Ảnh tư liệu nếu dùng sai có thể gây bức xúc cho công chúng
Hỏi: Chương trình phát triển bền vững của công ty chúng tôi giúp đỡ người dân trong cộng đồng nơi chúng tôi sản xuất. Để khách hàng biết được điều này, chúng tôi đã dùng văn học có hình ảnh của những nông dân đang mỉm cười. Nhưng những hình ảnh này không phải được chụp tại địa điểm chúng tôi sản xuất mà là hình ảnh tư liệu. Liệu chúng tôi có buộc phải đưa ra hình ảnh chụp lại thực tế những gì đang xảy ra tại nơi chúng tôi có hoạt động sản xuất hay không? Và trên hết, đâu là lằn ranh đạo đức giữa quảng cáo và thực tế?
Đáp: Có hai câu hỏi ở đây: việc dùng ảnh tư liệu thay vì hình ảnh thật là đúng hay sai và liệu nó có cho thấy đầu óc nghèo nàn của người sử dụng hay không.
Ảnh không liên quan
“Chẳng có gì sai nếu bạn dùng ảnh tư liệu để truyền tải thông điệp cũng như thúc đẩy một chương trình khuyến mãi nào đó,” Steve Nguyen, nhà tư vấn chuyên phục vụ khách hàng là các tổ chức, viết trong điện thư.
Nhưng người phụ trách chương trình phải cân nhắc rất kỹ về những rủi ro, Nguyen, người sống ở Dallas, Texas, nói, cũng nhắc nghĩ kỹ về việc những hình ảnh đó chân thật như thế nào đối với thông điệp họ muốn chuyển tải.
Ông dẫn lại một sự việc hồi năm 2014 khi mà nhật báo Anh The Daily Mirror sử dụng hình ảnh tư liệu một bé gái đang khóc để minh họa cho chiến dịch chống đói nghèo. Đây là một hình ảnh cổ điển làm lay động lòng người – loại hình ảnh thường được sử dụng trong những lời kêu gọi từ thiện.
Ảnh của nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp hai em bé tại Cán Tỷ, Quản Bạ, Hà Giang hồi 2007 đã được lan truyền trên mạng với lời chú giải "nạn nhân động đất Nepal 2015"
“Vấn đề ở chỗ bé gái trong bức ảnh thậm chí không phải là người Anh và điều quan trọng nhất, em khóc không phải vì em đói nghèo,” Nguyen dẫn lại một bài báo trên tờ Guardian cho biết. Đó là một bé gái người Mỹ. Em đang khóc vì thấy một con sâu róm và mẹ em đã chụp lại tấm ảnh này.
Sau khi bức ảnh này được tiết lộ là ảnh gia đình chứ không phải ảnh mô tả một em bé trong cảnh đói nghèo, độc giả cảm thấy họ bị lừa dối và tờ Daily Mirror đã bị chỉ trích nặng nề từ truyền thông và công chúng.
Một vấn đề tương tự cũng đã xảy ra tại Lễ hội nhạc Jazz Montreux ở Thụy Sỹ hồi năm 2013 khi mẩu quảng cáo cho nhà trẻ ở lễ hội dùng hình ảnh một bé trai.
Các nhà tổ chức lễ hội sau đó cho biết người dùng bức ảnh này không hề biết rằng đó là ảnh của Gregory Villemin, một bé trai người Pháp bị bắt cóc và bị sát hại hồi năm 1984 trong một vụ án nổi tiếng mà cảnh sát không tìm ra hung thủ.
Chọn ảnh thật kỹ
Liệu điều tương tự có xảy ra với công ty của bạn? Nếu khách hàng và các đối tác tiềm năng của bạn cảm thấy bạn không trung thực hay bằng cách nào đó đang lừa dối họ về kết quả của chương trình phát triển bền vững của công ty bạn thì bạn có khả năng đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại danh tiếng.
Mặc dù rất dễ tìm và mua những bức ảnh chất lượng cao, bạn có thể sẽ làm độc giả cảm thấy phản cảm nếu họ nghĩ rằng đó là những bức ảnh giả hoặc không nói lên điều gì nếu bạn lựa chọn không kỹ.
Hãy đảm bảo rằng những bức ảnh bạn chọn thể hiện chính xác tình cảm mà bạn muốn chuyển tải. Hãy đọc dòng chú thích đối với mỗi bức ảnh tư liệu cẩn thận để đảm bảo rằng đó không phải là ảnh tin tức có liên quan đến những sự kiện thời sự quan trọng.
Một bức ảnh tư liệu có tựa là 'Tôi nhìn thấy bạn' mô tả một phụ nữ nhìn ra ngoài
Và hãy xem xét yếu tố địa lý: đừng trưng ra những bức ảnh nông trang trên núi khi khu vực bạn đang trợ giúp là vùng đồng bằng.
Một rủi ro tiềm ẩn khác nữa là: “Hình ảnh tư liệu mà bạn dùng nhiều khả năng đã được ai đó dùng trên mạng hay trên báo in rồi để truyền đạt một thông điệp hoàn toàn khác với thông điệp của bạn,” Nguyen phân tích. Bạn có thể dùng công cụ tìm kiếm ảnh Google để xem liệu bức ảnh đó đã được ai khác sử dụng chưa và cho mục đích gì.
Thuê nhiếp ảnh gia để chụp hình ảnh tại hiện trường có những lợi thế và cả những bất lợi, Nguyen nói.
Không có gì nghi ngờ về tính xác thực của những bức ảnh này và công ty của bạn sẽ có thêm uy tín nếu như chú thích giải thích rõ chương trình mà các bạn đang thực hiện hay bạn có một phần kể lại chuyến đi của nhiếp ảnh gia đến hiện trường. Bạn sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ câu chuyện trong chương trình của bạn và những người đằng sau câu chuyện.
Chú thích đầy đủ
Hãy đảm bảo bạn thuê được một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm. Những người chuyên môn về chụp ảnh chân dung trong studio có lẽ không phù hợp để bắt lấy những khoảnh khắc theo kiểu tư liệu mà bạn cần cho câu chuyện của mình.
Diễn viên Vince Vaughn xuất hiện trong một trò lừa tiếp thị cho phim Unfinished Busines
Xem xét các hồ sơ về nhiếp ảnh gia bạn sẽ chọn cũng kỹ lưỡng khi bạn chọn đối tác làm ăn, và nên nhớ rằng những người bên ngoài sẽ có cái nhìn tươi mới đối với dự án của bạn và họ sẽ chộp lại những khoảnh khắc mà người địa phương xem là quá bình thường.
Lưu ý rằng có thể có vấn đề riêng tư hay pháp lý nếu bạn dùng hình ảnh của những người đang tham gia vào chương trình bền vững này. “Nếu không được xem xét thỏa đáng và nếu như bối cảnh xung quanh hay cách làm với ‘người thật việc thật’ không có gì đặc sắc thì bạn có thể hủy hoại chương trình hay làm tổn hại đến thông điệp của bạn.”
Từ quan điểm đạo đức, bạn sẽ không gặp vấn đề gì nếu như bạn chú thích ảnh đầy đủ và ghi rõ nguồn gốc ảnh và cho biết đó là ảnh tư liệu hay ảnh chụp thực tế.
Đạo đức nghề nghiệp (Work Ethic) là chuyên mục thường kỳ hai lần một tháng trên BBC Capital nơi chúng tôi trả lời những câu hỏi liên quan đến đạo đức nghề nghiệp hay những khúc mắc trong giao tiếp với đồng nghiệp mà độc giả khắp thế giới gặp phải. Các bạn có thể gửi câu hỏi về
workethic@bbc.comTheo BBC