Thời gian và lịch sử… Những cuộc chiến tranh tàn khốc, máu xương đổ ra, bên nào cũng có những tổn thất nặng nề. Và
chuyện thắng thua, chuyện được mất, nỗi niềm của người thất trận và những quyền lợi thuộc về người thắng cuộc; những thứ
đó với một thế hệ xem ra có vẻ khá rõ rệt. Nhưng nhìn từ xa, qua kiểm chứng của thời gian, ý nghĩa thắng thua sẽ khác đi, sẽ
tương đối hơn. Lịch sử vẫn còn đó, những cột mốc thời gian, những con số, những câu chuyện…
Biến cố 30-04-1975 không chỉ đặc biệt ý nghĩa với dân Việt, đất Việt. Nó ảnh hưởng đến lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử Thế giới.
Bốn mươi năm đã trôi qua. Những ai thuộc tuổi tam thập nhi lập vào thời đó giờ đã 70. Tuổi tứ thập nhi bất hoặc ngày đó bây
giờ cũng đã 80. Đầu óc kém hẳn, chân tay lẩy bẩy. Và những đứa trẻ đỏ hỏn, oa oa cất tiếng chào đời dạo ấy, giờ đã 40, trở
thành tứ thập nhi bất hoặc rồi. Thời gian vèo đưa. Bóng câu qua cửa sổ. Bụi thời gian đã ít nhiều làm mờ đi tính sốt dẻo của
biến cố, để rồi mỗi lần tháng Tư quay trở lại, di sản (hay di hại) của cuộc chiến Việt Nam như thế nào, điều đó phụ thuộc vào
cách chúng ta nhìn vào mặt nào của đồng xu lịch sử.
Với người Mỹ, đánh giá về thiệt hại trong cuộc chiến Việt Nam lên đến số tiền cả ngàn tỷ Mỹ kim. Trang website
http://www.livinghistoryfarm.org đã ghi rõ: Economic costs. The Defense Department reported that the overall cost of the
Vietnam war was $173 billion (equivalent to $770 billion in 2003 dollars). Veteran’s benefits and interest would add another
$250 billion ($1 Trillion in 2003 dollars). Một ngàn tỷ thời giá năm 2003. Còn tính bằng tiền hôm nay, con số ấy lại càng khủng
khiếp hơn, nếu tính theo giá vàng.
Một quãng thời gian dài, cùng với khoản năng lượng khổng lồ (lẽ ra) cần được sử dụng vào những mục tiêu kế hoạch khác
cuối cùng đã đổ vào mảnh đất hình chữ S, theo nhiều người là thất bại. Rồi khi nói đến con số lính Hoa Kỳ vĩnh viễn nằm
xuống tại Việt Nam, người ta không thể không ngỡ ngàng, bùi ngùi thương cảm.
Gõ vào Google search nhóm chữ American Casualty in Vietnam War – bạn sẽ có rất nhiều những trang mạng nói về con số
lính Mỹ thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam. Theo DCAS (Defense Casualty Analysis System) cho biết 58.220 lính Hoa Kỳ
đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam. Extract Files contains records of 58,220 U.S. military fatal casualties of the Vietnam
War. Còn những căn bệnh tâm lý, những di hại hậu chiến tranh, nỗi ám ảnh kinh hoàng nhiều năm, những tổn thất tinh thần này
không thể nào đo lường được (đối với) những người lính còn sống và với người thân của những chiến binh đã nằm xuống.
Thời gian đã chữa lành nhiều vết thương. Sự hàn gắn đã lật những trang sử mới. Có lẽ với nhiều người Mỹ khi nhìn vào cuộc
chiến Việt Nam họ đã cố sắng, nếu “can’t forgive” thì cũng nên “forget” để tiếp tục những tháng ngày phía trước. Tất nhiên
nhiều trường hợp nói thì dễ, nhưng làm thì khó.
Nhiều chứng tích để lại trong lịch sử Hoa Kỳ về chiến cuộc tại Việt Nam. Những nhân chứng sống. Những cựu chiến binh.
Nhiều kho ảnh. Vô số những thước phim. Những câu chuyện, những lời kể, những trang nhật ký, những cuộc biểu tình phản
chiến tại Hoa Kỳ rầm rộ, TV, báo chí, và những ca khúc…
Nói tới các ca khúc phản chiến, ta nghĩ đến ảnh hưởng của âm nhạc đối với các hiện tượng trào lưu xã hội, trong đó có chiến
tranh. Với người Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam, có lẽ ca khúc Mr. Lonely là một trong số những chứng tích còn sót lại. Và nếu
coi Vietnam War như một viện bảo thàng, ca khúc Mr. Lonely sẽ là một tác phẩm nhiều ấn tượng. Nếu có dịp vào
youtube.com, bạn sẽ nghe được ca khúc này thể hiện bởi giọng hát truyền cảm của danh ca Bobby Vinton – bạn sẽ cảm động
bởi tâm trạng của những người lính Mỹ – những Mr. Lonely vô danh dạo ấy.
Lời nhạc của ca khúc Mr. Lonely đơn giản nhưng có một sức thuyết phục lớn lao. Nó lay động lòng người bởi tâm trạng của
một người lính (có lẽ còn rất trẻ), xa nhà, cô đơn, thèm khát những liên hệ tình cảm khi đang phải chiến đấu trên mảnh đất xa
lạ, chuyện sống chết thật mong manh, khiến người nghe xúc động mạnh. Hãy nghe lời nhạc thật mộc mạc của ca khúc này:
Lonely, I’m Mr. Lonely
I have nobody for my own
I’m so lonely, I’m Mr. Lonely
Wish I had someone to call on the phone
I’m a soldier, a lonely soldier
Away from home through no wish of my own
That’s why I’m lonely, I’m Mr. Lonely
I wish that I could go back home
Letters, never a letter
I get no letters in the mail
I’ve been forgotten, yeah, forgotten
Oh, how I wonder how is it I failed…
Trong điệu slow chậm và buồn, tâm trạng của một người lính trẻ được thể hiện qua lời nhạc đã khiến người ta khó tránh những
liên hệ thương cảm. (Có lẽ) với những người lính tham chiến, lời và nhạc của ca khúc này càng khiến họ suy nghĩ nhiều hơn về
hai chữ “tại sao”. Nhiều Mr. Lonely có thể hiểu về những giá trị lý tưởng nhân bản, những danh dự cao quý của tinh thần chiến
đấu bảo vệ tự do, nhưng họ không hiểu được tại sao họ lại có mặt tại một vùng đất nguy hiểm, xa lạ. Họ không giải thích được
tại sao họ đối diện với nỗi cô đơn, cái chết của đồng đội, hình bóng người thân, ký ức quê nhà; đó là những cảm xúc và tâm tư
chỉ có người trong cuộc mới thực sự thấm thía sâu sắc nhất. Đặc biệt dạo ấy nhiều Mr. Lonely phải tham chiến vì chế độ quân
dịch. Go to war or go to jail.
Chiến tranh tàn khốc. Nó xấu xa. Nó là những vết chàm trong lịch sử loài người. Nhưng hình ảnh những người lính thì khác. Có
người nói người lính của hai bên đều là những anh hùng. Nếu hiểu theo nghĩa nhiệm vụ của họ là cầm súng chiến đấu vì lý
tưởng yêu tổ quốc, yêu dân tộc, yêu đất nước. Còn lính đánh thuê, phiến quân khủng bố, giết người một cách dã man sẽ khác
hẳn. Họ là giặc chứ không phải là lính. Và cách nhìn của chúng ta, từ góc độ nào sẽ có những chân dung người lính khác hẳn
nhau.
Nghe lại ca khúc Mr. Lonely – bạn tìm thấy những cứ liệu lịch sử rất rõ. Tuy không ồn ào như các cuộc xuống đường phản
chiến. Lặng lẽ thôi. Mr. Lonely là tâm sự của những người lính cô đơn. Họ không có người thân. Không có ai để trò chuyện
qua phone. Không thư từ. Xa nhà. Cảm giác mình bị quên lãng, bị bỏ rơi. Bối rối thực sự. Không hiểu sao mình thất bại. Thèm
được buông bỏ tất cả để trở về mái nhà xưa. Nhất là họ cảm thấy cô đơn khi xa nhà, và nỗi cô đơn đó của họ (có thể trong
nhiều lúc) không phải là điều họ mong muốn: Away from home through no wish of my own.
Ca khúc Mr. Lonely ra mắt năm 1962 (do Bobby Vinton viết và thu âm) nhanh chóng thành công. Có lúc ca khúc này đã lọt vào
danh sách Greatest Hits (năm 1964). Tháng 12 cùng năm, ca khúc này đã lên vị trí #1 của Billboard chart. Có lẽ vì nó đã phản
ảnh được một cung bậc tâm trạng cảm xúc của một người lính, cộng thêm với tinh thần phản chiến tại Hoa Kỳ lúc đó đang
dâng cao.
Bốn mươi năm đã trôi qua. Những người lính Hoa Kỳ trẻ ấy, tạm lấy cột mốc họ rút khỏi Việt Nam năm 1973, (chỉ những cố
vấn và các vị trí then chốt ở lại). Và tạm thời lấy độ tuổi trung bình của họ trên dưới 20 – cộng với khoảng thời gian 42 năm
(1973-2015) nhiều người trong số họ hiện nay đã về hưu, một số lớn đã ra đi.
Thắc mắc có bao nhiêu lính Mỹ phục vụ trong chiến cuộc Việt Nam, gõ vào Google: How many soldiers serve in Vietnam War,
bạn sẽ nhận được câu trả lời: 9.087.000 military personnel served on active duty during the Vietnam Era (August 5, 1964 –
May 7, 1975). 8.744.000 GIs were on active duty during the war (Aug 5, 1964-March 28,1973). 2.709.918 Americans served
in Vietnam, this number represents 9.7% of their generation.
Vâng. Đó là những con số rất thực. 9.7% dân Mỹ đã phục vụ tại Việt Nam – một trong những cuộc chiến đắt đỏ nhất đối với
lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ đắt đỏ hơn, đó là con số hơn 9 triệu nhân sự quân lực phục vụ trong khoảng thời gian gần 11
năm. Còn lính Mỹ (GIs) – những Mr. Lonely tham chiến trong khoảng hơn 8 năm lên tới gần 9 triệu.
Hậu quả chiến tranh tác động trực tiếp lên thường dân tại địa phương và những người trực tiếp tham chiến. Hố bom và bãi
chiến trường sẽ dần dần khô vệt máu. Nước mưa sẽ rửa trôi. Cây xanh sẽ mọc lại, phủ kín những đổ vỡ và tàn phá. Nhưng
trong ký ức những người lính – những Mr. Lonely – chiến tranh vẫn còn đó. Bãi chiến trường trong trí nhớ của họ vẫn đầy dẫy
những hố bom, những xác đồng đội, những cơn mưa dầm buốt lạnh, muỗi mòng, những đôi mắt trẻ thơ người bản xứ, những
giây phút cảm thấy cô đơn cùng cực…
Trong tâm trí họ không có nước mưa rửa trôi, không có mặt trời làm khô vũng máu, không có cây xanh phủ kín, xóa mờ tàn
tích chiến tranh. Họ mỗi ngày vẫn sống với di hại tâm lý của chiến tranh – giải thích không được nhưng có thể cảm nhận rất rõ.
Nguyễn Thơ Sinh