Đi vào đi ra, lụp cụp lạc cạc, tằng hắng ho hen… suốt đêm làm cho cả nhà không ai ngủ được. Trong nhà có ông bà, cha mẹ già hay gặp cảnh này.
Câu hỏi đặt ra là vì sao người già dễ bị mất ngủ? Phần chính là do tâm thần bất an, nhiều điều lo lằng, nhiều nỗi sợ hãi, nhiều nỗi muộn phiền. Cũng có thể vì bệnh đường hô hấp như phổi tắt nghẽn mãn tính do hút thuốc lá lâu năm, do giãn phế quản, do đau nhức khớp xương, loãng xương, do thoái hóa khớp, do u tiền liệt tuyến…
Chuyện kể bà vợ thấy ông chồng già của mình trằn trọc suốt đêm, lăn qua lộn lại không ngủ được bèn hỏi tại sao, ông chồng bảo ông mắc nợ anh John hàng xóm một số tiền lớn hẹn mai trả mà bây giờ không còn một xu dính túi. Bà vợ tức khắc choàng dậy, bước ra ngoài gọi điện cho ông John bảo “Chồng tôi hẹn anh mai trả nợ nhưng bây giờ không có một xu dính túi!” Nói xong, bà quay vào bảo chồng: “Rồi, anh ngủ được rồi đó. Bây giờ là lúc để cho anh John trằn trọc!”
Nhiều thứ thuốc chữa bệnh cũng gây mất ngủ. Mà người già thì ham uống thuốc lắm. Hết thuốc tây tới thuốc ta, thuốc nam thuốc bắc. Ai bày vẽ gì cũng nghe, cũng thử. Đó là chưa kể rượu, trà, cà phê, thuốc lá…!
Đi xa, cảnh lạ, thường làm người già mất ngủ, trằn trọc vì khó thích nghi. Để dễ ngủ, nên ngủ ở một nơi riêng, với chăn với mền gối dài gối ngắn quen thuộc của mình. Nên nằm trên nền cứng (nệm cứng, ván gỗ) sẽ đỡ đau lưng, đỡ nhức xương. Tránh tiếng ồn. Ánh sáng vừa đủ tối để các hormone “ngủ” hoạt động. Quen với một giờ ngủ nhất định thì tốt. Đến giờ đó thì mắt ríu lại. Khi “buồn ngủ” thì đi ngủ ngay. Đừng ráng. Qua cơn khó mà dỗ lại! Tiếng Việt ta thiệt hay. Không nói “mắc ngủ” mà nói “buồn ngủ”? Vì buồn mới dễ ngủ. Vui khó ngủ. Vui là kích thích, là hào hứng, là rộn rả. Buồn, mọi thứ xìu xuống. Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ thể rơi vào trạng thái “buồn buồn”.
Thực ra, “mất ngủ” không đáng lo bằng “sợ mất ngủ”! Cái sự “sợ” đó mới gây… mất ngủ. Sợ làm căng thẳng thần kinh, căng cứng cơ bắp, thở cà giật… gây mất ngủ. Bình thường cơ thể ta tự biết điều chỉnh. Có cơ chế “ngủ bù”, không lo. “Ngủ” cần cho người già như “sạc pin” vậy. Già thì pin khô, chai, sạc phải lâu hơn, sạc phải nhiều lần hơn. Mỗi đêm nên ngủ đủ, trung bình 7-9 tiếng đồng hồ. Trưa cũng cần ngủ một chút, thậm chí nằm thư giản, nhắm mắt, thở bụng, lim dim một chút cũng rất tốt. Giấu cái đồng hồ đi. Đồng hồ “sinh học” mới quý, mỗi người mỗi khác. Không cần dòm, không cần nghe cái đồng hồ tíc tắc nhắc hoài đó nữa. Nó cứ như giục giã, cằn nhằn, xỉ vả ta! Đồng hồ chẳng qua người ta bày ra coi chơi chớ không phải là thời gian thiệt. Thời gian thiệt ở trong… tâm. Ta biết có khi thời gian trôi quá nhanh (coi một trận banh hay), có khi thời gian trôi quá chậm (đợi bạn) là vậy!
Có điều gi cần “lên kế hoạch” thì nên viết ra giấy trước khi đi ngủ để đỡ mất công “ráng nhớ”. Vì ráng luôn làm căng thẳng. Vận động thể lực nhẹ một chút cũng hay. Vận động nhẹ thôi. Đừng lao lực. Tắm nước ấm để trôi hết mồ hôi mồ kê trong ngày cũng rất tốt, làm dễ ngủ.
Có một “nghệ thuật ngủ” nên áp dụng: cơ thể ta gồm có 2 phần, thân xác và thân hơi! “Nghệ thuật” ngủ ở đây là làm sao tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Ta buông xả toàn bộ thân xác, làm cho nó xẹp lép, hết căng. Khi “thân xác” đã xẹp lép như vậy rồi thì tập trung chú ý tới “thân hơi”, tức là hơi thở của ta. Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, không cần ráng sức điều hoà hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố thì còn căng, không gọi là buông xả đựơc! Cứ để “thân hơi” tự nhiên vào ra, chỉ tiếp tục quan sát, dõi theo nó một lúc ta rơi vào…giấc ngủ lúc nào không hay! Ta thường dễ bị tràn ngập bởi những ý tưởng này nọ, những tính toán, những giận hờn, những âu lo… làm ta sôi lên. Mà đã sôi lên thì có trời mới ngủ đựơc! Nếu ta tập trung theo dõi xem “thân hơi” đang xì xọp ra sao, nhanh chậm, nhiều ít ra sao ta sẽ cắt đứt được dòng nghĩ tưởng. Thần kinh của ta trong cùng một lúc không thể nghĩ đến hai việc. Đã nghĩ việc này thì quên việc kia. Mà đã quên thì hết căng, hết căng thì xìu, xìu thì… buồn, buồn thì… ngủ!
BS Đỗ Hồng Ngọc