Lầm” hay “nhầm” đều có nghĩa là sai, không đúng. Theo thiển ý, câu tục ngữ sau đây vừa định nghĩa chữ “lầm” chuẩn nhất lại
vừa chứng minh cụ thể hết chỗ chê: “Râu ông nọ, cắm cằm bà kia.”
Mức độ “lầm” nặng hay nhẹ, nghiêm trọng hoặc “qua loa rờ măng” cũng tùy từng trường hợp, nhiều khi tùy cả thời gian lẫn
không gian. Bởi thế các cụ mình vẫn nói: “Chẳng cái lầm nào giống cái lầm nào” và “Lầm một li, đi một dặm.” Ấy đấy, có “cái
lầm” tưởng rằng ghê gớm lắm, nhưng thật ra chỉ là “chuyện nhỏ”; ngược lại, có “cái lầm” thoạt xét, chỉ xem như “nhẹ tựa tơ
hồng,” nào dè “chết người như chơi.” Trên cõi đời này, có nhiều chứng minh cụ thể về “lầm” lắm, kể không xiết; nay vì trang
báo có hạn, tôi chỉ mạn phép lai rai về hai trường hợp điển hình dưới đây mà thôi:
Nhầm súng nọ với súng kia
Súng ống là dụng cụ giết người. Không thiếu trẻ con thấy súng... của bố, ngỡ đồ chơi, cứ “vô tư” chĩa thẳng vào mặt thằng em
hay vào ngực bà chị của mình mà bóp cò. Đoàng! Nạn nhân chết không kịp ngáp. Đừng nói chi con nít con nôi, miệng còn hôi
mùi sữa mới “lầm” giết người như vậy, đến như cảnh sát, giới chuyên môn xài súng, đeo súng lủng lẳng bên hông quanh năm
suốt tháng, vậy mà vẫn “lầm,” ấy mới mỉa mai.
Số là Robert Bates, 73 tuổi đời, 47 tuổi nghề trong ngành cảnh sát ở Oklahoma, hôm 2-4-2015 đã đuổi theo một nghi can 44
tuổi tên là Eric Harris. Trong một đoạn phim video do một đồng nghiệp của Bates thâu hình, dư luận chứng kiến cảnh một
người chạy trước, một kẻ rượt phía sau y chang như hai đương sự đang chơi trò mèo bắt chuột. Chợt Bates từ phía sau rút
súng bắn thẳng vào lưng Harris. Một tiếng súng vang lên. Khi Haris ngã xuống, Bates liền phóng lên ngồi trên lưng, lại như thể
hai đứa trẻ chơi trò... cưỡi ngựa. Thế nhưng, Bates gần như đồng thời bỗng la lên - không phải tiếng reo hò chiến thắng
nhưng là tiếng than ai oán: “Tôi đã bắn... thật anh ta rồi. Tôi... tôi... xin lỗi!”
Thì ra lúc đó Bates mới tự khám phá ra mình đã... lầm, thay vì rút súng điện với công dụng làm tê liệt nghi can trong một thời
gian ngắn, nghĩa là vô hiệu hóa mọi phản ứng của đối phương hầu tóm cổ dễ dàng, nào ngờ anh đã rút khẩu súng lục và bắn
đạn thật.
“I....m... sor...ry....!” thì kẻ lãnh đạn đã trút hơi thở cuối cùng. Tiếng “sorry” của viên cảnh sát gạo cội Bates này có nghĩa là “Tôi
lầm cha nó rồi, thay vì rút súng này tôi lại rút súng kia.” Biện lý địa hạt Tulsa County buộc Bates tội ngộ sát bậc hai với án nghị
“bóc lịch” 4 năm mà thôi. Đặt trường hợp “ba tòa quan lớn” sẽ “nhất trí” đề nghị của công tố viên thì xét ra bản án này cũng
tương đối nhẹ và rẻ; 4 năm phù du để trả giá cho một hành động “lầm,” gây cho một mạng người... đi đời nhà ma.
Suy đi nghĩ lại cũng thấy lạ, ừ thì cứ tạm đồng ý việc một người cảnh sát thiện nghệ như Bates vẫn có thể rút súng lầm, nhưng
tại sao không phản tỉnh mau chóng sau khi đã cầm súng trong tay tối thiểu cả 3, 4 phút mà vẫn không nhận ra được sự “lầm”
của mình?
Nói “thiện nghệ” là bởi Bates gốc gác thuộc ngành bảo hiểm nhưng đã tình nguyện làm “cớm chìm” tại Tulsa. Thông thường
giới-súng-ống như nhà binh và những ngành bán quân sự vẫn được huấn luyện rất kỹ việc sử dụng vũ khí, thành thạo đến độ
bịt mắt mà vẫn tháo ráp ngon lành hầu hết các loại súng cá nhân. Châm ngôn của giới này được kẽ thành chữ vàng, đóng
trong khung son: “Súng là vợ!” Chẳng thế mà dường như lúc nào họ cũng mang “vợ” kè kè bên mình kể cả những lúc ngủ, khi
ăn... để rồi tay không ngừng sờ “vợ,” mó “vợ,” mân mê “vợ”... Như vậy làm sao không thuộc nằm lòng mọi đặc điểm từ “ngoại
thất” đến “nội thất” của “vợ.” Bất cứ một quân nhân hay cảnh sát viên nào cũng có thể xác quyết rằng “vợ” mình, mình chỉ cần
thoáng phớt qua là đã nhận ra liền; ngược lại nếu “đụng” phải “vợ” của thằng khác, mình cũng biết ngay lập tức, sức mấy lẫn.
Bởi các lẽ đó, trong nhiều trường hợp người ta bảo, chớ tơ lơ mơ với súng, đừng táy máy vào súng, nhất là súng của thiên hạ,
vì nhiều khẩu “súng có hồn” hay “súng có ma” nên súng biết... trả thù. Cũng có lời đồn, chẳng hạn một khi chủ nhân súng
không biết “xử đẹp” với “vợ-súng” của mình, nghĩa là khiếm khuyết trách nhiệm chăm sóc, chẳng chịu “nâng như nâng trứng,
hứng như hứng hoa,” thiếu bổn phận lau chùi “vợ” cho sạch sẽ... ắt “vợ” sẽ gây ra tai họa để “ăn miếng trả miếng” mà cụ thể
nhất là khiến chủ nhân sử dụng “lầm” súng hoặc bỗng dưng “đoàng” một phát, đưa một nạn nhân vô tội về nơi chín suối, trong
khi chủ nhân của súng vào tù mà vẫn không hiểu lý do tại sao mình lại có thể... “lầm”!
Phải chăng đó chính là trường hợp của “cớm chìm” Robert Bates?
Mua xe lầm...
Trong thị trường xe hơi bên Mỹ có một câu quảng cáo vừa thoáng nghe đã thấy “ấn tượng” lại vừa có cảm giác... nổi da gà:
“Lấy vợ lầm không bằng mua xe lầm.” Câu này có hai mệnh đề - vế 1: “Lấy vợ lầm;” vế 2: “Mua xe lầm.” Nói tổng quát, sự
“lầm” trong cả hai vế đều đưa đến hệ quả “toi mạng” dễ như chơi; tuy vậy trong khi vấn đề thứ nhất quả thật quá ư quan trọng
đối với bất kỳ gã mày râu nào; còn vấn đề hai chỉ ảnh hưởng nặng nề đến các thành phần đực rựa thuộc giai cấp xã hội từ
“thường thường bậc trung” trở xuống; bởi phe rủng rỉnh tiền bạc thì họ vẫn thường thay xe như thay áo.
Thế nhưng ở đây, với giấy trắng mực đen lại giữa thanh thiên bạch nhật, bố bảo kẻ hèn này cũng không dám lạm bàn về “sự
cố” 1: “Lấy vợ lầm” - vì không muốn bị hệ lụy “khăn gói quả mướp” ra khỏi căn nhà đang ở - cho dù không thiếu những nạn
nhân đàn ông vẫn từng cất cao giọng ai oán mà than một câu ca rất phổ thông mặc dù nội dung mang tính vô nhân đạo và bất
nghì bất nghĩa: “Đời của một nam tử có hai ngày vui nhất trần gian: Ngày cưới vợ và ngày vợ chết.”
Ngoài ra câu quảng cáo “lấy vợ lầm không bằng mua xe lầm” mà thiên hạ mọi giới vẫn ngày ngày nghe... quen quen ở Hoa Kỳ,
một đất nước vốn được xưng tụng là tự do và bình đẳng vào bậc nhất thế giới, nhưng lại rõ ràng mang tính kỳ thị giới tính. Thử
đặt trường hợp bây giờ một phụ nữ kiện giới bán xe hơi ra trước vành móng ngựa với hai nguyên nhân: Thứ nhất, bộ khinh nữ
giới nghèo mạt rệp đến độ chẳng bao giờ mua “xế hộp” hay sao; mà một khi đã mua, ắt có “lầm,” không đáng tội nghiệp sao?
Thứ hai, bộ “lấy chồng lầm” không chết cả một đời hoa à? Hãy thử nghĩ xem, “ngày xưa anh hứa yêu em; mà nay anh lại lèm
nhèm với (những) ai?” hoặc: “Ngày xưa anh giống thày tu; nhưng giờ anh thật vũ phu kinh hồn!” và nữa: “Trước đây anh khỏe
như voi; sao nay anh giống như thòi lòi đứt đuôi?”... Đấy, so sánh giữa việc “lấy vợ lầm” với “lấy chồng lầm,” hẳn chưa chắc hệ
quả của bên nào ăn đứt bên nào hầu có thể kết luận dứt khóat ai thảm hơn ai?.
Vâng, các thí dụ kể trên vốn đã được “cầu chứng tại tòa” đều rất hùng hồn, rất hữu lý đến độ nam giới bất khả chống đối. Vậy
trong khi chờ đợi giới thương mại xe hơi biết ăn năn hối cải, tự sửa đổi câu quảng cáo sao cho công bình để cả hai bên đều
phải công nhận là “lấy vợ nhầm” cũng chẳng khác gì sa vào hỏa ngục trần gian mà “lấy chồng nhầm” cũng y chang sớm “tiêu
diêu miền cực khổ”...
Riêng ở đây kẻ hèn này chỉ mạn phép lai rai về cái sự “mua xe lầm” mà thôi, bởi bản thân cũng đã từng đôi ba lần sống dở
chết dở với cái sự “lầm” vĩ đại này. Thông thường, “bị một cái vái đến già” hay như “vai chính” trong một câu đối cổ: ”Con cóc
leo cây vọng cách, rơi xuống cái cọc thì cạch đến già.” (Vọng cách là một loại cây nhỏ, lá mỏng, nhiều hoa màu lục nhạt, có
sức sống mãnh liệt, “thứ nhất tường vi, thứ nhì vọng cách.” Ngoài là loại cây cảnh, vọng cách còn là thứ cây chữa bệnh hay
làm gia vị).
Trong khi đó, cá nhân tôi đã hơn ba lần “mua xe lầm” mà vẫn chứng nào tật nấy; đã “bất quá tam ba bận” mà vẫn không biết rút
kinh nghiệm hầu cạch tới... chết, trái lại vẫn “thí mạng cùi” trong sự “lầm” để rồi tiếp tục “từ chết đến bị thương.” Tuy nhiên, xin
“thành khẩn khai báo” rằng kẻ hèn này nói vậy nhưng không phải cố tình muốn vậy, chẳng hề dám muốn làm cho ra cái vẻ
mình “ngầu” hoặc “điếc không sợ súng,” nhưng thật tình chỉ vì “yếu địa” nên cứ hết “lầm” này lại tiếp “lầm” khác - “lầm” có ý
thức; “lầm” tình nguyện - bởi nếu “giầu địa” và “job thơm” thì sức mấy “mua xe lầm.” Cứ xe nào cáo chỉ, cáo cạnh; xe nào mới
ra lò, mó vào là bỏng tay... thì ông “vác” về mau lẹ sau khi đã” anh dũng ký tấm ngân phiếu với trọn tổng số tiền mua. Đã được
đi xe “xịn,” phổng mũi, êm mông, lại còn được hãng bảo đảm miễn phí các mục phục vụ lẻ tẻ như thay nhớt, rửa xe, kiểm soát
thắng, điều chỉnh bánh xe, tay lái... Ừ thì cứ thẳng thắn công nhận rằng ở thế gian ô trọc này, chẳng có lãnh vực nào lại toàn
thiện, không hề có sứt mẻ, bởi thế ta cũng có thể tạm gọi là “lầm” hầu “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa” với định lý vừa kể
trên, nghĩa là ta cũng vẫn bị mua “lầm” xe mới theo ý thích, bởi vì sau khi đã chọn hiệu xe này lại thấy tiếc hiệu kia. Vậy đổi xe
khác mấy hồi. Chuyện nhỏ! Lại được xế mới khác tức thì. Sự “lầm” này không gây đau, gây mê, trái lại nhiều khi lại làm cho
người lầm... “sướng mé dìu hiu.”
Thế nhưng điểm chính yếu trong chủ đề “lấy vợ lầm không thiệt hại bằng mua xe lầm,” ấy là trường hợp liên quan đến xế cũ.
Nói mà không sợ tội, xe cũ chẳng khác gì thân xác gái đĩ về già. Cả hai thứ này đều “thi đua” đổ bệnh liên miên, bất ngờ, lây
lan từ bộ phận này sang cơ quan khác. Chữa không kịp, ngăn chẳng nổi. Lắm chiếc xe, bề ngoài nhìn còn láng; “mặt bằng”
còn bắt mắt. Ấy vậy mà khi leo lên, mở máy thì động cơ cũng nổ liền, khá êm, nghe cũng đã con ráy... nhưng vừa gài số, đưa
chân đạp nhè nhẹ vào bàn ga thì lập tức xe hộc lên... ực... ực... rồi “nằm chết như mơ.” Rồi nào thắng, ống nhún, nào hộp số,
hệ thống xăng, nhớt... Đau nữa là mới chỉ chạy được hai, ba chục “mai” thì xe đã đòi nằm ụ một chỗ hoăc đình công khi đang
phóng trên “freeway”....
Mà thôi, xin miễn “phát ngôn” nữa kẻo lại “đau lòng con quốc quốc” - mà có bực tức chửi “thằng dealer” đã ba xạo hay nguyền
rủa cái xe thì cũng chỉ “mỏi miệng cái gia gia.” Dù sao cũng bởi thân phận mình, ít “địa” thì rán chịu cảnh “lạnh lùng sương
gió.” Thế nhưng cao điểm nhất của “trận chiến” vẫn muôn đời là cuộc đối đầu với vợ. Dại mồm mà nói anh lỡ “mua xe lầm” thì
cứ gọi là “chết cửa tứ” với bà í, sẽ lại được tha hồ nghe giảng về “luân lý giáo khoa thư” trọn bộ đồng thời phụ họa với “đủ
món ăn chơi” của nền “bình dân giáo dục.” Hơn lúc nào hết giây phú ấy mới thật sự là thấm thía thứ “chân lý thị trường” hiện
đại: “Lấy vợ lầm không bằng mua xe lầm” - đến độ nguyện vọng tức thời lúc đó là phép lạ xảy ra để làm sao đảo ngược được
hai mệnh đề của “danh ngôn” trên: “Mua xe lầm không bằng lấy vợ lầm” - hoặc đặt hai vế này song song nhau: “Lấy vợ lầm”
cũng thê thảm y chang “mua xe lầm.” Mặt nào cũng rất chí lý, cũng khiến cho một tên đàn ông “thường thường bậc trung” về
mọi phương diện phải... rơi lệ!
HOÀI MỸ