Paul Simon và Art Garfunkel
Tải để nghe
http://telechargement.rf..._1965-2015_TUAN_THAO.mp3Cách đây 50 năm, "The Sound of Silence" là ca khúc đầu tiên đưa tên tuổi của Simon & Garfunkel lên hạng nhất thị trường quốc tế, giúp cho ban song ca người Mỹ trở thành một trong những nhóm tiêu biểu nhất của hai thập niên 1960 và 1970. Ca khúc này thật ra có đến hai phiên bản hòa âm, ăn khách nhất vẫn là phiên bản thứ nhì, phát hành vào mùa thu năm 1965.
The Sound of Silence, cả ca từ lẫn giai điệu đều do Paul Simon sáng tác. Theo lời của chính tác giả, ca khúc này đã được viết năm anh 22 tuổi, rồi được ghi âm vào tháng Ba năm 1964 cho album đầu tiên của nhóm. Ca khúc có lối hoà âm rất mộc, tiếng hát của Paul Simon chỉ được đệm bằng đàn ghi ta thùng và giọng hát bè của Art Garfunkel.
Hầu hết các ca khúc sáng tác cho album đầu tay của ban song ca đều được viết sau nửa đêm, do Paul Simon thường có thói quen thức khuya để soạn nhạc. Ca khúc cuối cùng mà anh viết cho album này được hoàn tất vào một ngày thứ Tư cho nên album đầu tay của nhóm mới mang tựa đề Wednesday Morning 3 A.M, có nghĩa là Thứ Tư ba giờ sáng …
Thế nhưng khi album được hãng đĩa Columbia phát hành, thì lại hoàn toàn gặp thất bại. Nhóm Simon & Garfunkel vì thế mà rã đám sau 7 năm hợp tác, cho dù hợp đồng ghi âm của nhóm vẫn chưa hết hạn. Thất vọng chán nản, Art Garfunkel đi học trở lại tiếp tục theo đuổi ngành kiến trúc, còn Paul Simon thì rời Hoa Kỳ sang Luân Đôn hy vọng gầy dựng lại bước đầu sự nghiệp …
Tưởng chừng mọi chuyện đã an bài, nhưng bất ngờ thay, lại có đột biến vào giờ phút chót. Nhà sản xuất Tom Wilson sau khi hợp tác với Bob Dylan (trên ca khúc Like a Rolling Stone) nhận thấy rằng bản nhạc The Sound of Silence có rất nhiều tiềm năng, nhưng lối hoà âm lại thiếu sức thuyết phục. Cùng với một số nhạc sĩ (Al Gorgoni, Bob Bushnell, Buddy Salzman …), nhà sản xuất Tom Wilson thực hiện một bản phối thứ nhì mà không hề vấn ý ban song ca Simon & Garfunkel.
Phiên bản hòa âm mới sử dụng lối phối khí của ban nhạc rock The Byrds, giữ nguyên cách hát mộc của Simon & Garfunkel, nhưng thay thế đàn ghi ta thùng bằng một dàn nhạc kết hợp bộ trống, đàn bass và ghi ta điện. Kết quả là vào tháng 9 năm 1965, khi được phát hành lần thứ nhì dưới dạng đĩa đơn, nhạc phẩm "The Sound of Silence" lọt vào danh sách 50 ca khúc ăn khách nhất, đến đầu năm 1966, bài hát giành lấy ngôi vị quán quân của bảng xếp hạng Billboard. Vào lúc đó Paul Simon đang viếng thăm thủ đô Đan Mạch, mới tình cờ khám phá phiên bản mới này.
Nửa ngạc nhiên, nửa bực mình (mà thử hỏi có tác giả nào mà không bực bội khi thấy người khác sửa đổi tác phẩm của mình mà không hỏi trước), Paul Simon mới gọi điện thoại cho ông Tom Wilson để hỏi đầu đuôi câu chuyện. Ngoài miệng, Paul Simon nói rằng anh không thích phiên bản hòa âm thứ nhì, nhưng trong thâm tâm anh phải thừa nhận rằng lối hòa âm này tân kỳ, hiệu quả và ăn tiền hơn nhiều so với phiên bản đầu tiên.
Dù gì đi nữa nhờ thành công của The Sound of Silence phiên bản thứ hai mà ban song ca Simon & Garfunkel mới tái hợp và trở lại phòng thu để ghi âm các album kế tiếp, trong số sáu tập nhạc mà nhóm này đã ghi âm với nhau thành công nhất vẫn là tập nhạc Bridge Over Troubled Water (tạm dịch Nhịp cầu trên nước đục) và tập nhạc chủ đề của bộ phim The Graduate với Dustin Hoffman trong vai chính.
Theo giới phê bình, The Sound of Silence là một trong những ca khúc độc đáo nhất của ban song ca Simon & Garfunkel. Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội các tác giả Hoa Kỳ xếp bài này (hạng 79) trong số 100 bài hát hay nhất thế kỷ XX. Còn tạp chí chuyên ngành Rolling Stone đưa bài này (hạng 157) vào danh sách 200 ca khúc hay nhất mọi thời đại. Với hơn 500 phiên bản ghi âm trong đủ mọi thể loại và được dịch sang nhiều thứ tiếng kể cả hai phiên bản tiếng Pháp với hai lời khác nhau (La voix du Silence của Richard Anthony và Chanson d’Innocence của Gérard Lenorman), ngoài ra còn có tiếng Đức, Thụy Điển, tiếng Hoa, tiếng Ý …
The Sound of Silence cũng nằm trong số mười ca khúc rất quen thuộc mà tất cả những ai thích chơi đàn ghi ta thùng cũng đều muốn học thuộc lòng. Bản nhạc cũng thường xuyên được sử dụng làm nhạc phim, ít nhất là 7 lần trong nửa thế kỷ vừa qua, kể cả phiên bản ghi âm chính gốc của Simon & Garfunkel hay là phiên bản cover do các nghệ sĩ khác ghi âm lại.
Về nội dung, thì Paul Simon viết bài này khi còn là sinh viên khoa văn cho nên anh mới dùng nghịch dụ Tiếng thầm The Sound of Silence làm tựa đề bài hát. Trong nguyên tác, nhạc phẩm The Sound of Silence có lối hòa âm rất mộc. Trong phiên bản thứ nhì, ngoài lối hòa âm với tiếng bass và đàn guitare điện, chuyên gia âm thanh Roy Halee còn tạo thêm hiệu ứng âm thanh vang thầm như trong ca từ bài hát có nhắc đến (and echoed in the wells of silence), nhờ vậy mà The Sound of Silence càng có thêm ý nghĩa phong phú.
Khi kết hợp hai hình tượng đối chọi trái ngược với nhau, tác giả Paul Simon muốn vạch trần nghịch lý của xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cô đơn. Trong đám đông ồn ào, người ta nói chuyện nhưng vẫn không hiểu nhau, cho dù sống bên cạnh, nhưng chưa chắc gì đã gần gũi. Chốn đô thị huyên náo, con người không biết chia sẻ, vì họ không còn lắng tiếng âm thầm trong điệu nhạc con tim, cung bậc cảm xúc chùn bước tâm hồn. Sự trống trải tẻ nhạt khi ta chỉ có một mình, không đáng sợ bằng nỗi cô độc tột cùng, dù có biết bao người đang ở xung quanh.
Cách hát mộc của Simon và Garfunkel thể hiện cho góc tối nội tâm, thì thầm nhắn nhủ như người bạn tri âm trong đêm khuya trăn trở (hello darkness my old friend). Còn tiếng đàn minh họa cho cảnh vật bên ngoài, khi con người mù quáng chạy theo lối sống hiện đại (people bowed and prayed to the neon god they made). Giữa một bên là âm thanh tiếng động, còn một bên là sự im lặng yên tĩnh, The Sound of Silence là lời tự nhủ, nhắn gửi cho chính mình, khi con người cô đơn chỉ còn bóng tối làm bạn. Trong đêm khuya, sự im lặng tạo ra tiếng vọng âm thầm, và dường như ta chỉ nghe được tiếng động thầm lặng ấy không phải bằng trí óc mà là bằng trái tim.
Theo RFI