Bà Christina Noble và trẻ em Việt Nam.
www.cncf.orgLiên quan đến Việt Nam, Le Figaro có bài viết về "Christina Noble, « Mama » của Thành phố Hồ Chí Minh". Người phụ nữ Ireland là nhân vật chính trong một bộ phim của Steven Bradley dựa trên cuộc đời thực của bà, hiện đang chiếu tại Pháp, đã « trả thù » tuổi thơ cơ cực của mình qua việc xây dựng mái ấm cho trẻ em Việt Nam và Mông Cổ.
Khi đến Việt Nam – một đất nước mà trước đây bà còn không biết nằm ở đâu trên bản đồ thế giới – Christina Noble không có mục đích gì, và cũng không ngờ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi từ đây.
Đó là năm 1989, khi đang đi lang thang trong tiếng còi xe gắn máy inh tai và những tiếng động quen thuộc của đường phố, bà bắt gặp hai em bé gái đang bới rác. Ánh mắt của một em khiến bà thảng thốt. Noble kể lại : « Tôi thấy trong đôi mắt của bé gái này sự sợ hãi và nỗi xấu hổ, mà tôi từng biết quá rõ. Những kỷ niệm của một tuổi thơ nhọc nhằn ùa về, nhấn chìm tôi như một làn sóng ».
Dublin, năm 1955, một ngày mưa tầm tã. Người mẹ của Christina Noble qua đời, và mang theo với bà những kỷ niệm thơ ấu hạnh phúc của con gái nhỏ. Cô bé Christina trải qua những ngày đói khổ, bên những người thân bủn xỉn, chỉ lo bán đồ đạc của gia đình để uống rượu thay vì chăm sóc những đứa trẻ mồ côi mẹ.
Christina bỏ học đến hát rong kiếm ăn trên đường phố cùng với năm anh chị em của mình. Nhưng sau đó mấy anh em bị chia cách, đưa về các cô nhi viện khác nhau. Christina được đưa đến Connemara, vùng đất hẻo lánh như Xibêri. Đến năm 16 tuổi, quay lại Dublin, vô gia cư và sống với những việc làm tạm bợ, cô gái đã tự tử và được đưa vào bệnh viện tâm thần.
...Những nỗ lực của Christina chăm sóc trẻ bụi đời Việt Nam dần dần đơm hoa kết trái. Giám đốc một cô nhi viện Việt Nam tin cậy nơi bà, chính quyền cấp visa lao động, và một công ty dầu khí tài trợ cho dự án thành lập một trung tâm y tế xã hội với số tiền ban đầu 10.000 đô la.
Quỹ trẻ em Christina Noble ra đời, và trong vòng hai mươi năm đã giúp được 600.000 trẻ bụi đời ở Việt Nam và Mông Cổ tìm được một mái ấm, được chăm sóc y tế, được học hành và dạy nghề. Trở thành « Mama Tina » của các trẻ em bất hạnh, Christina vẫn quan niệm : « Dù chúng ta có gặp bi kịch như thế nào, khi chưa tha thứ thì ta vẫn chưa được tự do ».
Theo RFI