Diễn viên Daniel Craig trong vai điệp viên 007 - DR
Liệu hãng phim Sony Pictures sẽ tiếp tục được quyền khai thác phim điệp viên 007 ? Đó là câu hỏi mà tờ báo chuyên ngành Variety đã nêu ra trong số báo phát hành gần đây. Nếu điều này xẩy ra, thì đó sẽ là một vố đau thứ nhì trong vòng chưa đầy một năm, vì vào tháng 11 năm 2014, hãng phim Sony đã bị tin tặc đánh cắp dữ liệu, trong đó có bản phác thảo kịch bản bộ phim Spectre, tức là tập phim James Bond thứ 24.
Bản quyền của James Bond hiện đang nằm trong tay của hãng MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) và kể từ năm 2006, MGM đã ký hợp đồng hợp tác với Sony để cùng nhau khai thác thương hiệu này. Tuy nhiên, vào ngày 06 tháng 11 năm 2015, thỏa thuận giữa hai hãng phim MGM và Sony sẽ hết hạn, đúng vào thời điểm tập phim James Bond thứ 24 sẽ được công chiếu tại Hoa Kỳ. Và chưa chắc gì MGM sẽ muốn tiếp tục làm việc với Sony.
Theo tiết lộ của tờ báo US Weekly, tựa như một cuộc bán đấu giá, sự cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Nhân dịp này, MGM có thể thương lượng lại các điều kiện trong hợp đồng, do có rất nhiều hãng phim lớn muốn giành lấy quyền khai thác phim James Bond, cho nên MGM có thể nghiêng về phía công ty nào chịu trả giá cao. Trong số các công ty cạnh tranh với Sony, tập đoàn Warner được xem như là đối thủ đáng gờm nhất. Để chuẩn bị phản công, tập đoàn Sony sẵn sàng chi một khoản tiền kếch sù để giữ quyền làm phim điệp viên 007.
Cũng cần biết rằng kể từ khi MGM và Sony bắt tay hợp tác vào năm 2006, phim James Bond trở thành một trong những thương hiệu hái ra bạc tỷ, thu về rất nhiều lợi nhuận tại rạp hát. Sự kiện nam tài tử Daniel Craig vào vai một điệp viên 007 lầm lì, lực lưỡng nhnưg ít khôi hài hơn, tuy có phần khác với lối mô tả nhân vật trong truyện của Ian Fleming, nhưng lại đem lại một luồng sinh khí nếu không nói là một hơi thở mới cho nhân vật này.
Hợp đồng giữa MGM và Sony đã cho phép James Bond chinh phục lại káhn giả toàn cầu. Thậm chí trong năm 2012, Tử Địa Skyfall do đạo diễn Sam Mendes thực hiện, đã trở thành tập phim thành công nhất trong loạt phim 007, thu về hơn 1 tỷ đô la. Kể từ khi nhân vật này lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh lớn vào năm 1962 (James Bond chống Dr. No), thương hiệu James Bond qua 23 tập phim đã tích lũy được 6 tỷ đô la doanh thu tại các rạp hát toàn cầu. Phim James Bond là đứng hạng thứ ba trong số các thương hiệu ăn khách nhất thế giới, chỉ thua có phù thủy tí hon Harry Potter 7,7 tỷ đô la (hạng nhì) và loạt phim dựa trên các nhân vật từ kho truyện tranh Marvel 8,5 tỷ đô la (hạng nhất).
Về Tương quan lực lượng, thì trong cuộc đối đầu giữa hai tập đoàn Sony và Warner, có thể nói là cho tới giờ này vẫn bất phân thắng bại : Kẻ tám lạng người nửa cân. Phía Warner dường như có hai lợi thế : trước hết là sự thành công vô cùng ngọan mục của ba tập The Hobbit. Nhờ loạt phim này mà đạo diễn Peter Jackson đã thu về 3 tỷ đô la doanh thu cho Warner. Ấy là chưa kể đến một yếu tố quan trọng khác : ngoài đời giám đốc hãng Warner, ông Kevin Tsujihara là bạn thân của người lãnh đạo MGM ông Gary Barber.
Còn về phía Sony, hãng này có thể tự hào trong việc áp dụng một bí quyết mới giúp cho nhân vật điệp viên 007 thành công rực rỡ trên màn bạc. Nếu tiếp tục được quyền khai thác, Sony hứa hẹn là sẽ không áp dụng cùng một công thức, mà sẽ cho thấy nhiều khía cạnh khác lạ bất ngờ của James Bond. Nhìn kỹ lại, điệp viên 007 là loạt phim duy nhất bảo đảm cho Sony nhiều lợi nhuận, sau khi thất bại với phiên bản mới (tái khởi động / reboot) của Spider-Man, cũng như các dự án khác như Ghostbusters và RIPD pha trộn thế giới của Men in Black với 21 Jump Street.
Theo RFI