Một số loại xe chở hàng đường xa. cadn.com.vn
Tai nạn giao thông và nạn xì ke vốn là hai thứ họa đang phát triển ở Việt Nam. Trước đây, hai mối họa này không có mối liên hệ nào với nhau nhưng trong hiện tại, giữa xì ke và tai nạn giao thông nghe có vẻ đã cói mối quan hệ tương đối khắng khít, nhất là tai nạn do xe đường dài, xe chở container, xe chở hàng liên tỉnh gây ra. Tình trạng xì ke, ma túy bán tràn lan, hết kiểm soát được cộng với nạn mãi lộ diễn ra khắp nơi từ Nam chí Bắc đã dẫn đến nạn xì ke ma túy trong giới tài xế xe đường dài và những vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Mối quan hệ “tam quyền phân lập”Vì sao giữa xì ke ma túy, nạn mãi lộ và tai nạn giao thông lại có mối quan hệ khắng khít với nhau?
Một tài xế xe đường dài, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Phải có thứ đó thì nó tăng lực mới chạy được. Như từ Bắc vào Nam còn khoảng hai trại bị ép thì phải dùng tới nó không thì nó buồn ngủ không chạy nổi. Năng lượng ảo thôi, dùng xong hết thì cũng đuối. Nhưng phi nó vào là chạy từ đêm tới sáng à, người nó tỉnh bơ, khỏe re à. Tai nạn xe tải chủ yếu là do buồn ngủ mà. Thường thì chạy khoảng 8-9 tiếng đồng hồ nhưng tài xế thì chạy 18-19 tiếng nên nhiều khi chạy trong vô thức, cứ ôm vô lăng mà chạy”.
Theo người tài xế này, chuyện xì ke ma túy tràn ngập trong giới lái xe đường dài là chuyện đã hết hồi cứu vãn. Và hiện tại, anh khẳng định là tỉ lệ không vướng ma túy trong giới lái xe đường dài chỉ có thể hy vọng vài chục phần trăm là quá khả năng có thể. Bởi đây là vấn đề có tính dây chuyền.
Bản thân anh cũng không tránh khỏi việc phải dùng đến ma túy để chạy xe đường dài vì không còn lựa chọn nào khác. Mặc dù anh không hề muốn chuyện này và thừa biết là ma túy sẽ giết chết tương lai của anh cũng như gia đình anh nhưng anh đành phải chấp nhận giải pháp này để tồn tại.
Anh nói rằng sở dĩ hàng loạt tài xế lái xe đường dài lại chọn xì ke ma túy để tồn tại nghề nghiệp là do một nguyên nhân nghe hết sức buồn cười: Do sợ công an giao thông bắt! Giải thích thêm, anh này nói không phải phi xì ke hay hút chích ma túy nhằm giảm đi nỗi sợ hãi mà xì ke ma túy chỉ đến sau thuốc lá với nước tăng lực Redbull.
Ban đầu, mới vào nghề, các tài xế trẻ chạy xe đường dài đều dùng nước tăng lực Redbull, tức là nước bò húc để uống trong suốt quá trình chạy. Đặc biệt là khi chạy vào ban đêm, một tài xế có thể đốt hết một gói thuốc lá cộng với từ hai đến năm lon nước tăng lực Redbull để giữ tỉnh táo trong lúc lái, tránh tình trạng buồn ngủ và ngủ gật trong lúc chạy xe.
Vì sao các tài xế phải dùng chất kích thích chạy xuyên đêm? Và tại sao họ phải chọn giải pháp hoàn toàn có hại cho sức khỏe? Trả lời câu hỏi này, anh tài xế nói rằng vì chạy ban đêm, họ được lợi, mặc dù cái lợi này chỉ tạm thời trước mắt nhưng họ không còn đường lựa chọn nào. Bởi với xe khách và xe tải đường dài, mức độ chung chi cho cảnh sát giao thông rất cao. Mà một khi phải chung chi quá cao, nhà xe buộc phải độn thêm hàng, nhét thêm khách dẫn đến quá tải, nếu gặp cảnh sát giao thông, rất có thể bị hù phạt để được chung chi cao hơn bình thường, khoản này rất khó nói chuyện với nhà xe và có thể bị sa thải, mất việc làm.
Trung bình một chuyến hàng hoặc một chuyến xe khách từ Sài Gòn ra Hà Nội, phải qua ít nhất mười lăm trạm cảnh sát giao thông cố định và mười trạm phát sinh. Nhà xe giao khoán cho tài xế mỗi trạm hai trăm ngàn đồng, số tiền tương đương năm triệu đồng. Nếu như tài xế biết cách tránh cảnh sát giao thông, họ sẽ dư ra được khoản tiền chung chi này. Hơn nữa, hàng về đến nơi sớm, lại được chủ hàng hài lòng, có thể thưởng tiền.
Chính vì vậy mà các tài xế quyết chạy trắng đêm để tránh một số trạm cảnh sát giao thông làm việc ban ngày. Thường thì số trạm ăn sương vào ban đêm rất ít so với số trạm đứng đường ban ngày. Chính khoản dư chung chi này có khi còn lớn hơn cả tiền lương sau chuyến chạy hàng của người lái xe. Do vậy mà hầu hết tài xế đêu dùng chất kích thích để thức trắng đêm mà chạy.
Ban đầu dùng nước tăng lực là có thể thức nhưng về lâu về dài, cơ thể quen với loại nước này, uống vào vẫn cứ ngủ bình thường. Lúc đó tài xế sẽ tìm đến những loại ma túy nhẹ. Và một khi tìm đến ma túy để chạy xe thì vài tháng sau, mức độ nghiện đã nhanh chóng tăng cao. Đến một lúc nào đó, tai nạn xãy ra vì ma túy, có thể là vì thiếu mà cũng có thể là vì phê ma túy trong lúc chạy xe.
Những vụ tai nạn máu lạnhMột tài xế lái xe đường dài khác tên Thông, chia sẻ thêm:“Nói chung là cũng tùy, lái xe container chơi cho khỏe. Không hẳn ai cũng chơi loại này đâu. Nhưng số lượng chơi xì ke trong giới tài xế cũng không ít đâu! Ai nghiện thì nghiện, không nghiện thì không nghiện, lái có nhiều tiền thì chơi thôi.”
Một xe chở hàng gặp nạn (minh họa)
Theo anh Thông, những vụ tai nạn xe trong thời gian gần đây đều có vẻ rất man rợ và máu lạnh. Nguyên nhân của nó do hai hướng: Bảo hiểm tai nạn giao thông và; Nhân tính của con người đã bị mối ăn. Ở nguyên nhân bảo hiểm y tế, anh Thông cho rằng mức đền bù quá thấp và có vẻ như trọn gói trong cá vụ tai nạn chết người, mỗi người bị chết do tai nạn giao thông được đền bù chưa đến 20 triệu đồng trước đây và chưa đến 50 triệu đồng hiện tại là nguyên nhân khiến cho các tài xế máu lạnh nhấn ga giết chết nạn nhân để rảnh tay.
Thay vì cứu nạn nhân, nuôi nạn nhân, chạy chữa để nạn nhân lành mạnh trở về cuộc sống, đa phần các tài xế dính phải xì ke sẽ nhắm mắt nhắm mũi nhấn ga, thậm chí nhiều trường hợp xe đã qua khỏi vị trí nạn nhân nằm, tài xế cho xe lùi lại để cán chết nạn nhân bởi khi chết, nạn nhân được bảo hiểm đền bù vài chục triệu đồng, tài xế khỏi phải đền bù. Trong khi đó, nếu nạn nhân còn sống, vào bệnh viện, gia đình tài xế và nhà xe phải nuôi, chăm sóc cho lành lặn, số tiền có khi lên vài trăm triệu đồng.
Chính phép toán đầy tính man rợ và máu lạnh này mà hầu hết các vụ tai nạn do tài xế cố tình giết chết nạn nhân hoặc những vụ tai nạn thảm khốc, chết người đều có yếu tố xì ke ma túy, công an giao thông, bảo hiểm và sức mạnh của đồng tiền tác động.
Con người ngày càng trở nên máu lạnh với nhau, mỗi con đường không chỉ còn là nơi để đi và đến như ngày xưa nữa bởi nó hàm chứa quá nhiều mối nguy hiểm, tội ác rình rập.
Theo RFA