Bà Hà Thị Cầu đã ở vậy nuôi con trai và con gáiNghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình hôm 3/3.
Bà Cầu tên thật là Hà Thị Năm, nhưng được gọi theo tên con trai cả.
Bà sinh năm 1928 và theo nghề hát xẩm khi mới lên tám tuổi.
Nghệ sỹ học trò Mai Tuyết Hoa được báo trong nước dẫn lời nói bà Cầu ra đi lúc 12h35 trưa 3/3 và đã nằm "bất động và cấm khẩu" vài tuần trước.
Bà Hoa nói với BBC sau khi tới viếng người truyền nghề cho bà hôm 4/3 rằng tang lễ sẽ diễn ra vào 9h30 sáng 5/4 và nói thêm:
"Khi tôi vừa về đến đây thì thấy rằng có rất nhiều người đến viếng cụ, có rất nhiều vòng hoa ở đây rồi, bà con lối xóm cũng đang ở đây rất đông.
"Xung quanh thì có cả con trai cụ, con dâu cụ, con gái cụ, con rể cụ và có cả một chị mà ngày trước khi mà đói quá cụ cho đi thì cũng đã tìm về chịu tang cụ.
Học trò của của bà Cầu cũng nói gia đình cho bật các băng đĩa bà hát trong tang lễ và cũng có ban nhạc hiếu tới chơi những bài bà yêu thích.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải nói với BBC từ Paris rằng bà Cầu là một "báu vật" trong khi tại Việt Nam bà cũng được vinh danh là 'nghệ nhân dân gian' và 'nghệ sỹ ưu tú'.
Ông Hải cũng nói bản thân loại hình hát xẩm, vốn được xem là đã làm nảy sinh ra nhiều điệu hát trong hát chèo, quan họ và ca trù, "xứng đáng được vinh danh là văn hóa phi vật thể trong tương lai."
Nhà nghiên cứu đã từng được bà Hà Thị Cầu hát cho nghe bài 'Thiên Ân' và nói ông rất xúc động vì giọng hát và tiếng đàn "đặt biệt" của bà.
'Bảy con còn ba'Trong một phim tài liệu mang tên 'Xẩm Đỏ' của đạo diễn Lương Đình Dũng có trên YouTube, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã kể về cuộc đời hát xẩm của bà, người theo cha mẹ đi hát xẩm từ khi lên 8 tuổi.
Theo lời kể, sau khi cha mất, bà cùng mẹ đi hát và gặp 'trùm xẩm' Chánh Trương Mậu, tức Nguyễn Văn Mậu, và bà đã bị ông trùm 49 tuổi "bỏ bùa mê" khiến bà thành vợ lẽ của ông khi mới 16 tuổi.
Nghệ nhân xẩm nói trong video:
"Bà cả cũng rượu, ông cũng rượu, tôi cũng rượu.
"Không có vấn đề gì cả...cứ ba vợ chồng ba cái chén [to]. Rượu ngày xưa rượu ngon, không phải rượu như bây giờ, một phần rượu ba phần nước lã, uống chả thấy gì cả."
Khi được hỏi bà cũng kể thêm về mối tình tay ba:
"Mình ông ấy một giường, hai chị em một giường.
"Còn ông ấy thích bà nào thì lúc đó mình còn ít tuổi, ngủ mệt, sang với bà cả thì sang mà không thì nháy bà cả, bấu sang giường ông ấy.
"Lấy ông ấy từ thuở 16, 17 đẻ, 19 đẻ, 24 đẻ, đẻ bảy bận."
Tuy nhiên bốn người con của bà đã bị bệnh đậu mùa cướp đi chỉ còn ba, hai người con gái, một con trai.
Nhưng cảnh nghèo khó cũng đã buộc bà phải cho đi một người con gái.
'Phận đàn bà'Vẫn trong video 'Xẩm Đỏ', bà cũng nói về lý do bà ở vậy nuôi con cho dù chồng ba qua đời khi bà chưa tới 40.
"Bốn, năm người hỏi mà thương con, trai có, gái có, lấy chồng thì để cái người người ta biết nghĩ thì chớ, không biết nghĩ người ta đánh đập con.
"Mình có đi hát hay là đi chợ búa gì, người ta đánh con... thôi thì cố tình mà ở vậy."
Những gian truân trong cuộc đời khiến bà hát rất da diết về tình mẫu tử và về thân phận người phụ nữ.
Trong một những đoạn xẩm được ghi lại, bà hát về "phận đàn bà":
"Vất vả xa vần
"Ai vò mà rối
"Ai giần mà đau
"Một mình đứng tủi ngồi sầu
"Than thân rằng chả bạc rầu với hoa
"Thương thay chút phận đàn bà."
'Đầy tính lạc quan'Mặc dù cả đời sống trong cảnh nghèo khó, bà Hà Thị Cầu dường như vẫn giữ được sự lạc quan và yêu đời.
Học trò của bà từ 15 năm nay, nghệ sỹ Tuyết Hoa nói:
"Đối với tôi thì ngay lần đầu tiên tiếp xúc với cụ thì đã thấy một sự rất gần gũi đáng yêu ở cụ rồi.
"Và đúng như những gì cụ sống với nghệ thuật hát xẩm, sống với nó từ bé cho đến tận bây giờ gắn bó với nghệ thuật hát xẩm thì con người của cụ đầy chất xẩm.
"Kể trong khi hát đàn, ứng tác, kể cả trong cuộc sống bình thường hàng ngày, cái cách cụ giao tiếp hàng ngày với mọi người cũng đầy chất xẩm.
"Lần này và lần trước tôi có về khi biết tin cụ ốm thì không còn được sự đón chào của cụ như là những lần trước tôi về khi cụ còn khỏe." "Chưa vào đến nhà, chỉ cần gọi 'bu ơi' bu đã biết là ai và hay trêu tôi.
"Vào đến sân cái chào đầu tiên của bu là cái mắng yêu là 'cha bố mày bây giờ mới về', rồi bu véo, cấu véo vào người mình rất là đáng yêu và rất là hóm hỉnh, dí dỏm.
"Đấy là cái điều thân thương nhất ở cụ mà tôi thấy cần phải học, cả cái tính lạc quan ở nơi cụ, rất là khổ, rất là gian truân nhưng đầy tính lạc quan ở đó."
Người chọn nghề hát xẩm cũng nói loại hình nghệ thuật này sẽ vẫn có đất sống trong những năm tới đây.
"Người nghệ sỹ hát xẩm là Hát xẩm là hát cho mình, hát cho đời và hát cho mọi người, kể về những hoàn cảnh, những thân phận, những câu chuyện trong cuộc đời này.
" Và [xẩm] rất dễ nghe, dễ hiểu, ca từ thì rất dễ thuộc và rất là bình dân, phù hợp với mọi đối tượng, mọi tầng lớp, ai cũng có thể nghe."
'Báu vật sống'Nhà nghiên cứu Trần Quang Hải nói cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị "mất đi" trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian.
Ông nói hát xẩm bị coi là "hạ cấp" và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường.
Ông Hải nói ông thấy "bức xúc" khi một "báu vật sống" như bà Hà Thị Cầu đã không được quan tâm tới.
Nhà nghiên cứu nhạc dân tộc Châu Á nói hát xẩm rất phù hợp cho trai gái hát đối đáp và cho giới sinh viên vì tính ngẫu hứng và dễ hát.
Ông cũng nói cần phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc của hát xẩm và đưa ra một ví dụ cho thấy sự cần thiết phải làm như vậy:
"Nghệ sỹ nhân dân Bạch Tuyết, người chuyên hát cải lương ở miền Nam, có lần gặp được bà Hà Thị Cầu và nghe được và giật mình nói 'Đây chính là nguồn gốc của nhạc đàn ca tài tử ở miền Nam' tại vì nó có những cách hát, cách luyến láy có thể phát sinh ra từ ở trong hát xẩm có thể đi vào trong những loại hát dân gian ở miền Trung và miền Nam sau này.
"Tôi thấy cái đó nếu mình chịu nghiên cứu thì sẽ là đề tài rất là quan trọng và thú vị cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam."
Source: BBC