Ngày 5/6/2015, một bản Hiến chương của các nhà hoạt động vì dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam đã ra đời. Đây có thể coi là bước ngoặt trong hoạt động đấu tranh ở quốc nội.
Mục đích của bản Hiến chương 2015 này nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và trách nhiệm đối với những người cùng dấn thân khác. Bản Hiến chương đã khái quát tình hình đấu tranh dân chủ nhân quyền tại Việt Nam “có nhiều chuyển biến tích cực và nhanh chóng” và cũng nhìn nhận thấy sự trấn áp, chia rẽ từ phía chính quyền.
Thêm vào đó, nguyên nhân sâu xa dẫn đến ra đời bản Hiến chương này vào đúng ngày hôm nay, theo lời dẫn công khai của những người ký tên, xuất phát từ thời điểm 5/6/2011 – ngày hàng ngàn người dân ở Hà Nội và Sài Gòn xuống đường biểu tình chống Trung Cộng. Cho đến nay, nhiều người bị công an, mật vụ theo dõi, giám sát, sách nhiễu đến vu khống, bôi nhọ, hành hung và bắt bớ tùy tiện, thậm chí bỏ tù.
Do đó, bản Hiến chương ra đời thể đã thể hiện rõ nét sự liên kết, gắn bó của các nhà hoạt động trước sự trấn áp, gây chia rẽ của chính quyền. Lần đầu tiên tại Việt Nam, giới hoạt động vì dân chủ - nhân quyền cùng đứng tên trong một văn bản giống như lời tuyên thệ của những chàng lính ngự lâm pháo thủ - “một người vì mọi người, mọi người vì một người”.
Đây là bước phát triển của phong trào dân chủ, mang tính quy củ hơn, bền vững và gắn kết chặt chẽ hơn. Văn bản đã liệt kê cụ thể từng trường hợp giới đấu tranh bị trấn áp, triệt hạ, để từ đó có những đối sách tương trợ lẫn nhau và duy trì tinh thần đoàn kết.
Bản Hiến chương xác quyết rằng: “Chúng tôi thực hiện các nghĩa vụ này trong tinh thần đoàn kết, tương trợ và phi bạo lực” – ngắn gọn, đầy ý nghĩa và đượm tính nhân văn.
Bên cạnh đó, văn bản này cũng ghi nhận phạm vi vận dụng rất cụ thể “đối với những người ký tên trong Hiến chương và bị trấn áp vì các hoạt động chính trị-xã hội ôn hòa và đúng mục đích dân chủ, nhân quyền”. Điều này khuyến khích đông đảo giới hoạt động cùng công khai tham gia và đúng mục đích vì dân chủ - nhân quyền, bởi đây là sự bảo vệ của toàn giới đấu tranh trong nước dành cho từng cá nhân tham gia.
Theo dự kiến, sẽ có hàng trăm người cùng ký vào bản Hiến chương này. Đặc biệt, trong số những người tham gia có nhiều gương mặt trẻ lứa tuổi đôi mươi, tương lai rộng mở.
Trong tương lai, với bước tiến hiện nay của phong trào dân chủ ở quốc nội, những văn bản dạng này sẽ còn xuất hiện nhiều, nhằm từng bước xác lập vị thế của giới hoạt động trước chính quyền CSVN và trong lòng người dân, cũng như thể hiện sự trưởng thành hơn của phong trào.
SBTN