10 năm trước đây. Công việc không cố định, nhưng cái định hướng của cả đoạn đời còn lại thì đã xác quyết: thằng cu Sáng, con trai duy nhất phải được hưởng nền giáo dục Australia, trở thành công dân Australia. Vì vậy mà nhà chả cần to, nợ còn một đống, nhưng lúc nào lòng cũng rộng mở, hớn hở tiếng cười. Lâu lâu gom góp đủ tiền thì về thăm quê, cho thằng Sáng khỏi quên tiếng mẹ đẻ, cho nó đi theo Cơm Có Thịt lên núi để học lòng nhân ái, cảm nhận ý thức cộng đồng. Đó là một gia đình hạnh phúc, may mắn vì ngoài Tổ quốc Việt Nam giờ đây có thêm Tổ quốc thứ hai là Australia. Và xuất phát từ Australia, thằng Sáng sẽ trở thành một công dân của tự do, của toàn cầu.
BBQ ra mắt album nhạc "Môi Tím Chân Trần" gây quỹ cho Cơm Có Thịt (Ảnh được cung cấp)
Thầy giáo đại học và hạnh phúc giản dị Bá cũng là một người bạn đặc biệt nữa mà tôi muốn kể. Qua ĐH South Australia học sau đại học, Bá lấy bằng tiến sỹ giáo dục học, và muốn trở lại làm nghề giáo như anh đã làm ở Việt Nam. Phil, một anh bạn người Anh tôi quen, bên Anh cậu ấy là giáo viên dậy nhạc cho trường Trung học, qua đây chấp nhận dạy bất kỳ trường nào kể cả tiểu học, 3 năm rồi mà cũng chưa được nhận vào làm chính thức. Dân bản ngữ còn thấy khó vậy, huống hồ là dân Việt, phải học mới cả một nền văn hóa khác để mà nhập gia tùy tục, nói chi đến chuyện đi dạy người ta. Vậy mà cuối cùng Bá đã đạt được điều anh theo đuổi, năm rồi anh được nhận làm giảng viên của ĐH South Australia, trong niềm vui và tự hào của các đồng hương.
Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt duy nhất về Bá. Từ ngày trở lại bục giảng, cứ cách vài tuần, ngày cuối tuần anh lại chạy xe kéo rờ moóc lòng vòng đến các gia đình bạn bè theo hẹn để thu gom vỏ chai bia, sắt vụn… Năng nhặt chặt bị, ông giáo của ĐH South Australia lập ra một quỹ nhỏ gửi về Việt Nam giúp các sinh viên khó khăn. Có lẽ đây là một quỹ từ thiện độc đáo nhất mà tôi được chứng kiến từ xưa đến giờ. Cho đi một chút xăng xe, một phần quỹ thời gian ngày nghỉ, và nhận lại là niềm vui cho người ở quê hương cũ, bạn bè ở quê hương mới, và niềm hạnh phúc cho chính mình.
Hòa giải dân tộc Những người bạn Úc - Sandra and Aussie Kank, John and Pauline Austin đến thăm tại căn hộ thuê ở Melrose Park năm 1999. (Ảnh được cung cấp)
Lại đến ngày 30 Tháng Tư, tự nhiên tôi nhớ lại người bạn Australia đầu tiên của mình, Marina Saunders. Lần đầu gặp nhau năm 1992 tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Jakarta, Marina làm tôi ngạc nhiên với câu chuyện về cuộc hòa giải của người Australia, về chính phủ đã chính thức xin lỗi những người thổ dân vì những lỗi lầm mà người da trắng đã gây ra cho người thổ dân từ nhiều năm trước. Marina là cô giáo đầu tiên đã dạy tôi về lịch sử Australia, cho tôi hiểu rằng chính tính khoáng đạt và lòng vị tha văn hóa đa chủng tộc đã làm nên tính cách Australia.
Rồi tôi nhớ đến các bạn bè tôi ở Việt Nam, không ít người bây giờ vẫn tiếp tục vô tư gọi ngày 30 Tháng Tư là ngày giải phóng miền Nam hay là ngày chiến thắng. Nhưng tôi không trách các bạn ấy mà nghĩ là nếu di cư sang một đất nước như Australia, hoặc là nếu có được những người bạn như Marina, John và Brenda, rất có thể rồi các bạn ấy sẽ thay đổi và đồng ý với tôi rằng chính những mỹ từ “giải phóng”, “chiến thắng” và “vinh quang” đang góp phần kìm giữ bánh xe phát triển của Việt Nam dứt ra khỏi cái bóng của chiến tranh và lạc hậu mà tiến tới một ngày hòa giải mà 80 triệu người mong muốn.
Cảm ơn Australia, quê hương thứ hai yêu quý của tôi.
Bài viết là chia sẻ cá nhân của anh Trần Bắc Hải, một nhà khoa học của Viện Hanson, Bệnh viện Hoàng gia Adelaide.
Theo ABC